15/06/202310:04

ÂM NHẠC DÂN GIAN CỦA TỘC NGƯỜI H'RÊ Ở QUẢNG NGÃI - Phần cuối

Những biến đổi của âm nhạc dân gian tộc người H'rê ở Quảng Ngãi, Việt Nam

Giao lưu và biến đổi về văn hóa âm nhạc

Trong quá trình vận động, dân ca, dân nhạc H’rê có những biến đổi về một số khía cạnh như sẽ trình bày dưới đây. 

Những biến đổi này, được thể hiện ở những trường hợp dân ca, dân nhạc H’rê đã hoàn toàn mai một và những trường hợp đang phổ biến hơn trước.

Những trường hợp đã hoàn toàn mai một và biến mất

Qua tìm hiểu và khảo sát thực địa của chúng tôi, thì có một số nhạc khí H’rê đến nay đã mai một và biến mất trong đời sống cộng đồng của họ. Chẳng hạn, vâk k’jeo (mõ gió), k’la jec (đàn nước), chinh k’van, ling la, ravai và chinh 8 chiếc. Những nhạc khí này, chúng tôi chỉ nghe một số nghệ nhân cao tuổi kể lại, hoặc qua sách (1) chứ chưa được tiếp cận do đã mai một.

Vâk k’jeo (mõ gió)

Mõ gió là “đài thiên văn, khí tượng” sơ khai làm chức năng dự báo thời tiết của người H’rê. Đến nay, cũng đã hoàn toàn biến mất và đã được thay thế bằng chiếc radio, tivi, điện thoại di động, Internet,… để nghe dự báo thời tiết.

K’lajec (đàn nước)

Đàn nước, thực chất là một trong những nông cụ “dẫn thủy nhập điền” sơ khai nhất của người H’rê, đến nay đã hoàn toàn biến mất. Chúng được thay thế bằng các công trình kênh mương thủy lợi và những chiếc máy bơm nước…

Chinh k’van

Qua lời kể của nghệ nhân cao tuổi Đinh Ngọc Su ở thôn Tà Pa, xã Sơn Thượng, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi, chúng tôi mô tả sơ bộ như sau: chinh k’van cấu tạo gồm 3 ống nứa loại nhỏ, khi diễn tấu phải có 3 người để sử dụng.

Ling la, ravai và chiêng (8 chiếc)

Sách Các dân tộc ít người ở Việt Nam – các tỉnh phía Nam của Viện Dân tộc học, có viết về một số nhạc khí của người H’rê: “Ling la tựa cây sáo trúc, Ravai kết cấu theo lối khèn bè”; “Tại một số vùng cao, người H’rê có điệu múa rung ching mlinh có tám chiêng giữ nhịp”. (2)

Trong suốt quá trình khảo sát thực địa, chúng tôi đều không thấy những nhạc khí này. Chẳng hạn, chúng tôi đã nhiều lần phối hợp với các cơ quan: Viện Âm nhạc (thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (thuộc Bộ VH,TT&DL), Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Đà Nẵng, Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Ngãi và một số đoàn nghiên cứu nước ngoài (như: Đoàn nghiên cứu Dân tộc nhạc học, do GS. Nhật Bản Tamura Jumi phụ trách, v.v…). Điều này, giúp chúng tôi nhận định rằng, các nhạc khí có tên ling la, ravai , chiêng (8 chiếc) của người H’rê, như sách này đã nêu, có khả năng đã biến mất trong đời sống âm nhạc của cộng đồng.

Đối với dân ca, hình thức hát kaêh (hát đồng dao) của trẻ em H’rê đã mai một từ rất lâu. Theo chúng tôi, ít nhất là từ thế hệ ông bà của các em thiếu nhi hôm nay đã không còn hát đồng dao. Tuy nhiên, trẻ em H’rê không hát (không biết) đồng dao không có nghĩa là các em không có sinh hoạt ca hát. Ngược lại, các em tham gia rất nhiều vào các chương trình hát tiếng phổ thông (tiếng Việt) do nhà trường, đoàn đội và địa phương tổ chức.

Những trường hợp đang thu hẹp

Theo thời gian, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, các bài chinh cầu mùa, như: Túc k’oa(Tiếng ếch nhái),Túc h’lay(Tiếng thác đổ), Túc tuguốc(Tiếng chim báo mưa); Hát cúng (t’jeo) , hát khóc (taoi) , hát ru con (vađhôcon), Hát giao duyên (talêu) , Hát kể chuyện (tamon) (tương đương với hát khan của một số tộc Tây Nguyên, giới nghiên cứu gọi bằng thuật ngữ: sử thi), đã bị thu hẹp và mai một đáng kể.

Hát kachôi là thể loại chỉ dành riêng cho người lớn tuổi, để trò chuyện về việc khuyên dạy con cháu, dựng vợ gả chồng… đến nay cũng đã mai một nhiều.

Qua khảo sát điền dã và tìm hiểu, việc nam nữ thanh niên H’rê trò chuyện bằng tiếng mẹ đẻ ngày càng hiếm. Qua đó, cũng cho biết rằng, việc hát talêu diễn ra tự nhiên trong sinh hoạt cộng đồng, tuy vẫn tồn tại nhưng rất hiếm hoi.

Những trường hợp đang phổ biến

Hiện nay, các nhạc khí chinh, tàvố, b’rooc và hát talêu c ủa người H’rê đang phổ biến về mặt không gian sử dụng. Những trường hợp này, hiện đang phổ biến bằng 2 cách: trực tiếp và gián tiếp.

Phổ biến trực tiếp

Phổ biến trực tiếp có 2 trường hợp, đó là được các nghệ nhân truyền dạy và việc tham gia biểu diễn trong các chương trình văn hóa nghệ thuật ở cấp huyện, tỉnh và quốc gia. Chẳng hạn, trong những năm qua, các nhà văn hóa ở những huyện người H’rê đều tổ chức truyền dạy âm nhạc dân gian. Các lớp học này, đã được những nghệ nhân xuất sắc như: Đinh Ngọc Su, Đinh Văn Ước, v.v… trực tiếp truyền dạy. Bên cạnh việc phổ biến trực tiếp qua việc truyền dạy, một số nghệ nhân còn trực tiếp tham gia biểu diễn trong nhiều dịp khác nhau. Cụ thể là, các ngày hội văn hóa của huyện, tỉnh Quảng Ngãi, ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số toàn quốc, liên hoan cồng chiêng Tây Nguyên và tham gia biểu diễn nhạc cụ dân gian tại Hàn Quốc năm 2010, 2011, v.v…

Phổ biến gián tiếp

Ngoài cách phổ biến trực tiếp như trên, nhạc khí H’rê còn được phổ biến bằng cách gián tiếp. Một trong những cách phổ biến gián tiếp hữu hiệu nhất, là thông qua kênh của các Đài Phát thanh – Truyền hình. Từ nhiều năm qua, các chương trình phát sóng về văn hóa âm nhạc, tập hát dân ca H’rê của Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ngãi, đã góp phần phổ biến gián tiếp các giá trị văn hóa âm nhạc của người H’rê.

Giao lưu và biến đổi liên quan tới môi trường xã hội

Sự giao lưu và biến đổi của âm nhạc dân gian H’rê có liên quan tới môi trường xã hội và không gian văn hóa. Những biến đổi trong chức năng và bài bản được diễn ra khá sâu sắc trong quá trình này. Hiện nay, do xu thế bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, nên các nhạc khí gần mai một lại được khuyến khích khôi phục.

Những biến đổi trong chức năng

Những biến đổi trong chức năng âm nhạc của nhạc khí người H’rê, có thể thấy trong các trường hợp sau:

Từ chức năng biểu diễn đến chức năng trưng bày 

Vốn xưa kia, nhạc khí của người H’rê được làm ra nhằm mục đích trình diễn phục vụ cho đời sống tinh thần của chính họ. Tuy nhiên, từ những năm gần đây, những nhạc khí này được sử dụng cho việc trưng bày, giới thiệu ở các Nhà truyền thống, Bảo tàng, Khu du lịch và một số quán cà phê. Ngoài việc sử dụng để diễn tấu, chinh, b’rooc, k’râu là những nhạc khí thường được chọn để trưng bày.

Từ biểu diễn trong cộng đồng đến biểu diễn ngoài cộng đồng

Nhạc khí H’rê gắn với môi trường văn hóa của cộng đồng, thậm chí nó còn gắn với từng cá nhân, như đàn b’rooc, k’râu. Việc đưa những giá trị này lên sân khấu, nhằm phục vụ các cuộc mittinh, hội nghị, tổng kết, hoặc giới thiệu, quảng bá ở một số khu du lịch, v.v…là một sự biến đổi trong chức năng: từ biểu diễn trong cộng đồng đến biểu diễn ngoài cộng đồng.

Những biến đổi về bài bản

Những biến đổi về bài bản nhạc khí H’rê được thể hiện ở thời lượng của tiết mục biểu diễn và những biến đổi khác trong bài bản nhạc khí. 

Những biến đổi về thời lượng của bài bản

Các bài bản nhạc khí H’rê trước đây được nghệ nhân biểu diễn một cách ngẫu hứng, nên họ không quan tâm nhiều đến thời lượng biểu diễn. Việc lên sân khấu hội diễn, đã làm cho các tiết mục của nhạc khí bị cắt xén, đứt khúc để lắp ghép vào chương trình quy định.

Điều này, trái với thói quen trước đây của nghệ nhân. Cho nên, khiến họ từ thế chủ động trong biểu diễn sang thế bị động và làm cho hiệu quả tiết mục bị giảm sút, ít khi mang tính “xuất thần”. 

Những biến đổi trong bài bản âm nhạc

Sự biến đổi về chức năng âm nhạc, người biểu diễn, không gian biểu diễn, thời lượng tiết mục đã dẫn đến kết quả là:

Sự co giãn của bài bản do phải cắt xén hoặc bổ sung để gắn với việc sân khấu hóa.

Sự phức tạp trong bài bản khi diễn tấu do phải thay đổi người chơi. Việc thay đổi này, đã vô tình làm cho sự “ăn ý” của bạn diễn trước đây bị phá vỡ. Trong biểu diễn hòa tấu nhạc khí, sự “ăn ý” của những người cùng tham gia là rất quan trọng. Những người này, thường ở cùng một p’lây và thường xuyên là bạn diễn với nhau, nên hiệu quả biểu diễn được nhuần nhuyễn và có thể đạt đến sự tinh tế. Điều này, chắc chắn không thể một sớm một chiều mà có được. Cho nên, trong những trường hợp này, bài bản âm nhạc tộc người H’rê không mang tính điển hình và đặc sắc. Để đáp ứng cho việc biểu diễn trên sân khấu, việc tuyển chọn, lồng ghép diễn viên ở các địa bàn khác nhau là khó tránh khỏi. Với lại, ban tổ chức thường có xu hướng chọn những diễn viên trẻ đẹp từ các địa bàn về, hơn là những nghệ nhân tài năng để xây dựng chương trình biểu diễn sân khấu.

Việc làm này, có cái được và cái không được: Cái được là sự lan tỏa ở môi trường rộng hơn, diễn viên từ các địa bàn có điều kiện giao lưu văn hóa; Cái không được là không thể hy vọng có những bài trình diễn hay và xuất sắc của người H’rê ở đây, vì các diễn viên “ăn ý” nhau đã không còn cơ hội chơi trong cùng một nhóm. 

Lực lượng học sinh H’rê hàng năm ở các trường phổ thông nội trú dân tộc của tỉnh Quảng Ngãi cũng đã vô tình làm biến dạng các giá trị âm nhạc ở p’lây mình. Qua nghiên cứu âm nhạc dân gian các huyện người H’rê trong tỉnh Quảng Ngãi, chúng tôi nhận ra rằng, các em học sinh H’rê học ở các trường phổ thông nội trú dân tộc trong tỉnh (đây là lực lượng rất đông đảo), là một trong những nguyên nhân trực tiếp có thể làm biến dạng các giá trị văn hóa H’rê ở các p’lây. Qua nhiều năm được học ở tỉnh lỵ, các em học sinh H’rê đã tiếp thu không định hướng và ảnh hưởng rất nhiều luồng âm nhạc phương Tây và gốc phương Tây. Nhiều em đã trở thành những nhạc công chơi organ, guitar… và dàn dựng các chương trình rất thông thạo. Sau khi tốt nghiệp, lực lượng này, hầu hết đã trở về các p’lây và trở thành “hạt nhân”, “cây văn nghệ số 1” của địa phương. Điều này, chúng ta không nên trách các em, vì nó thuộc về trách nhiệm của các cơ quan quản lý và chức năng, v.v...

Không gian biểu diễn của nhạc khí H’rê chính là nhà sàn, p’lây, nương rẫy…Hằng năm, như “đến hẹn lại lên” ở Quảng Ngãi thường tổ chức hội diễn, giao lưu văn hóa ở các xã, huyện trong tỉnh. Việc biến đổi về không gian biểu diễn của họ, thể hiện trong các cuộc hội diễn này. Ngoài ra, không gian biểu diễn của nhạc khí H’rê có khi còn mở rộng ra các tỉnh, thành trong cả nước và cả nước ngoài.

KẾT LUẬN

Tuy có sự phổ biến và lan tỏa ở một vài thể loại dân ca và nhạc khí, nhưng âm nhạc dân gian H’rê vẫn đang dần thiếu vắng trong đời sống cộng đồng. Trong những ngày vui, lễ cưới, chúng tôi thấy thiếu vắng âm nhạc của họ. Thay vào đó, là những âm thanh điện tử của các nhạc khí nước ngoài, vốn xa lạ với truyền thống văn hóa của người H’rê, như: organ, guitar điện tử, trống điện tử… Hiện nay, phần lớn lớp trẻ H’rê ít mặn mà với âm nhạc của họ. Theo đà này, nguy cơ mai một và biến mất các loại hình âm nhạc H’rê trong đời sống cộng đồng là không thể tránh khỏi.

Sự giao lưu và biến đổi liên quan tới môi trường xã hội còn được thể hiện về mặt sở hữu tài sản. Hầu hết các nghệ nhân tự làm ra nhạc khí cho mình, trừ trường hợp chinh, k’rengneng (lục lạc), họ phải mua hoặc đổi chác từ những nơi khác, nên nhạc khí H’rê thường là tài sản của cá nhân. Việc nhà nước, các tổ chức mua những nhạc khí H’rê để trưng bày ở các bảo tàng, trung tâm văn hóa thông tin, khu du lịch, v.v…chính là một sự biến đổi liên quan tới môi trường xã hội.

Do xu thế bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, những loại nhạc khí cổ sơ gần mai một của người H’rê như: tàvố,vàpút , akhung và amó , v.v… lại được khuyến khích khôi phục.

Miền núi Quảng Ngãi là nơi người dân phải gánh chịu nhiều gian khổ, đau thương dochiến tranh. Trong suốt quãng thời gian này, họ rất ít điều kiện để tổ chức những lễ hội truyền thống, cũng như các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian. Do chiến tranh, nhiều trường hợp người H’rê phải sống xa quê, nên thiếu sự gần gũi và cố kết cộng đồng. Nhiều thế hệ người H’rê do sinh ra trong chiến tranh, nên ít có cơ hội gắn bó với vốn văn hóa truyền thống của họ.

Hiện nay, vấn đề giao lưu tiếp biến văn hóa đã và đang diễn ra rất sôi động và mạnh mẽ. Điều này, đã làm cho các giá trị văn hóa truyền thống có sự biến đổi sâu sắc, như một thách thức không chỉ đối với âm nhạc dân gian H’rê, mà cả với âm nhạc dân gian của các dân tộc ở Việt Nam./.

Tài liệu thamkhảo

1.8. Viện Dân tộc học, 1984, Các dân tộc ít người ở Việt Nam – các tỉnh phía Nam , Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội,trang117,127.

2. Lê Quý Đôn,1977, Phủ biên tạp lục (tập I) , Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.

3. Quốc sử quán triều Nguyễn, 1970, Đại Nam thực lục (tiền biên), Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.

4. Quốc sử quán triều Nguyễn, 1970, Đại Nam nhất thống chí (quyển 5) , Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, trang 356-357.

5. H. Haguet, 1905, Noitice ethnique sur les Moi de la région de Quang Nga i( Ghi chép dân tộc học về những người Moi của miền Quảng Ngãi ) , Revue Indochinoise.

6. H. Maitre, 1912, Les jungles Moi ( RúMọi ) , Paris.

7. Nguyễn Trắc Dĩ,1972, Đồng bào các sắc tộc thiểu số Việt Nam (Nguồn gốc và phong tục) của, Bộ Phát triển sắc tộc ấn hành, Sài Gòn.

9. Tạ Hiền Minh (chủ biên),1996, Đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi của, Sở Văn hóa thông tin Quảng Ngãi.

10. Bùi Hồng Nhân (chủ biên), 2001, Quảng Ngãi - đất nước - con người - văn hóa (tái bản có bổ sung)củaSở Văn hóa thông tin Quảng Ngãi.

11. Lê Huy và Minh Hiến, 1994, Nhạc khí truyền thống Việt Nam , Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội.

12. Tô Ngọc Thanh,1995, Giới thiệu một số nhạc cụ dân tộc thiểu số Việt Nam , Nhà xuất bản Văn nghệ, Trung tâm Văn hóa dân tộc thành phố Hồ Chí Minh.

13. Lê Toàn, 2001 “Âm nhạc và múa dân gian tộc người Cadong, Co, H’rê tỉnh Quảng Ngãi”, Thông báo khoa học số 5, Viện Âm nhạc Việt Nam, trang 32-62.

VP