09/06/202310:22

ÂM NHẠC DÂN GIAN CỦA TỘC NGƯỜI H'RÊ Ở QUẢNG NGÃI - Phần 6

Những biến đổi của âm nhạc dân gian tộc người H'rê ở Quảng Ngãi, Việt Nam

TÓM TẮT

Bài viết về những biến đổi của âm nhạc dân gian tộc H’rê ở Quảng Ngãi, Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra nhanh chóng trong cuộc sống hôm nay. Trong đó, tác giả đã đề cập đến hai vấn đề quan trọng, đó là Biến đổi về nhạc khí , bao gồm: Biến đổi về dây đàn, biến đổi về ống hơi và hộp cộng hưởng; Giao lưu và biến đổi về văn hóa âm nhạc, bao gồm: Những trường hợp đã hoàn toàn mai một và biến mất, những trường hợp đang thu hẹp, những trường hợp đang phổ biến, giao lưu biến đổi liên quan tới môi trường xã hội, những biến đổi trong chức năng, những biến đổi về bài bản. Qua đây, tác giả đã đưa ra một số nguyên nhân và cảnh báo trước nguy cơ mai một và biến mất của các giá trị âm nhạc dân gian của tộc H’rê ở tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam.

Từ khóa: Âm nhạc dân gian H’rê, Nhạc khí H’rê,Cồng chiêng H’rê, Dân ca H’rê, Những biến đổi của âm nhạc dân gian tộc H’rê ở Quảng Ngãi, Việt Nam. 

Những biến đổi của âm nhạc dân gian tộc H’rê ở Quảng Ngãi, Việt Nam

MỞ ĐẦU

Tộc người H’rê là một hợp phần của các tộc vùngTrường Sơn – Tây Nguyên, thuộc nhóm ngôn ngữ Môn -Khmer và ngữ hệ Nam Á. Dân số H’rê đông thứ 19 trong Danh mục 54 thành phần các dân tộc Việt Nam. Họ sống chủ yếu ở miền núi của tỉnh Quảng Ngãi, thuộc triền Đông của dãy Trường Sơn hùng vĩ, tập trung ở lưu vực các sông: Sông Rvá (Minh Long), sông Liên, sông H’rê (Ba Tơ) , sông Rhê (Sơn Hà)... Ngoài ra, người H’rê còn cư trú ở huyện An Lão (thuộc tỉnh Bình Định), huyện Kon Plong (thuộc tỉnh Kon Tum) và một số vùng thuộc tỉnh Bình Thuận, v.v…

Trước kia, người H’rê được gọi bằng những tên: Mọi Đá Vách, Mọi Sơn Phòng, Thượng Ba Tơ, Mọi Lũy, Chom, Chăm Rê, Chăm Quảng Ngãi, v.v… Đồng bào tự gọi theo tên sông nước trong vùng. Ở An Lão (thuộc Bình Định) có sông Đinh, gọi là “người Nước Đinh”; ở Minh Long (thuộc Quảng Ngãi) có sông Rvá, gọi là “người Rvá”; ở Sơn Hà (thuộc Quảng Ngãi) có sông Krế, gọi là “người Krế”; ở Ba Tơ (thuộc Quảng Ngãi) có sông Liên, gọi là “người Nước Liên” và sông H’rê, gọi là “người H’rê. Nhóm ở dọc sông H’rê (sông Re) đông đúc hơn cả. (1)

Việc nghiên cứu âm nhạc của một tộc người ở một địa phương cụ thể, có tác dụng làm rõ các vấn đề của một hiện tượng văn hóa và âm nhạc dân gian, góp phần vào việc bảo tồn những giá trị âm nhạc, văn hóa đang có nguy cơ bị mai một. Đây cũng là một cách kế thừa và phát huy di sản văn hóa truyền thống, có tác dụng trong việc nghiên cứu âm nhạc các tộc cư trú vùng triền Đông Trường Sơn, trong không gian văn hóa Trường Sơn - Tây Nguyên. 

Các tộc người ở Quảng Ngãi được nhắc đến sớm nhất trong sách Phủ biên tạp lục (tập I) của Lê Quý Đôn (1726 – 1784) (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội - 1977) (2). Sau đó, là trong Đại Nam thực lục (tiền biên) (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội - 1970) (3); Đại Nam nhất thống chí (quyển 5) (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội – 1970) (4).

Đến nửa đầu thế kỷ XX xuất hiện một số sách của các nhà nghiên cứu người Pháp, Ghi chép dân tộc học về những người Moi của miền Quảng Ngãi (Noitice ethnique sur les Moi de la région de Quảng Ngãi) của H. Haguet (Revue Indochinoise - 1905) (5); Rú Mọi (Les jungles Moi) của H. Maitre (Paris -1912) (6). 

Sau đó, có Đồng bào các sắc tộc thiểu số Việt Nam (Nguồn gốc và phong tục) của Nguyễn Trắc Dĩ, Bộ Phát triển sắc tộc ấn hành, Sài Gòn – 1972 (7).

Các sách trên, đã cung cấp những thông tin quý báu về các vấn đề phong tục, tập quán, tín ngưỡng… của các tộc người Tây Nguyên ở Việt Nam, trong đó có người H’rê.

Sau năm 1975, nhiều công trình nghiên cứu về các tộc người Trường Sơn - Tây Nguyên ra đời, như: Các dân tộc ít người ở Việt Nam – các tỉnh phía Nam của Viện Dân tộc học – 1984 (8);Sách Đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi của Tạ Hiền Minh và các tác giả, Sở Văn hóa thông tin Quảng Ngãi – 1996 (9). Sách này, viết về đời sống văn hóa của ba tộc thiểu số ở Quảng Ngãi: H’rê, Co và Xơ Đăng, gồm 5 chương: Miền núi Quảng Ngãi – thiên nhiên và dân cư; Văn hóa sản xuất; Văn hóa đảm bảo đời sống; Văn hóa chuẩn mực xã hội; Văn hóa nhận thức. Trong các chương, ngoài những tư liệu khảo sát, điền dã khá kỹ lưỡng, các tác giả đã sử dụng nhiều tài liệu khoa học có giá trị khác (đã dẫn ở trên). 

Sách Quảng Ngãi - đất nước - con người - văn hóa (tái bản có bổ sung) của Bùi Hồng Nhân (chủ biên), Sở Văn hóa thông tin Quảng Ngãi – 2001 (10). Sách này có 3 phần (đất nước, con người, văn hóa), là một bức tranh toàn cảnh về đất nước – con người và văn hóa ở vùng đất Quảng Ngãi, là một tài liệu có giá trị do Sở Văn hóa thông tin tỉnh Quảng Ngãi tổ chức biên soạn và xuất bản.

Những tài liệu có liên quan đến âm nhạc dân gian H’rê: Nhạc khí truyền thống Việt Nam của Lê Huy và Minh Hiến, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội – 1994 (11). Sách này là một tổng thể về nhạc khí truyền thống Việt Nam, tuy nhiên do phạm vi nghiên cứu quá rộng, nên ở một số mục không nhắc đến các nhạc khí H’rê:

Giới thiệu một số nhạc cụ dân tộc thiểu số Việt Nam của Tô Ngọc Thanh, Nxb Văn nghệ, Trung tâm Văn hóa dân tộc TP.Hồ Chí Minh - 1995 (12). Sách này đã phân loại và giới thiệu một số nhạc cụ dân tộc thiểu số Việt Nam, trong đó có những nhạc khí của người H’rê, nhất là trường hợp những nhạc khí đồng dạng.

“Âm nhạc dân gian người H’rê” của Thế Truyền, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (tháng 12), Hà Nội – 2000; “Âm nhạc và múa dân gian tộc người Cadong, Co, H’rê tỉnh Quảng Ngãi” của PGS.TS. Lê Toàn, Thông báo khoa học số 5, Viện Âm nhạc – 2001 (13). Ở Thông báo khoa học này, tác giả đã dành 31 trang viết, đề cập đến âm nhạc các tộc ở miền Tây Quảng Ngãi, trong đó có 8 trang dành cho tộc H’rê. Các thể loại dân ca, nhạc khí của tộc người này đã được đề cập tới. Đây là một tài liệu về âm nhạc dân gian H’rê, được tác giả dành nhiều thời gian khảo sát, điền dã cùng với chúng tôi tại các vùng dân tộc thiểu số ở miền Tây Quảng Ngãi vào các năm 2000-2001.

Sách Nhạc khí của tộc người H'rê ở Quảng Ngãi của Nguyễn Thế Truyền do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin năm 2010. Sách này, là một công trình chuyên khảo khá đầy đủ và chi tiết của chúng tôi về nhạc khí H’rê. Tuy nhiên, những vấn đề về sự biến đổi của các nhạc khí trong đời sống cộng đồng người H’rê vẫn chưa được quan tâm.

Chúng tôi nghiên cứu âm nhạc dân gian của người H’rê còn tồn tại trong đời sống hiện nay ở những địa điểm thuộc Quảng Ngãi có người H’rê sinh sống tập trung, những nơi còn sinh hoạt và lưu giữ âm nhạc dân gian. Nghiên cứu sự biến đổi của âm nhạc dân gian tộc người H’rê qua thời gian, qua không gian, cũng như trong bối cảnh của sự tác động toàn cầu hóa và công nghệ 4.0 hôm nay.

Chúng tôi vận dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành văn hóa dân gian, dân tộc nhạc học, âm nhạc học; Sử dụng phương pháp khảo sát, điền dã, phỏng vấn, khai thác các nghệ nhân H’rê.

Trong quá trình vận động, âm nhạc dân gian H’rê đã có những biến đổi khá sâu sắc. Trong bài viết này, chúngtôi sẽ xem xét hai vấn đề: một số biến đổi về nhạc khí, cũng như sựgiao lưu và biến đổi về văn hóa âm nhạc.

Zalo
Hình 1 Nhà sàn cổ truyền của người H’rê ở Làng Teng, Ba Thành, Ba Tơ
(Ảnh do tác giả chụp)

Một số biến đổi về nhạc khí

Sự giao lưu và tiếp biến những thành tựu khoa học công nghệ, được thể hiện cụ thể trong dây đàn, ống đàn và hộp cộng hưởng của một số nhạc khí.

Biến đổi về dây đàn

Theo các nghệ nhân cao tuổi Đinh Ngọc Su (sinh năm 1943) ở thôn Tà Pa, xã Sơn Thượng, huyện Sơn Hà và Đinh Văn Ước (sinh năm 1946) ở thị trấn Ba Tơ, huyện Ba Tơ thì xưa kia người H’rê đã sử dụng dây k’jăh (một loại dây rừng), ruột mèo để làm dây đàn rơđoang, k’râu, b’rooc . Sau đó, họ chuyển qua sử dụng dây sắt (dây đàn guitar, dây điện thoại), nhiều trường hợp dùng cả dây nilon (dây đàn guitar bằng nilon hoặc dây cước – loại dây dùng để đan lưới đánh cá).

Zalo
Hình 2 Cây rơđoang do nghệ nhân Đinh Văn Ước chế tác (Ảnh do tác giả chụp)

Việc thay thế các loại dây này, không chỉ là vấn đề chất liệu mà còn mang những biến đổi khá sâu sắc trong âm nhạc của họ. Mỗi loại dây khi diễn tấu đều mang lại các kết quả về âm sắc, âm lượng khác nhau.

Chất liệu dây bằng các loại dây rừng, ruột mèo sẽ cho những âm thanh mờ đục và không được ngân vang. Hơn nữa, do tiết diện của loại dây này không đồng nhất, nên theo chúng tôi, nó cho những âm thanh không được chuẩn xác.

Chất liệu dây sắt cho những âm thanh trong trẻo, thánh thót và ngân vang, nhưng ít đầm ấm và sâu lắng.

Zalo
Hình 3 Cây k’râu của người H’rê (Ảnh do tác giả chụp)

Chất liệu dây nilon tuy không bằng ưu thế của chất liệu dây sắt, nhưng tỏ ra đầm ấm, sâu lắng hơn. Điều này, theo chúng tôi là rất hợp với những bài bản trữ tình, giao duyên. Do vậy, nên không phải ngẫu nhiên mà các nghệ nhân H’rê chọn loại dây có chất liệu này.

Zalo
Hình 4 Cây b’rooc của người H’rê (Ảnh do tác giả chụp)

Biến đổi về ống hơi và hộp cộng hưởng 

Về ống hơi

Gần đây, có trường hợp họ dùng ống nhựa (ống dẫn nước) để thay thế ống nứa của các vàpút (2 ống nứa), pênhpút (3 ống nứa), akhung (5 ống nứa).

Zalo
Hình 5 Trình diễn vàpút (Ảnh do tác giả chụp) 

Trường hợp ống nhựa thay thế các ống nứa của các nhạc khí trên, thì hiệu quả âm thanh nghe mờ đục ít rõ tiếng.

Zalo
Hình 6 Trình diễn akhung (Ảnh do tác giả chụp)

Qua phỏng vấn của chúng tôi, các nghệ nhân đều trả lời giống nhau, là do vật dụng này có hình dạng gần giống với đàn nên mới thử xem sao. 

Về hộp cộng hưởng

Trong Hội diễn nghệ thuật huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) năm 2003, chúng tôi có gặp trường hợp nghệ nhân thay hộp cộng hưởng (tức vỏ bầu) của đàn b’rooc, k’râu bằng một cái xoong nhôm (loại mỏng). Sau đó, họ cũng tỏ ra hài lòng vì âm thanh nghe lạ tai, sang sảng và đậm đặc màu kim khí. Tuy nhiên, theo các nghệ nhân, việc thay thế này làm cho âm thanh của đàn hơi trơ và ít trữ tình.

Theo đánh giá của chúng tôi, đây là một cách để thỏa mãn trí tò mò, khám phá rất đáng quý của những nghệ nhân có tuổi đời còn rất trẻ này. Tuy nhiên, ở những trường hợp này thì không có chất liệu nào có thể thay thế cho chất liệu truyền thống, vì nó xa lạ với thẩm âm của người H’rê.

(Còn tiếp...)