28/03/202412:47

HỘI ÂM NHẠC – NGÔI NHÀ CỦA CHÚNG TA

HÌNH THÀNH

Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, được thành lập ngày 28/11/1981, trải qua chặng đường hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ lãnh đạo, hội viên của Hội Âm nhạc đã đạt được nhiều thành tích rực rỡ, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của nền Văn hóa Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Những năm đầu sau Giải phóng, các lực lượng nhạc sĩ, nghệ sĩ từ trong chiến khu về lại Thành phố, và các lực lượng tại Thành phố Hồ Chí Minh kết hợp với các nhạc sĩ từ miền Bắc vào đã hợp lên một lực lượng tuy non trẻ nhưng hùng hậu, đặc biệt các nhạc sĩ, chiến sĩ ấy đã đi qua hai cuộc chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, họ đã chiến thắng và cùng nhau xây dựng nên một tổ chức âm nhạc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong nhiều năm qua Hội Âm nhạc Thành phố đã luôn khẳng định vai trò, vị trí rất quan trọng trong việc phát triển nền văn hoá Thành phố lành mạnh, phong phú và đa dạng. Lịch sử hình thành và phát triển của Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mãi khắc ghi tên tuổi của những nhạc sĩ, ca sĩ, những nhà hoạt động âm nhạc lão thành những người đã dày công vun đắp, đã đóng góp tâm sức, trí tuệ để ngày hôm nay nền âm nhạc Thành phố đã có chỗ đứng, vị thế xứng đáng trong nền âm nhạc Việt Nam. Các thế hệ Văn nghệ sĩ của Hội Âm nhạc Thành phố hôm nay đã đủ lực để kế thừa những thành quả to lớn đó và trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hết sức căng thẳng, cam go vừa qua các nhạc sĩ, ca sĩ, các hội viên của Hội Âm nhạc thành phố đã thực sự là những chiến sĩ đóng góp trên mặt trận văn hoá, đã có những tác phẩm đầy sức sáng tạo mang tính cổ vũ động viên cho tuyến đầu phòng, chống dịch, đã đóng góp âm thầm vào những công việc vì cộng đồng bằng trách nhiệm của người công dân, trách nhiệm của người nghệ sĩ.

XÂY ĐẮP

Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, tập hợp các nhạc sĩ sáng tác, nghệ sĩ biểu diễn, nhà nghiên cứu, lý luận phê bình âm nhạc, các nhạc sư, các nhà giáo âm nhạc... kể cả chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp nhằm mục đích đoàn kết, hỗ trợ nhau hoạt động âm nhạc, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố và cả nước. Hiện Hội Âm nhạc Thành phố có 10 Chi hội gồm 06 chi hội sáng tác, 01 chi hội Lý luận – Phê bình – Đào tạo, 01 Chi hội Biểu diễn Thanh nhạc – Hợp xướng, 01 Chi hội Biểu diễn Khí nhạc, 01 Chi hội Biểu diễn Âm nhạc Dân tộc. Đa phần các hội viên đều là những người hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật, được đào tạo chính quy, bài bản, rất nhiều trong số đó là những “cây đa, cây đề”, những tên tuổi lớn trong lĩnh vực âm nhạc không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh mà còn của cả nước như PGS-NS Ca Lê Thuần, NS Tôn Thất Lập, NS Trần Long Ẩn…; không chỉ ở trong nước mà cả quốc tế như NS Nguyễn Văn Nam... Đến các thế hệ sau này cũng có nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ của Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh mà tên tuổi đã lan tỏa vượt tầm quốc gia như NS Nguyễn Văn Chung, NSUT Hải Phượng, ca sĩ Thu Minh…

Bên cạnh đó, một số ít hội viên là các nhạc sĩ, nghệ sĩ không chuyên, họ là thầy giáo, doanh nhân, công nhân… nhưng với tình yêu nghệ thuật, yêu âm nhạc cũng đã được Hội Âm nhạc quy tụ, gắn kết dưới một mái nhà để nhờ đó họ được bồi dưỡng thêm các kiến thức về âm nhạc, được trao đổi, học hỏi thêm về nghề nghiệp, chuyên môn cũng như định hướng tư tưởng, lập trường theo các đường lối, chủ trương của Thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

HƠI ẤM

Dù chuyên hay không chuyên, khi bước vào mái nhà chung là Hội Âm nhạc tất cả các hội viên đều có những nghĩa vụ và quyền lợi như nhau, các nhạc sĩ đều có cơ hội dàn dựng và biểu diễn các tác phẩm của mình, các nhà lý luận phê bình có cơ hội được nhận sự đầu tư kinh phí khi tác phẩm đạt chất lượng, các nghệ sĩ, ca sĩ… đều có cơ hội được tham gia các chương trình biểu diễn của Hội để thỏa niềm đam mê, trau dồi, nâng cao chuyên môn.

Các chương trình Hội đã tổ chức thường xuyên như: Chương trình "Xin chào tuổi thơ" phát sóng mỗi chương trình 30 phút lúc 19g00 thứ 5 hàng tuần trên sóng FM 99.9 Mhz giới thiệu các tác giả, tác phẩm thiếu nhi, tuổi trẻ học đường. Với đa dạng đề tài về tình yêu quê hương đất nước, tình thầy cô, bè bạn, tình yêu quê hương, gia đình, kính yêu Bác Hồ, yêu thành phố ngày càng phát triển… Phối hợp với Đài Truyền Hình Thành phố Hồ Chí Minh HTV tổ chức thực hiện giới thiệu ca khúc mới cho các hội viên qua chương trình “Sắc màu âm nhạc” hàng tháng, Phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tại Thành phố tổ chức chương trình “Cung bậc cảm xúc” giới thiệu tác phẩm, tác giả mỗi tháng một lần được phát trên kênh VTV9. Hội Âm Nhạc Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sáng tác và thực hiện biểu diễn chương trình: “Âm vang Thành phố sáng tên Người”. Đây là các ca khúc ca ngợi và chào mừng Đại hội Đảng Bộ Thành Phố Hồ Chí Minh lần thứ X – Nhiệm kỳ 2015 – 2020, phối hợp cùng Trung Tâm Tổ chức Biểu diễn và Điện Ảnh – Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện chương trinh biểu diễn nghệ thuật “Mùa thu và Mãi mãi” tại tiền sảnh Nhà Hát Thành phố vào sáng chủ nhật hàng tuần. phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện Chương trình chân dung Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn chủ đề: Khát Vọng (2023). Nổi bật là chương trình “Âm nhạc tỏa sáng” dần trở thành một sân chơi lớn mạnh và quen thuộc với khán giả không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh mà còn vươn ra các tỉnh, thành trên cả nước như: Đà Nẵng, Long An, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau… Hội thảo: “Âm nhạc thiếu nhi trong đời sống âm nhạc TP. Hồ Chí Minh” tổ chức tháng 11 năm 2018...

Hội thường xuyên tổ chức đi thực tế sáng tác tại các công trình trọng điểm, các khu di tích lịch sử, văn hóa tại các tỉnh, thành phố phía Bắc, miền Trung, miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long,... Qua các chuyến đi đã tạo điều kiện cho các nhạc sĩ tiếp cận đời sống thực tế cũng như tìm hiểu rõ hơn về lịch sử của dân tộc, những thành tựu to lớn của đất nước và Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được trong những năm qua cũng như tìm hiểu, nghiên cứu đặc điểm văn hóa của các vùng miền, bên cạnh đó tạo nguồn cảm hứng cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm có giá trị nghệ thuật, có tầm ảnh hưởng tích cực đến đời sống xã hội hiện nay cũng như các nghệ sĩ có thêm cảm hứng khi biểu diễn, các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình có thêm những đề tài, ý tưởng để nghiên cứu... Đặc biệt, các chuyến đi còn kết hợp với việc kết nạp hội viên mới và học Điều lệ Hội.

Với tinh thần luôn nêu cao tình đoàn kết, năng động, nỗ lực vượt khó và không ngừng sáng tạo, các thế hệ Văn nghệ sĩ của Hội đã vinh dự đạt được nhiều danh hiệu cao quý của nhà nước như Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật; Giải thưởng nhà nước về Văn học Nghệ thuật; các danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân; Nghệ sĩ ưu tú: danh hiệu nhà giáo nhân dân; nhà giáo ưu tú, nhiều nghệ sĩ đạt được những học hàm, học vị cao như Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ…

Bên cạnh công tác chuyên môn Hội Âm nhạc đã thường xuyên làm tốt truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” mỗi năm, Văn phòng Hội đều tổ chức Đoàn gồm các nhạc sĩ trẻ đến thăm và tặng quà cho gia đình tại tư gia các nhạc sĩ Nguyên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các nhạc sĩ có công đóng góp và xây dựng Hội (Nhạc sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Xuân Hồng; nhạc sĩ Hoàng Hiệp; nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền; nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu; nhạc sĩ Phan Nhân; PGS - nhạc sĩ Ca Lê Thuần, Đại tá – NSƯT - nhạc sĩ Vũ Thành...). Ngoài ra còn vận động hội viên đóng góp chăm lo tết cho các nhạc sĩ lão thành là hội viên của Hội.

LAN TỎA

Dưới mái nhà Hội Âm nhạc, các hội viên được chăm lo và phát huy tốt khả năng chuyên môn của mình và đã có sự lan tỏa thế mạnh của từng người trong xã hội. Các Hội viên của Hội Âm nhạc không chỉ đem những lời ca, tiếng hát, tiếng đàn…những giai điệu đẹp đẽ đến cho cuộc sống mà họ còn là những nhân tố tích cực trong nhiều lĩnh vực của xã hội. Nhiều thành viên của Hội đã không quản ngại vất vả tham gia các chuyến biễn phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa, các chiến sĩ nơi hải đảo, biên cương, quần đảo Trường Sa… và cả bà con kiều bào xa xứ.

Hội viên Hội Âm nhạc không chỉ là các nhạc sĩ, nghệ sĩ mà họ còn là các nhà giáo, nhà báo, biên tập viên đài phát thanh, đài truyền hình, các chuyên viên trong lĩnh vực quản lý nhà nước, là lãnh đạo của rất nhiều đơn vị… Với ưu thế chuyên môn sâu, lập trường tư tưởng vững vàng, họ đã đóng góp và lan tỏa đến xã hội những tác phẩm, những phong cách biểu diễn, những khuynh hướng nghệ thuật vừa đạt chuẩn mực về thẩm mỹ nghệ thuật, vừa có tác dụng giáo dục, định hướng về nghệ thuật nói chung và tư tưởng, quan điểm theo các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước nói riêng. Nhiều hội viên của Hội Âm nhạc còn tham gia các Hội đồng nghệ thuật của Thành phố, của Sở Văn hóa và Thể thao, đóng góp các ý kiến quý báu cho các chương trình nghệ thuật cấp Thành phố cũng như các chương trình biểu diễn nghệ thuật của các doanh nghiêp tư nhân, góp phần định hướng, nâng cao chất lượng nghệ thuật cho các chương trình công lập cũng như ngoài công lập của Thành phố.

Bên cạnh đó, Hội Âm nhạc cũng đã kịp thời ứng dụng công nghệ để phổ biến các tác phẩm từ thể loại ca khúc, các chương trình biểu diễn nghệ thuật đến các bài viết lý luận phê bình trên kênh kỹ thuật số thông qua các bài đăng trên trang thông tin điện tử của Hội, hình thức này đã làm tăng cường độ lan tỏa, tương tác của các tác phẩm, gây được nhiều hiệu ứng tích cực.

HẠN CHẾ - KHẮC PHỤC

Ngôi nhà chung Hội Âm nhạc của chúng ta tuy đã phát huy được rất nhiều ưu điểm, thế mạnh như đã nêu trên, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số thực tế cần nhìn nhận.

Tuổi của hội viên đang bị già hóa, hầu hết các buổi sinh hoạt của các chi hội lẫn của Hội đều chỉ tập trung một số lực lượng nòng cốt mà lực lượng này đa số cũng đều ở lứa tuổi 40 trở lên, Hội vẫn chưa thu hút được nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ trẻ, nhất là các nghệ sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng, có sức hút, độ lan tỏa cao với công chúng, nhất là những công chúng trẻ.

Các hoạt động lý luận phê bình chưa phong phú (chủ yếu chỉ là các hội thảo) để thu hút cũng như giữ chân các cây bút, các hội viên trong lĩnh vực này. Công tác lý luận phê bình chưa đủ mạnh để góp phần định hướng thẩm mỹ nghệ thuật trong xã hội.

Từ những hạn chế nêu trên, Hội cần có những hoạt động phong phú, hấp dẫn hơn để thu hút các nghệ sĩ, nhạc sĩ trẻ, nhất là những người có tầm ảnh hưởng đến công chúng để tăng cường sức lan tỏa về uy tín cũng như các định hướng nghệ thuật cũng như tư tưởng đến xã hội, mời họ cùng tham gia các chương trình của Hội để họ trực tiếp cảm nhận “hơi ấm” từ mái nhà Hội Âm nhạc và từ đó có nguyện vọng trở thành thành viên.

Ngoài các hội thảo Hội cần có những hoạt động thiết thực hơn như các chuyến điền giã, khảo cứu phục vụ công tác nghiên cứu; phối hợp với các đơn vị chuyên môn mở các lớp ngắn hạn đào tạo nghiệp vụ viết báo cho hội viên Chi hội Lý luận – Đào tạo để họ có kỹ năng viết những bài báo mang tính phổ thông. Phong phú hơn các hoạt động lý luận phê bình như tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, liên kết với mạng lưới thông tin, truyền thông từ báo hình, báo tiếng, báo điện tử, báo giấy… để công tác lý luận phê bình có đất dụng võ, phát huy được chuyên môn, góp phần định hướng thẩm mỹ nghệ thuật cho công chúng cũng như từng bước tạo dựng một thế hệ công chúng “chất lượng cao”.

Mong rằng mái nhà Hội Âm nhạc ngày càng khang trang, đông vui, ấm áp./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Báo cáo thành tích 40 năm Hội Âm nhạc

Trang thông tin điện tử: http://hoiamnhactphcm.vn/

Thạc sĩ Nguyễn Cẩm Lệ

Chuyên viên Phòng Nghệ thuật, Sở Văn hóa và Thể thao,

Chi hội Lý luận, Phê bình và Đào tạo Hội Âm nhạc TP. HCM.