12/09/201616:09

ĐÀO TẠO... NGƯỜI NGHE – điểm “xuất phát” hay “đích đến” của âm nhạc

  1. Nguyễn Thị Mỹ Liêm

Nhạc viện Tp. Hồ Chí Minh

 

Khoảng hơn mười năm trở lại đây, đời sống âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh (HCM) trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ với sự hiện diện đồng thời, đan xen, trộn lẫn... của hầu hết các thể loại âm nhạc trên thế giới hiện nay. Điều đó cho thấy sự đa dạng, phức tạp của thị hiếu, của đối tượng thưởng thức âm nhạc. Âm nhạc nói chung và âm nhạc thành phố HCM nói riêng đang đứng trước những cơ hội phát triển, nhưng đồng thời cũng đối mặt với những thách thức, đối mặt với sự tấn công vào những giá trị thực của đời sống văn hóa, âm nhạc.

  1. Người nghe, “điểm xuất phát” và “đích đến” của âm nhạc

Âm nhạc ngày nay không chỉ là sáng tạo, biểu diễn, cho thỏa đam mê, vì những giá trị nhân văn... mà còn là mảnh đất màu mỡ cho “sản xuất”, thương mại, là đất “sống” của hàng chục (nếu không nói là hàng trăm) ngành sản xuất, kinh doanh khác nhau. Bởi, cho đến tận cùng, âm nhạc là để thưởng thức, với mục đích là đưa “sản phẩm âm nhạc” đến người nghe thì cũng đồng thời là “đích đến” của sản xuất – kinh doanh, của kinh tế thị trường.

Với sự bùng nổ của thông tin, sức chuyển tải, lan tỏa nhanh đến không biên giới của truyền thông, cộng vào đó là sự phát triển vô hạn của khoa học kỹ thuật... người nghe nhanh chóng được tiếp cận với sản phẩm âm nhạc nhưng chính người nghe cũng chóng chán, thị hiếu thưởng thức dễ thay đổi. Trước đây, một tác phẩm âm nhạc ra đời với nhiều trăn trở, ở lại trong lòng công chúng thật lâu với nhiều cách chiêm nghiệm khác nhau thì nay, nhiều người nghe lại trăn trở vì sự nhàm chán của giai điệu và hời hợt của lời ca... Nhiều người đã quay lưng lại với âm nhạc hiện tại mà thích hát, thích nghe những sáng tác của cuối thế kỷ trước.

Thế nhưng, cũng có những chuyện ngược lại. Một cô học sinh Nhạc viện, đã từng “ghét cay ghét đắng” và “khing bỉ” ra mặt loại âm nhạc thị trường với những âm thanh không giai điệu, những lời ca tình yêu sáo rỗng và nhạt nhẽo pha tạp tiếng Anh...” (như lời cô bé tâm sự) Nhưng rồi vì ở gần bên nhà người ta nghe chính loại nhạc cô ta ghét và khinh ấy, và rồi từ chỗ “bị nghe” cô bé ấy tò mò tìm hiểu và dần dần...”chấp nhận” nó mà bớt “dị ứng” hơn so với trước...

Điều này cho thấy, thói quen cũng đáng lưu ý trong việc tạo thị hiếu.

Ngày trước, trong kinh doanh người ta chạy theo thị hiếu. Ngày nay, người ta sáng tạo những “gout”, những “mod”, những “xu hướng” để hướng người tiêu thụ theo nhà sản xuất. Âm nhạc đã làm điều đó từ rất lâu, người ta đã không thể chấp nhận Bijet và Carmen của ông, người ta la ó khi nghe  của Stravinsky... và nhiều ví dụ khác giống như vậy, nhưng các thế hệ sau lại nghiêng mình thán phục và ca ngợi hết lời những sáng tạo mới đó, và âm nhạc đó đã vang lên không biên giới, không kể đến xu hướng chính trị, vượt cả thời gian...

Như vậy, chúng ta có thể “đào tạo” người nghe, không vì “đích đến” như những nhà kinh doanh, mà vì điểm “xuất phát”, vì chính “con người”. Một lý do khác để chúng ta quan tâm đến người nghe còn vì nghệ thuật âm nhạc, bởi âm nhạc nào cũng cần khán giả. Tiếp sau sự tiếp xúc dần dần là sự yêu thích, có tình cảm với đối với loại âm nhạc đó. Từ yêu thích, tìm hiểu, theo học, làm nghề… và lại tiếp nối như một vòng khép kín: tác phẩm âm nhạc  khán giả (người thưởng thức)  người tìm hiểu, yêu thích  người  học để trở thành người sáng tác, nghệ sĩ biểu diễn loại âm nhạc đó  tác phẩm âm  nhạc…

Điều quan trọng là mỗi khâu trong “vòng khép kín” trên đều có những tác động mang tính hỗ tương, không có người nghe thì không có người biết, không người tìm hiểu, không có người học… dẫn đến không có người biểu diễn, không có thể loại âm nhạc. Trong xã hội hiện nay, trong nền kinh tế thị trường, người nghe là “đích đến”, nhưng với âm nhạc, người nghe phải được xem là điểm xuất phát” để sáng tạo…

 

  1. Người nghe và những vấn đề của âm nhạc hiện nay

Thực trạng thưởng thức âm nhạc hiện nay ở thành phố HCM rất đa dạng. Mỗi lứa tuổi, mỗi giới, mỗi ngành nghề, mỗi môi trường... đều có những thị hiếu thưởng thức riêng. Một bộ phận thanh thiếu niên chỉ thích nghe nhạc Pop, Rock, Hip – hop,  hoàn toàn không có một kiến thức về âm nhạc hàn lâm và tệ hơn nữa, là không có một kiến thức về âm nhạc dân tộc cổ truyền. Giới trẻ ngày nay xa lạ với nghệ thuật của cha ông, chỉ biết thưởng thức, ưa chuộng nghệ thuật, âm nhạc nước ngoài. Nhưng nghệ thuật đó chỉ là thể loại âm nhạc giải trí, nhạc đại chúng, “dân gian” của xứ người. Một bộ phận dân cư thành phố có thói quen nghe và hát nhạc Pop, Rock, Hip – hop… rồi tự hỏi “tại sao cần phải có tính dân tộc trong các tác phẩm hiện đại ?” ; Vì sao phải xem Tuồng, Chèo, Cải Lương… trong khi bản thân họ không hiểu, không cảm thấy thú vị. Họ đang “bảo tồn”, cổ xúy, phát triển cho âm nhạc “dân tộc”, nhạc dân gian, đại chúng của xứ người.

 Một hệ quả khác nữa là để chạy theo thị hiếu, hiện tượng nhạc nhái, nhạc cover, sao chép nhạc nước ngoài… trở nên phổ biến ! Ngoài vấn đề đạo đức nghề nghiệp của nhạc sĩ còn cho thấy một điểm đáng lo khác là tư tưởng vọng ngoại đang dần phát triển trong công chúng, nhất là trong thanh thiếu niên. Công chúng thích nghe nhạc Hàn, Nhật, Hoa… hơn là thứ ngôn ngữ âm nhạc của chính dân tộc mình. Đó là chưa kể từ đó dẫn đến sự ngộ nhận trong tư tưởng và lối sống, xem trọng những nềân văn hoá khác, âm nhạc các nước khác ngoại trừ văn hoá – âm nhạc của dân tộc mình. Tiếp sau là sự chuyển biến thành lòng tự ti dân tộc. Thanh thiếu niên hiện nay thích nhạc trẻ nước ngoài, thấy cái gì của nước ngòai cũng đều hay ho, tuyệt vời, đi đến sùng bái tất cả những vật, việc của nước ngoài, cho tất cả những gì thuộc vốn cổ dân tộc là thấp kém, chỉ mơ được sống theo kiểu Âu - Mỹ…

Với nghệ thuật hàn lâm và âm nhạc truyền thống, tại Tp. HCM không dễ có lượng người nghe đông đảo như nhạc nhẹ, nhạc trẻ. Những bản giao hưởng, sonate, concerto không dễ hiểu, dễ nghe như ca khúc, tình ca… Nhưng kể cả nghệ thuật, âm nhạc dân tộc, nhạc Tài tử, sân khấu Tuồng, Cải lương cũng ngày càng vắng khách. Phải chăng nghệ thuật âm nhạc dân tộc không còn là vốn văn hóa của dân ta, không thể thu hút được dân ta? Nhưng, hiện nay, khi những ca khúc não tình, những bài hát không giai điệu, cùng với tiết tấu sôi động, lời ca pha trộn tiếng Anh, tiếng Hoa... đang chiếm thế “thượng phong” trong đời sống âm nhạc thành phố, thì điều đó có bình thường không, và nên âm nhạc của đấn nước, dân tộc sẽ đi về đâu?

Nếu không có khán giả, sự tồn tại của bất cứ loại hình nghệ thuật nào cũng trở thành “vô nghĩa”. Nghệ thuật, âm nhạc nào cũng cần khán giả. Sau đó là sự yêu thích, có tình cảm với đối với nó, yêu thích, tìm hiểu, theo học, làm nghề… và lại tiếp nối như một vòng khép kín: tác phẩm âm nhạc  khán giả (người thưởng thức)  người tìm hiểu, yêu thích  người  học để trở thành người sáng tác, nghệ sĩ biểu diễn loại âm nhạc đó  tác phẩm âm  nhạc…

Điều quan trọng là mỗi khâu trong “vòng khép kín” trên đều có những tác động mang tính hỗ tương, không có người nghe thì không có người biết, không người tìm hiểu, không có người học… dẫn đến không có người biểu diễn, không có những thể loại âm nhạc hàn lâm, âm nhạc cổ truyền, dân tộc...

Nhưng nếu được “đào tạo”, được “học nghe nhạc”... chúng ta sẽ có những người nghe biết đánh giá đúng, am hiểu nghệ thuật âm nhạc.

Khán giả cho dòng nhạc hàn lâm, nhạc dân tộc hiện nay không nhiều, so với một thành phố hơn chục triệu dân cư và vãng lai, một thành phố được xem là trung tâm văn hoá, khoa học kỹ thuật, công nghệ của cả nước như TP. HCM là không tương xứng. Lượng khán giả thường xuyên đến các khán phòng âm nhạc hàn lâm, âm nhạc dân tộc chủ yếu là khách nước ngoài, những người công tác tại các đại sứ quán, văn phòng ngoại giao, công ty, doanh nghiệp nước ngoài. Những người trong nghề, một số sinh viên, giới trẻ… cũng thích nghe nhưng không tiền mua vé hoặc không có thói quen mua vé. Những người am hiểu, thích nghe ít dần đi.

Một điểm đáng quan ngại là chúng ta đã tạo ra một thế hệ khán giả không biết, không thích nghe âm nhạc hàn lâm, nhạc dân tộc bằng cách lạm dụng cây đàn orgue điện tử, hệ thống khuếch đại âm thanh và tư duy “nhạc nhẹ” cho toàn bộ sinh hoạt âm nhạc trong đời sống xã hội. Ban đầu là việc điện tử hoá và tư duy nhạc nhẹ thể hiện ở tất cả các ban nhạc của các đoàn ca muá, nghệ thuật sân khấu hoặc sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp, đài phát thanh – truyền hình, các hoạt động văn nghệ quần chúng, tụ điểm ngoài trời cho đến các hoạt động văn hoá- nghệ thuật cấp thành phố, cấp quốc gia. Kế đến là chương trình giảng dạy sư phạm âm nhạc cho các cử nhân sư phạm, những máy cái cho hệ thống giáo dục – đào tạo của cả nước đến hệ thống chương trình giáo dục âm nhạc của các cấp phổ thông (từ nhà trẻ mẫu giáo đến cấp hai) đều lấy nhạc cụ orgue điện tử làm chủ đạo và dạy hát ca khúc.

Việc đưa nhạc cụ orgue điệu tử trở nên phổ biến trong đời sống âm nhạc Tp. HCM nói riêng và cả nước nói chung, đôi khi, tưởng là hội nhập, theo kịp bước tiến khoa học kỹ thuật điện tử chế tạo nhạc khí… nhưng thực ra, chỉ là làm giàu cho những hảng sản xuất đàn Casio, Yamaha… mà thôi, chứ không đem lại cho công chúng sự thụ hưởng hoặc giáo dục âm nhạc nghiêm túc.

Một cách “làm mới” chính mình và hy vọng đem âm nhạc đến gần hơn với người nghe, âm nhạc hàn lâm, nhạc dân tộc được “canh tân”, “cải biên” để dễ hiểu. Người ta thấy nhiều nhóm nhạc dân tộc được điệu tử hoá và cải biên lại theo phong cách nhạc nhẹ với ý định giới thiệu nhanh nhất, dễ được chấp nhận nhất. Hoặc, âm nhạc hàn lâm được “xông ra” nhà hàng, khách sạn với yêu cầu đánh “nhẹ nhàng”, dễ nghe… Nhạc giải trí, “nhạc nhẹ”… đang chiếm thế thượng phong trong đời sống âm nhạc cả nước và TP. HCM nhưng thể loại này được trình diễn ở ta cũng ở dạng học lóm, bắt chước, chưa qua trường lớp hay chưa được tiếp thu một cách đầy đủ và cơ bản nên vẫn thể hiện nhiều khiếm khuyết mặc dù đang được giới trẻ tôn vinh…

Vấn đề gìn giữ, giới thiệu và nâng cao giá trị văn hoá âm nhạc hàn lâm, âm nhạc dân tộc đã được quan tâm nhưng bằng phương cách nào, như thế nào, gồm những cái gì, trình tự cái gì trước, cái gì sau… vẫn còn bỏ ngõ bởi sự thiếu đồng bộ, thiếu chiến lược, chiến thuật, lẫn việc hoạch định chính sách của cấp quản lý vĩ mô. Và điều mà ai cũng dễ dàng nhận thấy là: người nghe ngày nay chính là điểm xuất phát vừa là đích đến của âm nhạc, không chỉ bởi những chức năng thẩm mỹ, những giá trị mỹ học của âm nhạc mà còn vì âm nhạc là sản phẩm của, do và vì con người…

 

  1. Đào tạo người nghe, vấn đề của âm nhạc

Khi đặt vấn đề những quan hệ hỗ tương từ khán giả (người thưởng thức)  người tìm hiểu, yêu thích  người  học để trở thành người sáng tác, nghệ sĩ biểu diễn loại âm nhạc đó  tác phẩm âm  nhạc… thì chính cái vòng khép kín ấy đã tự thân gợi ý để giải quyết vấn đề. Nhưng đứng trước tình hình thị trường hóa âm nhạc, người nghe là “thị phần”, là điểm nhắm đến của nhà kinh doanh thì chính “đào tạo” là một trong những con đường, có thể tạo hiệu quả và để giải quyết phần nào những “vấn đề” cho âm nhạc hiện nay.

- Cần đào tạo lực lượng khán giả cho âm nhạc hàn lâm, âm nhạc dân tộc. Điều này bắt đầu từ chương trình giáo dục âm nhạc cho phổ thông, từ nhà trẻ đến đại học. Cần dạy cho thế hệ trẻ biết thưởng thức, biết nghe âm nhạc hàn lâm, nhạc dân tộc thay vì bắt các em xướng âm, dịch giọng, chuyển điệu… như chương trình Mỹ thuật – Âm nhạc hiện nay. Cần thay đổi hoặc giảm bớt sự thống trị tuyệt đối của cây đàn orgue điệu tử trong chương trình âm nhạc phổ thông và nhất là trong các chương trình âm nhạc chính thống hay giải trí hiện nay. Hoặc, bên cạnh đàn orgue điện tử, chương trình đào tạo Đại học Sư Phạm Âm nhạc “đòi” sinh viên, các cử nhân, nhà giáo âm nhạc tương lai phải biết chơi một nhạc cụ dân tộc, nhạc khí trong âm nhạc hàn lâm (với điều kiện, nhu cầu phù hợp với địa phương). Hiệu quả dây chuyền sẽ có thể là: thầy dạy trò biết, hiểu, thưởng thức nhạc hàn lâm, nhạc dân tộc; học sinh phổ thông, thế hệ trẻ có nhiều điệu kiện tìm hiểu, thưởng thức, yêu thích âm nhạc dân tộc, nhạc hàn lâm.

Với yêu cầu phục vụ cho đối tượng phổ thông, cần có những mô hình, hoạt động hỗ trợ cho việc thưởng thức âm nhạc hàn lâm, nhạc dân tộc. Cần ủng hộ những đội nhóm biểu diễn âm nhạc hàn lâm, nhạc dân tộc về vật chất cũng như tinh thần. Tổ chức thường xuyên những cuộc biểu diễn ở các trường phổ thông để giới thiệu nhạc hàn lâm, nhạc dân tộc

Cần nhắc đến trách nhiệm đối với nền âm nhạc nước nhà, nhiệm vụ bảo tồn, kế thừa, phát huy, phát triển… truyền thống âm nhạc của cha ông. Âm nhạc dân tộc không chỉ là hoài cổ. Âm nhạc dân tộc còn là cơ sở để giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc. Không chỉ là những giai điệu, chất liệu dân ca được sử dụng trong các ca khúc hoặc tái hiện trong các chương khí nhạc… mà vẫn phải có những nhà hát, những nhà bảo tàng âm nhạc giữ gìn những tài sản của cha ông. Cần bảo tồn “sống” bằng sự trao truyền cho thế hệ sau, để những nghệ sĩ giỏi nghề này trở thành người kế thừa, phát huy, phát triển âm nhạc cổ truyền. Bảo tồn sống nền âm nhạc dân tộc cổ truyền còn trong cả hoạch định cho chương trình giáo dục quốc gia về âm nhạc.

Đã đến lúc Tp. HCM cần có những hoạch định cho việc hoàn thiện nhà hát Giao hưởng &Vũ kịch và xây dựng nhà hát ca – múa nhạc dân tộc để tạo một bảo tàng âm nhạc truyền thống cho hôm nay và mai sau. Đó cũng là cách giới thiệu cho khán giả thành phố, cho hoạt động văn hóa xã hội và kinh tế, du lịch… giành một “thị phần” âm nhạc nghiêm túc cho người dân thành phố.

- Cần có những đầu tư cho đội ngũ sáng tác về mặt chuyên môn, nhất là những nhạc sĩ trẻ. Những tiếp xúc, cọ sát và học tập với thế giới của những nhạc sĩ trẻ sẽ nhanh chóng làm đổi mới và hội nhập trong sáng tác. Nên chăng, có một đầu tư cho sáng tác và nhất là dàn dựng những tác phẩm âm nhạc hàn lâm, âm nhạc dân tộc mới. Đó là con đường đem âm nhạc đến người nghe, tạo một “đối trọng” trong xu thế sáng tác hiện nay…

- Khai thác vốn âm nhạc dân tộc các dân tộc thiểu số ở TP. HCM và các tỉnh phía Nam như nhạc Tài tử, Nhạc Lễ, Dân ca… chưa được quan tâm nhiều, là vốn lớn mà chúng ta chưa quan tâm. Cần nghiêm túc nghiên cứu âm nhạc dân tộc cổ truyền để có những sáng tạo cho âm nhạc hàn lâm trên nền tảng những kế thừa cha ông.

 

Kết luận

Cuối cùng, chúng ta vẫn muốn có những buổi hòa nhạc cổ điển, nhạc dân tộc… mà người đến dự khán là những thanh niên rất trẻ, biết vỗ tay đúng lúc, biết tặng hoa đúng người… Tất cả những cải cách, trong xây dựng chương trình đào tạo, quy chế đào tạo của chúng ta không chỉ cho nền âm nhạc chuyên nghiệp, âm nhạc đỉnh cao mà còn là cho trình độ dân trí của toàn xã hội. Người nghe không tự đến với âm nhạc, người nghe không tự hiểu âm nhạc mà cần được chuẩn bị, được đào tạo.

Những nhà quản lý nhà nước cần nhìn thấy vai trò của văn hoá, âm nhạc trong đời sống xã hội, cần thấy âm nhạc là một trận địa mà cái thắng – thua, lợi – hại không “nhãn tiền”. Nếu đứng ở góc độ kinh tế, âm nhạc là công nghệ giải trí thì có thể chỉ vì thu nhập cao nhưng hệ quả về đạo đức, lối sống, văn hoá dân tộc thì khó có thể lường hết được và nó mang tính lâu dài, không bộc lộ ngay, không dễ được nhận thấy ngay.

Không chỉ ở tính đến “bán gì” cho người nghe, mà hãy tính đến tính đến “bản sắc dân tộc”, những vấn đề văn hóa – xã hội mà nền âm nhạc là một tác động, bởi, ai cũng hiểu rõ “văn hóa- xã hội trong âm nhạc” và “âm nhạc trong văn hóa - xã hội”  . Hãy vì người nghe. Người nghe phải là “điểm xuất phát” của mọi hoạt động âm nhạc, hãy nhận thức chức năng “giáo dục” của âm nhạc để có những sáng tạo, có nhiều sản phẩm tốt cho người nghe.