29/07/202217:02

ROCK VÀ PHẬT GIÁO - PHẦN 3

Luân hồi – tái sinh

Các nền tín ngưỡng và tôn giáo trên thế giới đều có những quan điểm khác nhau về luân hồi. Riêng đối với Phật giáo, luân hồi không phải là một giáo lý đặc thù, cũng không phải là một vấn đề triết học cơ bản nhưng nó là một sự thật hiển nhiên đối với những con người còn bị trầm luân trong sinh tử khổ đau.

Luân hồi tiếng Phạn là Samsàra, có nghĩa là sự chuyển sinh, chuyển tiếp, diễn tiến liên tục của những kiếp sống, và sự chuyển sinh liên tục đó thường được biểu thị bằng bánh xe luân hồi.

Chúng ta có thể hình dung bánh xe luân hồi như một “vòng tròn sinh sinh – hóa hóa” của đời sống muôn loài chúng sanh. Trên vòng tròn ấy không có điểm khởi đầu cũng không có điểm kết thúc, và bánh xe ấy cứ quay mãi trong vòng trầm luân của sinh tử khổ đau cho đến khi nào con người tu tập và đạt đến sự giải thoát tối thượng.

Tái sinh là sự trở lại một đời sống mới hoặc cao hơn hoặc thấp hơn, hoặc như cũ trong vòng lục đạo (trời, người, a tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) sau khi đã kết thúc một chu kỳ sống hay còn gọi là thọ mạng đã hết – chết. Nhưng điều kiện tối cần thiết cho sự tái sinh vào một đời sống tốt đẹp và cao cả hơn là sự thanh tịnh, bình an, sự chánh niệm, tỉnh giác.

 

Nói tóm lại, thế giới ngày càng phát triển, đi vào đa phương hóa toàn diện kéo theo những tích cực và tiêu cực không tránh khỏi, người ta lại phải tìm đến những phạm trù đạo đức chung để xây  dựng và góp phần ổn định mọi rối loạn trong cuộc sống. Bát chánh đạo nói riêng và hệ thống triết lý và đạo đức Phật giáo nói chung có thể sử dụng như một sự định hướng cho từng cá nhân, gia đình và xã hội ở mọi quốc gia trên thế giới, là kim chỉ nam hướng con người đến cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ.

 

1.3 PHẬT GIÁO Ở VIỆT NAM

 

Qua sử liệu, ta có thể khẳng định Phật giáo truyền vào Việt Nam bằng hai con đường: Một là, con đường biển từ phương Nam Ấn Độ trực tiếp truyền sang; Hai là, theo đường bộ từ phương Bắc truyển xuống. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Lang trong Phật giáo Việt Nam sử luận, tập 1, thì hồi ấy, các tu sĩ đi theo thuyền buôn Ấn Độ là những người đầu tiên truyền đạo Phật vào nước ta[1]. Vào khoảng thế kỷ thứ II, nền kinh tế Việt Nam khá mạnh, thu hút thương nhân nhiều nước đến giao dịch, buôn bán, trong đó có các đoàn thương nhân Ấn Độ, trong số họ có những người là Phật tử và các Tăng sĩ đi theo đoàn để cầu nguyện trong những chuyến vượt biển nguy hiểm. Họ đến không phải vì mục đích truyền đạo nhưng những sinh hoạt tín ngưỡng hàng ngày của họ đã ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ta. Chử Đồng Tử là người Phật tử Việt Nam đầu tiên học Phật pháp trực tiếp với người thầy Ấn Độ là nhà sư Phật Quang.

Phật giáo là một trong những tôn giáo xuất hiện ở nước ta sớm nhất và đã nhanh chóng xác lập được vị trí của mình trong lòng người dân Việt Nam, không những vậy, trong một thời gian ngắn, Phật giáo đã trở thành một tôn giáo có tầm ảnh hưởng nhất trong mọi sinh hoạt của người dân lúc bấy giờ.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà Phật giáo Việt Nam lúc mới du nhập đã mang đậm phong cách và tín ngưỡng  của người Việt Nam như tín ngưỡng Phật Pháp Vân, Phật Pháp Võ, Phật Pháp Lôi và Phật Pháp Điện. Mỗi một hình tượng, một tên gọi của Phật giáo lúc bấy giờ đều gắn liền với niềm tin, ước vọng của dân tộc. Sở dĩ như vậy là do “nền tảng triết lý đạo Phật dù của Nam truyền hay Bắc truyền, đượm nhuần chất liệu nhân bản sâu sắc, con đường truyền bá đạo Phật chưa bao giờ gắn liền với dấu giày xâm lược của các đế quốc thực dân. Phật giáo được các dân chúng trên nền văn hóa mới tiếp nhận như một dưỡng chất tinh thần và tâm linh mới, thay thế cho cấu trúc lệ thuộc, thần quyền của các tôn giáo nhất thần hay đa thần vốn nặng về mê tín, sợ hãi” [2].  

Không những ngay trong thời bình hay khi mới du nhập, Phật giáo Việt Nam luôn hết mình dấn thân vào thời cuộc. Trong thời kỳ chống chế độ phong kiến Trung Quốc để giành độc lập dân tộc, hình ảnh Phật giáo, nhất là các nhà sư luôn ở trong tư thế tiên phong.

Ngay từ khi nhà nước độc lập Vạn Xuân ra đời, Phật giáo đã là lực lượng nòng cốt kiến thiết nên nhà nước này. Đặc biệt là vai trò của Phật giáo trong thời Đinh, tiền Lê, Lý, Trần. Chính thiền sư Vạn Hạnh không những đào tạo Lý Công Uẩn tài đức khiêm toàn mà còn là người đã làm nên cuộc vận động đưa Lý Công Uẩn lên nắm quyền lãnh đạo tối cao đất nước khi nhà Tiền Lê đã rơi vào mục nát, và cũng chính từ đây chúng ta mới có hơn nghìn Năm Thăng Long- Hà Nội.

Đặc biệt, ở thời Trần chúng ta có vua Trần Nhân Tông là một trong những nhà lãnh đạo - Phật tử có một vị trí hết sức quan trọng không những đối với Phật giáo nước ta mà với cả dân tộc. Ngài là nhà tư tưởng và nhà chính trị kiệt xuất. Trong thời gian lãnh đạo đất nước, ngài đã làm nên những trang sử vẻ vang cho dân tộc, ba lần đánh tan quân Nguyên Mông hùng mạnh nhất lúc bấy giờ. Ngài còn là người sáng lập ra dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử mà những thiết định của nền Phật giáo theo dòng này vẫn còn ảnh hưởng nhiều đến Phật giáo Việt Nam ngày này.

Cũng như trên thế giới, Phật giáo ở Việt Nam cũng chia thành Đại thừa (Bắc tông, Phật giáo phát triển) và Tiểu thừa (Nam tông, Phật giáo nguyên thủy).

Tiểu thừa gồm Nam tông Kh’mer và Nam tông Kinh.

Đại thừa có ba tông phái được truyền vào Việt Nam đó là Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông.

Thiền tông là một tông phái Phật giáo do nhà sư Ấn Độ Bồ Đề Đạt Ma (Boddidharma) sáng lập ra ở Trung Quốc vào đầu thế kỷ thứ 6. "Thiền" là cách gọi tắt của "Thiền na" (Dhyana), có nghĩa là "Tĩnh tâm", chủ trương tập trung trí tuệ để quán định (thiền) nhằm đạt đến chân lý giác ngộ của đạo Phật.

Thiền tông ở Việt Nam xuất hiện dòng thiền đầu tiên là Tỳ Ni Đa Lưu Chi do nhà sư Ấn Độ cùng tên sáng lập ra, dòng thiền này còn có tên gọi là thiền Pháp Vân do vị sư này tu tại chùa Pháp Vân (chùa Dâu- Bắc Ninh).

Dòng thiền thứ hai là Vô Ngôn Thông do ngài Vô Ngôn Thông, là thiền sư Trung Quốc, đến nước ta tu tập tại chùa Kiến Sơ (Gia Lâm – Hà Nội) sáng lập.

Dòng thứ ba do Thảo Đường, người Trung Quốc, vốn là tù binh được vua Lý Thánh Tông tha và cho mở đạo tại chùa Khai Quốc.

Đến thời vua Trần Nhân Tông ngài đã thống nhất các thiền phái tồn tại trước đó và lập nên thiền phái “Trúc Lâm Yên Tử” như đã nêu trên. Sau này còn có những phái thiền khác xuất hiện như  phái Tào Động, phái Liên Tôn, phái Liễu Quán, phái Lâm Tế.

Thiền tông Việt Nam đề cao cái "tâm": "Phật ở tại tâm", tâm là Niết Bàn. Trần Nhân Tông viết trong bài phú Cư Trần Lạc Đạo:

"Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.

Gia trung hữu bảo hưu tầm mích,

Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền."

Dịch:

 "Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,

Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền.

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,

Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền."

 

Tịnh độ tông: là một trong những pháp môn tu tập phổ biến với Phật tử tại nhiều nước như Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam… Phật giáo nguyên thủy chú trọng tự lực, Phật giáo phát triển (Đại thừa) chú trọng đa dạng hóa đường lối tu tập nên có những pháp môn chú trọng đến tha lực, nhờ vào Phật lực mà thành tựu đạo quả hoặc vượt thoát khổ đau, tuy nhiên vẫn có tự lực với việc niệm danh hiệu A Di Đà “nhất tâm bất loạn”.  Vì vậy Tịnh độ tông là một đường lối tu tập phổ biến trên khắp nước Việt Nam, đi đến đâu cũng nghe người dân niệm câu “Nam mô A Di Đà Phật”, tượng Phật A Di Đà chúng ta có thể thấy ở khắp mọi nơi.

Mật tông (Kim cương thừa): là một trong những tông phái của Phật giáo xuất phát từ Ấn Độ rồi sau đó được truyền bá sang Trung Quốc, Nhật Bản... và đặc biệt phát triển mạnh mẽ ở Tây Tạng.  Trong Mật tông, một đệ tử sau khi được sự làm phép của một vị sư cả nhập thiền định tâm vào một vị Phật cụ thể bằng cách đọc chân âm (mantra), suy niệm đồ hình Mạn đà la (mandala) và thực thi ấn quyết (mudra) để đạt đến độ thăng hoa loại bỏ ý niệm nhị nguyên (duality) đặng nhập vào Chân Như, vào cõi Không.

Lịch sử phát triển Mật tông đôi khi đã có những xu hướng lệch ra ngoài mục đích hướng đến giải thoát theo lý tưởng của đạo Phật bởi có sự biểu hiện của phù phép, tà thuật... làm cho uy tín của Mật giáo bị tổn thương. Ngày nay với sự nỗ lực truyền bá Mật giáo hay Kim Cương Thừa của các bậc đại sư Tây Tạng đã làm cho tông phái này trở nên dễ tiếp cận hơn.

Khi vào Việt Nam, Mật tông không tồn tại độc lập như một tông phái riêng mà nhanh chóng hòa lẫn vào dòng tín ngưỡng dân gian với những truyền thống cầu đồng, pháp thuật, yểm bùa, trị tà ma, chữa bệnh... và đặc biệt hòa lẫn hệ thống lễ nhạc Phật giáo trong các trai đàn Chẩn tế.

Ngoài những giáo phái chính Việt Nam kể trên còn có các giáo phái Khất sĩ do tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập và Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Phú Sổ khai sáng, Cao Đài...

Tóm lại, với hệ thống triết lý, giáo lý, đạo đức thâm sâu, tinh tế, đầy tính nhân bản như đã nêu ở phần trên, với bề dày gắn bó cùng quá trình dựng nước và giữ nước của đạo Phật từ khi mới được du nhập vào nước ta đến nay, những tư tưởng Phật giáo đã ảnh hưởng rất nhiều trong đời sống người Việt. Không những thế, tư tưởng Phật giáo còn được thể hiện rất nhiều trong văn hóa - nghệ thuật người Việt, trong các tác phẩm văn học, thơ ca dân gian từ ngàn xưa, các tác phẩm kiến trúc, điêu khắc, hội họa… và cả âm nhạc, đã có rất nhiều tác phẩm âm nhạc ở nhiều thể loại đề cập đến những triết lý sống của Phật giáo.

 

Tranh minh họa Phật hoàng Trần    Nhân Tông.

Chùa Đồng – Yên Tử, nơi ra đời Thiền phái Trúc Lâm của đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông.

 

 CÒN TIẾP...