Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung
Hội viên Chi hội Lý luận - Đào tạo
Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh
Liên hoan Sắc màu nhạc cụ dành cho thanh thiếu nhi, do Hội đồng Đội các cấp kết hợp với các Nhà Thiếu nhi tổ chức là một sự kiện đầy ý nghĩa. Đây là một sân chơi lành mạnh, bổ ích nhằm đẩy mạnh phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng, hướng đến việc nâng tầm cảm nhận và kỹ năng thực hành âm nhạc cho thanh thiếu nhi, đặc biệt trong thể loại âm nhạc không lời vốn đã không nhiều khán giả. Từ lần tổ chức đầu tiên vào năm 2016, Liên hoan đã quy tụ nhiều hoạt động truyền thông cụ thể với thành phần ban giám khảo uy tín và thể lệ dự thi khá chi tiết. Các thí sinh tham dự Liên hoan được chia thành ba bảng (theo hình thức diễn tấu và theo độ tuổi): bảng A độc tấu dành cho thiếu nhi lứa tuổi Tiểu học (từ 6 đến 11 tuổi), bảng B độc tấu dành cho thiếu nhi lứa tuổi THCS (từ 12 đến 15 tuổi) và bảng C hòa tấu (song tấu, tam tấu).
Điều tích cực của Liên hoan là thí sinh không bị giới hạn về nhạc cụ: các em có thể dự thi bằng các nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn tranh, đàn nguyệt, đàn đá, sáo, trống… hoặc các nhạc cụ nước ngoài như đàn piano, đàn violin, đàn organ… Chính điều này đã làm nên màu sắc riêng cho Liên hoan: đa dạng và hấp dẫn. Khán giả có thể thưởng thức các làn điệu dân ca quen thuộc qua sự hòa quyện về âm thanh giữa đàn tranh, sáo, đàn bầu của các em lứa tuổi THCS, hay nghe lại giai điệu bản nhạc hiệu nổi tiếng một thời thường phát trên tivi qua tiết mục độc tấu Organ của em học sinh lứa tuổi Tiểu học. Liên hoan còn là nơi đem lại những giá trị tinh thần khá đặc biệt, kết nối ký ức và gợi mở tương lai bằng âm nhạc: các anh chị THCS có thể tìm lại được hình ảnh xa xưa của mình trong chính tiết mục dự thi của các em Tiểu học ngày hôm nay, và ngược lại, các em Tiểu học có thể lắng nghe phần trình diễn của các anh chị THCS để phấn đấu, biểu diễn bản nhạc đó trong kỳ Liên hoan năm sau... Là một người tham dự Liên hoan nhiều lần, trong nhiều vai trò khác nhau (khán giả, người thân của thí sinh, giám khảo), tôi cho rằng Liên hoan Sắc màu nhạc cụ không chỉ là một cuộc tranh tài về khả năng biểu diễn nhạc cụ hay sự phân chia cao thấp về kỹ thuật diễn tấu trên sân khấu… mà đã thật sự trở thành một nơi để giao lưu - học hỏi về văn hóa nghệ thuật: thí sinh giới thiệu đến mọi người những điều tâm đắc nhất của mình thể hiện qua sự lựa chọn về bài bản, lựa chọn về nhạc cụ, lựa chọn về thể loại âm nhạc, lựa chọn về phong cách biểu diễn. Có thể nói rằng, mỗi thí sinh đã trở thành một gương mặt đại diện riêng cho phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng tại địa phương.
Đối với nhạc cụ phương Tây, thực tế cho thấy, số lượng các tiết mục dự thi bằng đàn Organ điện tử (nhất là thể loại độc tấu) luôn chiếm ưu thế so với các loại nhạc cụ khác trong các kỳ Liên hoan. Hầu hết các tiết mục độc tấu Organ điện tử đều là “sự diễn đạt lại” các bài hát được yêu thích một cách khá đơn giản như sau: tay phải đàn giai điệu chính của bản nhạc, tay trái bấm hợp âm đệm, vận dụng thêm một nút số chức năng tự động của đàn Organ điện tử như: Fill-in/ Break/ Intro/ Ending… Thiếu vắng hoàn toàn những sáng tác mới dành riêng cho nhạc cụ này, đòi hỏi kỹ thuật diễn tấu cao cũng như kỹ năng dàn dựng tác phẩm chuyên nghiệp.
Về mặt tính năng nhạc cụ, Organ điện tử là một loại nhạc cụ đặc biệt, nổi bật với khả năng “mô phỏng và giả lập”. Nhạc cụ này không chỉ có thể mô phỏng âm sắc của từng loại nhạc cụ khác nhau mà còn cho phép pha trộn các âm sắc tiêu biểu và tái hiện cả một ban nhạc chơi các thể loại khác nhau. Vì vậy, khi thực hiện một bản độc tấu, người chơi cần đặc biệt chú ý để phần trình bày của mình trở nên chân thực và sống động nhất có thể. Chẳng hạn, khi biểu diễn giai điệu với âm sắc của guitar, người chơi nên sử dụng kỹ thuật Bend để tạo hiệu ứng nhấn nhá phù hợp. Tương tự, khi biểu diễn giai điệu với âm sắc của kèn, cần chú ý cách nhấc tay ở cuối câu để mô phỏng chính xác các kỹ thuật lấy hơi của kèn. Việc nắm vững những chi tiết này sẽ giúp người chơi mang đến một màn trình diễn không chỉ chính xác về âm thanh mà còn chân thực về cảm xúc và kỹ thuật diễn tấu của các nhạc cụ được mô phỏng. Tính năng nhạc cụ “đặc biệt” của Organ điện tử cũng mở ra cơ hội cho các nhạc sĩ sáng tác, cho phép họ tạo ra những tác phẩm mới mẻ và sáng tạo. Họ có thể khai thác tính linh hoạt của Organ điện tử để phát triển những ý tưởng âm nhạc độc đáo, mở rộng giới hạn của sáng tác và mang đến những trải nghiệm âm nhạc phong phú cho người biểu diễn lẫn người thưởng thức.
Ngoài một số tác giả nổi bật như nhạc sĩ Lê Vũ - Quang Đạt với hai tập sách “Độc tấu trên đàn Organ Keyboard” (2007), nhạc sĩ Xuân Tứ với “Giáo trình Đàn phím điện tử” (2002, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương), và nhạc sĩ Trần Quốc Thể với tuyển tập các bản nhạc chuyển soạn cho đàn phím điện tử (giảng dạy tại Nhạc viện TP.HCM, 2005 -2010), hiện nay, chúng ta vẫn đang thiếu vắng các tác giả trẻ, các tác giả mới và những tác phẩm viết riêng cho đàn Organ.
Điều này thật đáng tiếc đối với âm nhạc dành cho thanh thiếu nhi, bởi đàn Organ điện tử không chỉ là nhạc cụ đồng hành cùng chương trình giáo dục phổ thông từ lâu (môn Âm nhạc) mà còn trở nên phổ biến trong các trường Tiểu học và THCS trên toàn quốc. Việc thiếu hụt các tác phẩm mới và sự lặp lại các tác phẩm cũ, dù có giá trị, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến lòng yêu thích chơi đàn Organ của các em. Đồng thời, điều này cũng tạo ra sự mất cân đối trong việc thưởng thức nghệ thuật của thế hệ trẻ, khi các bài hát thường được lựa chọn nhiều hơn so với các bài đàn.
Còn tiếp...