12/09/201616:41

HIỆN TRẠNG VỀ DẠY NHẠC TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

PGS-NGND Hoàng Cương

 

Kính thưa Hội nghị,

Là giảng viên âm nhạc lâu năm, lại có mặt từ 1978 tại Nhạc Viện TP. Hồ Chí Minh, tôi muốn góp một vài nhận xét và suy nghĩ về tình hình dạy âm nhạc tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay.

 

Nhạc Viện Thành phố chúng ta vừa kỷ niệm 55 năm thành lập và đón nhận Huân chương Độc Lập Hạng II. Đó là bề dày thành tích đào tạo âm nhạc chính quy theo hệ thống Nhà nước và cũng là chuẩn Quốc tế.

 

Còn nhớ lúc mới giải phóng, mỗi lần thi phim, thu đài, tìm cho được 3 – 4 cây Violonist “có hạng” cũng là khó. Vậy mà nay Thành phố chúng ta có cả một Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch, một dàn nhạc Giao hưởng của Nhạc Viện với cả những nhạc cụ hiếm như đàn Harp, tất cả đều “đầu đen, mũi tẹt”, sản phẩm “hàng nội chất lượng cao”. Đó là niềm tự hào của sự nghiệp đào tạo chính quy tại Thành phố. Về mảng này, Nhạc Viện đã tổ chức Hội thảo, tôi không muốn nhắc lại nữa. Ở đây tôi muốn nói tới tình hình dạy nhạc nói chung của Thành phố.

 

Thưa Hội nghị,

Một lần dừng xe trước đèn đỏ, một bạn trẻ đã phát tờ rơi quảng cáo tận tay mọi người. Vì bận tham gia giao thông tôi chỉ cầm về, khi về nhà đọc mới biết đó là tờ quảng cáo một trường dạy nhạc, có nhiều cơ sở ở nhiều quận, thậm chí có cả một quận vùng ven, rất xa trung tâm Thành phố. Suy nghĩ một hồi về câu tự hỏi, vậy đây là điều đáng buồn hay đáng vui? Cuối cùng, tôi kết luận đây là điều đáng vui. Như vậy là đã tới lúc nhu cầu học nhạc của quần chúng đã vượt quá cả sự tưởng tượng của tôi, vượt quá cả sự bao bọc của Nhà nước. Với cái nhìn của người thầy chuyên nghiệp, tôi cứ nghĩ “Phi Nhạc Viện bất thành âm nhạc”, nhưng nay thì khác. Những người đứng ra tổ chức dạy nhạc ngoài công lập, chắc chắn cũng là những đệ tử “đời con” hay “đời cháu” (tức học trò của học trò). Họ đã học được kiến thức ở các trường chuyên nghiệp thì họ cũng có thể dùng những kiến thức đó phổ biến rộng ra cho mọi người, cho dù bằng phương thức không chuyên.

 

Ở Nhạc Viện hiện nay, ngoài hệ tại chức Sư phạm đào tạo ra các thầy cô giáo dạy nhạc ở các trường phổ thông, Trung tâm đào tạo ngoài giờ không còn lò đào tạo như 5, 10 năm trước mà rất tấp nập, không chỉ trẻ em tới học mà cả phụ huynh học sinh cũng học luôn. Nhiều thanh niên học các ngành khác, bây giờ ra làm ở các công ty hay bệnh viện, chủ nhật cũng tới học thêm một môn nhạc cụ để “xả xì-chét” (stress). Dĩ nhiên, nhiệm vụ của Nhạc Viện vẫn là đào tạo chuyên nghiệp đỉnh cao là chính. Song, việc đào tạo ngoài giờ cũng là một công việc xã hội hóa cần thiết. Tôi tin tưởng rằng Nhạc Viện sẽ đi đều hai chân chứ không đến nổi bị “chân chiêu” (chân trái khỏe hơn chân phải).

Trở lại câu hỏi tự sự “buồn hay vui? Ta đều biết, hệ thống các trường” B.A.C.H của Thạc sĩ Nguyễn Bách hoạt động rất hiệu quả, lại còn nhiều tiết mục như “Piano sings”, nhóm Credo, hợp xướng thiếu nhi…góp cho sinh hoạt âm nhạc của Thành phố thêm phong phú. Song, ở Thành phố còn rất, rất nhiều trường dạy nhạc nữa. Liệu với cảnh  “người người dạy nhạc, nhà nhà dạy nhạc” thì chất lượng có đảm bảo không? Trước tiên ta cần suy xét các góc cạnh:

  1. Đây là một sự đáp ứng nhu cầu đúng lúc. Các trường ở các vùng sẽ đảm nhiệm việc đó. Nhiều nhà không có điều kiện đưa con đi học xa, họ chỉ có thể cho con đi học những trường nhạc gần chỗ mình ở.
  2. Theo nguyên tắc “đãi cát tìm vàng”! Trong số đông các em học nhạc sẽ lộ ra vài em có năng khiếu để đi theo con đường chuyên nghiệp. Ví dụ, hiện nay tôi đang dạy một học sinh 11 tuổi, học lớp 2/9 từ Bình Dương. Đầu tiên em theo học lớp ban đêm và được một học viên cao học của tôi hướng dẫn. Sau khi phát hiện em có khiếu, em đã được giới thiệu thi vào Nhạc Viện và đậu. Em là con một đồng chí bộ đội phục viên. Mỗi lần đi học mẹ phải đèo đi mất một tiếng mới tới. Thấy em có chí và gia đình quyết tâm, tôi đã nhận cậu “đệ tử đời cháu”, hy vọng sau này ra đời, em sẽ là hạt giống ở Bình Dương. Những người không đi theo con đường chuyên nghiệp sẽ là những thính giả am hiểu của ngành âm nhạc chuyên nghiệp.
  3. Tuy nhiên, ta vẫn chưa yên tâm về vấn đề chất lượng. Nếu nhìn sang ngành Y, ta cũng gặp vấn đề tương tự. Nhiều cơ sở chữa bệnh mà người chữa chưa chắc đã đủ kiến thức. Chính vì thế mà ngành Y thường nhắc nhở những người chữa bệnh về “Y ĐỨC”. Vậy ngành nhạc chúng ta cũng nên nhắc nhau về “NHẠC ĐỨC”, tức là lương tâm nghề nghiệp. Bởi Nguyễn Du đã đúc kết “Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ TÀI”.

 

Vậy hãy để lương tâm dẫn dắt ta đi.

 

Xin cảm ơn.

 

“30 năm thiếu sự liên kết đào tạo, sáng tác và quảng bá âm nhạc dân tộc giữa Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Tây Nguyên”

Nhạc sĩ Kpa-Ylăng

 

Cách đây không lâu có một bạn trẻ ở TP. Hồ Chí Minh hỏi:- Đắk Lắk và Buôn Ma Thuột hai tỉnh này ở đâu nhỉ? – Dân tộc Ba Na ở tỉnh nào? – Đàn T’rưng và cồng chiêng là của dân tộc nào?...

 

Đã 36 năm thống nhất đất nước, thế mà vẫn còn nhiều người Việt Nam chưa hiểu, chưa biết Việt Nam chúng ta có bao nhiêu Tỉnh Thành, bao nhiêu thành phần dân tộc? Nhiều bạn trẻ là sinh viên Nhạc Viện, sinh viên học về Khoa học Xã hội Nhân văn, là ca sĩ, nghệ sĩ, là nhạc sĩ trẻ ở TP. Hồ Chí Minh vẫn rất mơ hồ về sự khác nhau giữa cồng chiêng Ba Na khác Ê Đê, Gia Rai, khác Hơ Mông như thế nào? Cư dân dân tộc bản địa người Xê Đăng sống ở Tỉnh nào?…

 

Người ta cứ tưởng âm nhạc Tây Nguyên là 5 âm có bán cung, hóa ra âm nhạc Ê Đê và Gia Rai, Ba Na và Xê Đăng giống nhau sao? Ngôn ngữ giống nhau sao? Văn hóa và tục lệ giống nhau sao? Điệu thức giống nhau sao? Không đâu, có cái giống nhưng khác nhau nhiều về âm sắc, giai điệu và điệu thức.

 

Có thể ý kiến riêng tôi trong Hội thảo hơi lạc đề với nội dung “Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh – Thực trạng và giải pháp”. Xin thật lòng xin lỗi nhưng tôi được nêu vài ý kiến như sau:

 

Thành phố Hồ Chí Minh chúng ta là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn của cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh năng động và là khu vực trung tâm lớn về văn hóa đặc biệt là lĩnh vực âm nhạc. Ở đây có Nhạc Viện, có trường Đại học Văn Hóa, trường Đại học Xã Hội và Nhân Văn, có nhiều trường, Viện Nghiên cứu, trung tâm đào tạo, giảng dạy về nhiều lĩnh vực âm nhạc. Phải nói là nơi Đông Tây hội ngộ (có cả âm nhạc, âm nhạc Tây Nguyên…)

 

Tây Nguyên về địa lý có 5 Tỉnh: Kon Tum có Thành phố Kon Tum nơi sinh sống lâu đời của người Ba Na, Rơ Ngao, Xê Đăng, B’Râu, Rơ Mâm, Giẻ S’Triêng. Gia Lai có Thành phố Pleiku nơi có không gian biểu diễn văn hóa cồng chiêng hoành tráng và độc đáo của người Gia Rai, Ba Na…Đắk Lắk là Thành phố Buôn Ma Thuột nơi cư trú của người Ê Đê, Hơ Mông. Đắk Nông có Thị xã Gia Nghĩa có người Mơ Nông. Lâm Đồng có Thành phố Đà Lạt ngàn hoa lâu đời đã có người M’Ho, Mạ, Lạch, Cil…Thành phố Hồ Chí Minh còn giáp Tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An: có người Kinh, Hoa, Khơmer, K’Ho, Churu, S’Tiêng, Châu Ro, Chăm…Như vậy Thành phố Hồ Chí Minh là “thủ phủ” của mọi dòng nhạc, thể loại âm nhạc…

 

Vậy 30 năm qua âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh và âm nhạc Tây Nguyên có sự liên kết, đào tạo, giao lưu và quảng bá ra sao? Xin thưa có nhưng quá ít ỏi.

 

Tôi xin không nhắc lại những gì đã làm trong những năm qua như: đi thực tế sáng tác, biểu diễn, đào tạo và đưa các tác phẩm trên Đài Truyền Hình và sóng Phát Thanh. Tây Nguyên nhiều buôn làng chưa tận mắt thấy đàn Bầu, đàn Tranh và đàn Nhị…Thành phố Hồ Chí Minh nhiều khu dân sinh, khu công nghiệp chưa tận mắt thấy tai nghe cồng chiêng, đàn T’rưng, đàn K’lông Pút, đàn Goong, Kani, Khèn Đinh Năm, Takta, Đinh-Buốt, các loại kèn Môi và hát dân ca, giao duyên của ngườii Ba Na, Gia Rai, Ê Đê, Xê Đăng, Mơ Nông, K’Ho, Đắk Lây, H’Rê…

 

Có thể sự thiệt thòi ấy của người thưởng thức âm nhạc dân tộc ở Tây Nguyên và Thành phố Hồ Chí Minh trong hơn 30 năm qua là do cơ chế thị trường chăng? Chỉ là một phần thôi! Phần còn lại chính là chúng ta, những người quản lý âm nhạc, đào tạo ra người làm âm nhạc, đội ngũ giảng dạy, lý luận phê bình âm nhạc và người sáng tác, biểu diễn âm nhạc. Chúng ta thiếu nhạy cảm, năng động, sáng tạo trong chỉ đạo và hoạt động nghề nghiệp. Nhiều nhạc sĩ trẻ không phải không có tài, nhưng thiếu kiến thức hiểu biết sâu về ngôn ngữ, về dân tộc học, về điệu thức âm nhạc dân tộc của mỗi vùng miền. Tôi có nghe một số ca khúc nhạc sĩ trẻ ở Thành phố Hồ Chí Minh sau khi đi Tây Nguyên sáng tác, nó na ná như nhạc Ấn Độ vậy (chỗ mà anh ta đi thực tế ấy; là nơi người Ba Na sinh sống lâu đời). Sự nhầm lẫn giữa âm nhạc dân tộc này và dân tộc khác, giữa điệu thức âm nhạc dân tộc này với dân tộc kia là một sự khó chấp nhận đối với người nhạc sĩ sáng tác, giảng dạy âm nhạc chuyên nghiệp. Đàn T’rưng, đàn K’lông Pút, đàn Goong…không phải ở Tây Nguyên dân tộc nào cũng có đâu! Một bộ cồng chiêng hoàn chỉnh của người Ba Na, Gia Rai có khi đến 17 – 19 chiếc, còn người Hơ Mông là 6…và không phải dân tộc nào cứ tấu cồng chiêng lên là có múa (người Gia Rai, Ba Na gọi Xoang)…

Xin chỉ được nêu vài ý kiến tai nghe, mắt thấy và hiểu biết ít ỏi mà thôi. Vậy phải làm sao đây? Âm nhạc giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Tây Nguyên:

 

  1. Phải trao dồi kiến thức, đúc kết kinh nghiệm, đào tạo nhạc sĩ lý luận phê bình âm nhạc, sáng tác và biểu diễn âm nhạc có thực tế hơn, có bản lĩnh hơn.
  2. Phải đào tạo có bài bản và có nhu cầu của xã hội.
  3. Thầy dạy học và học sinh, sinh viên học âm nhạc chuyên nghiệp phải được trang bị kỹ về tư duy sáng tạo và trách nhiệm nghề nghiệp mà mình theo đuổi.
  4. Người làm quản lý âm nhạc phải năng động và có trách nhiệm với xã hội và cộng đồng.
  5. Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh và Tây Nguyên tích cực chủ động đến với nhau nhiều hơn.

 

Đã 30 năm Hội Âm Nhạc Thành phố Hồ Chí Minh lớn mạnh hơn nhiều cả số lượng và chất lượng. Nhưng vẫn còn đâu đó những ồn ào, nho nhỏ về sự cố này nọ giữa những nhạc sĩ, ca sĩ, nhạc công chúng ta với nhau…

 

Vì sự nghiệp âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh khỏe-mạnh-phát triển cả về chất và lượng, theo tôi mỗi nhạc sĩ chúng ta phải có trách nhiệm và bản lĩnh.

Chúc sức khỏe quý vị.

Cám ơn!