28/12/202314:58

BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT TRONG KHÔNG GIAN VĂN HÓA CÔNG CỘNG TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - PHẦN CUỐI

2.3 Ưu điểm, hạn chế

2.3.1 Ưu điểm

Như đã nêu trên, mỗi địa điểm biểu diễn nghệ thuật ở mỗi không gian công cộng khác nhau đã có những dấu ấn, phát huy được những hiệu quả khác nhau.

- Sân khấu Sen Hồng chủ yếu phục vụ cho các cháu thiếu nhi.

- Phố đi bộ Bùi Viện tập trung cho đối tượng khách nước ngoài vào các buổi tối cuối tuần.

- Trước sảnh Nhà hát Thành phố phục vụ người dân Thành phố và du khách vào các sáng Chủ nhật và chuyên về thể loại nhạc hòa tấu.

- Trước sảnh Bưu điện Thành phố phục vụ người dân Thành phố và du khách vào các sáng thứ bảy và chuyên về âm nhạc truyền thống.

- Đường đi bộ Nguyễn Huệ dành cho các sự kiện lớn, với không gian rộng, đẹp hơn nên thu hút được đông đảo hơn lượng công chúng tham dự.

2.3.2 Hạn chế

- Sân khấu Sen Hồng tuy có mặt bằng rộng, cũng ở khu vực trung tâm nhưng vì nằm khuất trong một công trình thuộc công viên 23 tháng 9, công tác quảng bá cũng không mạnh nên số lượng khán giả chưa được như mong muốn.

- Không gian biểu diễn nghệ thuật trên Phố đi bộ Bùi Viện có lợi thế nằm ngay “phố Tây”, dễ dàng thu hút du khách nước ngoài nhưng đan xen với các hoạt động dịch vụ khác, không có không gian rộng thoáng riêng biệt cũng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng biểu diễn và cảm nhận của người xem về những giá trị đích thực của nghệ thuật, đặc biệt là các giá trị của những loại hình nghệ thuật truyền thống.

- Các điểm trước sảnh Nhà hát Thành phố, Bưu điện Thành phố lại phải thường xuyên đối diện với vấn đề an toàn giao thông khi các phương tiện dừng lại để xem.

- Ngay đường đi bộ Nguyễn Huệ được cho là địa điểm đẹp nhất, thuận lợi nhất cũng vướng phải vấn đề giao thông vì không phải chương trình nào cũng tổ chức vào những ngày cuối tuần và nếu có tổ chức vào cuối tuần thì sân khấu cũng phải dựng trước vài ngày để chuẩn bị công tác tập luyện… Có những chương trình lễ hội kéo dài cả tuần lễ trên tuyến đường này nên vấn đề giao thông đã trở thành một trở ngại, phiền phức không ít cho người dân Thành phố khi phải cấm đường, phân lại làn, tuyến trong những ngày diễn ra các sự kiện.

- Các công viên như 23 tháng 9, Lê Văn Tám sau mỗi sự kiện cây cỏ, cảnh quan ở những không gian này đều phải đầu tư tái tạo lại.

Ngoài ra - Ý thức của một bộ phận người dân và du khách, kể cả người tham gia các hoạt động dịch vụ tại các tuyến đường đi bộ chưa cao cũng ảnh hưởng đến không gian công cộng về những vấn đề như giữ vệ sinh môi trường, cảnh quan công cộng. Tình trạng xả rác, sinh hoạt thiếu vệ sinh, thái độ ứng xử thiếu văn minh… cũng còn tồn tại, đó là rào cản cho công tác xây dựng nếp sống văn minh đô thị nói chung và ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng các điểm đến thật sự đẹp trong mắt của du khách gần xa.

3. KẾT LUẬN - GIẢI PHÁP

Tóm lại không gian công cộng không chỉ là nơi để giao tiếp, mà còn là nơi thỏa mãn nhu cầu về không gian sống của con người, là không gian sinh họat tập thể như giao lưu, biểu diễn, thưởng thức văn hóa nghệ thuật, lễ hội… là nơi mọi người có thể thư giãn, giải trí sau những giờ làm việc vất vả, đồng thời góp phần khơi dậy sự sáng tạo và phát triển của mỗi con người do đó với thực trạng không gian văn hóa công cộng tại Thành phố Hồ Chí Minh và các hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại các không gian này như đã nêu ở phẩn trên tôi xin có một số đề xuất sau:

- Thành phố cần quy hoạch thêm nhiều không gian văn hóa công cộng, quảng trường văn hóa với quy mô, thiết kế phù hợp với các hoạt động văn hóa nghệ thuật phong phú của một Thành phố năng động, trung tâm văn hóa nghệ thuật của cả nước, thậm chí là đáp ứng nhu cầu của các lễ hội mang tầm cỡ quốc tế như: “Lễ hội Văn hóa thế giới Thành phố Hồ Chí Minh - Gyeongju”, “Lễ hội âm nhạc HOZO”, “Lễ hội Thành phố Hồ Chí Minh – Phát triển và hội nhập”...

- Thành phố cần tạo điều kiện để các không gian văn hóa công cộng được duy trì, phát triển. Hiện nay hầu như các điểm biểu diễn nghệ thuật tại các không gian công cộng đã ngưng hoạt động, sân khấu Sen Hồng phải trả lại mặt bằng cho công viên 23 tháng 9 nên các hoạt động của sân khấu Sen Hồng đã có kế hoạch dời về rạp Công nhân, tuy nhiên địa điểm này đang trong thời gian sửa chữa nên tạm thời đưa về phục vụ tại các nhà thiếu nhi quận, huyện. Ngoài không gian trước sảnh Nhà hát Thành phố hiện đã hoạt động lại sau khi dịch Covid-19 tạm thời được khống chế ở Thành phố, các điểm còn lại như phố đi bộ Bùi Viện, trước Bưu điện Thành phố đều đã ngưng hoạt động không chỉ vì lý do phòng dịch mà còn cả lý do về kinh phí. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố tại đường đi bộ Nguyễn Huệ mới khai trương được vài suất vào tháng 7 năm 2020 đã phải tạm ngưng vì lý do phòng chống dịch, đang lên kế hoạch hoạt động trở lại.

- Thiết kế các chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố để phù hợp với các không gian công cộng nhỏ và vừa. Bố trí các không gian biểu diễn nghệ thuật tại nhiều địa điểm khác nhau trong địa bàn Thành phố để người dân có thể giao lưu, thưởng thức mà không phải tập trung về những khu vực trung tâm.

Xây dựng được các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại các không gian công cộng không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí, thưởng thức nghệ thuật của người dân mà còn để tạo nên không gian văn hóa công cộng đặc thù cho Thành phố, góp phần thu hút du khách và quảng bá nghệ thuật Việt Nam nói chung và nghệ thuật truyền thống Việt Nam nói riêng ra với bạn bè thế giới.

Ths Nguyễn Cẩm Lệ - Chuyên viên Phòng Nghệ thuật Sở VHTT – Hội viên Hội Âm nhạc Thành phố