22/09/202117:46

Giai Điệu Từ Trái Tim – Nhạc sĩ Vũ Hải Long: Người Nhạc Sĩ Với Trái Tim Y Đức!

        Giới nhạc sỹ tại TP. HCM chắc hẳn không còn xa lạ với cái tên Vũ Hải Long - một nhạc sĩ, bác sĩ tài hoa. Trong những ngày này, vai trò của anh lại toả sáng hơn bao giờ hết khi trên cả 2 mặt trận là Y tế và Văn hoá Văn nghệ anh đều cống hiến hết mình. Anh đã có những dòng tâm sự trải lòng rất chân thật gửi đến “Giai điệu từ trái tim”.

       Ngay từ khi Thế giới công bố đại dịch, tôi cũng đã chuẩn bị tâm thế cho việc "giãn cách" cái quan trọng nhất cần làm ngay để cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Mặc dù, về mặt tư tưởng đã "sẵn sàng" như thế nhưng khi Thành phố chính thức áp dụng "giãn cách" thì tâm lý cũng bị xáo trộn với những lo lắng, bất an... Rồi, tất cả những hoạt động thường ngày như lao động, sản xuất, vui chơi, giải trí...bị tạm ngưng để tập trung vào công tác phòng chống dịch, Thành phố đang sôi động bỗng nhiên im vắng.

      Với vẻ bên ngoài tưởng chừng như "chùng xuống" ấy thì bên trong Thành phố, bên trong mỗi con người đang thực sự "căng ra" trong cơn "bão dịch". Lực lượng tuyến đầu thì lao vào giành giật lại sự sống cho bệnh nhân, bất kể ngày đêm cho tới khi kiệt sức. Người dân thì hoang mang, đau buồn về chuyện sinh tồn, về cuộc sống bị đảo lộn, về sự ra đi đột ngột của người thân... Đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn của mỗi một con người, của mỗi một gia đình, của cả Thành phố nói riêng và của toàn dân tộc nói chung. Mỗi một cá nhân vượt qua được chính mình thì cộng đồng mới vượt qua được đại dịch. Tôi nghĩ, nếu như ai cũng có ý thức, thực hiện đúng những hướng dẫn, chấp hành nghiêm những chỉ thị, tự hạ thấp nhu cầu bản thân tới mức tối thiểu để tồn tại trong giai đoạn này thì công tác chống dịch sẽ đỡ vất vả, trật vật; đỡ những hy sinh, mất mát... Và như thế, Thành phố của chúng ta sẽ sớm yên lành trở lại trong trạng thái "bình thường mới". Chúng ta đã trải qua những tháng ngày đau thương, nhưng với sự nỗ lực của cả cộng đồng, tôi luôn hy vọng rằng đại dịch kia sẽ bị đẩy lùi. Trong giai đoạn khó khăn này, bản thân tôi cũng như tất cả mọi người phải thích nghi, phải vươn lên từ những "đổ nát" để chung tay xây dựng lại Thành phố mến yêu. Nếu như "Mỗi gia đình là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ" thì tương lai tươi sáng sẽ mở ra, từ chính mỗi con người...

      Về mặt trận văn hoá, văn nghệ tôi tâm niệm: "Nghệ thuật vị nhân sinh". Hoạt động văn hóa nghệ thuật phải phục vụ "nhiệm vụ chính trị" của dân tộc, phù hợp với từng giai đoạn của lịch sử. Chúng ta đã thấy sức mạnh của "vũ khí tinh thần", góp phần không nhỏ vào thắng lợi trong công cuộc giữ nước và dựng nước. Chương trình "Giai điệu từ trái tim" trong lúc này có một ý nghĩa vô cùng to lớn, động viên, khích lệ, không chỉ với những "chiến sĩ" nơi tuyến đầu đang vất vả, hy sinh để chiến đấu với dịch bệnh, giành giật lại sự sống trong từng phút giây mà còn với cả những tấm lòng "lá lành đùm lá rách" trong nhân cách của con người Việt nam. Tôi luôn xúc động và trân trọng với những "tương thân, tương ái" ấy nên rất muốn nói lời cảm ơn, rất muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình để "chung sức, chung lòng" cùng nhau vượt qua đại dịch. Chúng ta đã đau thương quá nhiều, mất mát quá nhiều. Bản thân tôi là một Bác sĩ, một "người trong cuộc" cũng đã đóng góp về mặt chuyên môn, nhưng khi tham gia chương trình này với tư cách là một nhạc sĩ, tôi hy vọng có dịp để bày tỏ những cảm xúc rất "đời thường" của mình, qua đó tôi muốn gửi lời cảm ơn đến tất cả các lực lượng đang "căng mình" chống dịch, trong đó có những đồng nghiệp thân thương của mình. Cảm ơn những "tấm lòng vàng", cảm ơn những người dân đang "ở nhà là yêu nước". Tôi thấy vui và hạnh phúc khi mình đã làm được một "điều gì đó" cho cộng đồng.

      Thời gian qua, tôi đã viết 07 ca khúc về đề tài "phòng chống dịch" trong giai đoạn này. Về "kêu gọi ý thức cộng đồng", tôi có 2 ca khúc, ca khúc đầu tiên là "Khi ta sống": Khi có ý thức cộng đồng, sống vì mọi người thì bản thân sẽ tỏa sáng, sẽ cùng nhau vượt qua được gian khó trong đại dịch, chung một niềm tin vươn tới tương lai tươi sáng trên đất nước yên bình và ca khúc "Sài gòn ơi": Trước sự nguy hiểm của dịch bệnh đang đe dọa từng mạng sống qua hơi thở, Sài gòn đang "oằn mình" lên để chống chọi. Trước sự hy sinh thầm lặng của tuyến đầu, trước sự mất mát của người dân, thông điệp kêu gọi chung tay để vượt qua đại dịch, khôi phục lại cuộc sống bình thường trong một ngày mai tươi sáng.

      Về ca ngợi, động viên những chiến sĩ áo trắng, tôi có 2 ca khúc: Ca khúc "Sắc áo thiên thần": Với góc độ các đồng nghiệp động viên nhau nỗ lực hết mình để cứu chữa cho nhân dân cho dù có phải xa cuộc sống đời thường, cho dù có những lúc kiệt sức vì mỏi mệt. Cuộc chiến thì nhiều đau thương, đại dịch thì khốc liệt khó lường. Thông điệp của ngành Y đã vang lên như một lời hịch và những chiếc áo trắng thiên thần lại tung bay, vì nhân dân mà không tiếc những hy sinh... Ca khúc "Đứng dậy đi em": Trước sự tàn khốc của dịch bệnh với những gian truân vất vả, với những đau thương mất mát... Những bạn trẻ nơi tuyến đầu đã vắt kiệt sức mình trong cuộc chiến giành lại sự sống cho bệnh nhân. Có những giọt nước mắt và tiếng nấc nghẹn trong nỗi đau bất lực. Có những lúc tưởng chừng như gục ngã... Hãy đứng lên, bỏ lại sau lưng những nỗi đau và vững vàng bước tiếp, đó là thông điệp của ca khúc này.

      Về ca ngợi phẩm chất của anh bộ đội cụ Hồ trong chống dịch, tôi có 2 ca khúc: Ca khúc "Xứng Danh Anh Hùng": Với tinh thần "vì nước quên thân, vì dân phục vụ", các chiến sĩ Bộ tư lệnh Thành phố đã sát cánh cùng lực lượng Y tế chăm lo cho nhân dân trong đại dịch. Với truyền thống vinh quang, thể hiện phẩm chất "Trung thành vô hạn, bám trụ kiên cường, đoàn kết kỷ cương, năng động sáng tạo, quyết chiến quyết thắng", Bộ tư lệnh Thành phố luôn xứng danh là đơn vị anh hùng. Ca khúc "Cảm ơn tình người": Nói lời cảm ơn tới những chiến sĩ đã vất vả, tận tụy trong khu cách ly để lo cho dân từng bữa cơm, giấc ngủ. Trao cho dân những tình cảm ấp áp như ở gia đình, dù đã đổ mồ hôi nơi thao trường nắng cháy vẫn cười vui và phục vụ tận tình, động viên người dân vượt qua giai đoạn cách ly để về đoàn tụ cùng gia đình.

       Đặc biệt là ca khúc “Chào đời mồ côi” là ca khúc sáng tác mới nhất nói lên nổi đau lòng với biết bao nhiêu trẻ thơ phải chịu cảnh mồ côi trong cơn đại dịch. Biết bao nhiêu em bé vừa chào đời đã mất cha, mất mẹ. Dường như các em được sinh ra cùng lúc với mồ côi... Biết bao nhiêu những tấm lòng vàng đang mở rộng cánh tay để ôm các em vào lòng với tình nhân ái bao la... xin để quý vị cảm nhận tiếp…

      Trên cương vị là một người Bác sĩ, tôi luôn mang theo sứ mệnh "bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân". Trong thời gian vừa qua, tuy không trực tiếp "xông pha nơi tuyến đầu" nhưng tôi vẫn "âm thầm" đóng góp về những kinh nghiệm chuyên môn, thường xuyên tư vấn cho những bệnh nhân về bệnh tật. Hướng dẫn cách tự phát hiện khi nhiễm, hướng dẫn cách dùng thuốc, cách tự theo dõi và chăm sóc bản thân cũng như cách thông báo cho Y tế khi cần thiết. Có những ngày liên tục nhận được những tin nhắn, những cuộc gọi hỏi về mọi thứ từ cánh phòng tránh, cách điều trị, luyên tập, theo dõi...cho đến những thắc mắc về vaccine. Tôi phải soạn ra một bài "tổng hợp" để trả lời tất cả những vấn đề đó để gửi lại cho họ, chứ nói "khơi khơi" thì e rằng ít người nhớ nổi để làm theo. Có trường hợp gọi điện thoại lúc khuya, nói rằng đã kêu các nơi mà không được, quýnh quá lên trên mạng, thấy số điện thoại của bác nên..."gọi đại" để cầu cứu. Thế mới biết là người dân bấn loạn đến như thế nào trong vòng xoáy tai ương của "bão dịch". Rồi, có không ít những cuộc gọi "nhờ vả, gửi gắm" người thân đang nguy kịch ở bệnh viện dã chiến này, bệnh viện dã chiến kia và mình đã biết trước được là "không thể" nên rất khó khăn để trả lời cho "yên lòng" người gửi. Có trường hợp không phải mắc Covid mà mắc bệnh nguy hiểm khác, đi nhiều nơi nhưng do đang có dịch nên hạn chế nhận, cuối cùng trở nặng thì vô bệnh viện cứu không kịp. Nếu mà trong trạng thái "không dịch" thì mình đã có thể cứu chữa được. Tuy đã "theo sát" và hướng dẫn tỷ mỷ nhưng cuối cùng cũng "ra đi". Vì là người quen nên cũng đau xót lắm. Hệ lụy của đại dịch đã cướp đi nhiều thứ...

      Thời gian vừa qua, TP.HCM đã cố gắng rất nhiều, cùng với sự góp sức của cả nước nhằm khống chế và đẩy lùi dịch bệnh, mong muốn trở lại cuộc sống bình thường sớm nhất có thể. Những bài học kinh nghiệm liên tục được rút ra, những cập nhật bổ sung liên tục áp dụng dựa trên những hiểu biết khoa học và diễn biến tình hình thực tế. Đã có những điều chỉnh chiến lược cả về công tác phòng bệnh, công tác điều trị cho đến an sinh xã hội. Kết quả là Thành phố đang "tươi" dần lên.

      Hy vọng cuộc sống trong trạng thái bình thường mới sẽ sớm được thiết lập, người dân sẽ bớt khó khăn, công việc sẽ bớt đình trệ, kinh tế sẽ dần hồi phục, các em lại tiếp tục đến trường... Với đà phủ vaccine thần tốc, cộng với vô vàn những bệnh nhân đã hồi phục thì miễn dịch cộng đồng sẽ được tạo ra đủ để bảo vệ cuộc sống dân sinh. Lúc đó, mọi ngành, mọi nghề sẽ khởi sắc, mọi hoạt động sẽ sôi nổi trở lại, trong đó có hoạt động văn hóa nghệ thuật. Tôi nghĩ, khi đã trải qua những đau thương mất mát, những khó khăn gian khổ để vươn lên và chiến thắng thì con người rất cần những "món ăn tinh thần" để động viên, để ghi nhận, để xoa dịu những nỗi đau... Có "gì đó" ghi chép lại lịch sử qua những lời văn, lời thơ và giai điệu để nhớ về một thời hoạn nạn cũng như về cái cách mà chúng ta đã vượt qua. Hoạt động âm nhạc có khả năng lan tỏa mạnh mẽ những thông điệp của thời kỳ lịch sử này, hướng niềm tin về tương lai tươi sáng của Thành phố chúng ta, thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu. Cho nên, mỗi thành viên của Hội âm nhạc cũng phải là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, mang "chân, thiện, mỹ" đến cho tâm hồn.

Xin cảm ơn Nhạc sĩ đã tham gia chương trình chúc nhạc sĩ và gia đình thật nhiều sức khoẻ và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao!