24/10/202410:41

TỪ LIÊN HOAN SẮC MÀU NHẠC CỤ NGHĨ VỀ TÁC PHẨM ORGAN ĐIỆN TỬ VIẾT CHO THANH THIẾU NHI HIỆN NAY - Phần 2

Về mặt nội dung, việc thí sinh lựa chọn các bài hát hoặc ca khúc để “thể hiện lại” bằng đàn Organ điện tử cũng đáng để suy ngẫm. Dù khi độc tấu nhạc cụ không có lời, nội dung và tinh thần của ca từ vẫn hiện diện trong tâm trí người biểu diễn. Do đó, cần cân nhắc kỹ lưỡng khi chọn bài độc tấu, tránh việc sử dụng các ca khúc dành cho người lớn, các bài hát thị trường hoặc những ca khúc có lời ca không phù hợp để chuyển thể thành độc tấu Organ; cẩn trọng với quan điểm cho rằng: khi chơi nhạc cụ độc tấu, có thể “thoải mái” lựa chọn bài bản vì không có sự ràng buộc về lời ca… Việc này không chỉ ảnh hưởng đến cảm nhận của người nghe mà còn thể hiện sự tôn trọng đối với sự khác biệt giữa âm nhạc có lời và âm nhạc không lời. Chính vì thế, cần giáo dục các em về việc âm nhạc có lời và âm nhạc không lời là hai thể loại nghệ thuật riêng biệt, mà mỗi loại đều có những đặc trưng và giá trị cần được thấu hiểu.

Đơn cử như chương trình dự thi đàn Organ tại Liên hoan Sắc màu nhạc cụ năm 2023, do Nhà Thiếu Nhi huyện Nhà Bè tổ chức, cho thấy các thí sinh chủ yếu chọn “thể hiện lại” các ca khúc nổi tiếng, từ bài hát trẻ em đơn sơ đến các ca khúc người lớn với nhiều tầng ý nghĩa. Điều này không phải là không hợp lý và thường là lựa chọn “an toàn” cho cả giáo viên lẫn thí sinh, bởi việc tập luyện một giai điệu hay bài hát quen thuộc thường nhanh hơn và dễ dàng hơn so với việc học một tác phẩm hoàn toàn mới.

Tuy nhiên, nếu các thí sinh chỉ đơn thuần trình diễn các ca khúc này trên đàn Organ mà không có sự sáng tạo về mặt ý tưởng âm nhạc hoặc kỹ thuật diễn tấu, thì sự tiến bộ trong nghệ thuật sẽ bị hạn chế. Đây là một lĩnh vực cần được các nhạc sĩ chuyên nghiệp ra tay giúp sức, bằng cách chuyển soạn lại, đưa vào những yếu tố mới, phát triển những ý tưởng âm nhạc có sẵn, nhằm làm phong phú thêm tác phẩm gốc, đồng thời mang đến cơ hội bộc lộ khả năng biểu diễn nhạc cụ của các em. Tác phẩm chuyển soạn cho đàn Organ điện tử không chỉ giúp nâng cao kỹ thuật diễn tấu cá nhân mà còn tạo nên sự khác biệt và ấn tượng mạnh mẽ trong khi biểu diễn.

Đi xa hơn, các nhạc sĩ Việt Nam có thể khai thác tối đa tính linh hoạt và đa dạng của cây đàn Organ điện tử, đồng thời kết hợp với các nhạc cụ khác trong chương trình giáo dục phổ thông (như đàn guitar, đàn ukulele, kèn phím, sáo recorder, nhạc cụ gõ…) để tạo nên những tác phẩm hòa tấu phù hợp với tuổi học trò, phù hợp với trình độ âm nhạc của học sinh các cấp, nhằm nâng cao năng lực thể hiện và cảm thụ âm nhạc của học sinh phổ thông Việt Nam, tạo điều kiện cho các em được khám phá và phát triển tiềm năng âm nhạc của bản thân. Các nhạc sĩ cũng nên tham khảo chương trình giáo dục phổ thông - 2018, môn Âm nhạc để có cái nhìn toàn cảnh về định hướng phát triển của môn học mà trong đó, kỹ năng chơi nhạc cụ là một phần tất yếu. Tin rằng nếu có sự chuẩn bị chu đáo từ các cấp học dưới, thì kỹ năng chơi nhạc cụ (nhất là đàn Organ điện tử) sẽ giúp các em tự tin lựa chọn môn Âm nhạc (với phần lựa chọn Nhạc cụ là Đàn phím điện tử) trong các tổ hợp môn học ở cấp THPT, phát triển đúng theo mục tiêu “định hướng nghề nghiệp” của chương trình giáo dục phổ thông 2018, tiết kiệm nhiều nguồn lực cho xã hội. Qua đó, các em không chỉ học được cách chơi đàn Organ điện tử mà còn hiểu sâu hơn về âm nhạc và văn hóa âm nhạc, tự tin lựa chọn nghệ thuật làm nghề nghiệp tương lai của chính mình.

Có thể nói rằng Liên hoan Sắc màu nhạc cụ đã tạo ra nhiều cơ hội quý báu cho các nhạc sĩ, đặc biệt là trong việc đáp ứng nhu cầu về các tác phẩm âm nhạc không lời phù hợp với tâm lý và trình độ của thanh thiếu nhi Việt Nam hiện nay. Những sự kiện như vậy khuyến khích sự sáng tạo và phát triển các tác phẩm âm nhạc mới, đồng thời thúc đẩy sự phong phú và đa dạng về thể loại trong các sáng tác âm nhạc riêng cho các em. Hy vọng rằng sau mỗi kỳ Liên hoan, số lượng và chất lượng các tác phẩm viết riêng cho các em sẽ ngày càng gia tăng, trở nên hấp dẫn hơn và chuyên nghiệp hơn. Điều này sẽ được góp sức bởi sự hiện diện tích cực và vai trò chủ động của cây đàn Organ điện tử, vốn là nhạc cụ rất quen thuộc đối với học sinh phổ thông Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung

Hội viên Chi hội Lý luận - Đào tạo

Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh