14/09/202117:59

Giai Điệu Từ Trái Tim - Nhạc sĩ Lê Đức Pháp: “Người dân luôn luôn nợ…. “Lời cảm ơn” Bác sĩ tuyến đầu”

          Giữa những ngày tháng Sài Gòn nóng hơn bao giờ hết vì là tâm dịch của cả nước, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Hơn ai hết, lực lượng tuyến đầu chống dịch là những người hiểu rõ nhất nỗi đau Sài Gòn đang ghánh chịu, họ là những Y bác sĩ, sinh viên, thanh niên tình nguyện và cả lực lượng văn nghệ sĩ đang đồng lòng dốc sức cho trận chiến này.

         Không nằm ngoài trận chiến này, ở mặt trận văn hoá văn nghệ các nghệ sĩ  cũng đã có những đóng góp về mặt tinh thần vô cùng quý báu tạo nên động lực, sự gắn kết và niềm tin chúng ta sẽ chiến thắng. Hiểu được ý nghĩa quan trọng đó, Hội Âm nhạc TP.HCM và Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM đã phối hợp tổ chức chương trình “Giai Điệu Từ Trái Tim” gồm những ca khúc mới mà các nghệ sĩ gửi tặng tuyến đầu chống dịch như một sự tri ân sâu sắc với những cống hiến thầm lặng suốt thời gian qua!

        Nhạc sĩ Lê Đức Pháp – Phó Giám đốc, Trung tâm Văn hoá Thành phố Thủ Đức (TTVH) đã có những chia sẻ chân thật và sâu sắc trong suốt những tháng ngày xông pha chống dịch.

 

        Chào Nhạc sĩ, nhạc sĩ có thể chia sẻ cảm xúc cũng như những suy nghĩ và tâm tư của mình về cuộc sống, gia đình, công việc,.. trong những ngày Thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội?

        Những ngày giãn cách xã hội với tôi sẽ là những trải nghiệm khó quên. Đó là khi tôi nhận ra sự gắn bó, tình làng xóm, nghĩa đồng bào và người thân của tôi...Hay đôi khi là nỗi lo sợ mơ hồ bởi khu phố bị giăng dây do có ca mắc Covid-19 hoặc tiếng còi xe cứu thương vang lên nhiều hơn trước đây; nỗi buồn len lỏi khi đường phố vốn tấp nập, không ngủ nay hoàn toàn vắng lặng.

        Cũng không hiếm nỗi lo cho công việc sắp tới, lo cho người thân đồng nghiệp đang xông pha nơi tuyến đầu và tham gia hỗ trợ phòng chống dịch, lo thực phẩm mọi người hiện còn gì... Hoặc đôi khi là nỗi nhớ rất đời thường của những món ăn như mùi bún bò, ổ bánh mì thịt hay tô hủ tiếu gõ; tiếng rao hột vịt lộn, bánh chưng, bánh giò giữa đêm khuya... Nhưng cũng chính trong bộn bề cảm xúc đó, bản thân tôi và nhiều người nhận ra nhiều giá trị sống để rồi thấy mình thật may mắn và cần làm những việc có ý nghĩa trong những ngày sống chậm.

        Chính vì vậy hãy bớt những than phiền và thêm chút yêu thương, lan tỏa những câu chuyện đẹp trên mạng xã hội để trong những ngày giãn cách, mỗi sớm thức dậy lên mạng, chúng ta thấy nhiều hơn những thông điệp tích cực, tốt đẹp. Và đặc biệt là hãy lạc quan, tin tưởng vào quyết sách của Thành phố, đừng quá bi quan, đừng tuyệt vọng.

 

          Nhạc sỹ cho biết cảm xúc của anh khi tham gia chương trình "Giai Điệu Từ Trái Tim" - một chương trình ý nghĩa, là hoạt động văn hóa nghệ thuật thiết thực có nội dung là những lời cảm ơn gửi đến lực lượng Tuyến đầu đang ngày đêm căng mình phòng chống dịch, bên cạnh còn có rất nhiều những tấm lòng vàng Thiện nguyện đang nỗ lực hết mình làm việc vì cộng đồng, xã hội?

         Tham gia chương trình "Giai Điệu Từ Trái Tim" Tôi thực sự hạnh phúc và xúc động xin cảm ơn Hội Âm nhạc TP.HCM cùng Đài tiếng nói Nhân dân TP.HCM đã có một chương trình để bản thân tôi nói riêng và các nhạc sĩ của Hội âm nhạc TP.HCM nói chung gửi gắm những lời cảm ơn đến lực lượng tuyến đầu đang ngày đêm căng mình phòng chống dịch, bên cạnh còn có rất nhiều những tấm lòng vàng Thiện nguyện đang nỗ lực hết lòng làm việc vì cộng đồng, xã hội. Những ngày nghỉ giãn cách, riêng tôi tham gia nhiều hoạt động trong công tác phòng chống dịch cùng địa phương, đã cảm nhận được những công việc hằng ngày của các y bác sỹ cũng như các tình nguyện viên căng mình chăm sóc và chăm lo những gì tốt đẹp nhất đến với người dân và họ cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

        Tôi tin rằng sự đồng lòng của BTC "Giai Điệu Từ Trái Tim" cũng như các nhạc sĩ sẽ mang đến nguồn động lực để khích lệ động viên nơi tuyến đầu chống dịch và chúng ta sẽ thắng lợi trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

        Trong thời gian vừa qua nhạcđã ấp ủ và sáng tác được bao nhiêu tác phẩm về phòng, chống dịch? Nội dung cảm xúc những ca khúc được anh thể hiện như thế nào trong các tác phẩm?

        Trong thời gian vừa qua tôi đã ấp ủ và sáng tác được 2 tác phẩm về các nội dung cảm ơn các Y Bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch và sự yêu thương chia sẻ của tình người, không một ai bị bỏ lại phía sau.

        Bài thứ nhất là bài “Cảm ơn  những thiên thần” có giai điệu vừa nhẹ nhàng, êm ái, vừa da diết nên dễ nghe, dễ hát và dễ đi vào lòng người. Bài hát không chỉ như một lời cảm ơn từ đáy lòng của tôi, mà còn là tình cảm của biết bao người gửi đến những chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch đã âm thầm hy sinh cả mạng sống của mình để chiến đấu với dịch Covid-19: “Vì bình yên cuộc sống, tạm gác hạnh phúc riêng mình. Những bữa cơm vội vàng họ vẫn biết có khi không về nhà, làm việc ngày đêm cho dân nước an yên”. Câu cuối của bài hát như một cảm ơn của nhân dân đến Ngành Y. Người dân chúng tôi luôn luôn nợ một… “lời cảm ơn” đến những bác sỹ tuyến đầu.

       Bài Thứ hai tôi viết trong cảm xúc của một người đi chống dịch. Cứ mỗi ngày tôi có mặt ở phường, cùng các đồng nghiệp và lực lượng tình nguyện phân bổ các nhu yếu phẩm để chuẩn bị đem xuống tận nơi phân phát cho những hộ dân bị phong tỏa cách ly, nào là gạo, rau, nước mắm, nước tương và củ quả… Bắt gặp những hình ảnh người dân lo lắng từ chuyện ăn uống, chuyện dịch bệnh, trong đầu tôi liền phác họa những âm điệu, những nét nhạc cơ bản. Đến tối về nhà tôi bắt tay vào viết và hoàn thành bài nhạc và lời trong tối hôm ấy...

      Với niềm tin của tôi: “Dẫu con đường phía trước còn không ít khó khăn nhưng với sự quyết tâm đồng lòng của người dân Sài Gòn sẽ chiến thắng đại dịch Covid - 19 và Không bỏ lại một ai phía sau”. Tôi muốn đưa tinh thần truyền thống của dân tộc vào bài hát dù trong khó khăn, hoạn nạn, tình người càng thêm ấm áp bằng những nghĩa cử cao đẹp. Tinh thần "nhường cơm sẻ áo", đùm bọc lẫn nhau như tiếp thêm nguồn năng lượng quý giá để toàn dân chung sức chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh.

          Công tác tham gia phòng chống dịch có những khó khăn và thuận lợi như thế nào? Nhạc sĩ có thể chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình tham gia?

         Tôi được Thành ủy thành phố Thủ Đức phân công hỗ trợ phường từ ngày 01/7/2021 trong công tác phòng chống dịch Covid- 19. Tôi được phân công các công việc như hỗ trợ công tác lấy mẫu test covid-19 cộng đồng và tiêm Vaccnin; Phân công tổ trực các điểm cách ly F0, các chốt trên địa bàn phường; Phân công thực hiện tổ hậu cần, phân phát các nhu yếu phẩm đến nhà dân.

         Bên cạnh đó về nhiệm vụ của đơn vị cũng phải hoàn thành. Trong quá trình tham gia công tác phòng chống dịch bản thân tôi và cả đội ngũ ê kíp của Phòng VHVN của TTVH Thành phố Thủ Đức đã thực hiện 36 suất diễn văn nghệ tại các Bệnh viện dã chiến và các khu cách ly trên địa bàn Thành phố Thủ Đức. Với chủ đề “Khúc ca đồng lòng”

         Trong suốt quá trình tham gia, chúng tôi luôn được Ban Lãnh đạo phường quan tâm trang bị bảo hộ y tế, UBND phường hỗ trợ test nhanh covid  thường xuyên và tạo điều kiện thuận lợi đi đường trong phạm vi phường để thực hiện công tác phòng chống dịch bên cạnh đó còn được hỗ trợ rau củ quả.

        Với cương vị lãnh đạo Trung tâm Văn hóa do mới sáp nhập tôi vừa thực hiện hỗ trợ phường vừa thực hiện công việc của đơn vị nên cũng có phần khó khăn trong thực hiện công tác chuyên môn tại đơn vị, kết quả đạt được chưa thật sự hoàn hảo và xuất sắc theo mong muốn của bản thân.

        Điểm đáng nhớ nhất của bản thân trong thời gian tham gia phòng chống dịch là hằng ngày cùng anh, chị, em thực hiện các phần nhu yếu phẩm đem phát đến tận tay những người dân gặp khó khăn trong mùa dịch đó là những chất xúc tác để tôi sáng tác.

         TP.HCM đang ở thời điểm từng bước chuyển hóa, kiểm soát dịch bệnh, thích ứng an toàn để trở lại cuộc sống bình thường mới, nhạc sỹ có tâm tư, mong mỏi và hy vọng gì cho Thành phố, cho cuộc sống cộng đồng và cho cả lĩnh vực VHNT, trong đó có âm nhạc?

         Tôi thiết nghĩ không thể mãi đóng băng sản xuất và các dịch vụ các hoạt động VHNT, đóng cửa chống dịch bởi nếu không duy trì những hoạt động này sẽ không có tăng trưởng, không có nguồn thu ngân sách.

Nền kinh tế của TP.HCM trên 80% là dịch vụ, do đó mục tiêu kép của TP. HCM thời gian tới là củng cố hệ thống y tế và bảo vệ sức khỏe của nền kinh tế. Cần nhanh chóng xác lập lại trạng thái bình thường mới, mở cửa trở lại cho hoạt động trên tinh thần từng bước chắc chắn, không chủ quan khi dịch bệnh còn phức tạp, mở tới đâu chắc tới đó.

        Bên cạnh đó chúng ta ứng dụng công nghệ thông tin đa dạng hơn để đưa âm nhạc đến với mọi người một cách thiết thực và sinh động nhất, từ đó tạo thành những thói quen cho những người thưởng thức và dần dần đưa người dân thích ứng và trở lại cuộc sống bình thường để đến với các sân khấu âm nhạc nói riêng và các lĩnh vực VHNT nói chung như những ngày trước đây.

      Xin cảm ơn Nhạc sĩ đã tham gia chương trình và trả lời phỏng vấn, chúc nhạc sỹ thật nhiều sức khoẻ và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao!