02/06/202310:05

ÂM NHẠC DÂN GIAN CỦA TỘC NGƯỜI H'RÊ Ở QUẢNG NGÃI - Phần 5

Âm nhạc dân gian H’rê ở những vùng khác nhau trong tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam

 

Vùng ven giao hòa về văn hóa âm nhạc

Vùng ven thuộc thôn Mang Cà Muồng, xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà có vị trí rất đặc biệt là liền kề với địa bàn cư trú của người Xơ Đăng (nhóm Cadong) ở huyện Sơn Tây và người Co ở Tây Trà. Theo nghệ nhân Đinh Văn Ca , thì hầu hết người Xơ Đăng trong thôn đều tự nhận mình là người H’rê. Sinh hoạt âm nhạc trong thôn chủ yếu là cồng chiêng. Bên cạnh việc sử dụng chinh 3 chiếc, người H’rê và người Xơ Đăng cùng đánh những dàn cồng chiêng từ 2 chiếc, 7 chiếc đến 10 chiếc.

Zalo
Hình 12 Bộ chinh 7 chiếc + 1 trống (Ảnh: Tác giả)
Zalo
Hình 13: Bộ chinh 10 chiếc + 1 trống (Ảnh: Tác giả)

Ngoài ra, còn có một số vùng ven nhưthôn X’râu, xã Ba Nam (Ba Tơ) có vị trí gần với địa bàn cư trú của người Ba Na (nhóm Kriêm) ở 2 xã An Toàn và An Nghĩa thuộc huyện An Lão của tỉnh Bình Định. Nơi đây, ngoài bộ chinh truyền thống là 3 chiếc, người H’rê còn biểu diễn cả bộ chinh 5 chiếc cùng đội múa với các cô gái xinh đẹp trong trang phục thổ cẩm.

Zalo
Hình 14: Đội múa chinh thôn X’râu, Ba Nam (Ảnh: Tác giả)
Zalo
Hình 15: Đội chinh 5 chiếc thôn X’râu, xã Ba Nam (Ảnh: Tác giả)

Vùng ven có nguy cơ mai một vốn văn hóa âm nhạc

 

Vùng ven thuộc xã Trà Tân (Trà Bồng, Quảng Ngãi), có bốn thôn: Tà Ót, Tà Ngon, Trường Biện, Trường Giang. Trong đó, thôn Trường Giang (người dân địa phương gọi là p’lây H’rê) là một thôn người H’rê. Trà Bồng là một huyện miền núi liền kề với huyện Sơn Hà, nơi có đông đảo người Co cư trú lâu đời. Qua khảo sát, điều tra của chúng tôi, thì hiện trạng ở đây như sau:

 

Việc giao lưu tiếp biến văn hóa, đặc biệt là đối với người Co không hề diễn ra ở đây. Có thể lý giải là do sự co cụm về văn hóa, sự mặc cảm do họ phải sống riêng lẻ, hoặc do sự tự hào dân tộc. Theo chúng tôi, việc giao lưu văn hóa không diễn ra giữa người H’rê và người Co ở p’lây H’rê có thể do tất cả những nguyên nhân trên.

 

Theo nghệ nhân cao tuổi Đinh Thị Sa (sinh năm 1939), thì từ rất lâu p’lây H’rê này đã không diễn ra những sinh hoạt văn hóa dân gian, không nhà nào có chinh . Người già thì không hát được kachôi mà chỉ biết vài bài calêu (vùng này gọi talêu là calêu - giống với cách gọi ở vùng trung tâm), nhưng rất khó khăn họ mới nhớ được chút ít. Hiện tượng lạ này, theo chúng tôi, là đã có một sự đứt gãy văn hóa đã diễn ra đối với họ và cộng đồng H’rê ở đây.

 

Vùng ven thuộc thôn Trường Lệ, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành (huyện người Kinh), thuộc miền trung du Quảng Ngãi, có vị trí liền kề với huyện Minh Long (có bảy thôn: Thiên Xuân, Nguyên Hòa, Đồng Giữa, Nhơn Lộc 1, Nhơn Lộc 2, Khánh Giang, Trường Lệ). Trong đó, thôn Trường Lệ có người H’rê sinh sống lâu đời, nhưng dân cư rất thưa thớt. Hiện trạng về âm nhạc và văn hóa dân gian của họ rất đáng báo động về nguy cơ thất truyền. Theo các nghệ nhân cao tuổi Phạm Thị Hè (sinh năm 1933), Phạm Thị Bum (sinh năm 1945), thì người H’rê ở đây, chỉ còn vài bộ chinh ít ỏi, chỉ sử dụng vào các dịp hội diễn văn nghệ quần chúng huyện hằng năm, thời gian còn lại thì gần như bị lãng quên.

 

Nhìn chung ở các vùng ven này, văn hóa dân gian và âm nhạc người H’rê đã mai một rất nhiều so với những vùng tập trung. Một số người cao tuổi và thanh niên ở vùng ven, có hát những bài ca cách mạng (thời chống Pháp, chống Mỹ); một vài bài dân ca vùng Tây Nguyên khá phổ biến: Mừng lúa mới, Vệ sinh ăn đũa hai đầu, Ơi anh ơi (có thể gốc của tộc người Ba na); bài hát Nhảy sạp, Hoa Chăm pa tiếp thu qua người Kinh (Việt); một số ca khúc theo điệu nhạc boléro thời chế độ Sài Gòn (trước 30 – 4 - 1975); một số bài hát nổi tiếng của Pháp đã chuyển ngữ, v.v… Các thể loại dân ca và nhạc khí chỉ tồn tại qua trí nhớ của một số ít người cao tuổi.

NHỮNG YẾU TỐ KHÁC BIỆT GIỮA CÁC VÙNG ÂM NHẠC

 

Một số yếu tố khác biệt giữa các vùng âm nhạc H’rê ở Quảng Ngãi, đó là: một số tên gọi khác nhau; thế mạnh của các vùng âm nhạc; một số bài bản dân ca khác nhau.

 

Tên gọi của các thể loại dân ca và nhạc khí H’rê có sự khác biệt ở các vùng. Vùng Ba Tơ, Minh Long gọi thể loại hát giao duyên là talêu , còn vùng Sơn Hà thì gọi thể loại này là calêu . Trong khi vùng Sơn Hà gọi là đàn vàpút thì vùng Minh Long gọi là pênhpút , v.v… 

Về thế mạnh của các vùng âm nhạc, có thể thấy rằng, mỗi vùng âm nhạc H’rê ở Quảng Ngãi đều có thế mạnh riêng. Trong khi thế mạnh của vùng Sơn Hà là sử dụng b’rooc, pênhpút, akhung, tàvố, rơđoang , thì thế mạnh của vùng Ba Tơ là chinh (ba chiếc), chinh k’la (chinh tre) và các thể loại dân ca talêu, kachôi . Người H’rê vùng Ba Tơ dọc sông Liên ( nước Liên ) có truyền thống túc chinh rất hay, chứ không có ưu điểm sử dụng các nhạc khí khác. Nhiều bộ chinh quý được lưu giữ ở vùng này, như những bộ chinh của anh Phạm Văn Cường (Bí thư Đảng ủy xã Ba Thành), v.v… 

Thế mạnh của vùng Minh Long là pênhpút và thể loại t’jeo (hát cúng).

Có những nhạc khí có mặt ở vùng này mà không có ở vùng khác. Như Akhung, tàvố ở vùng Sơn Hà thì không có ở vùng Ba Tơ và Minh Long; hoặc đàn pênhpút (2 ống) ở Minh Long thì không có ở vùng Sơn Hà - mặc dầu, đối với người H’rê, các nhạc khí này rất dễ làm. Hàng âm chinh ba chiếc có sự khác nhau ở các vùng. Chẳng hạn, hàng âm ở vùng Ba Tơ khác hẳn ở vùng Minh Long như sau:

Hàng âm bộ chinh ba chiếc ở xã Ba Nam, Ba Tơ, có cao độ:

Zalo

Còn hàng âm bộ chinh ba chiếc ở xã Long Mai, Minh Long có cao độ và công thức khác.

Zalo
Zalo
Hình 16:Nhóm nghiên cứu cùng GS Tamura fumi tại vùng H’rê (Ảnh: GS Tamura Jumi cung cấp)

KẾT LUẬN

Trong âm nhạc dân gian H’rê có những vùng tương đối khác nhau, đó là vùng tập trung và vùng ven, trong đó có những yếu tố khác biệt giữa các vùng âm nhạc. Điều này, có thể gợi mở cho nhiều hướng nghiên cứu khác nhau, không chỉ đối với âm nhạc học, mà một số ngành khoa học xã hội khác như: văn hóa học, nhân học, lịch sử, v.v…

Tài liệu tham khảo

H. Haguet, 1905, Noitice ethnique sur les Moi de la région de Quang
Nga i( Ghi chép dân tộc học về những người Moi của miền Quảng Ngãi ) , Revue Indochinoise. 

H. Maitre, 1912, Les jungles Moi ( RúMọi ) , Paris. 

Nguyễn Trắc Dĩ,1972, Đồng bào các sắc tộc thiểu số Việt Nam (Nguồn gốc và phong tục) của, Bộ Phát triển sắc tộc ấn hành, Sài Gòn.

Tạ Hiền Minh (chủ biên),1996, Đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi của, Sở Văn hóa thông tin Quảng Ngãi.

Lê Huy và Minh Hiến, 1994, Nhạc khí truyền thống Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội.

Lê Toàn, 2001, “Âm nhạc và múa dân gian tộc người Cadong, Co, H’rê tỉnh Quảng Ngãi”, Thông báo khoa học số 5, Viện Âm nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Thế Truyền, 2000, “Âm nhạc dân gian người H’rê”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (tháng 12), Hà Nội, trang 79-83.

Cục Thống kê Quảng Ngãi, Niên giám thống kê 2006, Quảng Ngãi, 2007, 15.

Nhiều tác giả. 2004. Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên , Viện Văn hóa thông tin, Hà Nội, trang 361-377.

Nguyễn Thế Truyền. 2003. Phỏng vấn hai nghệ nhân Đinh Ngọc Su và Đinh Văn Ước tại Ba Tơ và Sơn Hà, Quảng Ngãi.

 

VP