12/09/201616:20

Trách Nhiệm Công Dân Và Đạo Đức Nghề Nghiệp Của Nhạc Sĩ – Nghệ Sĩ

PGS, Nhạc sĩ Ca Lê Thuần

 

Tháng 11 năm 2011 này, Hội Âm Nhạc Thành phố Hồ Chí Minh vui đón mừng ngày kỷ niệm tròn 30 tuổi của mình. Ba mươi năm qua, các nhạc sĩ-nghệ sĩ của chúng ta có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển một cách đa dạng, phong phú đời sống âm nhạc của Thành phố. Đồng thời cũng nhận thấy rõ số lượng tác phẩm ngày càng nhiều, nhưng vẫn còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Đáng quan tâm là trong một số tác phẩm đó, lý tưởng xã hội và lý tưởng thẩm mỹ mờ nhạt, phải chăng có những biểu hiện xa lánh những vấn đề quan trọng của đất nước, của Thành phố. Trong biểu diễn, giới thiệu, quảng bá có hiện tượng hạ thấp chức năng giáo dục và thẩm mỹ, dường như chỉ nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí.

Như vậy, trong tình hình mới hiện nay cần phải tập trung nâng cao chất lượng sáng tạo âm nhạc, từ sáng tác, biểu diễn đến thưởng thức nhằm khẳng định và biểu dương các giá trị chân, thiện, mỹ cũng như cần phê phán những cái lỗi thời, thấp kém, chống những biểu hiện phản văn hóa. Hội Âm Nhạc chúng ta cần phải làm sao để tạo ra những tác phẩm có giá trị cao, có sức lan tỏa lớn, xứng đáng với tầm vóc của Thành phố mang tên Bác.

Trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta cảm nhận được một số nhỏ nhạc sĩ-nghệ sĩ vừa qua có biểu hiện phai nhạt lý tưởng, thiếu trách nhiệm công dân, xem nhẹ đạo đức nghề nghiệp, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng. Ngay từ thế kỷ 19, nhà soạn nhạc Đức R. Schumann đã từng cảnh báo: “Đừng quáng mắt trước kiểu thành công của những người được gọi là có kỹ xảo. Đối với bạn, lời ủng hộ của một nghệ sĩ chân chính bao giờ cũng quý giá hơn sự tán thưởng của cả một đám người đua đòi”.

Qua đó, chúng ta càng nhớ lại, trong thư gởi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951, Hồ Chí Minh có viết:

“Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận

Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Có thể nói, trãi qua 60 năm, nhưng quan điểm “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận” của Bác vẫn còn sống mãi và có giá trị đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay. Với tinh thần : âm nhạc là vũ khí và nhạc sĩ là chiến sĩ, chúng ta đang là những chiến sĩ xây dựng và phát triển nền âm nhạc chuyên nghiệp vừa phải “giàu chất nhân văn, tiến bộ” vừa phải “giàu bản sắc dân tộc” và phấn đấu “vươn lên hiện đại”.

Để thực hiện được sứ mệnh “chiến sĩ”, nhạc sĩ-nghệ sĩ “cần phát huy lòng yêu nước nồng nàn, gắn bó máu thịt với nhân dân, nêu cao trách nhiệm công dân, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị phụng sự đất nước và dân tộc” (Nghị quyết 23 của Bộ Chính Trị Khóa X).

Hiện nay, với sự đa dạng về lợi ích kinh tế và mặt trái của kinh tế thị trường dẫn tới sự biến động, thay đổi về tư tưởng, nhận thức đã tạo ra sự phân hóa mạnh trong công chúng nghệ thuật về quan niệm, nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ…Đồng thời nó tác động sâu sắc đến nếp nghĩ lối sống của một bộ phận nhạc sĩ-nghệ sĩ, nhất là ảnh hưởng đến đạo đức nghề nghiệp.

Trong bối cảnh như vậy, phải chăng có một số người cố học cách kiếm sống chứ không học cách sống, cũng như lại có một số ít người sống bằng sự khôn ngoan hơn là tài năng…Bây giờ dường như đi đâu, xem gì, nghe gì, đọc gì cũng gặp nhiều từ có chữ “sĩ”, như nhạc sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ…Theo như một số nhà nghiên cứu thì điều kiện tiên quyết để trở thành một “sĩ” là luôn phải có sự tu dưỡng, rèn luyện cả về học thức, khí độ cũng như đạo đức trong đối nhân xử thế.

Chúng ta đều biết, trong thời đại toàn cầu hóa diễn ra ngày càng sâu rộng, kinh tế tri thức phát triển mạnh, khoa học và công nghệ có những bước nhảy vọt càng làm cho con người có những chuyển động, biến đổi sâu sắc trong tư duy âm nhạc cũng như trong kỹ thuật sáng tác và biểu diễn. Cùng lúc đó lại có một số người ngày càng lười biếng, chỉ biết ỷ lại vào máy móc, óc phán xét suy giãm. Đứng trước thực tế đó, chúng ta cần phải đặc biệt chú trọng việc rèn luyện kỹ năng sáng tạo đi đôi với nhân cách sáng tạo. Đồng thời phải luôn chống lối sống xem “cái tôi” quá lớn, đố kỵ, tầm thường, đòi hỏi người khác thì quyết liệt, gay gắt, căng thẳng, còn đối với mình thì buông thả và dễ cho qua…

Nhà phê bình văn học Nga thế kỷ 19 – V.G. Belinsky cũng đã khẳng định: “Thời đại chúng ta chỉ khâm phục nghệ sĩ nào mà cuộc sống là sự giải thích tốt nhất cho sự nghiệp sáng tạo của mình và sự nghiệp sáng tạo là sự biện minh tốt nhất cho cuộc sống của mình”. Rõ ràng là, với tư chất tâm hồn giàu cảm xúc, khả năng quan sát tinh tế cũng như trí tưởng tượng sáng tạo và năng lực trí tuệ sắc sảo, nhạc sĩ-nghệ sĩ chúng ta hiểu rõ tài năng đích thực bao giờ cũng gắn với bản lĩnh đích thực và luôn nhận biết đâu là giá trị thật của mình, không chấp nhận bất kỳ sự giã dối, vay mượn nào. Đứng trước những thử thách khắc nghiệt giữa một môi trường âm nhạc đầy phức tạp và biến động, càng đòi hỏi chúng ta phải vượt qua được “cái ngưỡng ích kỷ” của bản thân để có thể bộc lộ “cái tôi” trong tác phẩm của mình bằng tất cả ý thức trách nhiệm công dân và đạo đức nghề nghiệp.

Với sự lớn mạnh và vững vàng của tuổi ba mươi, chúng ta tin rằng Hội Âm Nhạc Thành phố Hồ Chí Minh hướng tới tương lai bằng tất cả tài năng và trí tuệ, sự tự tin và lòng tự trọng của mình.

Với việc nâng cao ý thức trách nhiệm công dân và thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, chính là tiếp tục “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chúng ta càng tin rằng mỗi anh chị em nhạc sĩ-nghệ sĩ của Thành phố anh hùng mang tên Bác sẽ luôn “tận tâm với nghề và tận nghĩa với đời!”