12/09/201616:27

BA MƯƠI NĂM LÝ LUẬN PHÊ BÌNH ÂM NHẠC Ở HỘI ÂM NHẠC TP. HỒ CHÍ MINH

Thế Bảo

 

Tính từ cuối thu Tân Dậu (1981) đến cuối thu Tân Mão (2011) đã ba mươi năm Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh ra đời và phát triển cả số lượng và chất lượng.

Từ con số khoảng một chục nhà nghiên cứu lý luận âm nhạc nay đã có hàng trăm hội viên tham gia lĩnh vực này.

NGHIÊN CỨU LÝ LUẬN SƯU TẦM ÂM NHẠC.

Sau ngày đất nước thống nhất 30-4-1975 ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có 2 trung tâm âm nhạc mang tầm cỡ quốc gia là Viện Âm Nhạc – 2. Trần Quí Khoách và Nhạc Viện Tp. Hồ Chí Minh – 112. Nguyễn Du.

Đến năm 1990 Viện Âm Nhạc chuyển ra Hà Nội chỉ còn Phân viện Âm Nhạc và sau đó là Phân viện Văn hóa Nghệ thuật tại Tp. Hồ Chí Minh.

Do đó về nghiên cứu lý luận sưu tầm âm nhạc, Viện Âm Nhạc Việt Nam và các phân viện sau này chịu trách nhiệm cả nửa nước tính từ Huế Trị Thiên đến mũi Cà Mau. Một vùng đất mới nhiều vấn đề âm nhạc mà trước đây các nhà nghiên cứu sưu tầm âm nhạc ở miền Bắc chỉ có thể nhờ một số bộ đội, cán bộ miền Nam tập kết để tìm hiểu âm nhạc Chăm, Khmer, âm nhạc các dân tộc Tây Nguyên, âm nhạc người Kinh ở Huế Trị Thiên, Nam Trung Bộ, Nam Bộ thì nay có thể trực tiếp đi điền dã và khai thác thoải mái.

Thành tựu lớn lao nhất là việc các cán bộ của Viện Âm nhạc từ 1979 đến năm 1991 đã tìm ra hàng chục bộ đàn đá Khánh Sơn, Bác Ái, Bình Đa, Lộc Ninh, Di Linh, Tuy An. . . trải dài từ duyên hải Nam Trung Bộ đến Tây Nguyên, Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Các nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, Nguyễn Văn Hoa với sự chăm sóc đặc biệt của nhà thơ Lê Giang đã công bố các tuyển tập dân ca Chăm, dân ca Khmer và dân ca Nam Bộ theo địa danh Bến Tre, Hậu Giang, Kiên Giang, Sông Bé. . . Nhạc sĩ Kpa Y Lăng cũng có nhiều chuyếân đi điền dã ở các tỉnh Tây Nguyên và có nhiều ghi chép đáng quí. Đặc biệt nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, con chim đầu đàn trong lĩnh vực nghiên cứu sưu tầm đã xuất bản Hát Ru Người Việt, Thể điệu Hò, 300 điệu Lý quê hương .

Năm 1993 Viện Văn hóa Nghệ thuật tại Tp. Hồ Chí Minh đã xuất bản sách “Thang âm điệu thức trong âm nhạc truyền thống một số dân tộc miền Nam Việt Nam”. Quyển sách đề cập đến thang âm điệu thức những bộ đàn đá, cồng chiêng đến thang âm điệu thức Chăm, Khmer và đặc biệt điệu thức dân ca Nam Bộ và nhạc tài tử Nam Bộ của các nhà lý luận Tô Vũ, Lư Nhất Vũ, Thế Bảo, Nguyễn Văn Hoa, Vũ Hồng Thịnh, Kiều Tấn . . .

Một số công trình khác được công bố ở Nhạc viện Tp. Hồ Chí Minh như “Lòng bản yếu tố mô hình trong âm nhạc truyền thống Việt Nam” của Thế Bảo, “Âm nhạc cung đình Huế” của Trần Kiều Lại Thủy, “Nhạc khí dân tộc Việt” của Võ Thanh Tùng, “Tương đồng và dị biệt giữa nhạc cung đình Huế và Gagakư Nhật Bản” của Văn Thị Minh Hương, “Nghiên cứu về đàn Tranh” của Hải Phượng, “Kỹ thuật ngẫu hứng về sáo trúc trong đệm ngâm thơ” của Lê Thị Thanh Hòa, “ Nhạc lễ Nam bộ” và “Góp phần nghiên cứu đờn ca tài tử Nam Bộ” của Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Trống chiến trong Tuồng” của Trần Thanh Trung, “Tìm hiểu Hát Bội Bình Định” của Nguyễn Thị Nhu Mì. . . và mới đây là “ Suy nghĩ về nhạc luật cổ truyền VN” của Thế Bảo . . . Hội cũng có những tuyển tập tư liệu vô cùng quí giá: “50 năm miền Nam ca hát”, “ Tuyển tập bài hát 30 năm sau ngày đất nước giải phóng”, “Bài ca giải phóng” chủ biên Lư Nhất Vũ. . . Các tập bài hát tuyển in “ Ca khúc vượt thời gian” của Trương Quang Lục có chú thích và lời bình . . .

PHÊ BÌNH ÂM NHẠC

Hàng năm nhiều nhạc sĩ công tác và cộng tác ở các báo đài đã gửi các tập bài báo như các bài viết của Nguyễn Thị Minh Châu khi còn công tác ở Viện Văn hóa Nghệ thuật Tp. Hồ Chí Minh. Nguyễn Thị Minh Châu dựa vào kho tư liệu của Viện, là người đã bình luận sâu sắc về các ca khúc trước giải phóng.

Các tập hợp bài phê bình có tính thời sự của nhà nghiên cứu nhà báo Nguyễn Hữu Trịnh và các bài viết của Vũ Hoàng, Trương Quang Lục, Trần Quang Huy đoạt giải báo chí của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Tuy nhiên phê bình âm nhạc vẫn là khâu yếu nhất ở Hội Âm Nhạc Tp. Hồ Chí Minh .

Chúng ta đều biết, gần như các đầu mối tiêu thụ băng đĩa nhạc và các sản phẩm âm nhạc tập trung ở thành phố Hồ Chí Minh. Các tờ báo ở Thành phố Hồ Chí Minh như: Tuổi trẻ, Thanh niên, Pháp luật, Người Lao động, Công an Tp . Hồ Chí Minh, Phụ nữ Tp. Hồ Chí Minh và nhiều tờ báo của các ngành khác có một lượng độc giả không chỉ ở các tỉnh phía Nam mà cả miền Bắc nữa. Cho nên nếu biết tận dụng thì những bài phê bình âm nhạc có chất lượng cao, có tính chiến đấu nhất định sẽ đóng góp tốt trong việc chấn chỉnh hoặc biểu dương cũng như sẽ hướng dẫn dư luận của quần chúng với các hoạt động âm nhạc đời thường và chuyên nghiệp.

ĐỀ XUẤT

Việc thiếu các nhà phê bình âm nhạc sắc sảo còn có nguyên nhân chưa có đủ những nhạc sĩ chuyên nghiệp ở các báo, đài, Trung tâm văn hóa. . .

Chúng tôi đề nghị Hội Âm nhạc Tp. Hồ Chí Minh đứng ra chủ trì những chuyên đề lớn mời Nhạc Viện, các Viện Nghiên cứu, các báo, đài vì 2 vấn đề:

  1. Phương hướng nghiên cứu, lý luận, sưu tầm ở miền Nam Việt Nam, những thành tựu và những vấn đề nóng hổi cần tiếp tục nghiên cứu.
  2. Đào tạo cấp tốc văn bằng 2 cho các phóng viên, biên tập viên, cán bộ báo, đài, trung tâm văn hóa, trung tâm sản xuất băng đĩa, giao cho Nhạc Viện Tp. Hồ Chí Minh phụ trách. Các đối tượng học văn bằng 2 khi có văn bằng đại học Văn Khoa, Văn hóa quần chúng, hoặc Cao đẳng sẽ học 2 năm chuyên về lý luận phê bình, đặc biệt là chuyên ngành phê bình âm nhạc và sẽ được cấp văn bằng 2 (lý luận phê bình âm nhạc)

Chúng tôi tin rằng với cách làm như thế đến khi Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Hội Âm Nhạc Tp. Hồ Chí Minh chúng ta sẽ có một đội ngũ các nhà phê bình âm nhạc, các nhà nghiên cứu âm nhạc hùng hậu có chuyên môn cao, tính chiến đấu cao góp phần hướng dẫn nâng cao thẩm mỹ âm nhạc cho đông đảo độc giả, người xem, người nghe góp phần định hướng âm nhạc Tp. Hồ Chí Minh cùng âm nhạc cả nước “đi theo con đường” tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Tp. Hồ Chí Minh ngày 11-11-2011.