29/02/202414:50

HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ÂM NHẠC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TỪ LÚC HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN - Phần 1

1. Mái nhà chung

Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh được thành lập ngày 28/11/1981. Trước đó, Hội mang tên Ngành Âm nhạc Giải phóng thuộc Hội Văn nghệ Giải phóng TP. Hồ Chí Minh. Tính từ 30/4/1975 đến nay, đã 48 năm biến chuyển qua nhiều giai đoạn phát triển của thành phố, tựu chung Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh hình thành và phát triển qua hai giai đoạn:

- Từ 30/4/1975 đến 27/11/1981: Ngành Âm nhạc Giải phóng thuộc Hội Văn nghệ Giải phóng TP. Hồ Chí Minh.

- Từ 28/11/1981 đến nay (2023): Với tên gọi chính thức Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Uỷ Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong 42 năm qua, quá trình hình thành và phát triển của Hội đã hòa nhịp cùng sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh. Những gì đạt được trong hơn 42 năm qua, Hội Âm Nhạc Thành phố Hồ Chí Minh đã được Uỷ Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh, Liên Hiệp Các Hội Văn học – Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh bạn khen tặng: Cờ truyền thống, Bằng khen, Lá cờ đầu, Giấy khen… là kết quả của nhiều năm tháng lao động, sáng tạo của tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành và toàn thể hội viên dưới sự chỉ đạo, hỗ trợ tích cực về mặt tinh thần và vật chất của các cấp lãnh đạo Thành phố và các tỉnh bạn, của bạn bè đồng nghiệp cả nước, đặc biệt công chúng yêu âm nhạc là động lực thúc đẩy quan trọng cho mọi hoạt động và sự phát triển của Hội Âm Nhạc Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Ngày 20/12/1960 Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Giải phóng) ra đời. Trong xu thế cách mạng ấy, ngày 20/7/1961, Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam, một tổ chức thành viên của Mặt trận được thành lập, do soạn giả nổi tiếng Trần Hữu Trang làm Chủ tịch, nhằm đoàn kết lực lượng văn nghệ sĩ toàn miền Nam trong cuộc đấu tranh chung.

Ngày 14/12/1963 Hội Văn nghệ Giải phóng Thành phố Hồ Chí Minh (trong thời kỳ chiến tranh gọi là Hội Văn nghệ Giải phóng Khu Sài Gòn – Gia Định ra đời. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng Hội Văn nghệ Giải phóng tiếp quản trụ sở ở số 81 Trần Quốc Thảo, quận 3. Hội hoạt động với nhiều chuyên ngành văn học nghệ thuật, trong đó có Ngành Âm nhạc Giải phóng thuộc hội.

Sau ngày 30/4/1975 miền Nam được giải phóng, hoàn toàn thống nhất đất nước, riêng về lĩnh vực âm nhạc, các nhạc sĩ, ca sĩ từ nhiều nguồn lực lượng: hội viên Hội Văn nghệ Giải phóng Khu Sài Gòn – Gia Định, từ các chiến khu, từ miền Bắc, từ các đoàn Văn công Quân Giải phóng, Văn công Giải phóng, Đoàn Ca múa Nhân dân miền Nam, Đài phát thanh Giải phóng… trở về tiếp quản Sài Gòn – Gia Định và được sắp xếp trong các đơn vị mới như: Ngành Âm nhạc Giải phóng thuộc Hội Văn nghệ Giải phóng Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Văn hóa Văn nghệ Thành ủy, Viện Nghiên cứu Âm nhạc, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh (lúc đó là Trường Quốc gia Âm nhạc vàKịch nghệ Sài Gòn), Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Đài Tiếng nói Việt Nam 2, Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn Ca nhạc nhẹ Tháng Tám, Đoàn Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen, Đoàn Văn công Quân khu 7, Nhà Nghệ thuật Quần chúng thuộc Sở Văn hóa – Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh (chủ lực là các nhạc sĩ trong phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe)…

Từ các nguồn nhân lực ấy, cùng với sự kết hợp với các nhạc sĩ, ca sĩ tại chỗ và lực lượng sáng tác trẻ của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định: thành lập Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước sự phát triển nhanh chóng của đội ngũ văn nghệ sĩ thành phố, ngày 28/11/1981 Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh đã được thành lập và ra mắt tại Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh.

Với mục đích của Hội là tập hợp những người hoạt động âm nhạc trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, từ đây Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành mái nhà chung của lực lượng sáng tác, chỉ huy, lý luận, đào tạo, quản lý Nhà nước về âm nhạc… không phân biệt tuổi tác và trình độ, để cùng cống hiến cho sự nghiệp chung của thành phố là xây dựng một nền âm nhạc đậm đà tính dân tộc và hiện đại mang bản sắc Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Tổ chức các hoạt động âm nhạc

2.1 Hoạt động sáng tác

Có thể nói, sáng tác là hoạt động chính và nổi bật trong các hoạt động của Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh. Trong 48 năm qua các nhạc sĩ hoạt động trong lĩnh vực sáng tác đã cống hiến sức sáng tạo của mình qua hàng ngàn tác phẩm âm nhạc đủ thể loại. Từ các ca khúc gần gũi với phong trào ca hát của quần chúng, kịp thời đáp ứng các nhiệm vụ chính trị trong sản xuất, xây dựng thành phố cũng như trong phong trào nhân dân bảo vệ tổ quốc ở biên giới và biển đảo quê hương, đến các thể loại đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc cao hơn như giao hưởng, thính phòng, hợp xướng…

06 Chi hội sáng tác của Hội đã hoạt động tích cực trong các lĩnh vực: đi thực tế sáng tác, tổ chức biểu diễn quảng bá tác phẩm mới.

Hàng năm Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh đều tổ chức các cuộc đi về nguồn gắn liền với đi thực tế sáng tác và biểu diễn phục vụ công chúng. Những chuyến đi như thế đã thu hoạch được nhiều tác phẩm âm nhạc có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc của công chúng.

2.2 Hoạt động lý luận

Song song với hoạt động sáng tác, lý luận là một lĩnh vực Hội rất quan tâm. Đó là sự định hướng kịp thời giúp những người hoạt động trong các lĩnh cực âm nhạc của thành phố có sự nhận định, đánh giá kịp thời những lệch lạc, thị hiếu thấp kém trong nhu cầu thưởng âm nhạc.

Nhiều buổi tọa đàm, hội thảo kết hợp với các đơn vị truyền thông đại chúng về nhiều vấn đề trong nhiều thời điểm đã được tổ chức như bàn về âm nhạc thị trường, âm nhạc dành cho thiếu nhi, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong âm nhạc, Tính hình sáng tác, biểu diễn và công chúng đối với nhạc trẻ, thực trạng và giải pháp đối với hiện tượng nhạc nhái… và nhất là những vấn đề định hướng trong sáng tác âm nhạc. Nhiều nhạc sĩ ngành lý luận đã viết báo phổ cập kiến thức âm nhạc đồng thời giúp cho công chúng yêu nhạc hiểu thêm về thị hiếu thưởng thức âm nhạc cũng như phân biệt những sai trái của những hoạt động âm nhạc chạy theo thị trường…

2.3 Hoạt động biểu diễn

Kịp thời đưa âm nhạc cách mạng đến với quần chúng nhân dân, các ca sĩ của hội đã nhanh chóng có những chương trình hát giữa phố phường trong các dịp lễ cũng như những đợt hoạt động chính trị của thành phố (điển hình là Chương trình “Âm nhạc xuống phố”, “Nhạc Cách mạng xuống phố” v.v… của chi hội Hợp xướng và Thanh nhạc; Chương trình “Âm nhạc tỏa sáng”, “Nhạc sĩ hát” của Tung tâm biểu diễn) và các chương trình kết hợp với Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu chân dung âm nhạc của các nhạc sĩ. Các Chi hội biểu diễn ca khúc hoặc khí nhạc đã hoạt động tốt trong công việc phổ cập âm nhạc đến với công chúng.

Nhiều buổi công diễn ngoài trời ở các phường, xã, và các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy đã được tổ chức thu hút nhiều người tham dự.

2.4 Hoạt động đào tạo

Như đã đề cập ở trên, Hội là tổ chức Chính trị - Xã hội – Nghề nghiệp, tập hợp những người hoạt động âm nhạc trong thành phố do đó có một tình trạng cần giải quyết: đó là kiến thức, trình độ âm nhạc không đồng đều. Có người tốt nghiệp từ các trường lớp chuyên nghiệp như các trường Cao đẳng có khoa âm nhạc, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh; nhưng đa số đến với âm nhạc do năng khiếu, tự học qua sách vở hoặc các lớp nhạc riêng.

Nhận thấy tình trạng này, hàng năm Hội đã tổ chức nhiều lớp Bồi dưỡng kiến thức về âm nhạc để giúp cho những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc của thành phố nâng cao trình độ hiểu biết của mình hầu làm việc tốt hơn.

Hoạt động đào tạo chính vì thế đã trở thành hoạt động thiết thực, bên cạnh việc nâng cao kiến thức âm nhạc còn có ý nghĩa tạo điều kiện tốt để Hội kết nạp những thành viên mới vào hội viên chính thức của Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh.

Kết nghĩa với các Hội bạn ở các tỉnh, thành

Ý thức được hoạt động âm nhạc không chỉ đơn độc trong phạm vi địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh. Từ những năm cuối thập niên 80, Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh đã kết nghĩa với Hội Âm nhạc Hà Nội, Huế, và sau đó là Hội Âm nhạc thành phố Cần Thơ… Đây là dịp để các nhạc sĩ các hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực sáng tác, lý luận phê bình và các hoạt động biểu diễn…

Bên cạnh các lễ kết nghĩa chính thức ấy, Hội còn liên kết với các địa phương, các tỉnh, thành để tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác và biểu diễn giao lưu phục vụ công chúng. Qua các chuyến đi ấy đã có hàng trăm bài hát về các đề tài truyền thống của thành phố và các địa phương trong phong trào xây dựng Nông thôn mới, nhiều bản tình ca, tình yêu quê hương và các ca khúc thiếu nhi đã ra đời góp phần xây dựng phong trào ca hát ở cơ sở.

ThS. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên

Còn tiếp...