3. Những hạn chế, khó khăn khi nhạc sĩ sáng tác ca khúc thiếu nhi
Thẳng thắn mà nói, nhạc sĩ cũng là một nghề nghiệp. Khi một người chọn một nghề nào đó, tất nhiên ai cũng quan tâm đến vấn đề đầu tiên: nghề đó có thể nuôi sống mình hay không, rồi sau đó là nghề đó có giúp mình có vị trí xã hội hay không, rồi cuối cùng mới là nghề đó có giúp mình cống hiến cho xã hội hay không? Cái gì cũng phải có trình tự. Rất khó để yêu cầu, mong cầu một hoặc nhiều người nhạc sĩ có thu nhập ít ỏi thiếu thốn trước sau mà phải có trách nhiệm sáng tác, tự bỏ tiền sản xuất ra những bài hát phục vụ cộng đồng, phục vụ quê hương với lý tưởng hy sinh cao đẹp, trừ phi đó là vấn đề cấp thiết của đất nước, được đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, và phải tạo nhiều điều kiện, có nguồn vốn đầu tư cũng như được nhiều đơn vị, ban ngành hỗ trợ tuyệt đối. Với tư cách là một nhạc sĩ tự thân sáng tác, tự thân sản xuất và tự thân truyền thông dự án 300 bài hát thiếu nhi trong suốt hơn 10 năm qua, tôi xin chia sẻ những khó khăn, hạn chế sau:
- Nguồn vốn: vốn dĩ trách nhiệm của nhạc sĩ chỉ là sáng tác, thế nhưng khi sáng tác xong chỉ là một tờ giấy văn bản nốt nhạc, sẽ không có bé thiếu nhi nào đọc và hiểu, vì thế phải bỏ tiền để hòa âm, thu âm, và thậm chí phải bỏ tiền để quay MV (music video) hoặc làm clip hoạt hình vì các bé thiếu nhi không chỉ nghe, mà chúng thích xem. Để hoàn thành một bài hát thiếu nhi, số tiền đầu tư là không ít đối với cá nhân một người nhạc sĩ.
Ví dụ: từ lúc tôi sáng tác và lập kênh Youtube “300 Bài Hát Thiếu Nhi” đến giờ (mọi người có thể tham khảo nội dung theo đường link sau: https://www.youtube.com/@300.baihatthieunhi), tôi đã đầu tư vào đây:
TỔNG CỘNG: 2.030.000.000 đồng (Hai tỷ không trăm ba mươi triệu đồng)
Nhưng tôi chưa thu lại được bao nhiêu.
Thêm nữa, không dễ để sáng tác và sản xuất xong một bài hát thiếu nhi vì phải tốn nhiều thời gian, chất xám để nghiên cứu dòng nhạc, chủ đề, cách thức tiếp cận, và cả một kế hoạch lâu dài chứ không chỉ viết một bài là xong. Tôi đã đánh đổi thời gian có thể dùng để sáng tác những bài hát hợp thị hiếu khán giả, để có thể bán cho ca sĩ và dễ dàng kiếm được số tiền lớn.
- Môi trường phát triển: hiện tại chưa có môi trường phát triển chính thức, bắt buộc và được ưu tiên cho âm nhạc thiếu nhi như NHỮNG BÔNG HOA NHỎ ngày xưa. Các Đài Truyền hình, Đài Phát thanh không còn khung giờ vàng cho thiếu nhi, các kênh Youtube của các Đài cũng không đầu tư cho các chương trình âm nhạc thiếu nhi, các trường học mầm non, tiểu học chưa có sự chỉ đạo sâu sát và hướng dẫn truy cập, tham khảo, sử dụng kho nhạc thiếu nhi mới được sáng tác bởi các nhạc sĩ từ các Hội Âm nhạc, Hội Nhạc sĩ… Tôi, trong những năm qua phải tự thân tìm các mối quan hệ và chủ động đến 60 trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh để giao lưu, ca hát, tặng sách và tự phổ biến những bài hát thiếu nhi của mình; bên cạnh đó, phải kết hợp với thế mạnh của các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok… để tự lan tỏa những MV của mình sản xuất.
- Sự ghi nhận: bên cạnh những cuộc vận động sáng tác những ca khúc thiếu nhi từ Hội Âm Nhạc Thành phố Hồ Chí Minh, những giải thưởng của Hội, thì thị trường âm nhạc hiện tại không có bất kỳ một giải thưởng lớn nào tôn vinh các bài hát thiếu nhi mới và các nhạc sĩ sáng tác nhạc thiếu nhi. Điều đó khiến cho các nhạc sĩ viết nhạc thiếu nhi cảm thấy thời gian và tâm sức mình bỏ ra thật phí hoài, cảm thấy những cống hiến của mình không được trân trọng xứng đáng.
4. Những ý kiến đóng góp theo kinh nghiệm cá nhân
Thật sự rất khó để đưa ra ý kiến đóng góp vì sau cùng tôi cũng chỉ là một nhạc sĩ, tôi chỉ có thể nói lên những quan điểm, góc nhìn và suy nghĩ của mình một cách thực tế sau nhiều năm tự mình theo đuổi lý tưởng này để cống hiến một kho nhạc thiếu nhi mới cho âm nhạc Việt Nam.
Từ những hạn chế đã nêu ở phần trên, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy nếu như các đơn vị lãnh đạo, các ban ngành có thể đưa ra những quyết sách, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, xuyên suốt để giải quyết các hạn chế trên:
- Tăng nguồn vốn đầu tư sáng tác và sản xuất âm nhạc thiếu nhi.
- Tăng thêm nhiều cuộc vận động sáng tác nhạc thiếu nhi nhưng phải đa dạng chủ đề, đề tài, không chỉ bắt buộc là về quê hương đất nước, mà còn là về thiên nhiên, gia đình, bạn bè, mái trường, tuổi thơ, ước mơ, bài học nhỏ…để những sáng tác thật sự đa dạng, gần gũi, không giáo điều, sáo rỗng.
- Tăng thêm nhiều chương trình phổ biến các ca khúc thiếu nhi mới tại các Trung tâm Văn hóa, các trường Mầm non, Tiểu học vào các ngày cuối tuần và tổ chức định kỳ tạo thói quen thưởng thức âm nhạc và sân chơi cho các con.
- Tăng thêm các chương trình thiếu nhi được sản xuất và ghi hình, phát trên các đài phát thanh, truyền hình, và cả nền tảng online, nhạc số, internet.
- Tăng thêm lực lượng nhân sự để tham khảo và tư vấn, khai thác kho nhạc thiếu nhi mới được sáng tác hằng năm và đưa vào đời sống thiếu nhi qua con đường biểu diễn hoặc giảng dạy nếu phù hợp.
- Tăng thêm các giải thưởng tôn vinh những bài nhạc thiếu nhi mới, có chất lượng, có đời sống và lan tỏa thực tế, tôn vinh các nhạc sĩ trẻ dành tâm huyết cho âm nhạc thiếu nhi.
Tôi hy vọng bài tham luận này sẽ được những lãnh đạo, nhất là những vị làm trong công tác văn hóa, văn học nghệ thuật, phát triển xã hội sẽ đọc, sẽ đồng cảm và thổi lên được ngọn lửa tâm huyết với âm nhạc thiếu nhi Việt Nam. Chỉ khi nào chúng ta nhận thức và hiểu rõ tầm quan trọng của âm nhạc thiếu nhi thì chúng ta mới có thể đồng lòng giúp cho âm nhạc thiếu nhi không phải là con đường chỉ dành cho vài người tâm huyết,
Xin cám ơn mọi người đã đọc.
Trân trọng!
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung - Chi hội 1
Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh