10/06/201616:20

HỘI THẢO KHOA HỌC “ÂM NHẠC TP. HỒ CHÍ MINH – THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP”

Nằm trong các hoạt động chào mừng 30 năm Ngày thành lập Hội Âm Nhạc TP. Hồ Chí Minh (28/11/1981 – 28/11-2011), sáng ngày 16/11/2011 tại Hội trường Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi Hội thảo khoa học với chủ đề “Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh – Thực trạng và giải pháp”. Chương trình do Liên Hiệp Các Hội VHNT TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Âm Nhạc, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Đài Truyền hình và Nhạc viên TP. Hồ Chí Minh tổ chức.

Thành phần tham dự gồm các Nhà Lý luận phê bình âm nhạc, các báo đài, các Nhạc sĩ lão thành, Ban chấp hành Hội Âm Nhạc TP. Hồ Chí Minh, các nhạc sĩ trẻ, các giảng viên và sinh viên Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh.

Chủ tọa đoàn chương trình gồm có: GS – Nhạc sĩ Ca Lê Thuần – Bí thư Đảng Đoàn – Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh, Nhạc sĩ Trần Long Ẩn – Phó Chủ tịch Hội Nhạc Sĩ Việt Nam – Chủ tịch Hội Âm Nhạc TP. Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Liêm – Phó Giám đốc Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh – UV BCH Hội Âm Nhạc TP. Hồ Chí Minh, Nhà Lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu – UV Ban Thường vụ Hội Nhạc Sĩ Việt Nam.

Tại cuộc hội thảo Chủ tọa đoàn đã giới thiệu 17 bản tham luận xoay quanh các chủ đề về sáng tác, biểu diễn, lý luận phê bình và đào tạo. Hội thảo cũng nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp có giá trị về các hoạt động âm nhạc của Thành phố trong các năm qua và cũng đề ra nhiều giải pháp cho hoạt động âm nhạc trong thời gian tới.

Sau đây xin giới thiệu một số bài tham luận tiêu biểu:

THỰC TRẠNG ÂM NHẠC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn

A. Thực trạng âm nhạc tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay

Có thể khẳng định được rằng trong 35 năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi hội tụ nhiều nhạc sĩ, ca sĩ, nhiều nhà giảng dạy âm nhạc, nhiều nhà lý luận phê bình tài năng. Mặt khác, Nhạc Viện TP. Hồ Chí Minh cũng là một trong những trung tâm đào tạo có uy tín trong cả nước với hàng ngàn học viên thuộc các chuyên ngành biểu diễn, sáng tác, lý luận và đào tạo...đã ra trường, cung cấp cho Thành phố một lực lượng hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp không hề nhỏ. Nhưng về thực chất thì bức tranh toàn cảnh của các hoạt động âm nhạc tại Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm gần đây phát triển chưa cân đối, có nhiều biểu hiện rất không bình thường, “lệch pha”.

1. Thực trạng về sáng tác và biểu diễn

Với một lực lượng sáng tác hùng hậu thuộc nhiều thế hệ, nhiều lứa tuổi, hầu hết có tay nghề vững vàng, luôn gắn bó với cuộc sống, gắn bó với nghề nghiệp mà mình đang theo đuổi, vẫn đang miệt mài sáng tạo không ngừng. Từ khi có Nghị Quuyết Trung Ương 5 Khóa VIII (năm 1998) và đặc biệt là có sự hỗ trợ đầu tư sáng tạo của Thành Ủy và Ủy Ban Nhân Dân Thành phố, của Liên Hiệp Các Hội Văn Học Nghệ Thuật Trung Ương, đã đem lại một luồn sinh khí mới cho các nhạc sĩ và nhiều tác phẩm có giá trị thật sự đã ra đời, với ước ao là được đem đến cho công chúng những giai điệu và tiết tấu mới từ cuộc sống sinh động, muôn màu, muôn vẻ, đang diễn ra chung quanh ta hôm nay, góp phần đắc lực xây dựng nền tảng tinh thần cho xã hội.

Nhưng bên cạnh đó, cũng có một thực trạng rất đáng buồn là khâu phổ biến, quảng bá những tác phẩm chuyên nghiệp thuộc nhiều thể loại bị ngưng trệ, đình đốn. Tình trạng “cát cứ, phô trương, địa phương, cục bộ” và tư tưởng bản vị là những lực cản quá lớn đối với “đầu ra” cho dòng âm nhạc chính thống, chủ lưu của Thành phố, ngoại trừ các loại ca khúc chỉ thiên về giải trí một chiều. Nếu nói văn học, nghệ thuật nói chung và nghệ thuật âm nhạc nói riêng là những kênh giao tiếp quan trọng và đắc lực của xã hội, giữa con người với con người, giữa Đảng và chính quyền với nhân dân; là những phương tiện hữu hiệu nhất để giáo dục nhân cách và nuôi dưỡng tâm hồn con người, thì những phương tiện này, những kênh giao tiếp này đang bị nghẽn mạch trầm trọng.

Chẳng lẽ Đảng và Nhà nước sắm ra 64 Đài phát thanh truyền hình trong 64 tỉnh thành chỉ để cho một số đơn vị cá nhân chuyên làm quảng cáo? Hoặc chỉ để kinh doanh những sản phẩm văn hóa kém chất lượng theo cơ chế thị trường, nên mới phụ rẫy, dị ứng với các loại tác phẩm âm nhạc có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật? Nên xem lại năng lực và tư cách của một số người có trách nhiệm trong các cơ quan biên tập âm nhạc của các Đài phát thanh, truyền hình. Vì họ vẫn đang tiếp tục “chiều theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng” (Chương Trình Hành Động số 45-CTrHĐ/TU của Thành Ủy TP. Hồ Chí Minh về việc thực hiện Nghị Quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính Trị).

Nói về thực trạng sáng tác và biểu diễn xô bồ hiện nay, như Nhà lý luận phê bình Trịnh Đình Khôi đã bức xúc: “Nó (truyền hình) là một cơ quan tư tưởng văn hóa chứ không phải chỉ là một sân chơi, một thị trường để mang lại danh lợi cho tổ chức, cho cá nhân nào”(1).

Tuy phải thường xuyên đối mặt với thực trạng ảm đạm về mặt trái của cơ chế thị trường như vậy, nhưng các nhạc sĩ từ lão thành đến các nhạc sĩ trẻ mới trưởng thành sau này cũng luôn hăng say sáng tác. Đối với các nhạc sĩ lão thành, đề tài về chiến tranh cách mạng, về Đảng, về Bác Hồ...vẫn là những đề tài luôn còn đang sống động trước mắt họ. Đối với các nhạc sĩ thuộc lớp trẻ thì luôn gắn bó với các đề tài về xây dựng quê hương, đất nước, về tình yêu đôi lứa trong cuộc sống mới hôm nay. Nhưng rất đặc biệt, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, lứa tuổi nào thì đề tài về Thành phố mang tên Bác vẫn luôn hấp dẫn, cuốn hút họ. Chỉ rất tiếc một điều là việc quảng bá, in ấn, thu băng đĩa, xuất bản...còn gặp nhiều trở ngại, chướng ngại nên nhiều tác phẩm tốt chưa đến được với công chúng. Từ đó, tính chiến đấu, tính chủ động vượt qua mọi trở ngại vững tin vào con đường sáng tác mà mình đã chọn của một số nhạc sĩ cũng có phần giảm sút. Chất lượng nghệ thuật và tính tư tưởng có hàm lượng về cuộc sống mới, về sự nghiệp đổi mới đất nước trong thời kỳ hội nhập chưa cao. Tâm tư, tình cảm và tâm trạng của văn nghệ sĩ nói chung, các nhạc sĩ nói riêng về cuộc sống vật chất và tinh thần chưa được ổn định. Về đường lối văn nghệ, Đảng nói thì rất đúng đắn, rất khoa học trong các Nghị quyết, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước thì chưa thể chế hóa, chưa triển khai, thực hiện được bao nhiêu. Công tác thi đua, khen thưởng, các chế độ, chính sách đối với nghệ sĩ, nhạc sĩ có công còn lắm nhiêu khê, phiền toái.

_______________________________

1.Trịnh Đình Khôi: Từ Góc Nhìn Tư Tưởng Và Thẩm Mỹ, NXB. Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2005, tr. 182.

Một thực trạng đáng buồn khác là không hiểu vì lý do gì các phương tiện truyền thông của nhà nước cứ tha hồ tâng bốc, tôn vinh các “nhạc sĩ”, “ca sĩ”.trẻ, có khi còn rất trẻ lên tận chín tầng mây với những ca khúc “quái đãng”, những kiểu hát “quái đãng”, có người gọi là “rẻ tiền”, các nhà lý luận phê bìnhthì gọi đó là “những phế phẩm nghệ thuật” (1), làm cho mọi người lầm tưởng đó là âm nhạc. Trong khi đó có rất nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ đã có những cống hiến lớn lao cho xã hội về mặt nghệ thuật âm nhạc với những thành tựu rất đáng trân trọng, hiện vẫn đang tiếp tục biểu diễn, sáng tác và giảng dạy, vẫn chưa một lần được nhắc đến, được tôn vinh trên các làn sóng phát thanh truyền hình! Có điều gì đó hơi xót xa! Nghĩa tình và trách nhiệm của chúng ta liệu sẽ diễn biến ra sao!

Tình trạng nghiệp dư hóa trong sáng tác và biểu diễn trên các sân khấu, trên màn ảnh nhỏ là tình trạng phổ biến. Người chưa biết nhạc, chưa học nhạc bao giờ cũng “sáng tác”. Họ chỉ cần âm ư một số câu nhạc rồi nhờ nhạc sĩ hòa âm phối khí hoặc một nhạc công nào đó ghi thành nốt hộ, rồi họ tự đặt lời kiểu gì cũng được. Có ngày họ “sáng tác” từ một đến ba bài. Các nhạc sĩ sẵn sàng phối khí, các “ca sĩ” sẵn sàng hát miễn họ nhận được nhiều tiền. Và cứ thế đĩa nhạc của họ ra đời và mặc nhiên họ mang danh là “nhạc sĩ”. Rồi một số các “nhà báo” viết bài lăng-xê (lancer: quảng cáo), vài ba lần sẽ trở thành “hot” (giật gân: hot music), rồi các nhà quảng cáo sẽ nhảy vô “tài trợ” để đưa lên các đài làm chương trình biểu diễn để quảng cáo cho một món hàng nào đó của họ. Hiện nay, hầu hết các chương trình nhạc trẻ phát trên các đài là theo kiểu, theo dạng như vậy.

Ở đây, chúng ta có thể sẽ nhận ra một điều: chính những kẻ dấu mặt trong bóng tối đang điều khiển các chương trình “ca nhạc” kiểu này. Họ là những kẻ đang ở sâu trong vùng tranh chấp thị hiếu thẩm mỹ thấp kém nhất. Gần như họ đang thủ đắc kiểu làm ăn bất chính này.

Còn về phía các nghệ sĩ biểu diễn cũng gặp những thảm trạng không khác gì các nhạc sĩ sáng tác. Nếu những ca khúc cách mạng, ca khúc nghệ thuật theo phong cách thính phòng, chỉ có thể được hát trong các dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc, trong các cuộc hội diễn văn nghệ quần chúng, trong các cuộc thi tiếng hát truyền hình...Còn ngoài ra là nhạc trẻ lan tràn khắp chốn, khắp nơi, thì các nghệ sĩ chuyên nghiệp được đào tạo chính quy tại các Nhạc Viện, Học Viện, chuyên hát những tác phẩm kinh điển qua các thời kỳ sáng tạo của nền âm nhạc Việt Nam thì cũng chỉ được biểu diễn trong các dịp lễ, trong các dịp phục vụ các đoàn khách ngoại giao, trong các thính phòng của Nhạc Viện, của Nhà Hát Giao Hưởng, Nhà Hát Bông Sen...hoặc trong các chương trình giới thiệu tác phẩm mới do Hội Âm Nhạc và Nhà Hát Giao Hưởng phối hợp tổ chức mà thôi. Còn lại, tất cả các trung tâm ca nhạc từ Thành phố đến các quận, huyện đều là “nhạc trẻ”, “ca sĩ trẻ” với phần hát thì ít nghe được rõ lời, mà nếu có rõ thì cũng không biết tác giả muốn nói gì, chỉ thấy gào thét, hú hí, thỉnh thoảng lại gào lớn lên “vỗ tay đi các bạn ơi. Oh yea”, chỉ có minh họa múa là rơm rả nhất, loạn xạ nhất với đầy đủ thứ trang phục quái dị, bắt chước các kiểu áo quần của các ban nhạc trẻ nước ngoài một cách lộ liễu,

chẳng ra dơi, ra chuột gì cả. Vả lại múa minh họa cũng chẳng ăn nhập gì đến nội dung bài hát. Bởi vì, thật ra bài hát cũng chẳng có nội dung, hình thức gì cả, chỉ có một số giai điệu và lời ca. Giai điệu thì cóp nhặt đủ kiểu, lời ca thì quá ư tùy tiện, dễ dãi. Nghiêm túc mà nói thì trong số rất nhiều “ca khúc” ấy, cũng có một số thuộc tính của ca khúc, chứ chưa phải là ca khúc.

Cuối cùng là chuyện “hát nhép” đang bị công chúng phản đối dữ dội nhưng tình hình vẫn chưa cải thiện được bao nhiêu, vẫn chưa sáng sủa.

2. Thực trạng về lý luận phê bình âm nhạc

Thực trạng về lý luận phê bình âm nhạc thì “vừa thiếu lại vừa yếu”, vừa hụt hẫng đội ngũ kế cận. Chỉ trong những năm gần đây, bằng những nỗ lực rất lớn của Hội Đồng Lý Luận, Phê Bình Văn Học, Nghệ Thuật Trung Ương và Liên Hiệp Các Hội Văn Học Nghệ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, từ đó đặt ra nhiều vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn sáng tạo văn học, nghệ thuật trong đó có âm nhạc. Nhiều nhà lý luận phê bình văn học cho rằng cần phải tiếp tục tìm kiếm những phương pháp sáng tác mới phù hợp hơn với tư tưởng nghệ thuật của chúng ta hiện nay. Nếu không có phương pháp sáng tác sẽ không có phong cách sáng tác. Phải phấn đấu đào tạo, bồi dưỡng nhân tài để có những nhà lý luận phê bình thật sự có tài năng. Bởi vì lý luận phê bình là ý thức, là định hướng thẩm mỹ, là hướng dẫn công luận, là động lực của sáng tạo. Tuy nhiên cho đến nay, về mặt lý luận, tuy còn nhiều tranh cãi, nhưng ít ra cũng đã có tư tưởng sáng tạo nghệ thuật trong mỗi một cá thể sáng tạo. Nhưng về mặt phê bình thì còn ít và yếu, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc, các cây viết thường là những người không chuyên, chưa có, hoặc ít có bề dày về lý luận, về học thuật cho nên chưa có cơ sở lý luận vững chắc trong phê bình, mà chỉ phê bình bằng cảm tính-chủ quan, nên khen, chê có lúc hơi cường điệu và “lạm phát” nhiều ngôn ngữ quá ư là đời thường. Chẳng hạn như: “Đây là một bài hát rất dễ thương được mang tên…được sáng tác từ một trái tim rất dễ thương và được trình bày qua giọng hát cũng rất dễ thương của ca sĩ…Đây là một giọng hát “hot” (giật gân) nhất trên thị trường băng đĩa nhạc hiện nay”.

Trước thực trạng này, trong Chương Trình Hành Động thực hiện Nghị Quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính Trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học-nghệ thuật trong thời kỳ mới (số 45 CtrHĐ/TU, ngày 23 tháng 12 năm 2008) của Thành Uỷ đã nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới, phát triển hoạt động lý luận phê bình văn học-nghệ thuật, góp phần định hướng, điều chỉnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn học nghệ thuật Thành phố.

Xây dựng kế hoạch đào tạo lực lượng làm công tác lý luận phê bình văn học-nghệ thuật. Củng cố và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động lý luận phê bình của các hội văn học-nghệ thuật” (1).

3. Về thực trạng giáo dục, đào tạo âm nhạc tại TP. Hồ Chí Minh

Đang có những xu hướng muốn đổi mới trong cách dạy, cách học. Nhạc Viện TP. Hồ Chí Minh đã có một số cuộc hội thảo về đào tạo cần gắn với thực tiễn ngoài xã hội.

Tuy nhiên, vấn đề dạy âm nhạc từ mẫu giáo đến tiểu học, trung học cơ sở, trong hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay tại TP. Hồ Chí Minh và cả nước cần phải nghiêm túc xem xét lại. Như chúng ta đã biết, nghệ thuật âm nhạc là một hình thái ý thức xã hội đặc biệt, nó có khả năng đi thẳng vào bất cứ ngỏ ngách nào của tâm hồn con người, không cần thông qua bất cứ một thứ ngôn ngữ phiên dịch nào.

Nếu như mỹ học Mác-Lênin luôn coi nghệ thuật là hình thức giáo dục thẩm mỹ hiệu quả nhất, thì âm nhạc là một nghệ thuật làm phong phú trí tưởng tượng và tâm hồn con người, góp phần hình thành nhân cách, đạo đức. Các nhà triết học cổ đại Trung Hoa như Khổng Tử, Tuân Tử…đều đánh giá rất cao vai trò của âm nhạc trong một chỉnh thể của quốc gia, xã hội. Khổng Tử cho rằng: “Hưng ư Thi, lập ư Lễ, thành ư Nhạc”.

Thế nhưng việc dạy âm nhạc tại các trường từ mẫu giáo đến trung học đều quá sơ sài nếu không nói là không được quan tâm đúng mức. Có những nơi, những trường ở vùng sâu vùng xa gần như bỏ trống môn âm nhạc vì không có thầy dạy. Đây là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng xuống cấp nghiêm trọng trong đạo đức học đường, trong sáng tác và biểu diễn nhạc “rẻ tiền” vì tất cả họ chưa ai biết cái đẹp trong âm nhạc là gì, các nhạc cụ dân tộc, nhạc cụ giao hưởng có hình dáng ra sao. Tất cả chỉ biết có cây đàn Organ loại rẻ tiền.

Xuất phát từ tình hình thực tế đó, Đảng bộ Thành phố đã có nhiều nỗ lực chỉ đạo: “tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức thẩm mỹ của công chúng trong hưởng thụ văn học-nghệ thuật, góp phần xây dựng môi trường văn hoá, văn nghệ lành mạnh, tiến bộ”. Và “hướng dẫn, khuyến khích quần chúng tham

gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hoá văn nghệ truyền thống dân tộc”.

Đây là tín hiệu rất đáng được trân trọng phát đi từ cơ quan lãnh đạo cao nhất của Thành phố. Tuy nhiên các nội dung chỉ đạo này cần sớm được thể chế hoá và phải biến thành “Chương trình hành động” của chính quyền và các cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc Uỷ Ban Nhân Dân Thành phố thì những ý kiến chỉ đạo của Thành Uỷ mới trở thành hiện thực.

B. Một số giải pháp qua các kiến nghị

Chúng tôi xin có một số kiến nghị sau đây đối với:

1. Các trường chuyên nghiệp

Đảng và Nhà Nước ta luôn khẳng định đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển Giáo dục và đào tạo phải theo hướng đổi mới mạnh mẽ và toàn diện, phải theo nhu cầu phát triển của xã hội. Do đó, tại các trường chuyên nghiệp cần cải tiến, đổi mới, bổ sung giáo trình và đổi mới cách dạy và học cho phù hợp hơn nữa theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá. Cần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hoá-hiện đại hoá đất nước và trong xu thế hội nhập quốc tế. Cần gửi giảng viên, sinh viên đi đào tạo ở nước ngoài. Khắc phục sự thiếu hụt giảng viên đầu đàn, có trình độ chuyên môn cao. Cần khắc phục các phương tiện dạy và học đã quá lạc hậu, nghèo nàn. Cần quan tâm đến đội ngũ lý luận, phê bình đang rất hụt hẫng về đội ngũ kế cận…như Nghị Quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính Trị đã đề cập.

2. Các hội chuyên ngành

Trong Văn Kiện Đại Hội X của Đảng có nêu rõ: “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và cơ cấu tổ chức của các hội văn học nghệ thuật từ trung ương đến địa phương”.

Có rất nhiều nội dung hoạt động của Hội Âm Nhạc TP. Hồ Chí Minh, Hội Nhạc Sĩ Việt Nam, nhưng có hai nội dung quan trọng hàng đầu chúng ta cần đặc biệt quan tâm.

Một là, cần đổi mới, bổ sung quan niệm về “mở trại sáng tác”. Lâu nay chúng ta cứ theo thói quen cũ, hễ nói đến mở trại là nghĩ ngay đến trại sáng tác, không ai nghĩ đến “trại lý luận, phê bình”. Ngay từ bây giờ các hội chuyên ngành âm nhạc cần có ngay kế hoạch mở trại lý luận, phê bình âm nhạc “song song với việc mở “trại sáng tác” hằng năm.

Hai là, Hội Âm Nhạc TP. Hồ Chí Minh cần có kế hoạch bổ sung về khâu đào tạo là bên cạnh các khoá “sáng tác nâng cao”, cần có ngay các khoá đào tạo về “lý luận, phê bình âm nhạc nâng cao”. Đây là một nhu cầu phát triển có thật trong tình hình ca nhạc hiện nay tại TP. Hồ Chí Minh và trong cả nước như trong Chương Trình Hành Động của Thành uỷ số 45-CtrHĐ/TU, ngày 23/12/2008 đã chỉ rõ “Thường xuyên thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng và thẩm mỹ cho văn nghệ sĩ”.

3. Các cơ quan quản lý nhà nước

Trước tình hình văn học, nghệ thuật tại TP. Hồ Chí Minh đang có nhiều thuận lợi, đã đạt được những thành tựu to lớn, “góp phần giữ vững định hướng chính trị” rất đáng được ghi nhận, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: “sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với văn học-nghệ thuật chưa được quan tâm đúng mức; công tác quản lý nhà nước có mặt còn hạn chế, bất cập, có nơi có lúc còn buông lỏng; hoạt động văn học-nghệ thuật diễn ra sôi động nhưng còn ít tác phẩm có giá trị nghệ thuật và giá trị tư tưởng cao” (Chương Trình Hành Động của Thành uỷ số 45-CtrHĐ/TU). Giới hoạt động âm nhạc Thành phố đề nghị Ban Tuyên giáo Thành uỷ nên quan tâm chỉ đạo, điều phối các hoạt động văn học, nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng trên địa bàn Thành phố. Cần có sự phối hợp tốt, có tinh thần trách nhiệm cao giữa Liên Hiệp Các Hội Văn Học, Nghệ Thuật, Sở Văn Hoá Thể Thao và Du Lịch, Sở Thông Tin Truyền Thông, Đài Truyền Hình Thành phố , Hội Nhà Báo Thành phố , Báo Sài Gòn Giải Phóng, Báo Tuổi Trẻ, Nhà Xuất Bản Trẻ, Nhà Xuất Bản Văn Nghệ, Tổng Công Ty Văn Hoá Sài Gòn…dưới sự lãnh đạo trực tiếp của “tư lệnh” là Ban Tuyên giáo Thành uỷ thì mới tạo được sức mạnh tổng hợp trong việc “chấn chỉnh, khắc phục các biểu hiện lệch lạc, nhất là xu hướng thương mại hoá trong hoạt động báo chí, xuất bản, văn học-nghệ thuật…; môi trường xã hội bị ô nhiễm bởi sự xâm nhập của các sản phẩm phi văn hoá” (Dự thảo Báo Cáo Chính Trị Đại Hội Đại Biểu Đảng Bộ TP. Hồ Chí Minh Lần Thứ IX (Nhiệm kỳ 2010 – 2015).

Đối với Sở Giáo Dục và Đào Tạo Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, chúng tôi xin đề nghị cần phải đổi mới, mở rộng, nâng cấp chương trình giáo dục âm nhạc trong các cấp học từ mẫu giáo, tiểu học đến trung học phổ thông ngang tầm với việc giảng dạy bộ môn văn học trong nước và nước ngoài, cùng với việc phổ cập ngoại ngữ và tin học đối với học sinh phổ thông. Các giáo trình giảng dạy âm nhạc này cần có sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia âm nhạc tại các Học Viện, Nhạc Viện, các Viện nghiên cứu âm nhạc, Hội Nhạc Sĩ Việt Nam, Hội Âm Nhạc TP. Hồ Chí Minh và các Hội chuyên ngành khác…Theo Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Đào Trọng Minh: “Hiện nay trên mặt bằng các hoạt động văn hoá xã hội thì âm nhạc là loại hình sôi động nhất có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, mọi thành phần và mọi lứa tuổi. Những biểu hiện vọng ngoại, lai căng, mất gốc, xa rời bản sắc dân tộc trong văn hoá nghệ thuật nói chung thì biểu hiện nóng nhất và nhạy cảm nhất cũng là âm nhạc và những hoạt động liên quan đến âm nhạc như: nhà hàng, vũ trường, tụ điểm Karaoke hoặc những biến tướng của một số lễ hội ở địa phương…Không lẽ gì khi mà những ảnh hưởng, những tác động to lớn như thế của âm nhạc đối với đời sống xã hội lại chỉ được giảng dạy một cách sơ lược và miễn cưỡng như hiện nay ở các trường phổ thông”.

4. Các phương tiện truyền thông đại chúng

Chúng ta cần xác định rõ ràng rằng các cơ quan xuất bản, báo chí, phát thanh, truyền hình là công cụ tuyên truyền, là cơ quan văn hoá của Đảng và Nhà nước chứ không phải của riêng của một cá nhân hay tập thể nào sử dụng nó vào mục đích kinh doanh, vị lợi. Công tác xét duyệt, thẩm định tác phẩm hiện nay gần như thả nổi, khoán trắng cho các báo, đài, nhà xuất bản tự do xét duyệt và phổ biến. Trong khi trình độ chuyên môn âm nhạc của một số cơ quan phát thanh, truyền hình còn rất hạn chế, nếu không nói là quá yếu kém. Vai trò định hướng cho sáng tác, biểu diễn và cảm thụ thẩm mỹ của công chúng, có nơi

thì quá ít, có nơi thì gần như không có gì.

Chúng tôi xin nêu một số kiến nghị đối với Ban Tuyên Giáo Trung Ương và Bộ Văn Hoá Thể Thao Và Du Lịch và Bộ Thông Tin Truyền Thông.

- Cần tập trung công tác xét duyệt tác phẩm âm nhạc về một cơ quan duy nhất, đó là Bộ Văn Hoá Thể Thao Và Du Lịch. Những tác phẩm nào được Bộ duyệt rồi thì được phép lưu hành trong cả nước dưới mọi hình thức. Còn những tác phẩm nào chưa xét duyệt thì không được phép phổ biến.

- Cần xem xét, điều chỉnh lại vấn đề nhạc chuông, nhạc chờ trên điện thoại. Có hai khía cạnh cần chấn chỉnh:

Một là, chỉ cho sử dụng những tác phẩm kinh điển của thế giới và những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng của Việt Nam có giá trị thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật cao, được đông đảo nhân dân yêu thích và phải được Bộ Văn Hoá Thể Thao Và Du Lịch cho phép. Nếu không những sản phẩm kém chất lượng hoặc “những phế phẩm của nghệ thuật” cũng đem ra sử dụng để làm nhạc chuông, nhạc chờ là hoàn toàn không thể chấp nhận được, là vi phạm quyền tự do của con người trong cảm thụ cái đẹp trong âm nhạc.

Hai là, sẽ là vi phạm nguyên tắc ứng xử trong giao tiếp văn hoá giữa con người với con người, đặc biệt là ứng xử một cách có văn hoá trên điện thoại (“Culture on the phone”). Chúng ta không thể và không nỡ lòng nào để mời một số vị khách đáng kính của chúng ta về tuổi tác cũng như về tước vị (“in age or in position”) đi nghe một chương trình ca nhạc gồm toàn những sản phẩm độc hại, kém chất lượng nằm trong “khu vực thị hiếu thẩm mỹ thấp kém” được, thì tại sao trên điện thoại mình lại buộc người ta phải “chịu đựng” với những loại nhạc phế phẩm này? Đề nghị các công ty dịch vụ, các hãng kinh doanh thuê bao cước phí điện thoại, Bộ Thông Tin Truyền Thông nên nghiêm túc xem xét lại các vấn đề vừa nêu. Nếu không môi trường âm nhạc của chúng ta ngày một ô nhiễm thêm trầm trọng. Và những ai trực tiếp gây nên thảm trạng này thì chúng ta đã rõ.

Chúng ta cần có biện pháp hữu hiệu và nhanh chóng khắc phục tình trạng lệch lạc này để cho việc giới thiệu những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị đến được với đông đảo công chúng như tinh thần Nghị Quyết 23-NQ/TW (năm 2008) của Bộ Chính Trị Khoá X: “Các cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản, báo chí, phát thanh truyền hình phối hợp chặt chẽ với các hội văn học, nghệ thuật nhằm công bố, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng tốt, định hướng thẩm mỹ cho công chúng”. Bên cạnh đó, Nghị Quyết 23 của Bộ Chính Trị cũng chỉ rõ các biện pháp xử lý trong việc thẩm định, công bố, quảng bá tác phẩm như “có những chế tài nâng cao trách nhiệm trong việc thẩm định, đánh giá, quyết định công bố, trình diễn, truyền bá tác phẩm, đặc biệt trên hệ thống thông tin đại chúng, phát thanh, truyền hình, dịch vụ biểu diễn nghệ thuật”.

5. Việc giáo dục, nâng cao trình độ thẩm mỹ cho các tầng lớp công chúng

Đặt vấn đề giáo dục, nâng cao trình độ thẩm mỹ, nhất là thẩm mỹ âm nhạc cho các tầng lớp công chúng nghệ thuật là một việc làm kịp thời và cấp bách trước các diễn biến phức tạp trong các hoạt động âm nhạc tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay. Đề nghị trong hệ thống các trường học, các cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá, văn nghệ nên quan tâm đến nhiệm vụ giáo dục thẩm mỹ bằng nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật âm nhạc.

Nếu như giáo dục chính trị, tư tưởng thiên về lĩnh vực triết học, về lý trí, trang bị cho con người có được một thế giới quan, nhân sinh quan khoa học, đúng đắn để nhận thức đúng thế giới khách quan và nhận thức đúng ngay cả bản thân mình, thì giáo dục thẩm mỹ làm cho giáo dục chính trị, tư tưởng thấm sâu hơn, làm cho tư cách, đạo đức của một con người trở nên tốt hơn các hoạt động “cảm xúc tinh thần” trở nên tinh tế, sinh động, thế giới tinh thần trở nên ổn định, cân bằng và toàn diện hơn.

Các nhà triết học và mỹ học kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin đều cho rằng lao động là nguồn gốc của mọi giá trị. Cho nên hình thức giáo dục thẩm mỹ đầu tiên là giáo dục bằng lao động và trong lao động. Hình thức thứ hai là giáo dục bằng gương người tốt, việc tốt. Phương thức giáo dục này chính là hình thức giáo dục đạo đức. Giáo dục đạo đức là giáo dục bằng mô hình tốt, việc tốt. Lấy những cá nhân gương mẫu, tiên tiến, điển hình để người khác noi theo, làm theo. Trong trường hợp này, khái niệm “tốt” và “đẹp” là đồng nhất với nhau.

Tuy nhiên, các nhà mỹ học kinh điển Mác-Lênin cũng cho rằng giáo dục thẩm mỹ bằng nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật âm nhạc là có hiệu quả lớn nhất.

Giáo dục thẩm mỹ, về thực chất là đào tạo năng lực thẩm mỹ cho sáng tác, biểu diễn và cho công chúng cảm thụ thẩm mỹ. Trong giáo dục thẩm mỹ cần tập trung giáo dục về: tình cảm thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ và lý tưởng thẩm mỹ.

Đặc biệt Thành phố Hồ Chí Minh trước năm 1975, là trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của các thế lực xâm lược về nhiều mặt, trong đó nặng nề nhất là lĩnh vực tư tưởng, tinh thần. Cho nên, cho đến nay các tàn dư của tư tưởng phi nhân, lạc hậu, các tàn dư phi văn hoá, nhất là các kiểu thị hiếu thấp kém, hình thành từ trong lòng chế độ cũ vẫn còn đang tồn tại và đang có chiều hướng phát triển. Nếu chúng ta không có những biện pháp kiên quyết và hữu hiệu để ngăn chặn, triệt tiêu thì nguy cơ lây lan để trở thành đại dịch là điều khó tránh khỏi.

Do vậy, sự nghiệp giáo dục nói chung và giáo dục thẩm mỹ nói riêng phải được coi là quốc sách hàng đầu. Coi “Đầu tư cho văn học, nghệ thuật là đầu tư cho phát triển” là một quan điểm đúng đắn của Đảng và Nhà Nước ta. Bởi vì, văn học, nghệ thuật là một bộ phận cấu thành nền văn hoá, nền tảng tinh thần của xã hội ngoài các chức năng nhận thức, giải trí…thì chức năng giáo dục thẩm mỹ luôn được đặt lên vị trí hàng đầu. Trong sự nghiệp “trồng người” của chúng ta hiện nay thì văn học, nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật âm nhạc đã góp phần xứng đáng, có hiệu quả trong xây dựng, hoàn thiện nhân cách, đạo đức và nuôi dưỡng tâm hồn con người Việt Nam thêm cao thượng hơn, thấm nhuần tư tưởng nhân văn, dân chủ của dân tộc, góp phần xoá bỏ cái cũ, cái lạc hậu, nuôi dưỡng cái mới, cái tiên tiến trong lối sống và lẽ sống, trong cảm xúc và tình cảm trong thị hiếu và lý tưởng thẩm mỹ. Đó là những cái đẹp của mỗi một con người trong cuộc sống và ngay cả trong tâm linh. Đó là quá trình và cũng là mục đích của sự nghiệp giáo dục thẩm mỹ cho các chủ thể thẩm mỹ trong một con người và trong một xã hội văn minh, hiên đại.

Trách Nhiệm Công Dân

Và Đạo Đức Nghề Nghiệp Của Nhạc Sĩ – Nghệ Sĩ

PGS, Nhạc sĩ Ca Lê Thuần

Tháng 11 năm 2011 này, Hội Âm Nhạc Thành phố Hồ Chí Minh vui đón mừng ngày kỷ niệm tròn 30 tuổi của mình. Ba mươi năm qua, các nhạc sĩ-nghệ sĩ của chúng ta có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển một cách đa dạng, phong phú đời sống âm nhạc của Thành phố. Đồng thời cũng nhận thấy rõ số lượng tác phẩm ngày càng nhiều, nhưng vẫn còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Đáng quan tâm là trong một số tác phẩm đó, lý tưởng xã hội và lý tưởng thẩm mỹ mờ nhạt, phải chăng có những biểu hiện xa lánh những vấn đề quan trọng của đất nước, của Thành phố. Trong biểu diễn, giới thiệu, quảng bá có hiện tượng hạ thấp chức năng giáo dục và thẩm mỹ, dường như chỉ nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí.

Như vậy, trong tình hình mới hiện nay cần phải tập trung nâng cao chất lượng sáng tạo âm nhạc, từ sáng tác, biểu diễn đến thưởng thức nhằm khẳng định và biểu dương các giá trị chân, thiện, mỹ cũng như cần phê phán những cái lỗi thời, thấp kém, chống những biểu hiện phản văn hóa. Hội Âm Nhạc chúng ta cần phải làm sao để tạo ra những tác phẩm có giá trị cao, có sức lan tỏa lớn, xứng đáng với tầm vóc của Thành phố mang tên Bác.

Trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta cảm nhận được một số nhỏ nhạc sĩ-nghệ sĩ vừa qua có biểu hiện phai nhạt lý tưởng, thiếu trách nhiệm công dân, xem nhẹ đạo đức nghề nghiệp, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng. Ngay từ thế kỷ 19, nhà soạn nhạc Đức R. Schumann đã từng cảnh báo: “Đừng quáng mắt trước kiểu thành công của những người được gọi là có kỹ xảo. Đối với bạn, lời ủng hộ của một nghệ sĩ chân chính bao giờ cũng quý giá hơn sự tán thưởng của cả một đám người đua đòi”.

Qua đó, chúng ta càng nhớ lại, trong thư gởi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951, Hồ Chí Minh có viết:

“Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận

Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Có thể nói, trãi qua 60 năm, nhưng quan điểm “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận” của Bác vẫn còn sống mãi và có giá trị đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay. Với tinh thần : âm nhạc là vũ khí và nhạc sĩ là chiến sĩ, chúng ta đang là những chiến sĩ xây dựng và phát triển nền âm nhạc chuyên nghiệp vừa phải “giàu chất nhân văn, tiến bộ” vừa phải “giàu bản sắc dân tộc” và phấn đấu “vươn lên hiện đại”.

Để thực hiện được sứ mệnh “chiến sĩ”, nhạc sĩ-nghệ sĩ “cần phát huy lòng yêu nước nồng nàn, gắn bó máu thịt với nhân dân, nêu cao trách nhiệm công dân, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị phụng sự đất nước và dân tộc” (Nghị quyết 23 của Bộ Chính Trị Khóa X).

Hiện nay, với sự đa dạng về lợi ích kinh tế và mặt trái của kinh tế thị trường dẫn tới sự biến động, thay đổi về tư tưởng, nhận thức đã tạo ra sự phân hóa mạnh trong công chúng nghệ thuật về quan niệm, nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ…Đồng thời nó tác động sâu sắc đến nếp nghĩ lối sống của một bộ phận nhạc sĩ-nghệ sĩ, nhất là ảnh hưởng đến đạo đức nghề nghiệp.

Trong bối cảnh như vậy, phải chăng có một số người cố học cách kiếm sống chứ không học cách sống, cũng như lại có một số ít người sống bằng sự khôn ngoan hơn là tài năng…Bây giờ dường như đi đâu, xem gì, nghe gì, đọc gì cũng gặp nhiều từ có chữ “sĩ”, như nhạc sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ…Theo như một số nhà nghiên cứu thì điều kiện tiên quyết để trở thành một “sĩ” là luôn phải có sự tu dưỡng, rèn luyện cả về học thức, khí độ cũng như đạo đức trong đối nhân xử thế.

Chúng ta đều biết, trong thời đại toàn cầu hóa diễn ra ngày càng sâu rộng, kinh tế tri thức phát triển mạnh, khoa học và công nghệ có những bước nhảy vọt càng làm cho con người có những chuyển động, biến đổi sâu sắc trong tư duy âm nhạc cũng như trong kỹ thuật sáng tác và biểu diễn. Cùng lúc đó lại có một số người ngày càng lười biếng, chỉ biết ỷ lại vào máy móc, óc phán xét suy giãm. Đứng trước thực tế đó, chúng ta cần phải đặc biệt chú trọng việc rèn luyện kỹ năng sáng tạo đi đôi với nhân cách sáng tạo. Đồng thời phải luôn chống lối sống xem “cái tôi” quá lớn, đố kỵ, tầm thường, đòi hỏi người khác thì quyết liệt, gay gắt, căng thẳng, còn đối với mình thì buông thả và dễ cho qua…

Nhà phê bình văn học Nga thế kỷ 19 – V.G. Belinsky cũng đã khẳng định: “Thời đại chúng ta chỉ khâm phục nghệ sĩ nào mà cuộc sống là sự giải thích tốt nhất cho sự nghiệp sáng tạo của mình và sự nghiệp sáng tạo là sự biện minh tốt nhất cho cuộc sống của mình”. Rõ ràng là, với tư chất tâm hồn giàu cảm xúc, khả năng quan sát tinh tế cũng như trí tưởng tượng sáng tạo và năng lực trí tuệ sắc sảo, nhạc sĩ-nghệ sĩ chúng ta hiểu rõ tài năng đích thực bao giờ cũng gắn với bản lĩnh đích thực và luôn nhận biết đâu là giá trị thật của mình, không chấp nhận bất kỳ sự giã dối, vay mượn nào. Đứng trước những thử thách khắc nghiệt giữa một môi trường âm nhạc đầy phức tạp và biến động, càng đòi hỏi chúng ta phải vượt qua được “cái ngưỡng ích kỷ” của bản thân để có thể bộc lộ “cái tôi” trong tác phẩm của mình bằng tất cả ý thức trách nhiệm công dân và đạo đức nghề nghiệp.

Với sự lớn mạnh và vững vàng của tuổi ba mươi, chúng ta tin rằng Hội Âm Nhạc Thành phố Hồ Chí Minh hướng tới tương lai bằng tất cả tài năng và trí tuệ, sự tự tin và lòng tự trọng của mình.

Với việc nâng cao ý thức trách nhiệm công dân và thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, chính là tiếp tục “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chúng ta càng tin rằng mỗi anh chị em nhạc sĩ-nghệ sĩ của Thành phố anh hùng mang tên Bác sẽ luôn “tận tâm với nghề và tận nghĩa với đời!”

ĐÀO TẠO... NGƯỜI NGHE –

điểm “xuất phát” hay “đích đến” của âm nhạc

TS. Nguyễn Thị Mỹ Liêm

PGĐ Nhạc viện Tp. Hồ Chí Minh

Khoảng hơn mười năm trở lại đây, đời sống âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh (HCM) trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ với sự hiện diện đồng thời, đan xen, trộn lẫn... của hầu hết các thể loại âm nhạc trên thế giới hiện nay. Điều đó cho thấy sự đa dạng, phức tạp của thị hiếu, của đối tượng thưởng thức âm nhạc. Âm nhạc nói chung và âm nhạc thành phố HCM nói riêng đang đứng trước những cơ hội phát triển, nhưng đồng thời cũng đối mặt với những thách thức, đối mặt với sự tấn công vào những giá trị thực của đời sống văn hóa, âm nhạc.

1. Người nghe, “điểm xuất phát” và “đích đến” của âm nhạc

Âm nhạc ngày nay không chỉ là sáng tạo, biểu diễn, cho thỏa đam mê, vì những giá trị nhân văn... mà còn là mảnh đất màu mỡ cho “sản xuất”, thương mại, là đất “sống” của hàng chục (nếu không nói là hàng trăm) ngành sản xuất, kinh doanh khác nhau. Bởi, cho đến tận cùng, âm nhạc là để thưởng thức, với mục đích là đưa “sản phẩm âm nhạc” đến người nghe thì cũng đồng thời là “đích đến” của sản xuất – kinh doanh, của kinh tế thị trường.

Với sự bùng nổ của thông tin, sức chuyển tải, lan tỏa nhanh đến không biên giới của truyền thông, cộng vào đó là sự phát triển vô hạn của khoa học kỹ thuật... người nghe nhanh chóng được tiếp cận với sản phẩm âm nhạc nhưng chính người nghe cũng chóng chán, thị hiếu thưởng thức dễ thay đổi. Trước đây, một tác phẩm âm nhạc ra đời với nhiều trăn trở, ở lại trong lòng công chúng thật lâu với nhiều cách chiêm nghiệm khác nhau thì nay, nhiều người nghe lại trăn trở vì sự nhàm chán của giai điệu và hời hợt của lời ca... Nhiều người đã quay lưng lại với âm nhạc hiện tại mà thích hát, thích nghe những sáng tác của cuối thế kỷ trước.

Thế nhưng, cũng có những chuyện ngược lại. Một cô học sinh Nhạc viện, đã từng “ghét cay ghét đắng” và “khing bỉ” ra mặt loại âm nhạc thị trường với những âm thanh không giai điệu, những lời ca tình yêu sáo rỗng và nhạt nhẽo pha tạp tiếng Anh...” (như lời cô bé tâm sự) Nhưng rồi vì ở gần bên nhà người ta nghe chính loại nhạc cô ta ghét và khinh ấy, và rồi từ chỗ “bị nghe” cô bé ấy tò mò tìm hiểu và dần dần...”chấp nhận” nó mà bớt “dị ứng” hơn so với trước...

Điều này cho thấy, thói quen cũng đáng lưu ý trong việc tạo thị hiếu.

Ngày trước, trong kinh doanh người ta chạy theo thị hiếu. Ngày nay, người ta sáng tạo những “gout”, những “mod”, những “xu hướng” để hướng người tiêu thụ theo nhà sản xuất. Âm nhạc đã làm điều đó từ rất lâu, người ta đã không thể chấp nhận Bijet và Carmen của ông, người ta la ó khi nghe của Stravinsky... và nhiều ví dụ khác giống như vậy, nhưng các thế hệ sau lại nghiêng mình thán phục và ca ngợi hết lời những sáng tạo mới đó, và âm nhạc đó đã vang lên không biên giới, không kể đến xu hướng chính trị, vượt cả thời gian...

Như vậy, chúng ta có thể “đào tạo” người nghe, không vì “đích đến” như những nhà kinh doanh, mà vì điểm “xuất phát”, vì chính “con người”. Một lý do khác để chúng ta quan tâm đến người nghe còn vì nghệ thuật âm nhạc, bởi âm nhạc nào cũng cần khán giả. Tiếp sau sự tiếp xúc dần dần là sự yêu thích, có tình cảm với đối với loại âm nhạc đó. Từ yêu thích, tìm hiểu, theo học, làm nghề… và lại tiếp nối như một vòng khép kín: tác phẩm âm nhạc khán giả (người thưởng thức) người tìm hiểu, yêu thích người học để trở thành người sáng tác, nghệ sĩ biểu diễn loại âm nhạc đó tác phẩm âm nhạc…

Điều quan trọng là mỗi khâu trong “vòng khép kín” trên đều có những tác động mang tính hỗ tương, không có người nghe thì không có người biết, không người tìm hiểu, không có người học… dẫn đến không có người biểu diễn, không có thể loại âm nhạc. Trong xã hội hiện nay, trong nền kinh tế thị trường, người nghe là “đích đến”, nhưng với âm nhạc, người nghe phải được xem là điểm xuất phát” để sáng tạo…

2. Người nghe và những vấn đề của âm nhạc hiện nay

Thực trạng thưởng thức âm nhạc hiện nay ở thành phố HCM rất đa dạng. Mỗi lứa tuổi, mỗi giới, mỗi ngành nghề, mỗi môi trường... đều có những thị hiếu thưởng thức riêng. Một bộ phận thanh thiếu niên chỉ thích nghe nhạc Pop, Rock, Hip – hop, hoàn toàn không có một kiến thức về âm nhạc hàn lâm và tệ hơn nữa, là không có một kiến thức về âm nhạc dân tộc cổ truyền. Giới trẻ ngày nay xa lạ với nghệ thuật của cha ông, chỉ biết thưởng thức, ưa chuộng nghệ thuật, âm nhạc nước ngoài. Nhưng nghệ thuật đó chỉ là thể loại âm nhạc giải trí, nhạc đại chúng, “dân gian” của xứ người. Một bộ phận dân cư thành phố có thói quen nghe và hát nhạc Pop, Rock, Hip – hop… rồi tự hỏi “tại sao cần phải có tính dân tộc trong các tác phẩm hiện đại ?” ; Vì sao phải xem Tuồng, Chèo, Cải Lương… trong khi bản thân họ không hiểu, không cảm thấy thú vị. Họ đang “bảo tồn”, cổ xúy, phát triển cho âm nhạc “dân tộc”, nhạc dân gian, đại chúng của xứ người.

Một hệ quả khác nữa là để chạy theo thị hiếu, hiện tượng nhạc nhái, nhạc cover, sao chép nhạc nước ngoài… trở nên phổ biến ! Ngoài vấn đề đạo đức nghề nghiệp của nhạc sĩ còn cho thấy một điểm đáng lo khác là tư tưởng vọng ngoại đang dần phát triển trong công chúng, nhất là trong thanh thiếu niên. Công chúng thích nghe nhạc Hàn, Nhật, Hoa… hơn là thứ ngôn ngữ âm nhạc của chính dân tộc mình. Đó là chưa kể từ đó dẫn đến sự ngộ nhận trong tư tưởng và lối sống, xem trọng những nềân văn hoá khác, âm nhạc các nước khác ngoại trừ văn hoá – âm nhạc của dân tộc mình. Tiếp sau là sự chuyển biến thành lòng tự ti dân tộc. Thanh thiếu niên hiện nay thích nhạc trẻ nước ngoài, thấy cái gì của nước ngòai cũng đều hay ho, tuyệt vời, đi đến sùng bái tất cả những vật, việc của nước ngoài, cho tất cả những gì thuộc vốn cổ dân tộc là thấp kém, chỉ mơ được sống theo kiểu Âu - Mỹ…

Với nghệ thuật hàn lâm và âm nhạc truyền thống, tại Tp. HCM không dễ có lượng người nghe đông đảo như nhạc nhẹ, nhạc trẻ. Những bản giao hưởng, sonate, concerto không dễ hiểu, dễ nghe như ca khúc, tình ca… Nhưng kể cả nghệ thuật, âm nhạc dân tộc, nhạc Tài tử, sân khấu Tuồng, Cải lương cũng ngày càng vắng khách. Phải chăng nghệ thuật âm nhạc dân tộc không còn là vốn văn hóa của dân ta, không thể thu hút được dân ta? Nhưng, hiện nay, khi những ca khúc não tình, những bài hát không giai điệu, cùng với tiết tấu sôi động, lời ca pha trộn tiếng Anh, tiếng Hoa... đang chiếm thế “thượng phong” trong đời sống âm nhạc thành phố, thì điều đó có bình thường không, và nên âm nhạc của đấn nước, dân tộc sẽ đi về đâu?

Nếu không có khán giả, sự tồn tại của bất cứ loại hình nghệ thuật nào cũng trở thành “vô nghĩa”. Nghệ thuật, âm nhạc nào cũng cần khán giả. Sau đó là sự yêu thích, có tình cảm với đối với nó, yêu thích, tìm hiểu, theo học, làm nghề… và lại tiếp nối như một vòng khép kín: tác phẩm âm nhạc khán giả (người thưởng thức) người tìm hiểu, yêu thích người học để trở thành người sáng tác, nghệ sĩ biểu diễn loại âm nhạc đó tác phẩm âm nhạc…

Điều quan trọng là mỗi khâu trong “vòng khép kín” trên đều có những tác động mang tính hỗ tương, không có người nghe thì không có người biết, không người tìm hiểu, không có người học… dẫn đến không có người biểu diễn, không có những thể loại âm nhạc hàn lâm, âm nhạc cổ truyền, dân tộc...

Nhưng nếu được “đào tạo”, được “học nghe nhạc”... chúng ta sẽ có những người nghe biết đánh giá đúng, am hiểu nghệ thuật âm nhạc.

Khán giả cho dòng nhạc hàn lâm, nhạc dân tộc hiện nay không nhiều, so với một thành phố hơn chục triệu dân cư và vãng lai, một thành phố được xem là trung tâm văn hoá, khoa học kỹ thuật, công nghệ của cả nước như TP. HCM là không tương xứng. Lượng khán giả thường xuyên đến các khán phòng âm nhạc hàn lâm, âm nhạc dân tộc chủ yếu là khách nước ngoài, những người công tác tại các đại sứ quán, văn phòng ngoại giao, công ty, doanh nghiệp nước ngoài. Những người trong nghề, một số sinh viên, giới trẻ… cũng thích nghe nhưng không tiền mua vé hoặc không có thói quen mua vé. Những người am hiểu, thích nghe ít dần đi.

Một điểm đáng quan ngại là chúng ta đã tạo ra một thế hệ khán giả không biết, không thích nghe âm nhạc hàn lâm, nhạc dân tộc bằng cách lạm dụng cây đàn orgue điện tử, hệ thống khuếch đại âm thanh và tư duy “nhạc nhẹ” cho toàn bộ sinh hoạt âm nhạc trong đời sống xã hội. Ban đầu là việc điện tử hoá và tư duy nhạc nhẹ thể hiện ở tất cả các ban nhạc của các đoàn ca muá, nghệ thuật sân khấu hoặc sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp, đài phát thanh – truyền hình, các hoạt động văn nghệ quần chúng, tụ điểm ngoài trời cho đến các hoạt động văn hoá- nghệ thuật cấp thành phố, cấp quốc gia. Kế đến là chương trình giảng dạy sư phạm âm nhạc cho các cử nhân sư phạm, những máy cái cho hệ thống giáo dục – đào tạo của cả nước đến hệ thống chương trình giáo dục âm nhạc của các cấp phổ thông (từ nhà trẻ mẫu giáo đến cấp hai) đều lấy nhạc cụ orgue điện tử làm chủ đạo và dạy hát ca khúc.

Việc đưa nhạc cụ orgue điệu tử trở nên phổ biến trong đời sống âm nhạc Tp. HCM nói riêng và cả nước nói chung, đôi khi, tưởng là hội nhập, theo kịp bước tiến khoa học kỹ thuật điện tử chế tạo nhạc khí… nhưng thực ra, chỉ là làm giàu cho những hảng sản xuất đàn Casio, Yamaha… mà thôi, chứ không đem lại cho công chúng sự thụ hưởng hoặc giáo dục âm nhạc nghiêm túc.

Một cách “làm mới” chính mình và hy vọng đem âm nhạc đến gần hơn với người nghe, âm nhạc hàn lâm, nhạc dân tộc được “canh tân”, “cải biên” để dễ hiểu. Người ta thấy nhiều nhóm nhạc dân tộc được điệu tử hoá và cải biên lại theo phong cách nhạc nhẹ với ý định giới thiệu nhanh nhất, dễ được chấp nhận nhất. Hoặc, âm nhạc hàn lâm được “xông ra” nhà hàng, khách sạn với yêu cầu đánh “nhẹ nhàng”, dễ nghe… Nhạc giải trí, “nhạc nhẹ”… đang chiếm thế thượng phong trong đời sống âm nhạc cả nước và TP. HCM nhưng thể loại này được trình diễn ở ta cũng ở dạng học lóm, bắt chước, chưa qua trường lớp hay chưa được tiếp thu một cách đầy đủ và cơ bản nên vẫn thể hiện nhiều khiếm khuyết mặc dù đang được giới trẻ tôn vinh…

Vấn đề gìn giữ, giới thiệu và nâng cao giá trị văn hoá âm nhạc hàn lâm, âm nhạc dân tộc đã được quan tâm nhưng bằng phương cách nào, như thế nào, gồm những cái gì, trình tự cái gì trước, cái gì sau… vẫn còn bỏ ngõ bởi sự thiếu đồ