Đã gần 50 năm đất nước thống nhất, non sông liền một dải, biết bao sự đổi thay, đất nước lớn lên từng ngày. Cuộc sống no đủ hơn, kinh tế ngày càng phát triển, đời sống và văn hóa cũng ngày càng được nâng cao. Riêng trong lĩnh vực âm nhạc cũng ngày càng phong phú và đa dạng hơn, phát triển theo xu thế của thời đại. Nhiều sản phẩm âm nhạc ra đời kể cả số lượng và chất lượng, trình độ hiểu biết về âm nhạc và thưởng thức âm nhạc cũng khác nhau, tùy thuộc vào lứa tuổi, hoàn cảnh, môi trường sống và điều kiện giáo dục.
Trong khuôn khổ của tham luận này, tôi chỉ đề cập đến lĩnh vực Giáo dục âm nhạc cho lứa tuổi thiếu nhi, mầm non và tương lai của đất nước. Giáo dục âm nhạc cho thiếu nhi theo tôi phải bắt đầu từ rất sớm, ngay từ khi còn trong bụng mẹ, những thai nhi nên được tiếp xúc với âm nhạc bằng cách cho nghe những giai điệu du dương, rồi khi ra đời, các bé được nghe những lời ru của mẹ và những làn điệu dân ca. Điều này theo tôi rất dễ thực hiện, mỗi vùng miền đều có những câu hát ru khác nhau và những bài dân ca mà người mẹ nào cũng ít nhiều đều thuộc, nhưng hiện nay, có lẽ cuộc sống với những thiết bị hiện đại đã làm nhiều bà mẹ xa rời với những lời ru. Thật tiếc lắm thay khi điều tuyệt vời này đang bị lãng quên.
Khi rời xa vòng tay của mẹ, các bé vào trường mầm non và các lớp mẫu giáo, ngoài giáo dục kỹ năng sống, điều rất cần lúc này là giáo dục âm nhạc cho các bé, chủ yếu là được nghe nhiều và tập hát những bài hát đơn giản, trong sáng, ngắn gọn, dễ thuộc. Thời đại bây giờ rất thuận lợi, có nhiều phương tiện nghe nhìn, nên các bé rất dễ tiếp xúc với âm nhạc, nhưng cũng rất cần sự định hướng của thầy cô và phụ huynh đối với các bé, nghe và xem cái gì, vào lúc nào là tốt và có lợi nhất. Lúc này các bé như tờ giấy trắng, ta viết cái gì lên đó các bé sẽ tiếp nhận và in đậm trong ký ức mãi về sau!
Qua thời kỳ mầm non và mẫu giáo, các bé sẽ đi học trong các trường phổ thông. Việc giáo dục âm nhạc đòi hỏi phải liên tục và ngày càng nâng cao hơn. Ngoài những kiến thức văn hóa, xã hội, kỹ năng sống và đạo đức làm người, món ăn tinh thần không thể thiếu đối với các bé là âm nhạc. Trong các trường phổ thông đều có giáo viên âm nhạc, sẽ dạy các bé những kiến thức âm nhạc cơ bản, dạy hát và biết nghe, cảm thụ âm nhạc. Ở các nước phát triển, họ còn yêu cầu các học sinh phải học và chơi được một loại nhạc cụ mà học sinh tự chọn, tất nhiên điều đó với hoàn cảnh nước ta thì hơi khó, tùy từng gia đình và trường học, nếu có điều kiện thực hiện được điều này thì cũng tốt. Ngoài những tác phẩm âm nhạc cho thiếu nhi là những bài hát, điệu múa dành cho các bé, một thể loại chúng ta rất thiếu là nhạc không lời. Các nhạc sĩ Việt Nam hầu như không sáng tác thể loại này cho thiếu nhi, trong khi đó nhân loại có cả một kho tàng đồ sộ và vô cùng phong phú, quý giá mà ta không tận dụng, bây giờ điều kiện băng, đĩa, các “kênh”, trang “web” hay nền tảng trực tuyến trên không gian mạng, internet có thể tải về rất nhiều tác phẩm cổ điển, thính phòng, cho các bé tiếp xúc và nếu có sự tìm hiểu, phân tích tác phẩm thì quý giá vô cùng, không sợ độc hại, chỉ ngại sau này về vấn đề tác quyền thôi, nhưng trước mắt còn nghe được thì hãy cứ nghe. Tất nhiên chúng ta không quên các làn điệu dân ca và các loại hình âm nhạc dân gian cần đưa vào nhà trường cho các cháu tiếp xúc và học hỏi như: Cải lương, Tuồng cổ, hát Chèo, hát Bội, hát Xoan, Quan họ, hát Xẩm, Chầu Văn, Ca Trù, Ví Giặmv.v…
Đã có rất nhiều mô hình đưa âm nhạc dân tộc vào giáo dục âm nhạc trong nhà trường, có những trích đoạn các vở Cải lương, trích đoạn Chèo, Tuồng, hát Bội xuất hiện trong các tiết học và sinh hoạt văn nghệ trong trường, hay các buổi học hát dân ca các vùng miền cho học sinh, đó là những tín hiệu đáng mừng trong việc giáo dục âm nhạc cho lứa tuổi thiếu nhi cần được khuyến khích. Âm nhạc cho thiếu nhi hiện nay gần gũi và sát thực nhất vẫn là những bài hát được các nhạc sĩ sáng tác cho các cháu, từ lứa tuổi mầm non, mẫu giáo rồi đến tuổi học sinh tiểu học và lứa tuổi hồng. Lứa tuổi nào cũng có những bài hát phù hợp với lứa tuổi của mình. Nói chung bài hát viết cho các cháu cần ngắn gọn, giai điệu đơn giản, dễ nhớ, dễ thuộc, âm vực không nên quá một quãng 9, nếu khai thác được từ chất liệu Việt Nam thì càng hay (xu hướng ngày nay có nhiều bài hát pha trộn yếu tố nhạc nước ngoài như Tây, Tàu, Hàn…tiết tấu cũng phức tạp hơn, dùng nhiều đảo phách, nghịch phách, dùng cả đọc Rap trong bài hát). Những xu hướng cập nhật cái mới trong sáng tác là tất yếu không tránh khỏi, nhưng cần có tiết chế, phù hợp với nội dung và lứa tuổi. Về nội dung bài hát cần gắn liền với đời sống hàng ngày, lời hát trong sáng, dung dị, dễ hiểu, có chất thơ thì càng hay.
Thời gian qua, ở Thành phố Hồ Chí Minh, việc ưu tiên cho những sáng tác nhạc thiếu nhi đã được quan tâm đúng mức, từ chế độ thù lao cho các bài hát, đến việc quan tâm dàn dựng, quảng bá tác phẩm đến với các cháu qua các phương tiện truyền thông như Truyền hình, phát thanh, băng đĩa, riêng trên các sân khấu ca nhạc thì còn ít. Đã có rất nhiều bài hát viết cho thiếu nhi, nhưng tôi vẫn cảm thấy số lượng nhiều hơn chất lượng. Vẫn nghe những bài hát từ xa xưa hàng mấy chục năm được dùng đi dùng lại nhiều lần,trong khi đó những bài hát mới thì rất ít. Phải nói là sáng tác một bài hát thiếu nhi rất ngắn nhưng cũng rất khó để có được một bài hát hay mà các cháu yêu thích, đòi hỏi người nhạc sĩ phải rung động thật sự và còn phải có cái duyên may nữa mới có thể thành công. Mong rằng sắp tới Thành phố Hồ Chí Minh chúng ta sẽ có nhiều bài hát cho thiếu nhi hay hơn nữa và được các cháu thiếu nhi cả nước yêu thích.
Hiện nay âm nhạc ngày càng phát triển, có rất nhiều loại hình, thể loại âm nhạc, có thứ âm nhạc bổ ích, cũng có thứ âm nhạc độc hại. Trong mỗi gia đình ở Thành phố, từ ông bà, bố mẹ, anh chị em, hầu như mỗi người đều sử dụng một chiếc điện thoại thông minh, chỉ cần vào mạng, gõ tên tác phẩm âm nhạc nào đó rồi download là có thể xem và nghe được ngay, thuận lợi như vậy, nếu dành thời gian để tìm hiểu và nghe những tác phẩm âm nhạc bổ ích thì tốt biết bao. Trong khi đó có rất nhiều cháu bé lại dành thời gian để chơi game bạo lực hoặc những chương trình độc hại, thật tiếc lắm thay. Vì vậy rất cần sự quan tâm và giáo dục âm nhạc đối với lứa tuổi thiếu nhi. sự quan tâm đến từ gia đình, nhà trường, Hội Âm nhạc Thành phố và môi trường xã hội.
Trên đây chỉ là những gợi ý, đóng góp với Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà Thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh, với mong muốn đưa việc giáo dục âm nhạc cho lứa tuổi Thiếu nhi được xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa, để thế hệ tuổi trẻ, tương lai của đất nước ngày càng phát triển tốt đẹp và là niềm hy vọng kế tục sự nghiệp của chúng ta. Xin chúc Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà Thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phát triển vững mạnh đi lên, là nơi sinh hoạt bổ ích cho Thiếu nhi thành phố, là mái nhà chung của tất cả anh em nghệ sĩ của thành phố, là chỗ dựa nghề nghiệp vững chắc và là niềm tự hào của tất cả chúng ta.
Nhạc sĩ Trần Hữu Bích
Nguyên Phó Trưởng Ban Ca nhạc
Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh