06/05/202215:55

CẢI TIẾN NHẠC KHÍ DÂN TỘC Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (PHẦN 2)

 

    CẢI TIẾN NHẠC KHÍ DÂN TỘC

    Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 

   ThS.NSƯT. Lê Thị Thanh Hòa

 

 

Cùng xu hướng cải tiến nhạc khí dân tộc còn có nhiều công trình do các nghệ sĩ biểu diễn nhạc khí dân tộc thực hiện. Nghệ sĩ Đức Thành với cây đàn bầu có khả năng kéo dài âm thanh với bộ phận tăng âm; cắt đôi thân đàn và gắn bản lề để có thể gấp lại, bỏ gọn vào hộp rất tiện khi di chuyển. Hoặc, nghiên cứu cải tiến nhạc khí ở mức độ giải quyết các vấn đề kỹ thuật diễn tấu tác phẩm như gắn lại các phím bấm của đàn tỳ bà, đàn nguyệt, chỉnh dây theo thang bình quân đối với đàn tranh, tháo cung vĩ ra khỏi vị trí nằm giữa 2 dây đàn của cây đàn nhị (cò) … và nhất là gắn bộ phận tăng âm (mobil) để có thể diễn tấu theo kiểu nhạc trẻ. Nhiều nhạc khí dân tộc được trở thành đàn “điện hóa” từ mục đích thành lập các nhóm nhạc trẻ, nhạc nhẹ, nhóm ca nhạc dân tộc. Được hình thành vào những năm 81 - 82 của thế kỷ XX ở thành phố Hồ Chí Minh, nhóm nhạc của Đoàn Thanh niên Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, với Nguyễn Hữu Hiền, Trần Bộ, Trần Thanh Trung, Nguyễn Thị Diệu Quang, Nguyễn Thị Bích Thủy, Nguyễn Thị Thanh…, nhóm ca nhạc dân tộc Bách Việt, Phù Sa,… đã mở đầu cho việc sử dụng nhạc khí dân tộc gắn điện biểu diễn các ca khúc mang âm hưởng dân ca, các nhóm ca nhạc dân tộc này đã có lúc phát triển thành một phong trào, làm nhộn nhịp sân khấu ca nhạc nhẹ, nhạc trẻ ở các thành phố lớn. Sau này có thêm những nhóm ca nhạc dân tộc trẻ ra đời như nhóm: Trăng Rằm, Mặt trời đỏ, Mặt trời mới, Cỏ lạ, Giao thời, Trúc Mai, Tre xanh, Hải Đăng v.v…

Ghép nhiều nhạc khí vào chung trên một nhạc khí là ý tưởng của nhiều người. Cách đây 20 năm, trong một lần điền dã thu thập tư liệu cho công trình nghiên cứu Nhạc lễ Nam bộ, chúng tôi đã từng bắt gặp một nhạc công ghép cây đàn guitare hawienne điện được khoét lõm phím với một cái cần dài chìa ra để làm thân một cây đàn bầu. Nhạc khí tiện lợi để người nghệ sĩ dân gian ấy có thể có được trên tay nhiều nhạc khí cùng lúc khi tham gia diễn tấu trong dàn nhạc lễ ở các đám tang, tế. Nhạc khí này cũng giúp nhạc công có thể gọn gàng hành trang để di chuyển, diễn nhiều nơi, mà, theo lối nói của nhạc công là có thể “chạy sô” (show) liên tục ở nhiều điểm diễn khác nhau.

 

Việc ghép nhiều nhạc khí dân tộc lại thành một nhạc khí thể hiện được nhiều tiếng đàn khác nhau… không phải là câu chuyện mới. Từ những năm 80, 90 thế kỷ XX, nhà nghiên cứu Mác Tuyên (Khánh Hòa) cũng đã từng thực hiện cây “Lạc cầm 1”, “Lạc cầm 2”… đến năm 2007, ông cho ra đời cây đàn “Lạc cầm” thứ 15, 16. Ông đã lựa chọn những sắc thái điển hình nhất của đàn tranh, đàn ghi-ta phím lõm, đàn bầu và đàn gõ bằng búa trên dây đàn như pi-a-nô để kết hợp chúng lại trên một nhạc cụ. Ông đã tốn rất nhiều tiền của, thời gian, trí, lực, tâm và sức… cuối cùng, giới âm nhạc cũng không rõ những cây đàn ấy đã “lạc” đâu mất tăm, không để lại dấu vết nào, và cho đến nay, hình như cũng không ai ngoài nhạc sĩ Mác Tuyên sử dụng cây đàn Lạc Cầm. Chuyện ghép nhiều nhạc khí vào chung với nhau cũng là ý tưởng của một công trình cấp cơ sở của nghệ sĩ – giảng viên đại học Thủ Dầu Một (năm 2014) hoặc của một nghệ nhân ở Bến Tre… Ghép nhiều nhạc khí dân tộc vào thành một, lắp đặt thêm bộ phận tăng âm hoặc tìm cách lắp ráp, gấp gọn nhạc khí lại để dễ mang, vác, di chuyển, đáp ứng hoạt động biểu diễn liên tục, cần nhiều âm sắc nhạc khí khác nhau, cần di chuyển liên tục… là việc của các nghệ sĩ. Tuy nhiên điều này không tạo nên một sự phát triển của nhạc khí và càng không mang đến sự phát triển của nền âm nhạc, bởi, với những loại nhạc khí này, người biểu diễn cũng không nâng cao được nghệ thuật diễn tấu nhạc khí, không có một sáng tạo nào về nghệ thuật biểu diễn, và cũng chưa có một tác phẩm nào dành cho loại nhạc khí này!

Đối với cải tiến nhạc khí của các dân tộc thiểu số cũng có thể tóm lại ở khuynh hướng không khác trước: tăng cường âm vực, chuyển đổi cách lên dây theo thang bình quân, gắn điện để khuếch đại âm thanh nhằm diễn tấu các thể loại âm nhạc dân tộc theo cách sân khấu hóa. Với tốc độ toàn cầu hóa, công nghệ hóa và kể cả “internet hóa” các hoạt động nghệ thuật như hiện nay, hiện tượng sân khấu hóa các thể loại âm nhạc dân tộc cùng với việc cải tiến các nhạc khí dân tộc theo hướng như nêu trên là điều không thể ngăn cản. Nhiều nhóm nhạc trẻ, nhạc nhẹ sử dụng nhạc khí của các dân tộc thiểu số đã gắn điện, lên dây theo thang âm bình quân, gọi một cách chung chung là nhóm nhạc dân tộc, biểu diễn ở các khu du lịch đã làm du khách lầm tưởng âm nhạc của các dân tộc thiểu số Việt Nam có thang âm bình quân phương Tây và tiết tấu pop, rock…

Sự du nhập đạo Thiên chúa, Tin Lành vào các tỉnh, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên với rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo cũng tác động không nhỏ đến đời sống văn hóa âm nhạc cổ truyền cũng như xuất hiện những biến đổi, cải tiến nhạc khí. Thanh niên là nhóm người chịu ảnh hưởng nhiều nhất, hiện tượng “độ” chiêng, cải tiến dàn chiêng theo thang âm 12 bán cung bình quân của châu Âu để chơi được nhiều bài bản nhạc nhà thờ đã khá phổ biến. Các nhà thờ Cơ đốc giáo ở tỉnh Kon Tum, thành phố Kon Tum và rất nhiều “giáo xứ” – bản làng quanh thành phố tuần nào cũng có dàn chiêng cải tiến trình tấu trước khi hành lễ, hoặc đệm cho dàn Thánh ca. Nhiều buôn người Ê Đê, Mnông ở Đak Lak cũng xuất hiện hình thức này. Khi được đặt vấn đề về sự tác động, việc phá hỏng âm điệu, thang âm nhạc dân tộc của các dàn chiêng “độ” theo kiểu bình quân thang âm này và nêu việc các dàn chiêng này không thể đánh được những bài ching của dân tộc thì các bạn trẻ chống chế rằng: “những dàn ching “độ” này không phải là dàn chinh có giá trị, không phải ching cổ” v.v…

Còn tiếp...