20/05/202215:19

ROCK VÀ PHẬT GIÁO

Nói đến Phật giáo người ta thường nghĩ ngay đến những gì mang tính chất “tĩnh”, những khuôn mẫu, phép tắc thể hiện qua năm giới luật đơn giản nhất của người Phật tử mới bước  vào con đường tu tập là  hành trì “ngũ giới” (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không ẩm tửu).

Nhắc đến rock người ta lại liên tưởng ngay đến những gì hết sức sôi động, nổi loạn, phá cách. Vậy giữa Rock và Phật giáo có gì liên quan đến nhau, có gì gần gũi nhau?

Quyển sách này sẽ dẫn dắt người đọc từng bước tìm hiểu về đạo Phật, các quan điểm, tư tưởng trong triết lý Phật giáo, khái quát về Rock và sự xuất hiện của Rock vào Việt Nam, Rock Việt ngày nay ra sao từ đó thấy được những điểm “thống nhất” thú vị giữa hai “thái cực” tưởng chừng “mâu thuẫn”.

Trong quyển sách này người viết không có tham vọng so sánh, tìm hiểu tất cả các thể loại Rock Việt Nam và thế giới qua mọi thời kỳ mà chỉ giới thiệu một số nhạc phẩm Rock Việt đầu thế kỷ XXI mà thôi.

 Tháng 9/2016

Nguyễn Cẩm Lệ

MỞ ĐẦU

Mở đóng là một cặp phạm trù đối lập, có thể thấy cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của cặp phạm trù này trong xã hội Việt Nam thời “hội nhập”, phải chăng từ khi “mở cửa” thì một số giá trị về văn hóa, đạo đức bị “đóng” lại?

Từ khi hội nhập, “mở cửa”, đất nước đã có một vận hội mới, hòa chung với thế giới để phát triển về nhiều mặt: khoa học kỹ thuật, kinh tế, giáo dục, nghệ thuật… Đời sống người dân đã thay đổi rõ rệt, ngày càng được nâng cao về sinh hoạt vật chất lẫn tinh thần. Trong xu thế hội nhập, chúng ta cũng đã gặt hái được nhiều thành quả, rất nhiều bạn trẻ Việt Nam đã thành công, thậm chí ở đỉnh cao trong nhiều lĩnh vực trong và ngoài nước. Tuy nhiên, song song với việc đón nhận những cái hay, cái mới của thế giới thì thế hệ trẻ hiện nay cũng đang tiếp cận và chịu lực hút từ nhiều phía của văn hóa bên ngoài. Một bộ phận thanh thiếu niên đã bị mất phương hướng do bị ảnh hưởng của các hình thái văn hóa xã hội không phải là văn hóa dân tộc, một phần đã rơi vào các tệ nạn xã hội để lại di chứng cho bản thân, gia đình và xã hội. Báo chí gần đây liên tục đưa tin về những cuộc chơi bạc triệu thâu đêm suốt sáng của những “thiếu gia”, những vụ thanh toán, cướp giật mà người gây án thậm chí còn trong độ tuổi vị thành niên, nạn bạo lực học đường… Và một vấn đề rất nhạy cảm và tế nhị với cả với người lớn nhưng giờ đây hình như quá bình thường với giới trẻ là chuyện tình dục. Không những giới trẻ quan hệ tình dục sớm mà còn coi đó như một trò chơi khi ghi hình lại những “kỷ niệm”, để một ngày trở thành vũ khí để đánh ghen hay khống chế nhau.

Mỗi người chúng ta đều chịu sự chi phối của ba hệ thống giáo dục, đó là giáo dục học đường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Giáo dục nhà trường hiện nay nặng về nhồi nhét kiến thức mà xem nhẹ đức dục, giảng dạy về kỹ năng sống. Ở gia đình còn tùy thuộc điều kiện sinh hoạt của từng gia đình, trình độ văn hóa, hiểu biết, đạo đức lối sống, nghề nghiệp của bậc làm cha mẹ mà hình thành những lối giáo dục khác nhau mang tính đặc thù từng gia đình. Xã hội là nơi mà người ta có thể tiếp nhận nhiều thông tin giáo dục  nhất, qua sách báo, các phương tiện thông tin truyền thông, nhất là qua internet trong thời kỳ gọi là “thế giới phẳng”. Bên cạnh đó còn có sự ảnh hưởng của cộng đồng xung quanh: bạn bè, dân cư khu vực sinh sống… Như vậy trong ba hệ thống giáo dục ta có thề thấy rõ ràng giáo dục nhà trường và xã hội là những chi phối khách quan, chỉ có sự giáo dục gia đình là được chủ động nên nó là một hệ thống giáo dục quan trọng nhất với mỗi cá nhân con người. Giáo dục tôn giáo trong gia đình đúng hướng cũng là một nền tảng tốt đối với việc hình thành nhân cách cho lớp trẻ.

Phật giáo với bốn đặc điểm cơ bản là: “Nhân bản, bình đẳng, từ bi, vô ngã”, luôn đề cao những nỗ lực, ý chí của con người, đề cao lòng nhân ái, yêu thương và luôn nhận biết sự biến đổi, không thường trụ để từ đó giảm bớt những ham muốn, bám chấp, hận thù. Tất cả những đặc điểm này xem ra rất phù hợp để góp phần trong việc giáo dục đạo đức cho giới trẻ ngày nay. Có lẽ cũng chính vì những ưu điểm ấy mà tư tưởng Phật giáo đã ảnh hưởng khá nhiều trong văn học nghệ thuật: các tác phẩm thơ văn, các tác phẩm tạo hình, hội họa, sân khấu…. Trong âm nhạc cũng đã có rất nhiều tác phẩm thể hiện những tư tưởng này, nhiều nhất và rõ nét nhất là các tác phẩm của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Về vấn đề này đã có nhiều đề tài, bài viết đề cập đến. Gần đây trong các sáng tác nhạc trẻ cũng có một số ca khúc có nội dung phản ánh những tư tưởng Phật giáo, tuy nhiên, một thể loại âm nhạc mà xét về hình thức thì không ai nghĩ nó lại có thể tải được những nội dung, tư tưởng Phật giáo đó là Rock, một loại nhạc cực kỳ sôi động, mãnh liệt. Vì sao một loại nhạc “động” như vậy lại chuyển tải những nội dung “tĩnh” như thế, những nội dung nào trong triết lý Phật giáo được các rocker thường đề cập đến và đề cập như thế nào? Có sự “thống nhất” gì giữa hai loại hình tưởng chừng “đối lập” này, tác động của nó ra sao với giới trẻ? Tìm lời giải đáp cho những câu hỏi trên chính là mục đích của quyển sách này.

CHƯƠNG 1

1.1 LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI VÀ HOÀN CẢNH  RA ĐỜI CỦA PHẬT GIÁO

Có người do không hiểu đúng tinh thần Phật giáo, do nhầm lẫn hay cố tình xuyên tạc mà cho rằng Phật giáo là tôn giáo thần quyền, mê tín như những tôn giáo khác. Đây là sự ngộ nhận đáng tiếc bởi thực chất Phật giáo không phải là một tôn giáo đúng nghĩa như những tôn giáo thần quyền tôn sùng một vị giáo chủ tối cao. Phật giáo không có một thượng đế toàn năng hay một đấng tạo hóa, không có sự thờ phượng, cầu nguyện hay rất nhiều điều khác mà trong định nghĩa về tôn giáo đã nêu. Ở mặt nào đó Phật giáo có thể mang ý nghĩa của một tôn giáo nhưng ở mặt khác Phật giáo hoàn toàn tập hợp những vấn đề về triết học. Chính triết học Mác - Lê Nin cũng đã có nhiều quan điểm trùng hợp với triết học Phật giáo. Vì vậy, để hiểu Phật giáo một cách đúng đắn chúng ta không thể nào không biết đến lịch sử ra đời của đạo Phật và người sáng lập ra nó; đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni và tinh thần hoằng pháp của đạo Phật.

Về địa lý, Ấn Độ có những núi rừng âm u, gọi là lục địa xanh, có hai dòng sông Ấn và đặc biệt là sông Hằng đã tạo nên hẳn một nền văn hóa sông Hằng. Phía bắc của Ấn Độ là dãy Himalaya cao lớn và dài, tạo nên một hàng rào cô lập các vùng bình nguyên của xứ này với các vùng còn lại, tất cả đã ảnh hưởng nhiều đến luồng tư tưởng nhân bản, tiến bộ và giải thoát sớm xuất hiện. Nền văn hóa chính ngự trị thời bấy giờ là văn hóa Vệ Đà (Veda). Các bộ lạc du mục người Aryvan đã mở mang đến các vùng lãnh thổ tây bắc Ấn Độ và lan rộng ra hầu hết Ấn Độ khoảng 1000 năm trước Công nguyên.

Văn hóa Vệ Đà nghiêng về thờ phụng nhiều thần thánh cũng như có các quan điểm thần bí về vũ trụ

Trước thời đức Phật ra đời, tư tưởng, tôn giáo, triết học cũng như kinh tế, chính trị xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ rất phức tạp. Pháp điển Manoa (Mànu) kết hợp cả chính trị lẫn tôn giáo đã ấn định nhiều quy tắc đầy bất công trong xã hội, phân chia xã hội thành bốn giai cấp rất rõ nét và khắc nghiệt, trong đó tập trung quyền hành và thống trị là hàng tăng lữ Bà la môn, sau đó là hàng vua quan (Sát đế lỵ), tiếp theo là tầng lớp bình dân (Vaisya) và thấp hèn nhất là những người cùng dân, nô lệ (Sùdra). Hai tầng lớp dưới bị khinh miệt và không được pháp luật bảo hộ, không được dự chung tín ngưỡng. Việc giai cấp tăng lữ được đề cao và được hưởng mọi ưu đãi, bổng lộc trong xã hội đã khiến cho chính thành phần này phân hóa thành nhiều hướng triết lý, hành đạo khác nhau, đôi khi còn đối nghịch, phản bác lẫn nhau. Các xu hướng triết lý cũng phân hóa mạnh như xu hướng: khoái lạc, ngẫu nhiên, ngụy biện, duy vật, hoài nghi. Cũng có rất nhiều trường phái tu luyện như: khổ hạnh, đức hạnh, tụng kinh…Với tầng lớp bị áp bức thì tư tưởng yếm thế nảy sinh, nạn mê tín dị đoan, huyền bí, ma thuật phố biến.

Còn tiếp...