02/06/202212:10

ROCK VÀ PHẬT GIÁO - PHẦN 2

Ths. Nguyễn Cẩm Lệ

...Đức Phật đản sinh vào ngày 8 tháng 4 năm 623 TCN tại vườn Lâm Tỳ Ni, cách thành Ca Tỳ La Vệ khoảng 15 cây số. Song thân ngài là Quốc vương Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da, thuộc dòng dõi Thích Ca, trị vì một vương quốc nằm ở ven sườn dãy núi Hymalaya, phía đông bắc Ấn Độ. Từ khi còn là thái tử Sỹ Đạt Đa ngài đã được nuôi nấng, dạy dỗ toàn diện cả văn chương lẫn võ thuật, thái tử rất thông suốt các môn học đương đại như: ngôn ngữ - văn học, công kỹ nghệ học, y học, luận lý học, đạo học. Về đạo học khi vừa tròn 7 tuổi ngài đã học thông 4 thánh điển Vệ Đà. Ngoài sự thông minh đĩnh ngộ, thái tử còn được mọi người quý kính về đức hạnh bao la. Sau những lần được tiếp xúc với thế giới bên ngoài hoàng cung ngài đã chứng kiến được những sự thật đen tối và đáng sợ, ngài nhận chân rằng tất cả những lạc thú, hạnh phúc mà mình đang hưởng chỉ là giả tạm, vô thường. Cộng với lần tiếp chuyện với vị đạo sĩ, năm 19 tuổi thái tử quyết định rời cung vàng điện ngọc để tìm một lối thoát, một cuộc sống chân thật có ý nghĩa và cao đẹp hơn; một con đường dẫn đến giác ngộ, vĩnh viễn thoát khỏi những nỗi khổ đau bất hạnh của đời người và hướng đến an lạc.

Sau 5 năm tu học, 6 năm khổ hạnh và 49 ngày đêm định tĩnh, chánh niệm, tỉnh giác, ly dục dưới cội bồ đề ngài đã chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, là vị Phật đầu tiên trong hiện kiếp, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được thế gian tôn xưng từ đấy, cũng từ lúc bấy giờ đạo Phật ra đời với những giáo lý cơ bản như Duyên sinh, Vô ngã, Ngũ uẩn, Tứ diệu đế, Vô thường, Nhân quả, Nghiệp báo, Niết bàn và với tinh thần như từ bi, trí tuệ, giải thoát, nhân bản, bình đẳng.v.v... và còn rất nhiều tư tưởng khác được thể hiện trong kinh điển cũng như đời sống đức Phật. Ngài Nhập niết bàn năm 80 tuổi và hoằng hóa đạo Phật trong 49 năm.

Khi ngài còn tại thế, Phật giáo đã nhanh chóng lan tỏa và hòa nhập vào các tầng lớp nhân dân Ấn Độ, từ tầng lớp thống trị như tăng lữ (Bà la môn), vua quan (Sát đế lợi) cho đến hạng cùng đinh, tất cả đều thấm nhuần ân đức từ bi của đức Phật. Sự ra đời của Phật giáo như một hồi chuông cảnh tỉnh, xóa tan những định kiến xã hội lúc bấy giờ bởi Phật giáo không chủ trương giai cấp mà ngược lại, đức Phật dạy ai cũng bình đẳng như nhau, mọi người đều có phật tính và có khả năng giác ngộ, thành phật. Chính nhờ tinh thần đó mà đạo Phật lan truyền nhanh chóng trên khắp cõi Ấn Độ, từ Kosala, Vaji, Vaisali đến vương quốc hùng mạnh Magadha, tất cả đều theo Phật giáo. Sau khi đức Phật diệt độ Phật pháp càng thịnh hành, nhất là trong triều đại vua Asoka (A Dục), vua Kaniska… và sau đó còn lan truyền đến nhiều nước khác để đem lại an lạc cho mọi người.

 

 

Thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng ở Ấn  Độ, nơi đức Phật thành đạo

 

 

1.2 MỘT SỐ TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO

Trong giới học thuật Đông Tây đã có những cuộc tranh luận sôi nổi, tốn nhiều giấy mực về vấn đề đạo Phật là tôn giáo hay là triết học? Nếu dựa theo các định nghĩa của các khái niệm này một cách đơn thuần thì Phật giáo không phải tôn giáo cũng không phải triết học, bởi vì đạo Phật không chủ trương có một đấng toàn quyền toàn năng sáng lập ra vũ trụ, không nương tựa thần quyền và cũng không đưa ra những triết lý chỉ để tranh cãi, bàn luận trên sách vở.  Nếu là tôn giáo thì đạo Phật là một tôn giáo cá nhân, nếu là triết học thì đạo Phật là triết học thực tiễn. Tôn giáo cá nhân bởi vì đạo Phật không có giáo quyền, không có giáo hội tập trung bắt buộc giáo đồ phải tuân phục theo những giáo lệnh do những giáo sĩ cấp cao đặt để ra và gán ghép cho là lời thần thánh phán. Tín đồ đạo Phật hoàn toàn được tự do khi phát nguyện tuân giữ những giới luật vốn không phải là những luật lệ nghiêm cấm, bắt buộc mà chính là những phương tiện có mục đích nâng cao đời sống tinh thần của người trì giới đã thọ, gồm cả hai giới xuất gia và tại gia. Triết học thực tiễn bởi vì đạo Phật không thiết lập những nguyên lý chỉ để bàn cãi hay quảng diễn mà chính là để áp dụng vào cuộc sống của mỗi cá nhân với mục đích tự đạt đến sự “giải thoát”, an lạc.

Trước khi đi vào tìm hiểu một số triết lý Phật giáo chúng ta cũng nên biết qua về những đặc tính cơ bản của Phật giáo.

Trước tiên đạo Phật là một tôn giáo Nhân bản, vị giáo chủ không phải là một vị thần linh, không phải là một thượng đế đầy quyền năng thưởng phạt mà là một con người như bao con người khác. Trong quan niệm Phật giáo, con người là chủ nhân của chính bản thân mình ở ba thời, hiện tại, quá khứ và tương lai, là vị “thượng đế” duy nhất toàn quyền thưởng phạt cho chính cuộc đời mình, ngoài ra, không có bất cứ ai hoặc thần linh nào có thể đưa mình đến thiên đàng hoặc địa ngục.  Phật giáo còn luôn luôn đề cao nỗ lực và ý chí của con người. Tinh tấn là một trong những đức tính quyết định những thành tựu trên bước đường tu tập cũng như gặt hái được những thành công trong cuộc sống.

Bình đẳng cũng là một đặc điểm rất ưu việt của đạo Phật. Ngay trong buổi hoàng hôn tăm tối của một xã hội phức tạp, bất công, phân chia giai cấp khắc nghiệt thì đức Phật đã gióng tiếng chuông tiên phong phá tan bóng đêm của xiềng xích nô lệ và bức tường phi lý của phân chia giai cấp bằng câu tuyên ngôn vĩ đại: “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn”. Việc Thái tử Sĩ Đạt Đa từ bỏ ngôi vị đế vương, quay lưng với tất cả vinh hoa phú quý tột bậc dành cho giai cấp vua chúa, một thân độc hành với chiếc áo thô, đầu trần chân đất vân du đây đó đã thể hiện tinh thần bình đẳng tuyệt vời của ngài. Phật giáo quan niệm rằng tất cả mọi loài chúng sinh từ con người cho đến những sinh vật nhỏ bé, côn trùng đều tiềm ẩn một khả năng phi thường như nhau đó là khả năng thành Phật, đều có Phật tính nhưng do các đặc tính cố hữu ở mỗi loài, việc triển khai khả năng ấy khó dễ, nhanh chậm khác nhau. Điều này thể hiện ở câu: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật chưa thành”.

Từ bi là một đặc tính không thể thiếu của Phật giáo. Theo nghĩa căn bản; lòng Từ mang niềm vui, lòng Bi diệt mọi đau khổ cho chúng sinh. Trong thế gian, tình cảm thường chỉ giới hạn trong một quan hệ, một đẳng cấp, một chủng loại, một phạm trù nào đó, khi vượt ra ngoài phạm trù ấy lắm khi chúng ta lại đối xử xa lạ, hững hờ, kỳ thị nhau, thậm chí còn dẫn đến chống đối, tàn sát lẫn nhau một cách khủng khiếp. Trong khi đó, từ bi vượt lên tất cả mọi tình thương hẹp hòi của thế gian, không bến bờ, không biên giới, không hạn định. Lòng từ bi không chứa đựng bất kỳ một ý niệm kỳ thị nào cho dù đó có phải là tín đồ Phật giáo hay không, nó hiện hữu giữa cuộc đời, là thần dược xoa dịu những niềm đau nhân thế, hàn gắn những rạn vỡ tình người, xua tan những oán hờn, thù hận, cảm thông, khoan dung, tha thứ, hơn thế nữa nó giải quyết những căn bản khổ đau của kiếp phù sinh, đưa ta đến an vui trọn vẹn.

Chúng ta đang sống giữa một thời đại mà quyền lực và danh vọng đang khống chế con người, tham vọng nhân loại bùng vỡ, chiến tranh liên tục xảy ra, những cuộc chạy đua kinh tế, chính trị, quân sự đang diễn ra khắp nơi trên thế giới… Chính ngay lúc này từ bi là chất liệu rất cần thiết cho cuộc đời, chỉ có vận dụng lòng yêu thương ấy của Phật giáo chúng ta mới thật sự có đủ năng lực dập tắt ngọn lửa chiến tranh và thù hận luôn lăm le đe dọa hòa bình, an vui của thế giới. “Hận thù không dập tắt được hận thù, chỉ có tình yêu thương mới dập tắt được hận thù, đó là định luật của ngàn xưa”, câu nói của đức Phật đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Vô ngã là một đặc tính khác rất uyên thâm của Phật giáo. Theo Phật giáo, tất cả các sự vật, hiện tượng trên thế giới này hoàn toàn đều không có một chủ thể nhất định, luôn luôn chuyển động theo quá trình “sinh, trụ, dị diệt”, vì vậy tất cả đều vô ngã, nghĩa là không thật có một hình dạng nhất định, bất di bất dịch, đây gọi là vô ngã.

Liên hệ đến bản thân mỗi người, vì không thấy rõ được sự thật của tướng trạng này, không nhận biết được sự giả tạm của ngũ uẩn tạo nên tấm thân nên đã có những nhận thức sai lầm về cái “tôi”, tạo sự ngộ nhận căn bản về sự hiện hữu và giá trị của một con người. Từ đó tính chấp thủ, tham ái, đố kị, ích kỷ… hình thành, đây chính là giềng mối của bao nỗi thống khổ mà chúng ta đã đeo mang suốt cả kiếp người.

Phật giáo đã soi sáng chân tướng của vạn pháp bằng ánh sáng của chân lý vô ngã, trình bày một sự thật về tướng trạng của con người và thế giới nhằm mục đích xây dựng cho nhân loại một nhận thức đúng đắn, hướng đến một nếp sống cao đẹp đầy tình người. Khi thấu rõ được cái “Tôi” chỉ là mong manh, tạm bợ thì tảng đá của thù hận, tham ái, ích kỷ… mới được phá bỏ, lòng bao dung, vị tha sẽ bừng sáng trong tâm hồn mỗi con người, nhân loại xích lại gần nhau để mỉm cười, thương yêu, cùng sống hòa ái trong tinh thần khoan dung và tha thứ. Hạnh phúc thực sự hiện hữu trên quả đất này.

Chính Vô ngã là nét đặc thù của giáo lý Phật giáo và chính Duyên khởi đã cho thấy sự thật Vô ngã, vậy nên tìm hiểu triết lý Phật giáo trước tiên nên tìm hiểu về giáo lý Duyên khởi; là căn bản của hệ thống triết học Phật giáo.  

Duyên khởi là gì? Trong Tương Ưng Bộ kinh đã dẫn lời đức Phật định nghĩa về duyên khởi: “Do vô minh, có hành sinh; do hành, có thức sinh; do thức, có danh sắc sinh; do danh sắc, có lục nhập sinh; do lục nhập, có xúc sinh; do xúc, có thọ sinh; do thọ, có ái sinh; do ái, có thủ sinh; do thủ, có hữu sinh; do hữu, có sinh sinh; do sinh, có lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não sinh, hay toàn bộ khổ uẩn sinh. Đây gọi là duyên khởi”.

“Do đoạn diệt tham ái, vô minh một cách hoàn toàn, hành diệt; do hành diệt nên thức diệt;… sầu, bi, khổ, ưu, não diệt.

Như vậy là toàn bộ khổ uẩn đoạn diệt, này các tỳ kheo, như vậy là đoạn diệt”.

Tất cả đó gọi là duyên khởi.

Trong kinh Phật tự thuyết – Tiểu bộ kinh Duyên khởi được tóm tắt như sau “Do cái này có mặt, cái kia có mặt, do cái này không có mặt, cái kia không có mặt; do cái này sinh, cái kia sinh; do cái này diệt, cái kia diệt ”. Dạng thức này là cách trình bày khái quát, tóm tắt và đơn giản nhất do chính đức Phật nói, nó được xem là một nguyên lý cho mọi hiện hữu trong thế giới hiện tượng. Nói chính xác hơn nếu mười hai nhân duyên là dạng thức duyên khởi riêng về con người, thì dạng thức tổng quát nói về bản chất của thế giới hiện tượng.

Mười hai nhân duyên hay giáo lý duyên khởi nói chung là một giáo lý vô cùng tinh tế và có nhiều hệ luận, ở đây người viết chỉ nêu ra một số hệ luận về giáo lý này được vận dụng vào cuộc sống.

“Các pháp hữu vi do duyên mà sinh nên biến dịch không ngừng”. Đây chính là phép biện chứng duy vật chất phác mà sau này đã được triết học Mác - Lê Nin giải thích một cách cụ thể trong nguyên lý về mối liên hệ phổ biến: “không có bất cứ sự vật, hiện tượng nào và quá trình tồn tại nào tồn tại một cách riêng lẻ, cô lập tuyệt đối với các sự vật, hiện tượng và quá trình khác, mà chúng tồn tại trong sự liên hệ ràng buộc, phụ thuộc, tác động, chuyển hóa lẫn nhau. Bất cứ tồn tại nào cũng là một hệ thống mở tồn tại trong mối liên hệ với hình thức khác, tương tác và làm biến đổi lẫn nhau”.

Hệ luận này còn mang ý nghĩa: các pháp hữu vi là vô thường.

“Các pháp do duyên mà sinh nên thật sự chúng không có tự ngã”. Đây là nghĩa “Nhất thiết pháp Vô ngã”.

Khi đã nêu ra được khổ uẩn do duyên khởi sinh, và các pháp là vô thường vô ngã, đức Phật đã đưa ra cách thức để giải quyết vấn đề, được khái quát trong kinh Chuyển pháp luân về Tứ diệu đế:

  1. Khổ đế: đời là khổ
  2. Tập đế: khổ có nguyên nhân nơi tham ái.
  3. Diệt đế: khổ có thể tiêu diệt được
  4. Đạo đế: con đường thoát khổ

Xưa nay có nhiều quan niệm sai lầm cho rằng đạo Phật là yếm thế, tiêu cực bi quan, than van đời là khổ, nhưng Đạo đế với 37 trợ phẩm đạo, trong đó có Bát chánh đạo và Ngũ lực cho thấy đạo Phật rất tích cực, có mục tiêu hướng thượng và có con đường để đạt kết quả một cách cụ thể.

Ở đây người viết chỉ giới thiệu về Bát Chánh Đạo để cho thấy những tư tưởng rất tiến bộ của đạo Phật.

Nội dung Bát Chánh đạo:

  1. Chánh kiến: sự thấy, hiểu biết chân chính, nhận thức đúng, rõ ràng sự thật, phân biệt thiện và bất thiện.
  1. Chánh tư duy: do sự hiểu biết chân chính nên ý nghĩ đúng đắn phát sinh.
  1. Chánh ngữ: do có hiểu biết và tư tưởng đúng đắn, lời nói và ngôn hạnh của hành giả cũng nhu hòa, chính trực. Đức Phật dạy về năm loại ngữ mà người tu tập chánh ngữ cần thực hành:

- Nói đúng thời, không nói phi thời.

- Nói lời chân thật, không nói lời hư ngụy.

- Nói lời nhu hòa, không nói lời thô bạo.

- Nói điều lợi ích, không nói điều vô ích.

- Nói lời xuất phát từ lòng từ, không nói lời xuất phát từ lòng sân.

  1. Chánh nghiệp: những hành vi xuất phát từ nhận thức và tư duy chân chính được gọi là chánh nghiệp. VD: từ bỏ các hành vi bất thiện như: giết chóc, chiếm đoạt tài sản của người khác, tà hạnh trong các dục… là những hành vi chân chính hay Chánh nghiệp.
  1. Chánh mạng: Luận Thanh Tịnh Đạo giải thích: “Chánh mạng có đặc tính là làm sạch. Nhiệm vụ của nó là đem lại sự phát sinh một nghề sinh nhai thích đáng. Nó được biểu hiện bằng sự từ bỏ tà mạng”. Tức là mọi hoạt động nghề nghiệp để sinh nhai phải chân chính, không được thực hiện bằng sự xảo trá, lừa lọc… làm hại đến bản thân, gia đình, xã hội và đất nước.
  2. Chánh tinh tấn: Tinh tấn là sự nỗ lực, siêng năng chuyên cần, cố gắng bằng tất cả nghị lực bản thân. Chánh tinh tấn là sự nỗ lực, quyết tâm cắt đứt mọi bất thiện pháp trong cuộc sống bản thân. Chánh tinh tấn còn là năng lực kiểm soát các hoạt động của thân, khẩu, ý.
  1. Chánh niệm: theo nguyên nghĩa Pāli là sự ghi nhớ, sự chú tâm. Nó vừa mang nghĩa của sự ghi nhớ chân chính, vừa mang nghĩa là sự ý thức, sự có mặt của tâm ý một cách trọn vẹn, tự chủ và sáng tỏ ngay trong mỗi giây phút của hiện tại, bây giờ và ở đây. Chánh niệm là khả năng ý thức được những gì đang có mặt, đang xảy ra.
  1. Chánh định: một trạng thái tâm tập trung thuần nhất, an tịnh, không dao động.

Bên cạnh đó, Tam pháp ấn cũng là một hệ thống tư tưởng rất quan trọng trong giáo lý đạo Phật.

Tam pháp ấn là ba khuôn dấu của chánh pháp gồm vô thường, khổ và vô ngã.

Pháp ấn thứ nhất là Vô thường, tiếng Phạn là Anitya, hàm nghĩa sự biến đổi, không cố định. Theo đạo Phật, tất cả những sự vật, hiện tượng trên thế gian do các tập hợp duyên sinh đều mang tính vô thường. Nói cách khác, vô thường nghĩa là sự vật không mang tính đồng nhất, bất biến. Mọi sự vật, sự việc trong thế giới tự nhiên từ các vật thể vĩ mô đến các thế giới vật chất hạt cực nhỏ vi mô như hạt nguyên tử, hạt proton, hạt neutron… luôn biến chuyển, thay đổi không ngừng nghỉ. Tuy nhiên, không chỉ trong thế giới vật chất mà ngay cả trong thế giới tâm thức, vô thường vẫn luôn có mặt.

Trong thực tế nếu không có vô thường thì sẽ không thể có sự sống và sự phát triển. Nếu hạt mầm thường tại thì nó không bao giờ trở thành cây cây trái. Nếu sự vật không vô thường thì lịch sử tiến hóa của nhân loại sẽ không thể có và nền văn minh nhân loại sẽ mãi dừng lại ở thời kỳ đồ đá cũ. Và nếu không có sự tác động  vô thường thì chúng ta sẽ không bao giờ có hy vọng đoạn tận các tập khí tham ái, phiền não tiềm ẩn sâu kín trong nội tâm chúng ta. Do vậy, giáo lý vô thường đem lại niềm tin cho mọi nỗ lực sáng tạo và phát triển của con người. Vô thường là đặc chất đích thực của cuộc sống.

Pháp thứ hai: Khổ

Khổ là một sự thật mang tính phổ biến và hiện diện với nhiều hình thái đa dạng. Vô thường tạo sự thay đổi, biến chuyển về tâm – sinh – vậy lý của chúng sinh nên thế nào cũng đưa đến khổ.

Tuy nhiên, hiện tượng vô thường không hẳn là nguyên nhân của mọi khổ đau trong cuộc sống. Nguyên nhân của khổ nằm trong nhận thức và thái độ sống tích cực hay tiêu cực của mỗi người. Không một kinh điển nào trong giáo lý đạo Phật không đề cập đến khổ và con đường diệt khổ, chính vì vậy khổ đau được xem là một trong những khuôn ấn của chánh pháp.

Pháp ấn thứ ba: Vô ngã. Pháp này đã đề cập đến ở phần trên nên ở đây xin không lập lại (xem từ trang 24).

Ngoài ra, nhân quả, nghiệp, luân hồi là những tư tưởng không thể không nhắc trong hệ thống triết học Phật giáo.

Nhân quả

Nói đến nhân quả là nói đến một tiến trình tạo tác của con người, từ đó hình thành đời sống an lạc hay khổ đau cho mỗi con người; trong đó, mỗi tư duy và hành dộng cụ thể là một nguyên động lực kiến tạo nên trạng thái tâm lý an hay bất an, kiến tạo nên hạnh phúc hay bất hạnh. Tất nhiên, trong suốt quá trình tạo tác nhân quả - nghiệp báo đó, con người luôn luôn đóng vai trò trung tâm và chủ động. Theo lời đức Phật dạy, ở đây không hề có bất cứ một sự chi phối nào bởi một quyền năng, một đấng tạo hóa hay thần thánh… trong tiến trình tạo tác ấy, mà chỉ có con người và các hành động, ý chí mà thôi.

Nắm vững tư tưởng này ta có thể thấy được quá khứ và tương lai của chính mình, với những nhân nào mình đã gieo thì sẽ gặt hái được những thành quả hoặc hậu quả gì trong tương lai. Từ đó, chính mỗi người có thể xác định cho mình một phương thức sống và tự tạo cho mình một đời sống thanh bình, an lạc.

Nghiệp

Tiếng Sanskrit gọi là Karma, tiếng Pāli gọi là Kamma chỉ một hành động có tác ý, phát sinh từ tâm. Nói cách khác, nghiệp luôn luôn được bắt nguồn từ những tạo tác của tâm (ý) thông qua những hoạt động của thân, miệng và ý, gọi chung là tam nghiệp. Chính mối tương quan nhân quả từ nơi tâm ý cùa con người đã hình thành nên cái nghiệp thiện hay ác mà con người phải thọ nhận. Vì thế, đức Phật dạy về nghiệp là nhằm thức tỉnh con người từ nơi tâm ý của chính mình để từ đó đi vào đời sống an lạc giải thoát.

Còn tiếp.