07/03/202409:25

HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ÂM NHẠC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TỪ LÚC HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN - Phần 2

3. Kết nghĩa với các Hội bạn ở các tỉnh, thành

Ý thức được hoạt động âm nhạc không chỉ đơn độc trong phạm vi địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh. Từ những năm cuối thập niên 80, Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh đã kết nghĩa với Hội Âm nhạc Hà Nội, Huế, và sau đó là Hội Âm nhạc thành phố Cần Thơ… Đây là dịp để các nhạc sĩ các hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực sáng tác, lý luận phê bình và các hoạt động biểu diễn…

Bên cạnh các lễ kết nghĩa chính thức ấy, Hội còn liên kết với các địa phương, các tỉnh, thành để tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác và biểu diễn giao lưu phục vụ công chúng. Qua các chuyến đi ấy đã có hàng trăm bài hát về các đề tài truyền thống của thành phố và các địa phương trong phong trào xây dựng Nông thôn mới, nhiều bản tình ca, tình yêu quê hương và các ca khúc thiếu nhi đã ra đời góp phần xây dựng phong trào ca hát ở cơ sở.

4. Quảng bá tác phẩm

Nếu trong nền kinh tế, sau giai đoạn sản xuất sản phẩm, một khâu vô cùng quan trọng để phát triển kinh tế là lưu thông phân phối sản phẩm nhằm đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, thì trong lĩnh vực âm nhạc, sau khi các nhạc sĩ sáng tác ra các tác phẩm, khâu quan trọng kế tiếp chính là phổ biến tác phẩm, là quảng bá tác phẩm.

Nhận thức được tầm quan trọng này, ngay từ những ngày đầu thành lập hội, đã có nhiều chuyến đi biểu diễn, giới thiệu các ca khúc mới đến với công chúng, nhất là đến với thanh niên, sinh viên học sinh và công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp…

Hội đã phối hợp với Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh và Đài Truyền hình TP.HCM, Đài Truyền hình Việt Nam (kênh VTV9), Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nhiều chương trình giới thiệu ca khúc mới.

Trong giai đoạn hiện nay, thời đại 4.0 Hội đã giới thiệu nhiều tác phẩm âm nhạc trên mạng internet qua các chương trình mang tên Âm nhạc tỏa sáng, Sắc màu Âm nhạc…

Các Chi hội sáng tác như Chi hội 1, 2, 3, 4, 5 và 6 cũng có nhiều chương trình quảng bá tác phẩm. Trong đó nổi bật Chi hội 3 với 252 kỳ Nhạc chiều Chủ nhật tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động TP.HCM.

Để góp phần lan tỏa tác phẩm âm nhạc, và cũng để tránh những sai sót hoặc nhầm lẫn ca từ trong khi chỉ nghe và hát lại, Hội đã tổ chức thực hiện các albums, CD, Video đồng thời ấn hành nhiều tập ca khúc để phổ biến chính xác đến công chúng yêu nhạc.

5. Nhạc thiếu nhi:

Thiếu nhi là rường cột, là tương lai của đất nước. Trong thư gửi học sinh vào tháng 9 năm 1945, Bác đã viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.

Những vần thơ của Bác Hồ dành cho thiếu nhi chứa đựng tình thương yêu sâu sắc và thắm thiết. Người luôn nhắc đến trẻ em với một tình cảm trìu mến, nâng niu:

“Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan

Chẳng may vận nước gian nan

Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng”…

Bác ân cần nhắc nhở thiếu niên nhi đồng: “Mai sau các cháu sẽ là người chủ của nước nhà. Cho nên nay từ rày, các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Ba tháng trước ngày đi xa, Bác lại viết bài: “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng” in trên báo Nhân dân. Bác viết: “Thiếu niên nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ. Trong thời gian tới và trong dịp hè này, cần phải đẩy mạnh công tác thiếu niên nhi đồng đạt nhiều kết quả tốt và thiết thực”.

Cho đến ngày Bác phải đi xa, trong Di chúc của mình, Bác còn gửi gắm: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thiếu niên và nhi đồng…”.

Ý thức được tầm quan trọng và với lòng yêu thương thiếu niên nhi đồng, các nhạc sĩ nhiều thế hệ, từ lâu đã quan tâm và viết nhiều bài hát dành cho thiếu nhi. Và, từ ngày Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh được thành lập đến nay, rất nhiều nhạc sĩ nổi tiếng với các tác phẩm âm nhạc thiếu nhi như: Phan Huỳnh Điểu, Phan Nhân, Trương Quang Lục, Phạm Minh Tuấn, Trịnh Công Sơn, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên, Vũ Hoàng, Lê Quốc Thắng, Lê Vinh Phúc, Thảo Linh, Khánh Vinh, Nguyễn Quang Vinh, Lê Anh Tú, Nguyễn Văn Chung, Lê Chung Tình…

Hàng năm, trong danh mục xét đầu tư tác phẩm, Hội luôn dành một chỗ đứng quan trọng cho thể loại âm nhạc thiếu nhi, tuổi hồng. Các ca khúc thiếu nhi được Hội đồng Nghệ thuật của hội xét chọn hoặc đạt giải thưởng hàng năm đều được hội quan tâm quảng bá tác phẩm: in thành các tập nhạc, thực hiện CD, VCD hoặc đưa vào thư viện âm nhạc số hóa. Ngoài ra còn tổ chức các chương trình Âm nhạc tỏa sáng (phối hợp với Đài Tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh), …Đặc biệt là năm 2020 Hội đã thực hiện Thư viện âm nhạc Thiếu nhi, gồm các ca khúc thiếu nhi mà hàng năm Hội đã đầu tư và trao Giải thưởng, thư viện gôm có audio master và nhạc nền chất lượng cao phục vụ miễn phí, đến nay thư viện đã có khoảng 400 ca khúc thiếu nhi.

6. Nhạc Tuổi hồng:

Tháng 8 năm 1988, Báo Tuổi Trẻ TP. Hồ Chí Minh đã có sáng kiến tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa các học sinh các trường cấp III (Trung học Phổ thông) với các nhạc sĩ thuộc Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh tại khuôn viên tòa soạn báo. Trong buổi gặp gỡ này các em phát biểu: Các bác các chú các anh nhạc sĩ lâu nay viết rất nhiều bài hát cho lứa tuổi thiếu nhi và nhất là với người lớn. Các bài hát thiếu nhi thì chúng cháu đã quen với tuổi ấu thơ bây giờ không còn hợp nữa, còn các bài cho người lớnthì quá nhiều đề tài tình yêu mà chúng cháu chưa thể trải nghiệm, chưa thể hát được. Sao các bác các chú các anh chị không viết cho lứa tuổi mới lớn của chúng cháu – lứa tuổi mà thiếu nhi thì quá nhỏ còn những bài tình ca cho người lớn thì chưa thể chạm vào!

Chính vì thế, qua buổi gặp gỡ giao lưu này nhiều nhạc sĩ trong hội đã bắt đấu quan tâm mà tiên phong là các nhạc sĩ trong hội đang hoạt động trong CLB Sáng tác trẻ Thành Đoàn như: Nguyễn Văn Hiên, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Đức Trung, Thế Hiển, Phạm Đăng Khương, Vũ Hoàng, Lê Văn Lộc, Lê Quốc Thắng, Lê Vinh Phúc…

Hiện nay, hàng năm Hội luôn khuyến khích các nhạc sĩ viết về lứa tuổi hồng qua việc xét đầu tư và giải thưởng của Hội.

Còn tiếp...