26/04/202410:58

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh – Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM: Âm nhạc thiếu nhi cần có những chủ đề đa dạng và phong phú hơn nữa

Phát triển âm nhạc thiếu nhi không chỉ là một lĩnh vực quan trọng mà còn là đề tài được rất nhiều nhạc sĩ chú trọng và công chúng quan tâm. Vì vậy hàng năm, Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) luôn tổ chức các cuộc vận động hỗ trợ đầu tư sáng tác với các chủ đề về mái ấm gia đình, tình yêu mái trường, thầy cô... Chia sẻ với phóng viên (PV), Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh - Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM đã có những trao đổi về hoạt động ý nghĩa này.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh – Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM

PV: Phát triển âm nhạc thiếu nhi đang là hoạt động rất được quan tâm hiện nay, Nhạc sĩ nghĩ sao về điều này?

Phát triển âm nhạc thiếu nhi mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho sự phát triển về tư duy, trí tuệ và tính giáo dục… của thiếu nhi. Âm nhạc thiếu nhi không chỉ là giải trí mà còn có chức năng quan trọng là giáo dục sự phát triển lành mạnh, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển toàn diện của trẻ em. Những bài hát và chương trình biểu diễn có thể giúp trẻ em phát triển kỹ năng ngôn ngữ, khả năng ghi nhớ và các kiến thức cơ bản trong cuộc sống. Tạo ra một sân chơi bổ ích và mang lại niềm vui, giải trí cho các em

PV: Những năm gần đây, âm nhạc thiếu nhi được các nhạc sĩ, các nhà sản xuất âm nhạc đặc biệt chú trọng và phát triển, tuy nhiên vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Nguyên nhân do đâu, thưa nhạc sĩ?

Âm nhạc thiếu nhi hiện nay đang hoạt động tích cực nhưng cũng có những mặt hạn chế và chưa đạt được hiệu quả cao. Các chương trình biểu diễn âm nhạc của thiếu nhi có sử dụng các sáng tác mới nhưng cũng thường sử dụng lại các ca khúc quen thuộc và chủ đề còn hạn hẹp.

Các tác phẩm còn thiếu sự đa dạng và sáng tạo, một số lượng lớn các sản phẩm âm nhạc thiếu nhi chưa có sự mới mẻ về chủ đề nội dung, dẫn đến trùng lặp và mất sự thu hút đối với trẻ em. Một số bài hát và chương trình biểu diễn thiếu nhi chưa thật sự chỉn chu trong việc sản xuất nội dung hoặc thiếu thông điệp giáo dục.

Bên cạnh đó, chưa có sự tích hợp của các nền tảng mới, việc tích hợp âm nhạc thiếu nhi vào các nền tảng xã hội mang tính đa phương tiện chưa được phổ biến rộng nên khả năng tiếp cận chưa cao.

PV: Có biện pháp nào có thể thúc đẩy sự đa dạng và sáng tạo trong lĩnh vực này?

Âm nhạc thiếu nhi cần có những chủ đề đa dạng và phong phú hơn nữa đặc biệt là chú trọng phần hòa âm cho phù hợp với thị hiếu nghe nhạc hiện nay của các em. Vì vậy, hàng năm, Hội Âm nhạc TP.HCM đều tổ chức các cuộc vận động sáng tác, đầu tư các ca khúc về đề tài thiếu nhi. Trong năm 2024, Hội Âm nhạc TP.HCM cũng tổ chức Cuộc vận động sáng tác ca khúc thiếu nhi với chủ đề: “Em Yêu Thành Phố Bác Hồ” hướng đến chào mừng 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và chủ đề về “Mái Ấm Gia Đình”…

Qua đó, Hội khuyến khích sự sáng tạo mới bằng cách tạo ra các ca khúc và chương trình biểu diễn mang tính độc đáo và phong phú hơn. Các sáng tác cần chú trọng ca từ, giai điệu phù hợp với nhu cầu và sở thích của trẻ em hiện nay.

Chủ đề “Em Yêu Thành phố Bác Hồ” là một chủ đề mới và thú vị cho âm nhạc thiếu nhi. Sử dụng âm nhạc để giới thiệu về các giá trị văn hóa và vẻ đẹp của thành phố nơi các em sinh sống, khuyến khích tình yêu quê hương và những giá trị tốt đẹp đến với thiếu nhi.

Bên cạnh đó, Hội Âm nhạc TP.HCM luôn chú trọng việc quảng bá các tác phẩm thiếu nhi đến với công chúng, ngoài việc hàng năm Hội Âm nhạc TP.HCM phối hợp với Nhà Thiếu nhi TP.HCM dàn dựng chương trình chỉn chu trên sân khấu, đầu tư kỹ lưỡng về mặt nội dung, ghi hình và phát sóng, Hội cũng quảng bá các tác phẩm thiếu nhi trên các nền tảng số và sân khấu Dế Mèn Đầm Sen. Hiện nay, Hội đang có một Thư viện âm nhạc thiếu nhi số với gần 400 ca khúc mới trên kênh Youtube của HỘI ÂM NHẠC TP. HỒ CHÍ MINH, phụ huynh và các em có thể nghe và tải nhạc nền chất lượng cao không mất phí.

Đây là những hoạt động thiết thực mà Hội Âm nhạc TP.HCM luôn nỗ lực thực hiện để tạo ra một sân chơi mang tính giáo dục và bổ ích cho các em thiếu nhi nói riêng cũng như tạo giá trị cho cộng đồng nói chung.

PV: Rất cảm ơn sự chia sẻ của ông!

Lưu Ly