18/08/202214:33

ROCK VÀ PHẬT GIÁO - PHẦN 4

CHƯƠNG 2

 

2.1 ROCK LÀ GÌ?

 

Như đã nêu trên, đã có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng, ở các thể loại khác  nhau đề cập đến tư tưởng Phật giáo, nhưng trong phạm vi cuốn sách này tôi xin chỉ đề cập đến những ca khúc nhạc Rock mang tư tưởng Phật giáo.

Trước tiên ta cũng nên tìm hiểu qua Rock là gì?

Rock là một thể loại âm nhạc đại chúng được bắt nguồn từ cách gọi ngắn gọn của cụm từ "rock and roll" vào những năm 1950 ở Mỹ, rồi sau đó phát triển thành rất nhiều tiểu thể loại khác nhau từ những năm 60 của thế kỷ 20 và sau đó, đặc biệt ở Anh và Mỹ. Rock bắt nguồn từ Rock and Roll của những năm 1940 và 1950 và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ nhạc R&B cùng nhạc đồng quê. Ngược lại, Rock cũng tạo ảnh hưởng vô cùng rõ rệt lên nhiều thể loại nhạc khác như bluesfolk, cùng với đó là những tương tác với jazz, nhạc cổ điển, và các thể loại khác.

Vào cuối những năm 60 – còn được gọi là "những năm vàng" hoặc "thời kỳ Rock cổ điển" – rất nhiều tiểu thể loại của Rock đã xuất hiện, trong đó có Blues Rock, Folk Rock, Country Rock, và Jazz-Rock pha trộn. Rất nhiều trong số đó đã góp phần tạo nên Psychedelic Rock bị ảnh hưởng lớn từ phong trào phản văn hóa lúc đó. Một thể loại quan trọng khác cũng xuất hiện đó là Progressive Rock; Glam Rock nhấn mạnh vào nghệ thuật trình diễn và phong cách; và các thể loại nhỏ khác của Heavy Metal vốn đề cao âm lượng, độ gằn cũng như tốc độ. Vào cuối những năm 1970, Punk Rock trở nên phổ biến và trở thành tâm điểm chống lại những xu hướng, tạo nên thể loại nhạc đầu tiên đặc thù với các chủ đề xã hội cũng như chính trị. Văn hóa Punk gây ảnh hưởng lớn suốt những năm 80 với việc tạo nên rất nhiều tiểu thể loại quan trọng, trong đó có New Wave, Post-Punk và đặc biệt là làn sóng Alternative Rock. Tới những năm 90, Alternative Rock trở nên phổ biến và phân tách thành Grunge, Britpop, và Indie Rock. Các thể loại nhạc pha trộn với nhau, hình thành sau đó: Pop Punk, Rap Rock, và Rap Metal. Cùng với đó là những thể loại mới vô cùng quan trọng với lịch sử nhạc Rock như Garage Rock/ Post - PunkSynthpop vào những năm đầu của thiên niên kỷ mới.

Nhạc Rock cũng trở thành một phần của các phong trào văn hóa và xã hội, tạo nên những khái niệm mới như rocker hay mod ở Anh, hippie bắt nguồn từ San Francisco ở Mỹ vào những năm 1960. Tương tự, vào những năm 70, văn hóa Punk đã tạo nên những khái niệm như GothEmo. Kế thừa tính phản kháng từ nhạc Folk, Rock cũng nhanh chóng có những liên kết với các vấn đề chính trị, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới thay đổi quan điểm xã hội về chủng tộc, giới tính, sử dụng chất kích thích, và thường được coi là lời ca của tuổi trẻ chống lại xã hội tiêu dùng và sự tận hưởng. (theo Wikipedia).

 

2.2 ROCK VÀO VIỆT NAM

Nhạc Rock vào Việt Nam cùng lúc với sự xuất hiện của những người lính viễn chinh Mỹ, nó thường được các ban nhạc Philipine chơi trong các bar, các hộp đêm ở Sài Gòn nhằm phục vụ cho người Mỹ và người nước ngoài. Sau đó các nhạc sĩ Việt Nam học tập và đã có một số ca khúc tiếng Việt viết theo những nhịp nhảy đương thời của Rock and Roll.

Do tính chất sôi động của nó, Rock’n Roll và R&B (rhythm and blues) được đưa vào nhạc tâm lý chiến của chế  độ miền Nam. Kích động nhạc được dùng như một hình thức để viết những bài hát tình yêu vui vẻ, và đặc biệt là thể hiện những người lính VNCH theo mẫu người hùng đầy hăng hái sôi nổi. Cùng thời điểm đó, Rock’n Roll trở thành một phần của công nghệ giải trí tạp kỷ ở miền Nam, cũng có một sự bùng nổ trong giới học sinh, sinh viên, họ thành lập và học tập theo cách chơi của các ban nhạc Âu – Mỹ, nhạc Rock trở thành một phần âm thanh của đường phố Sài Gòn lúc bấy giờ.

Những năm 1967-1968, hàng loạt ban nhạc lấy tên tiếng Anh ra đời như The Enterprise (Trung Nghĩa, Lý Được, Mạnh Tuấn, Casim, Thanh Tuyền), CBC (Tùng Linh, Tùng Vân, Đức Hiền, Ngọc Hiền, Bích Loan, Bích Liên), The Soul (Huỳnh Háo, Trần Vĩnh), The Music Makers (Huỳnh Anh)… Thời kỳ này họ thường xuyên biểu diễn ở các câu lạc bộ dành cho lính Mỹ, chơi lại những ca khúc nổi tiếng đương thời của các ban nhạc đang làm mưa làm gió trên thế giới như Cream, Santana, Grand Funk Railroad, Black Sabbath, Stepphenwolf, Deep Purple,...

Đầu thập niên 1970, bắt đầu thời kỳ Việt hóa của Pop/ Rock, Phượng Hoàng là ban nhạc đầu tiên trình diễn những bài hát của mình bằng tiếng Việt, hai thành viên chủ chốt là Nguyễn Trung CangLê Hựu Hà.

 

Ban nhạc Phượng Hoàng

Sau ngày thống nhất đất nước, nhạc Rock bị chính quyền mới coi như văn hóa đồi trụy tiểu tư sản nên không có bước phát triển gì mới. Tuy nhiên sau thời kỳ đổi mới về nhận thức văn hóa từ năm 1986, Rock đã được phục hồi thông qua phong trào ca khúc chính trị, lấy hình mẫu từ khối các nước XHCN, Sự chấp nhận lại Rock  là kết quả của sự cộng hưởng với âm nhạc của Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu. Thời điểm này nổi lên tên tuổi các ban nhạc như “Sinco”, “Cửu Long”, “Tuổi Hoa”, “Mây Trắng”… Chủ đề của những ca khúc Rock thời gian này thường ca ngợi, cổ vũ  những người thanh niên đi xây dựng và bảo vệ quê hương.

Từ sau năm 1985, thế hệ tiếp theo Rock của Sài Gòn ra đời. Năm 1987 ban nhạc Đen Trắng của Trần Tiến đã mang chương trình “Đối thoại 87” lưu diễn dọc đất nước Việt Nam với chùm ca khúc phản ánh những thực trạng xã hội lúc bấy giờ: “Trần trụi 87”, “Rock đồng hồ”, “Ý nghĩ trong phòng hải quan”. Do sự táo bạo trong ca từ, ban nhạc của Trần Tiến chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

          Atomega với album Đất mẹ được coi như là album nhạc Rock đầu tiên của Rock Việt. Da Vàng với album SOS và các ban nhạc khác như SaiGon Metal, Rock Alpha, Buổi Sáng, Ba Con Mèo, Ngôi Nhà Xanh, Hy Vọng, Hải Âu... Mỗi ban nhạc có những hướng đi khác nhau, nhóm thì cover, nhóm thì thành ban nhạc đệm, hoặc có nhóm chỉ đến với fan bằng những bản nhạc Pop - Rock phổ thông.

Hai liên hoan nhạc trẻ tại nhà văn hóa Thanh Niên năm 1992 và 1994 như là một cột mốc đánh dấu một thế hệ Rock mới ra đời.

Cho đến những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, điều kiện tiếp cận với âm nhạc thế giới đã dễ dàng hơn. Các ban nhạc trẻ đã đi theo những dòng nhánh đang thịnh hành như nhạc Alternative, nhạc Heavy Metal, nhạc Death Metal, nhạc Progressive... với những cái tên mới nổi sau này như Metronome, Atmosphere, Hero In Danger, Wishband, Microwave, Unlimitted. Ở phía Bắc thì có những nhóm Bức Tường, Gạt Tàn Đầy... Không chỉ theo những khuynh hướng Rock truyền thống của thế giới mà những ban nhạc Rock Việt thời kỳ này đã có nhiều tìm tòi, sáng tạo trong hòa âm, phối khí, ngôn ngữ, hình tượng âm nhạc, đề tài, thể loại… để tạo ra những sản phẩm Rock “Made in VietNam” khá độc đáo. Như nhóm Ngũ Cung đưa ý tưởng về một ban nhạc Rock kết hợp với những yếu tố dân gian đặc biệt là vùng Tây Bắc. Theo Ngũ cung thì: “ý nghĩa nhân văn chính của Ngũ cung chính là đem yếu tố Việt (âm nhạc Việt, phong tục tập quán, văn hóa Việt) vào Rock. Thể hiện, ca ngợi vẻ đẹp của con người Việt, văn hóa truyền thống dân gian Việt, tình yêu, vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam, đặc biệt là cái hùng vĩ, cái bí hiểm, cái đẹp hoang sơ của những con người với nét văn hóa đặc trưng cùng miền núi Tây Bắc”[3].

Với tiêu chí đó nên ban nhạc này có rất nhiều ca khúc về đề tài dân gian Tây Bắc như: “Cướp vợ, tục lệ H’Mông”, “Cao nguyên đá”, “Giã cốm đêm trăng”… mà thành công nhất là bài “Cướp vợ, tục lệ H’Mông”.

Chương trình Symphony Rock tổ chức tháng 8 năm 2008 của ban nhạc Unlimited được ghi nhận là chương trình Rock Giao hưởng đầu tiên ở Đông Nam Á. Ở đây là sự kết hợp giữa hai thể loại âm nhạc gần như đối nghịch: âm nhạc đại chúng và âm nhạc bác học. Trong chương trình này không những tất cả các ca khúc được phối khí cho ban nhạc Rock và dàn nhạc Giao hưởng mà trong đó sử dụng một số ca khúc rất “thuần Việt ” mà đặc biệt nhất là “Hòn vọng phu” của nhạc sỹ Lê Thương. Ca khúc này được nhiều người biết đến như một ca khúc của dòng nhạc tiền chiến, trữ tình, không những thế, nó còn mang nhiều yếu tố đặc trưng  của âm nhạc truyền thống Việt Nam như hình tượng, đường nét âm hình, luyến láy, tiết tấu; nên việc phối khí chùm ba bài “Hòn Vọng Phu” cho Rock quả thật là một thách đố cho Unlimited.

Năm 2014 Trần Toàn K300 phát hành Album Funk Rock vol.3 với những ca khúc châm biếm, phản ánh những mặt tiêu cực trong xã hội cũng đã gây được sự chú ý, đặc biệt là bài “Túi 9 gang”, phong cách Rock nhưng lại rất đậm chất dân gian từ nội dung ca từ lấy từ câu chuyện cổ tích Việt Nam “Ăn khế trả vàng”, đến ngôn ngữ âm nhạc rất gần gũi với các làn điệu chèo Bắc bộ.

Đây là những tìm tòi, thử nghiệm rất đáng ghi nhận của Rock Việt hiện nay.

Thẩm mỹ Rock đương đại Việt Nam gắn liền với Heavy Metal có khả năng chứa đựng sự dữ dội và thu hút số đông. Sự tập trung của nó vào các đề tài xã hội khiến cho nhạc Rock trở nên ngoại lệ với thị trường nhạc đại chúng Việt Nam, vốn chủ yếu gồm các bài tình ca. Hơn thế nữa, với chính những bản chất trên, Rock thường đề cập đến những vấn đề về tư tưởng và giáo dục, phản ánh những vấn đề nóng của cuộc sống, thậm chí rất nhiều ca khúc của thể loại này đi vào những vấn đề về triết lý mà rõ nhất là triết lý Phật giáo. Phải chăng Rock đã và đang là một chiếc cầu, một phương tiện để nhiều người có thể tiếp cận với tư tưởng Phật giáo một cách gần gũi, đơn giản và dễ hiểu hơn?

Còn tiếp...