TÍNH
DÂN TỘC VÀ HIỆN ĐẠI
TRONG ÂM VANG CA KHÚC HÀ NỘI
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn
I. Tính Dân tộc và Hiện đại trong Âm Nhạc
Khi phân tích, đánh giá một tác phẩm âm
nhạc, dù là khí nhạc hay thanh nhạc thì giá trị nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ của
tác phẩm đó không thể nào vắng bóng tính dân tộc và tính hiện đại trong nội hàm
giá trị của nó. Khẳng định truyền thống dân tộc hay bản sắc dân tộc là một khái
niệm động và mở bởi vì tính dân tộc là một quá trình tiếp nối, chọn lọc và bổ
sung, luôn hàm chứa những tố chất hiện đại, nó đã trở thành “ hồn cốt” trong
truyền thống văn hóa và trong tâm thức của mỗi người Việt Nam chúng ta.
Nhiều nhà mỹ học trên thế giới đã cho
rằng : Nói dân tộc là nói đến Văn hóa. Nói hiện đại là nói đến Kinh tế - Xã hội.
Như vậy điều đầu tiên được chú ý là : mối quan hệ giữa văn hóa dân tộc và Kinh
tế -Xã hội hiện đại. Giáo sư Ronald Inglehart, Chủ tịch Hiệp Hội Điều Tra giá
trị thế giới đã khẳng định :
“ Bằng chứng thực nghiệm của cả thế giới cho
thấy rằng các mô hình văn hóa có quan hệ mật thiết với các đặc điểm kinh tế và
chính trị của các xã hội đó. Hội chứng hiện đại hóa có quan hệ với sự chuyển dịch
từ các giá trị truyền thống sang các giá trị hợp pháp – hợp lý nhưng sự xuất hiện
của Xã hội công nghiệp tiên tiến đã dẫn đến sự chuyển dịch từ các giá trị sống
còn sang các giá trị hậu hiện đại trong đó có hàng loạt sự thay đổi…”
Khi nền Kinh tế - Xã hội phát triển
theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa thì mọi nhu cầu ngày càng tăng cao, nó
là một trong những động lực phát triển của Kinh tế - Xã hội. Nó đòi hỏi Văn
hóa, Văn học, Nghệ thuật trong đó có âm nhạc cũng phải có sự đổi mới theo hướng
hiện đại như Bác Hồ đã viết : “ Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm, cái
gì mới mà hay thì phải làm theo.”
Sự đổi mới nhanh nhất dễ thấy nhất là
sự đổi mới trong âm nhạc, đặc biệt là sự cải tiến các nhạc cụ dân tộc : Cây đàn
Bầu, Đàn Cò, Đàn Nguyệt, Đàn Tam Thập Lục…được gắn thêm các bộ phận âm thanh điện
tử tiếng sẽ lớn hơn, phục vụ được đông đảo công chúng hơn; hoặc các nhạc cụ dân
tộc được đưa vào dàn nhạc giao hưởng làm cho biến chế dàn nhạc được mở rộng
hơn, màu sắc âm nhạc thêm phong phú và bản sắc dân tộc được bộc lộ rõ nét hơn…
Với sự tiến bộ như vũ bão của Khoa học
– Công nghệ trên thế giới vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 đã trực tiếp tác động
mạnh mẽ đến âm nhạc, tạo điều kiện cho việc cải tiến nhạc cụ và các kỷ năng, kỷ
xảo biểu diễn được dễ dàng, thuận lợi hơn cho các nghệ sĩ biểu diễn kể cả người
sáng tác. Hơn nữa khi các ngành điện ảnh và thể thao trên toàn thế giới phát
triển quá nhanh chóng, nó cũng đã lôi cuốn các dòng âm nhạc chạy theo nó và
ngày càng gắn bó sâu hơn, mật thiết hơn với nó. Không còn cách nào khác, bản
thân âm nhạc phải tự đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức. Từ đó nhiều thể loại
âm nhạc mới ra đời. Tất nhiên tính dân tộc và hiện đại luôn vận động và phát
triển không ngừng, làm cho tri thức nghệ thuật và khát vọng sáng tạo của người
nghệ sĩ luôn được bồi đắp, đền bù trong quá trình tư duy và trong lao động sáng
tạo để tác phẩm nghệ thuật đến với người cảm thụ một cách nhanh nhất trọn vẹn
nhất. Vì hiện nay nhân loại đang sống giữa nền văn minh trí tuệ mà đặc trưng của
nó là Xã hội hóa thông tin và Kinh tế tri thức. Như vậy, sự giao thoa giữa các
nền Văn hóa, các nền âm nhạc của các khu vực và các nước trên thế giới là đương
nhiên và tất yếu, không còn cảnh “ngăn sông cách núi” như các thời đại trước
đây nữa. Mà đã nói đến giao thoa, trao đồi thì yếu tố dân tộc và hiện đại luôn
luôn được đặt lên hàng đầu và nó là tư tưởng dân tộc, tình cảm dân tộc, tâm hồn
dân tộc là lẽ sống và niềm tin dân tộc…Nó đã tạo thành những chuỗi giá trị tư
tưởng – Văn hóa thiêng liêng của cả dân tộc Việt Nam ta.
Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Xuân Nam
có viết : “ Mất nước nhiều khi giành lại được nhưng để mất bản sắc văn hóa dân tộc
thì sẽ là mất hết và mãi mãi”.
II. Sáu mươi năm âm nhạc Hà Nội – Những Âm Vang diệu kỳ
Năm 1983, trong bài phát biểu chào mừng
Đại hội Hội Nhạc Sĩ Việt Nam, Nhà Văn – Nhà thơ – Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đã viết
: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng ta đã chiến thắng, đế quốc Mỹ
đã thua vì cuộc kháng chiến của chúng ta đã ngập tràn tiếng hát, còn cuộc chiến
tranh xâm lược của đế quốc Mỹ không hề có tiếng hát nào!”
Tiếng hát đó từ đâu mà có? Từ lòng yêu
nước thương nòi từ lòng quả cảm của nhân dân đoàn kết đứng lên đánh đuổi thực
dân, đế quốc xâm lược. Những tiếng hát đó được cất lên từ tình cảm và tâm hồn
dân tộc. Nó hòa quyện với những tâm hồn “ Có kích cỡ lớn” của các tác giả có
tài năng sáng tạo xuất chúng và nhân cách sáng tạo hết sức mẫu mực cao đẹp, rất
đáng được kính trọng và biết ơn.
Những tác phẩm âm nhạc ấy đã đạt đến đỉnh
cao của giá trị tư tưởng và nghệ thuật, đã đạt đến đỉnh cao của Chân – Thiện –
Mỹ vì nó đã được thử thách qua thời gian, công chúng và lịch sử. Những tác phẩm
ấy đã thể hiện rõ bản chất của nghệ thuật là phát minh, khám phá và sáng tạo ra
cái giá trị của cái Đẹp, cái Mới, cái Hay, cái Lạ, cái Nhân văn, cái Cao Cả,
cái Trác Tuyệt, cái Hấp dẫn… đã và đang tác động một cách sâu sắc đến cuộc sống
đến tâm linh của con người với tất cả những chiều kích hiện thực của nó theo
quan điểm “ nội dung chân thật và hình thức vui tươi” của Bác Hồ để phục vụ
nhân dân, phục vụ kháng chiến và phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc trong tình hình hiện nay.
Những tác phẩm ấy, những tiếng hát ấy đã vang lên từ Thủ đô Hà Nội, trái tim và trí tuệ của các nước trong suốt 60 năm qua mãi mãi là những lời hịch , những thiêng anh hùng ca bất tử của nhân dân, của dân tộc và của bạn bè khắp năm châu, bốn bể.
III. Kết luận
Giờ đây chúng ta có quyền tự hào để khẳng
định rằng trong hơn 60 năm qua giới âm nhạc Hà Nội cùng giới âm nhạc trong cả
nước đã luôn đồng hành với dân tộc, với cách mạng đã làm nên những kỳ tích bằng
âm thanh và những âm vang diệu kỳ của nó đã thầm sâu vào lòng đất quê hương,
vào tận những ngõ ngách của tâm hồn dân tộc và tình cảm của nhân dân, góp phần
tạo nên sức mạnh thần thánh của dân tộc trước các hiểm họa ngoại xâm.
Tóm lại, để mở rộng giao lưu và hội nhập
quốc tế trong lĩnh vực âm nhạc, thì yếu tố dân tộc và hiện đại luôn mang tính
quyết định cho sự sống còn của tác phẩm. Tính dân tộc và hiện đại là một thể thống
nhất, không chia cắt, góp phần quan trọng trong việc hình thành phong cách sáng
tác của mỗi tác giả và định hình tác phẩm. Nó còn là niềm tự hào về giá trị
tinh thần, giá trị nhân văn của các quốc gia, dân tộc.