25/05/202314:45

ÂM NHẠC DÂN GIAN CỦA TỘC NGƯỜI H'RÊ Ở QUẢNG NGÃI - Phần 4

Âm nhạc dân gian H’rê ở những vùng khác nhau trong tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam

TÓM TẮT

Việc phân chia thành các vùng âm nhạc H’rê ở miền núi Quảng Ngãi là một việc làm rất khó và ít khả thi. Bởi thực tế, sự khác biệt về âm nhạc giữa các vùng H’rê là không rõ nét, mặc dù có những đậm nhạt ở một số thể loại, cũng như vấn đề giao thoa văn hóa âm nhạc diễn ra với các tộc cận cư.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mạnh dạn phân vùng âm nhạc H’rê với ước mong cung cấp một số thông tin khoa học về một hiện tượng văn hóa của người H’rê ở một địa phương cụ thể. Bài viết phân chia âm nhạc dân gian H’rê ở Quảng Ngãi thành hai vùng tương đối khác nhau: vùng tập trung và vùng ven. Trong đó, vùng tập trung gồm các huyện: Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long; vùng ven gồm nơi: lưu giữ phát huy, giao hoà và có nguy cơ mai một và biến mất vốn văn hoá âm nhạc. Bên cạnh đó, bài viết cũng nêu lên những yếu tố khác biệt của âm nhạc dân gian H’rê ở những vùng khác nhau trong tỉnh Quảng Ngãi.

MỞ ĐẦU

Người H’rê thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer và ngữ hệ Nam Á, sinh sống chủ yếu ở miền núi tỉnh Quảng Ngãi, có dân số đông thứ 19 trên 54 thành phần các dân tộc Việt Nam. Họ còn có tên gọi khác là: Mọi Đá Vách, Mọi Sơn Phòng, Thượng Ba Tơ, Mọi Lũy, Chom, Chăm Rê, Chăm Quảng Ngãi, v.v…Ở Quảng Ngãi, người H’rê sinh sống tụ cư ở dọc sông H’rê là đông đúc hơn so với những nơi khác.Bài viết góp phần nghiên cứu và so sánh những giá trị âm nhạc H’rê ở những vùng khác nhau trong một phạm vi hẹp là tỉnh Quảng Ngãi.

Hiện nay, cách viết tên của tộc người này vẫn chưa được thống nhất: H’re, Hre, Hơre, Hơrê, Hrê, H’rê. Chúng tôi thống nhất chọn theo cách gọi của chính người H’rê là “H’rê” và đây là tộc danh gắn với tên của một dòng sông nơi quê hương của họ (sông H’rê), có lẽ sẽ khách quan và chính xác hơn.

Một số tài liệu đề cập đến âm nhạc dân gian của tộc người H’rê như: Nhạc khí truyền thống Việt Nam của Lê Huy và Minh Hiến, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội – 1994. Do phạm vi nghiên cứu quá rộng, nên ở một số mục không nhắc đến các nhạc khí H’rê.

Giới thiệu một số nhạc cụ dân tộc thiểu số Việt Nam của Tô Ngọc Thanh, Nxb Văn nghệ, Trung tâm Văn hóa dân tộc TP.Hồ Chí Minh – 1995. Tài liệu này đã giới thiệu một số nhạc cụ dân tộc thiểu số Việt Nam, trong đó chỉ có một vài nhạc khí của người H’rê.

“Âm nhạc dân gian người H’rê” của Thế Truyền, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (tháng 12), Hà Nội – 2000; “Âm nhạc và múa dân gian tộc người Cadong, Co, H’rê tỉnh Quảng Ngãi” của PGS.TS. Lê Toàn, Thông báo khoa học số 5, Viện Âm nhạc – 2001. Trong tài liệu này, tác giả đã dành 31 trang viết, đề cập đến âm nhạc các tộc ở Quảng Ngãi, trong đó có 8 trang dành cho tộc H’rê. Các thể loại dân ca, nhạc khí của tộc người này đã được đề cập tới. Đây là một tài liệu về âm nhạc dân gian H’rê, được tác giả dành nhiều thời gian khảo sát, điền dã cùng với chúng tôi tại các vùng dân tộc thiểu số ở miền Tây Quảng Ngãi vào các năm 2000-2001.

Sách Nhạc khí của tộc người H'rê ở Quảng Ngãi của Nguyễn Thế Truyền do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin năm 2010. Sách này, là một công trình chuyên khảo khá đầy đủ và chi tiết của chúng tôi về nhạc khí H’rê. Tuy nhiên, âm nhạc dân gian H’rê ở những vùng khác nhau trong tỉnh Quảng Ngãi cũng chưa được đề cập đến trong tài liệu này.

Bài viết đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu âm nhạc, xã hội học, các khảo sát điền dã tại các p’lây H’rê, cũng như phương pháp tổng hợp, phân tích tư liệu và tài liệu.

Qua khảo sát điền dã của chúng tôi, việc phân chia thành các vùng âm nhạc H’rê ở miền núi Quảng Ngãi là một việc làm rất khó và ít khả thi. Bởi thực tế, sự khác biệt về âm nhạc giữa các vùng H’rê là không rõ nét, mặc dù có những đậm nhạt ở một số thể loại, cũng như vấn đề giao thoa văn hóa âm nhạc diễn ra với các tộc cận cư.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mạnh dạn phân vùng âm nhạc H’rê với ước mong cung cấp một số thông tin khoa học về một hiện tượng văn hóa của người H’rê ở một địa phương cụ thể.

VÙNG TẬP TRUNG VÀ VÙNG VEN

Có thể chia âm nhạc dân gian H’rê ở Quảng Ngãi thành hai vùng tương đối khác nhau, tạm gọi là: vùng tập trung và vùng ven.

Vùng tập trung

Căn cứ vào mật độ dân số H’rê ở tỉnh Quảng Ngãi thì vùng tập trung dân cư gồm các huyện Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long.

Zalo
Bản đồ phân bố dân cư các dân tộc thiểu số Quảng Ngãi (Nguồn: Đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi, Sở VHTT Quảng Ngãi 1996)

Vùng âm nhạc Sơn Hà

Nơi đây, tập trung đậm đặc các giá trị âm nhạc dân gian H’rê, phần nhiều các vốn dân ca, dân nhạc đều được tìm thấy ở vùng này. Các thể loại dân ca gồm: calêu (giao duyên), kachôi (tự sự), t’jeo (hát cúng), taoi (hát khóc); nhạc khí gồm: chinh (3 chiếc), tàlía, akhung, pênhpút, amó, rangói, rơđoang, b’rooc, k’râu , v.v…

Zalo
Hình 1: Rangói (ống đựng bên trái, rangói bên phải) (Ảnh: Tác giả)
Zalo
Hình 2: Bộ chinh của người H’rê khi xếp lại (Ảnh: Tác giả)
Zalo
Hình 3: Cây amó và ống đựng bảo quản của người H’rê (Ảnh: Tác giả)

Vùng âm nhạc Ba Tơ

Chúng tôi chọn xã Ba Thành (xã Ba Thành có 4 thôn: Làng Teng, Trường An, Huy Ba 1, Huy Ba 2) làm tiêu điểm. Xã này cách trung tâm huyện chừng 10 km, về hướng Nam. Nơi đây, tập trung rất dày đặc về vốn văn hóa dân gian H’rê, trong đó có âm nhạc. Có những nghệ nhân H’rê rất xuất sắc như: Đinh Thị B’rút, Đinh Văn Ước, Đinh Thị Nứa, Phạm Văn Cường, Phạm Văn Nin, v.v… Có thể thấy sự nổi trội về túc chinh (đánh chinh ) và các thể loại dân ca talêu, kachôi mà không vùng H’rê nào có được.

 

Zalo
Hình 4: Nghệ nhân Đinh Thị B’rút (Ảnh: Tác giả)
Zalo
Hình 5: Nghệ nhân Đinh Văn Ước đang chế tác nhạc cụ (Ảnh: Tác giả)
Zalo
Hình 6: Một số nhạc cụ do nghệ nhân Đinh Văn Ước chế tác (Ảnh: Tác giả)
Zalo
Hình 7: chinh k’la của người H’rê (Ảnh: Tác giả) 

Vùng âm nhạc Minh Long

Vùng trung tâm Minh Long, chúng tôi chọn xã Long Mai, nơi rất gần huyện lỵ. Cũng như ở Ba Thành (Ba Tơ), nơi đây có thể nói là tiêu biểu cho âm nhạc vùng Minh Long. Có những giá trị âm nhạc H’rê mà chúng tôi không dễ gì tìm thấy ở những vùng khác, nhưng lại tìm thấy ở đây, như: hát cúng Chăm Voray , hát cúng Dăm hoa … Người H’rê vùng “nước Rvá” ở đây rất say mê những cây pênhpút (được chế tác từ hai ống nứa) của mình.

Zalo
Hình 8: Bộ chinh của người H’rê (Ảnh: Tác giả) 

Vùng ven

Lâu nay, trong nghiên cứu văn hóa dân gian, chúng ta thường hiểu vùng ven là vùng hóa thạch ngoại biên. Tuy nhiên, trên thực tế khảo sát âm nhạc H’rê ở Quảng Ngãi thì không hoàn toàn như vậy. Có những vùng ven lưu giữ, phát huy; vùng ven giao hòa về văn hóa âm nhạc và vùng ven có nguy cơ mai một.

Vùng ven lưu giữ, phát huy vốn văn hóa âm nhạc

Chúng tôi chọn xã Sơn Thượng, là vùng ven thuộc Sơn Hà. Tuy gọi là vùng ven, nhưng trữ lượng về âm nhạc dân gian H’rê ở Sơn Thượng khá đậm đặc. Ở thôn Tà pa có những nghệ nhân ca hát, biểu diễn nhạc cụ rất tài năng, như: Đinh Ngọc Su, Y Véc, Đinh Văn Dát, v.v…

Zalo
Hình 9: Nghệ nhân Đinh Ngọc Su thổi tàvố (Ảnh: Tác giả)
Zalo
Hình 10: Những chiếc tàvố (Ảnh: Tác giả)
Zalo
Hình 11: akhung của người H’rê (Ảnh: Tác giả)

Đặc biệt nghệ nhân Đinh Ngọc Su, người am hiểu sâu rộng về văn hóa dân gian và âm nhạc H’rê, thuộc rất nhiều bài bản dân ca, dân nhạc, cũng như chế tác và trình diễn được hầu hết các loại nhạc khí H’rê. Chúng tôi đã làm Hồ sơ giới thiệunghệ nhân Đinh Ngọc Su và ông đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận danh hiệu “Nghệ nhân dân gian”.

VP