10/06/201616:20

Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, văn học- nghệ thuật từ thực tiễn của thành phố Hồ Chí Minh

Đ/c Nguyễn Văn Đua - Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Hơn 300 năm trước, Sài Gòn – Gia Định còn hoang sơ, chưa nhiều dấu chân người khai phá. Công cuộc khẩn hoang, vỡ đất của ông cha đã dần biến nơi đây thành vùng đất trù phú, làm sáng lên bầu trời phương Nam đất Việt. Quyện trong quá trình lao động, phát triển kinh tế đã lấp lánh ánh dương văn hóa, biểu hiện bằng lòng thương người, tình yêu quê hương, tinh thần lao động cần cù, chí thú làm ăn, ham học hỏi để tiến bộ, chung sức vượt khó, trọng nghĩa khinh tài trong đối nhân xử thế. Cuộc mưu sinh khá thuận lợi bởi tài nguyên thiên nhiên ban tặng, khiến con người trở nên phóng khoáng hơn, nhưng không vì thế mà mất đi nguồn cội; trái lại, sự tiếp biến văn hóa trên nền tảng kinh tế phát triển cùng với sự giao thoa, chọn lọc tiếp thu văn hóa của dân tộc khác đã làm phong phú, tiến bộ và sâu sắc, đậm đà hơn bản sắc văn hóa dân tộc mình. Văn học, nghệ thuật có điều kiện đâm chồi, nảy lộc, tạo ra nhiều giá trị độc đáo, muôn sắc như lý, hò, đờn ca tài tử, vọng cổ, sân khấu cải lương, tân cổ giao duyên, … góp những sáng tạo đặc sắc vào kho tàng văn hóa Việt Nam với những nhân tài hào kiệt ở tầm vóc dân tộc.

Vì thuận tiện cho giao thương, Sài Gòn sớm thành đô thị, trở nên trung tâm kinh tế - văn hóa phát triển, nhưng bên cạnh có biểu hiện của sự du nhập, lai căng, nhất là thời bị tạm chiếm, kinh tế lệ thuộc ngoại bang. Trong điều kiện đó, được nâng lên, nuôi dưỡng bởi đường lối cách mạng cứu dân, cứu nước đúng đắn của Đảng, văn hóa dân tộc là một sức mạnh vô biên, mãnh liệt, chuyển thành vật chất, như những đợt sóng trào dâng nhấn chìm thực trạng vong bản; khơi dậy, hun đúc, thúc đẩy nghĩa khí, góp phần chiến thắng thực dân, đế quốc dã tâm xâm lược. Dẫu quá khứ lùi dần, nhưng hẳn rằng chúng ta không thể nào quên những lời ca yêu nước, những vần thơ đầy hào khí vang vọng núi sông, thúc giục mọi người đồng lòng đứng lên vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước, vì sự trường tồn của dân tộc – đó là dòng văn học, nghệ thuật cách mạng, được sản sinh ra ở nơi tưởng chừng như tăm tối, thế mà đã tác động làm rực sáng lòng người.

Nhìn lại, để càng nhận thức sâu hơn về ánh sáng tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, mà theo Người thì văn hóa có vai trò soi đường cho quốc dân đi. Từ đó, cần nhìn nhận việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa của thành phố trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, để kế thừa, phát huy truyền thống và thành quả đã có mà tiếp tục tiến lên phía trước.

1. Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề về văn hóa trong quá trình phát triển.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng ta (năm 1991) đề ra: “Mục tiêu tổng quát phải đạt tới khi kết thúc thời kỳ quá độ là xây dựng xong về cơ bản những cơ sở kinh tế của chủ nghĩa xã hội, với kiến trúc thượng tầng về chính trị và tư tưởng, văn hóa phù hợp, làm cho nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh”(1). Đến Đại hội XI, trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã yêu cầu phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn; trong đó có mối quan hệ “giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”(2). Quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng, Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã luôn chú trọng lãnh đạo tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trên trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Thành phố, xem đó là sự phát triển bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa trên tất cả các lĩnh vực. Quán triệt mục tiêu “Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thành một thành phố xã hội chủ nghĩa văn minh, hiện đại, từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á, xứng đáng với thành phố mang tên Bác Hồ” mà Nghị quyết 20-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) đã đề ra, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Thành ủy đã xây dựng Chương trình hành động số 19-CTHĐ/TU, xác định quan điểm “gắn chặt chiến lược xây dựng, phát triển văn hóa với chiến lược xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm hàng đầu việc xây dựng con người với những chuẩn mực về giác ngộ chính trị, về kiến thức văn hóa, về đạo đức, lối sống tốt đẹp”; với mục tiêu “xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đa dạng, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; “làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ hoạt động của đời sống xã hội” đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới của thành phố và đất nước.

Qua các kỳ đại hội, nhất là trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (từ 1991 đến nay), Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh luôn xác định các mục tiêu trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn đều nhất quán quan điểm phát triển văn hóa theo hướng văn minh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa; nhận thức rõ hoạt động văn hóa là nhằm phát huy những phẩm chất và năng lực của con người, vươn tới chân, thiện, mỹ, tạo ra những giá trị, những chuẩn mực xã hội tốt đẹp. Văn hóa thể hiện trước hết ở con người mà con người chính là nhân tố quyết định của hoạt động kinh tế - xã hội; toàn bộ các giá trị văn hóa làm nên những phẩm chất, những năng lực tinh thần của con người, những phẩm chất và năng lực đó được vật chất hóa trong quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm vật chất, tinh thần phục vụ con người và thúc đẩy xã hội phát triển. Theo định hướng đó, thành phố đã đạt được những thành tựu phát triển tương ứng giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế và xây dựng, phát triển văn hóa; từ thực tiễn đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ IX (2010 – 2015) tiếp tục đề ra nhiệm vụ “Phát triển văn hóa theo hướng văn minh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và các giá trị mang nét đặc trưng của nhân dân thành phố; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa – nền tảng tinh thần của xã hội”(3).

Từ nghị quyết của Đảng đến hiệu quả trong thực tiễn đời sống là sự vận hành của cả một tổng thể bao gồm cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ cùng sự điều hành, quản lý nhà nước, gắn với nâng cao dân trí và nâng cao điều kiện sinh hoạt vật chất, văn hóa của con người. Thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt với gần 10 triệu người cư trú, làm việc, học tập, có vai trò đầu tàu của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là một trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ và văn học-nghệ thuật của cả nước. Sự phát triển kinh tế - văn hóa, văn học – nghệ thuật của thành phố có xuất phát điểm khá thuận lợi như vị trí, tiềm năng, khả năng của một đô thị trung tâm; có cơ sở vật chất – kỹ thuật khá phát triển so với mặt bằng chung cả nước; có một đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đông đảo từ nhiều nguồn; thuận lợi lớn nhất là truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo của một thành phố trẻ luôn khát khao vươn lên, phát triển.

Quá trình phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội của thành phố trong thời gian qua đứng trước nhiều khó khăn và thách thức mới, đó là sự tác động mạnh mẽ của xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và hệ quả mặt trái của sự bùng nổ công nghệ thông tin; tốc độ đô thị hóa cao, dân số cơ học tăng nhanh  và phân tầng xã hội; sự hình thành và phát triển nhanh các khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu chế xuất, Đại học Quốc gia… liên quan đến quy hoạch không gian cho hoạt động văn hóa đô thị, văn hóa cộng đồng. Thành phố cũng phải đương đầu với các loại sản phẩm phi văn hóa, độc hại, xâm nhập vào bằng nhiều con đường, ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức lối sống của một bộ phận người dân, nhất là thanh thiếu niên. Các tác phẩm văn học, nghệ thuật từ nước ngoài có nội dung không lành mạnh, có khuynh hướng sáng tác tiêu cực như chủ nghĩa phi lý, hiện sinh và các khuynh hướng nghệ thuật nảy sinh từ các cuộc khủng hoảng văn hóa và tinh thần của kinh tế thị trường, của xã hội tiêu thụ, của lối sống trụy lạc, thác loạn du nhập ngày càng nhiều đang trực tiếp tác động xấu đến thị hiếu thẩm mỹ về hưởng thụ các tác phẩm văn học-nghệ thuật của công chúng và khuynh hướng sáng tác, biểu diễn của văn nghệ sĩ trong nước; môi trường văn hóa bị xâm hại. Bên cạnh đó, những khó khăn nội tại phát sinh như kết cấu hạ tầng vốn đã yếu kém, ngày càng quá tải, cản trở phát triển kinh tế và cải thiện dân sinh, cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở chưa đồng đều, chưa đi sâu, nội dung chưa sát với trình độ học vấn, điều kiện lao động, sinh hoạt của công nhân các khu công nghiệp, mà số lượng đang tiếp tục tăng cao. Những thách thức đó đặt ra cho thành phố những yêu cầu mới trong chiến lược phát triển với những giải pháp, bước đi cụ thể, phù hợp từng giai đoạn của quá trình xây dựng, phát triển.

Nỗ lực của cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã tạo nên những thành tựu to lớn, khá toàn diện về kinh tế - xã hội. Trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp, tốc độ tăng tổng sản phẩm nội địa bình quân đều đạt 2 con số; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu ngân sách hàng năm đóng góp trên 30% ngân sách quốc gia, tạo điều kiện, cơ sở để thực hiện giảm nghèo, phát triển văn hóa, văn học-nghệ thuật đạt kết quả quan trọng trên số mặt cơ bản như sau:

Một là, về xây dựng nếp sống văn minh đô thị, thể hiện trước hết ở nếp sống văn hóa và ý thức trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng trong điều kiện đô thị. Trong hai năm liên tiếp 2008, 2009 thành phố chọn chủ đề là “Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị” làm khâu đột phá của nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa với ba nội dung trọng tâm là: chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; xây dựng ý thức giao tiếp - ứng xử văn minh nơi công cộng. Với nhiều giải pháp cụ thể trong từng thời điểm, được chỉ đạo quyết liệt, góp phần thay đổi một bước bộ mặt văn hóa của thành phố ở góc độ nếp sống văn minh đô thị. Ý thức chấp hành pháp luật nơi công cộng, ý thức trách nhiệm cộng đồng trong việc xây dựng mỹ quan đô thị và văn hóa giao tiếp, ứng xử của người dân thành phố được nâng lên rõ rệt – thái độ đúng đắn của đông đảo người dân tại đường hoa Nguyễn Huệ, hội hoa Xuân, hội sách tổ chức hàng năm là ví dụ sinh động - từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng con người mới của thành phố.

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở có nội hàm ngày càng rõ hơn về nếp sống văn minh đô thị, gắn với các phong trào thi đua yêu nước, phong trào hành động cách mạng sôi nổi của công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ và các tầng lớp nhân dân trong sản xuất, đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo, vì người nghèo, ba giảm, khuyến học…

Hai là, về chủ trương đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, văn học-nghệ thuật, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn lực, tâm huyết và năng lực tổ chức của các văn nghệ sĩ, các cá nhân và tổ chức. Thành phố hiện có 16 hãng phim, 12/12 rạp liên doanh, 5 sân khấu kịch, 40 nhóm hài, 30 nhóm nhạc và nhóm múa, gần 700 doanh nghiệp có đăng ký chức năng tổ chức biểu diễn nghệ thuật, 45 trung tâm băng đĩa nhạc, trên 2.000 cửa hàng bán và cho thuê băng đĩa hình, gần 300 doanh nghiệp có chức năng phát hành sách… do xã hội đầu tư tham gia vào thị trường sản phẩm văn hóa thành phố và cả nước. Các hãng phim tư nhân, sân khấu kịch, sân khấu ca múa nhạc, trung tâm băng đĩa, doanh nghiệp phát hành sách… hoạt động mạnh mẽ, tăng điều kiện chọn lựa cho người dân do khối lượng các sản phẩm văn hóa đa dạng, phong phú tăng lên.

Ba là, về đầu tư phát triển văn học-nghệ thuật, thành phố đặc biệt quan tâm, từ năm 2005 thành phố có chính sách đầu tư cho sáng tác, quảng bá của 9 Hội Văn học-nghệ thuật chuyên ngành hàng năm; hỗ trợ văn nghệ sĩ lão thành hàng tháng; thành lập Quỹ hỗ trợ tài năng nghệ thuật nhằm hỗ trợ cho các tác phẩm âm nhạc, văn học, sân khấu, điện ảnh… có những tìm tòi, sáng tạo mới. Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chương trình hành động số 45-CTHĐ/TU với 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể gắn với đặc điểm tình hình và điều kiện của thành phố để tập trung toàn lực cho văn học, nghệ thuật phát triển. Hiện nay, thành phố có 9 Hội văn học-nghệ thuật chuyên ngành với gần 5 ngàn hội viên hoạt động đều khắp trên các lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu, lý luận phê bình, giáo dục, đóng góp lớn vào đời sống văn học-nghệ thuật của thành phố và đất nước.

Bốn là, về đầu tư các thiết chế văn hóa, quá trình phát triển đô thị, thành phố quan tâm chỉ đạo thể hiện bản sắc văn hóa trong kiến trúc công trình, trong thiết kế đô thị, chú trọng quy hoạch và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa. Các cơ sở văn hóa của thành phố được tập trung triển khai như: Công viên Lịch sử Văn hóa – Dân tộc, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, các công viên, trung tâm văn hóa, cung văn hóa, nhà văn hóa, nhà thiếu nhi cấp thành phố và quận – huyện mở rộng quy mô và đa dạng phương thức hoạt động; hệ thống thư viện được quan tâm đầu tư đã phát huy tác dụng tốt cho nhu cầu nghiên cứu, học tập và giải trí của nhân dân. Thành phố cũng chú trọng đưa các thiết chế giáo dục – đào tạo, hệ thống các nhà trường từ phổ thông đến chuyên nghiệp, từ mầm non đến đại học, chăm lo giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; các thiết chế văn hóa còn bao gồm hệ thống báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, thành phố hiện có 40 tờ báo, tạp chí, 1 đài truyền hình, 1 đài phát thanh và 3 nhà xuất bản hoạt động khá tốt.

Năm là, triển khai sâu rộng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đến các tổ chức cơ sở Đảng, đến các doanh nghiệp, trường học, khu dân cư, là cơ sở thúc đẩy rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa trong cán bộ, đảng viên và trong nhân dân; để thực hiện nhiệm vụ xây dựng 5 đức tính của con người Việt Nam theo Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã đề ra; thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn liền với việc đăng ký tu dưỡng, xây dựng thực hiện chương trình phấn đấu của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhằm rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn phát triển văn hóa của thành phố còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Phát triển văn hóa chưa tương xứng với vị trí và tiềm năng của thành phố, chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế, chưa thể hiện tốt vai trò nền tảng tinh thần xã hội; việc chấn chỉnh, khắc phục các biểu hiện lệch lạc, nhất là xu hướng thương mại hóa trong hoạt động báo chí, xuất bản, văn học, nghệ thuật, có lúc chưa kịp thời, có lĩnh vực chưa vững chắc; chất lượng hoạt động văn hóa còn thấp, có khuynh hướng chạy theo thị hiếu tầm thường; những tác phẩm văn học, nghệ thuật hay, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao chưa nhiều; môi trường xã hội bị ô nhiễm bởi sự xâm nhập của các sản phẩm phi văn hóa; tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống thực dụng, lai căng, nhất là một bộ phận trong giới trẻ rất đáng lo ngại… Chưa đầu tư đúng mức đến việc chăm lo đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ thành phố nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, sự thống nhất và thông suốt với đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng và nhiệm vụ, các vấn đề của thành phố; triển khai việc xây dựng Đảng, xây dựng con người trong đội ngũ văn nghệ sĩ thành phố, nhất là lực lượng văn nghệ sĩ trẻ còn hạn chế. Những hạn chế, yếu kém trên cho thấy nhận thức về mối quan hệ hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, văn học – nghệ thuật trong một số cấp ủy, chính quyền chưa sâu sắc, chưa đầy đủ, đã tác động, làm giảm hiệu quả của những thành quả và nỗ lực mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đang ra sức xây dựng, phấn đấu vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nhìn lại, cái được lớn nhất của thành phố về giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng với phát triển văn hóa là ở đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân từng bước được ổn định và nâng lên; trong đó để lại những dấu ấn văn hóa sâu đậm với những kết quả thiết thực, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội rộng lớn và có sức lan tỏa, thể hiện sinh động bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa, có thể nêu lên như phong trào giảm nghèo; xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, chương trình bảo trợ bệnh nhân nghèo; đem lại nụ cười cho trẻ thơ, ánh sáng cho người già; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng… mà thành phố là nơi khởi xướng và thực hiện tốt. Có cơ sở để nhận định đó là thể hiện tính hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, trong giá trị vật chất đã hàm chứa giá trị văn hóa, tinh thần, mà những giá trị ấy là sự thể hiện đích thực của bản chất nhân văn trong chế độ xã hội chủ nghĩa đang ngày càng phải được củng cố để phát triển mạnh mẽ, rộng khắp và tỏa sáng hơn nữa.

2. Tiếp tục giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, văn học-nghệ thuật, xây dựng con người.

Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, văn học-nghệ thuật đúng với tầm vóc của mối quan hệ này, thành phố ra sức khắc phục nhanh  những hạn chế trong quán triệt, nhằm làm cho toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị thành phố nhận thức đúng đắn, sâu sắc hơn về phát triển bền vững, về vai trò của văn hóa, về mối quan hệ hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật; rà soát, bổ sung những giải pháp trong việc đầu tư xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, chú trọng đúng mức trí thức, văn nghệ sĩ trẻ; tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật; nâng cao điều kiện thụ hưởng văn hóa của nhân dân, nhất là công nhân, nông dân, thanh niên; đẩy mạnh đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa và đề xuất 3 kiến nghị như sau:

Thứ nhất: Trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và Kết luận Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cần xây dựng, bổ sung, hoàn thiện “Chiến lược quốc gia về phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật đến năm 2020”, phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ Chiến lược kinh tế-xã hội 10 năm (2011 – 2020). Gắn mục tiêu xây dựng con người, xây dựng và phát triển văn hóa với tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa để phát triển kinh tế - xã hội thực sự bền vững. Làm cơ sở để các cơ quan Trung ương và các địa phương hoạch định các chính sách nhằm phát triển văn hóa một cách đồng bộ, nhất quán, phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay và lâu dài.

Thứ hai: Đẩy nhanh việc thể chế hóa các quan điểm, đường lối, định hướng của Đảng về văn hóa, văn học-nghệ thuật nhằm tương ứng với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, tạo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, giữa đời sống vật chất và văn hóa cho nhân dân. Nhà nước cần có qui định rõ ràng các chương trình, dự án, công trình phát triển kinh tế - xã hội phải hàm chứa đầy đủ các yếu tố, nội dung, các khía cạnh kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường để góp phần bảo đảm phát triển bền vững. Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội phải gắn với phát triển kinh tế trong quy hoạch, kế hoạch, từng chính sách, từng chương trình, dự án.

Thứ ba: Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương phía Nam vốn có tính đặc thù về văn hóa, văn học-nghệ thuật trong suốt chiều dài lịch sử phát triển; do vậy, sự chỉ đạo của các cơ quan Trung ương về văn hóa cần phải có sự hài hòa, nhuần nhuyễn, thích hợp với từng lúc, từng nơi; phát huy được thế mạnh, đặc sắc của địa phương trong sự thống nhất chung.

* Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh vui mừng, trân trọng hoan nghênh Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội đồng Lý luận phê bình văn học-nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội thảo với đề tài sát thực tế này tại thành phố Hồ Chí Minh. Điều đó tiếp sức rất lớn đối với thành phố, mang lại vinh dự và trách nhiệm cho các lực lượng văn học-nghệ thuật thành phố quán triệt hơn nữa nghị quyết của Đảng và tích cực hơn nữa trong hoạt động phát triển văn học-nghệ thuật, cũng như văn hóa, tư tưởng để hoàn thành tốt nhất sự nghiệp xây dựng con người Việt Nam, con người thành phố ngày một tốt đẹp hơn, làm chủ thể trong xây dựng thành phố, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 --------

(1). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2008, tr.232.

(2). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.73.

(3). Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh, Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ IX, 2010, tr.55.

*Nguồn: Trích Báo Văn nghệ TP. Hồ Chí MInh - Xuân Nhâm Thìn 2012 ngày 22/12/2011 - Trang 5,6,7.