25/01/202410:35

BIỂU DIỄN, SƯU TẦM NGHIÊN CỨU ÂM NHẠC VÀ NHỮNG BÀI BÁO, THAM LUẬN TỪ CÁC NHẠC SĨ ĐỒNG HÀNH CÙNG HỘI VÀ ĐẤT NƯỚC - Phần 1

Tóm tắt tham luận: Hoạt động v ề : biểu diễn; đào tạo; sưu tầm khảo sát nghiên cứu âm nhạc; xây dựng các đội văn nghệ không chuyên trong các đơn vị hành chính sự nghiệp; khuyến khích sử dụng âm nhạc Việt Nam trong một số mô hình hoạt động nâng cao thể chất sức khỏe, có kết quả và tạo thành sản ph ẩm; viết bài đăng báo và viết tham luận tham gia hội thảo, đăng trong kỷ yếu và trong các tạp chí chuyên ngành âm nhạc. Các hoạt động ấy đồng hành cùng đời sống âm nhạc của Đất Nước và Hội Âm nhạc TP.HCM.

Những ca khúc vang lên từ năm 1975 đến năm 1980 là những ca khúc mang đến thống nhất toàn vẹn lãnh thổ đồng hành cùng những sáng tác mới ngợi ca toàn thắng. Có thể nói đại thắng mùa xuân 1975 đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi, mở ra một giai đoạn mới rạng rỡ. Sự kiện vĩ đại ấy là nguồn cảm hứng lớn lao, mãnh liệt cho các nhạc sĩ. Năm 1975: Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng (Phạm Tuyên). Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh(Xuân Hồng). Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà). Tiếng hát từ thành phố mang tên Người (Cao Việt Bách. Đăng Trung)... Năm 1979: 40 thế kỷ cùng ra trận (Hồng Đăng)…

Trong cuộc đánh quân Trung Quốc xâm lược năm 1979 khi đó có 6 cặp vợ chồng người Mèo chiến đấu anh dũng quả cảm. Nhà Văn Hóa quận 3 đã tạo một tác phẩm múa độc lập ca ngợi tinh thần anh dũng quả cảm chống lại quân xâm lược, tác phẩm múa mang tên Cuộc chiến đấu còn tiếp diễn.Biên đạo múa Anh Đào (diễn viên múa của Đoàn Ca Múa Nhạc Bông Sen). Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn được mời viết nhạc cho tác phẩm.

Năm 1980 có khoảng 400 nhóm ở phường xã và gần 300 nhóm ở các xí nghiệp của Thành phố. Các ban nhạc thường có hai nhạc công sử dụng hai đàn guitar (lead và bass), một nhạc công sử dụng organ, và một nhạc công chơi trống jazz.

Để đáp ứng đầy đủ cho một tác phẩm múa độc lập Cuộc chiến đấu còn tiếp diễn có nhiều kịch tính có cả tình huống hy sinh, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã tăng cường thêm cho Ban nhạc của Nhà Văn Hóa quận 3, thành là ba violon, đàn organ, 1 kèn clarinet, 1 kèn saxophon, 1 dàn trống jazz, và nhờ tôi chỉ huy. Tác phẩm múa được Quận đem đi thi trên Thành phố và xuất sắc đạt Huy chương Vàng của Thành phố. Thêm một vinh dự, tác phẩm múa Cuộc chiến đấu còn tiếp diễn được Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh HTV mời đến trường quay của Đài để ghi thu hình. Thời kỳ đó một vở múa, một chương trình hay một tiết mục ca múa đặc sắc lắm mới được mời lên trường quay của Đài ghi hình sau đó phát lên sóng. Đó là năm 1980 trước năm thành lập Hội Âm Nhạc. Ngày 28/11/1981 thành lập Hội ÂmNhạc Thành phố Hồ Chí Minh, nơi hội tụ của các Chi hội âm nhạc hiện nay.

Những năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Giáo sư Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam, phân công nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhạc sĩ Nguyễn Văn Hoa (1937 - 2015) đặc trách sưu tầm và nghiên cứu dân ca từ miền Đông đến miền Tây Nam Bộ. Những chuyến đi sưu tầm dân ca đã tạo ra sản phẩm sách: Dân ca Bến Tre 346 trang: minh họa (1981). Dân ca Kiên Giang 483 trang: minh họa, 6 tờ tranh ảnh màu(1985); Dân ca Cửu Long 391 trang: minh họa (1986); Dân ca Hậu Giang 666 trang: minh họa (1 phần màu)(1986); Dân ca Sông Bé 613 trang: tranh ảnh, nhạc (1991); Dân ca Đồng Tháp 480 trang, 32 tờ đính (tranh ảnh 1 phần màu): nhạc, bản đồ (1995).

Đoàn người đã đi, đi nhiều lắm, đi đến từng ngôi làng, chòm xóm của các tỉnh Bến Tre, Kiên Giang, Cửu Long, Hậu Giang và còn đi nữa, chưa chịu ngừng... Khi đoàn người đi gần hết tỉnh Sông Bé là lúc tôi “đuổikịp” và gia nhập đoàn: Đoàn sưu tầm dân ca Nam Bộ. Người lớn nhất trong đoàn so với người trẻ nhất có độ dày thời gian cách nhau 30 năm. Đoàn chúng tôi như một gia đình hạnh phúc.

Chúng tôi đi, có các bạn thanh niên trong xã, ấp dẫn đường. Chúng tôi dừng lại ở một “kho” nào đó để thu ghi, có các em nhỏ xúm quanh. Các em nghe âm thanh câu hò, điệu hát mà diễn tả thật đơn giản, cụ thể như thấy bằng mắt, cầm bằng tay: “Cái này bà ngoại con nhiều lắm”; “dì Năm bên nhà làm tối ngày”.

Chúng tôi theo các em đến nhà bà ngoại, rồi đến nhà dì Năm... Trong lúc chúng tôi thu, các dì còn chỉ dẫn thêm làng trên, xóm dưới có bà Năm hò cấy, chú Tư hò ghẹo, hò o mèo...

Trẻ em đông, người lớn cũng đông, các dì, các bà, các chú đi chợ, đi ruộng về ngang qua, thấy đông, ghé xem để biết sự tình... Thế là chúng tôi thu mệt nghỉ, “kho tàng” thì di động, còn người khai thác được ngồi một chỗ mà dồn của cải vào hầu bao. Các dì còn giữ lại ăn cơm, cơm gạo mới thơm phức; rồi lại còn hẹn ngày mai quay lại, “tao còn nhiều lắm, thiếu gì”.

Miền Đông, đất Sông Bé hẳn là đất đỏ, đồi núi, rừng nhưng cũng không thiếu những đồng ruộng rộng lớn, cộng với cái nắng của tiết trời tháng tư đổi mùa, đang đổ xuống lại thấy ruộng đồng lớn hơn thêm. Anh thanh niên dẫn đường lấy thuốc ra châm hút rồi dẫn chúng tôi xuống đường ruộng, tôi chạnh lòng nghĩ đến vượt tuyến băng lộ thời chiến tranh. Cái nghĩ thoáng ấy cũng qua nhanh, bởi cái ruộng nước chúng tôi đang đi ngang nhắc nhớ đến câu hò: “Ruộng gò cấy lúa Ba Xe/ Thấy em còn nhỏ anh ve để dành”, “Ruộng gò cây lúa Nàng Co/ Thương anh thương đại để anh gò mất công”.

Tôi đi cuối cùng, nhìn thấy mẩu thuốc dưới đường, sợi khói nhỏ cuối cùng yếu ớt bay lên. Hàng tre ven làng làm dịu cái nắng. Con đường băng ruộng chúng tôi vừa qua khỏi, chỉ dài bằng một điếu thuốc! Tôi nghĩ đến cách diễn tả thời khắc của ông bà trong dân gian “Không xa đâu, đốt hết điếu thuốc là tới”, hay “Gần thôi, nhai dập miếng trầu là thấy” thật gần gũi, rõ ràng.

Đoàn sưu tầm dân ca Sông Bé có nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, nhà thơ Lê Giang, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hoa, nhà thơ Từ Nguyên Thạch (Hội Văn học Nghệ thuật Sông Bé), nhạc sĩ Lê Anh Trung và tôi cùng các anh chị của địa phương. Ngày cuối cùng 29/7/1988, tôi chính thức được giao chức tổ trưởng nhóm trẻ đi sưu tầm dân ca, thơ ca hò vè gồm 4 người: tôi, nhạc sĩ Lê Anh Trung, anhThanh Hải (quê ở Sông Bé), chị Kim Huê (sinh ra và lớn lên ở Bình Dương, Sông Bé). Vậy là hoạt động đóng góp của tôi vào mảng sưu tầm đã tiến thêm. Chúng tôi đi tìm kho báu vô hình, nhạc sĩ Phan Nhân viết ca khúc Như mây lang thang , Thân thương tặng đoàn sưu tầm dân ca Nam Bộ. (Nhạc sĩ Phan Nhân 1930 – 2015).

Chúng tôi lại lên đường đến tỉnh Đồng Tháp. Đoàn sưu tầmđã đi khắp địa bàn của 2 thị xã Cao Lãnh, Sa Đéc và chín huyện: Cao Lãnh, Tháp Mười, Thanh Bình, Tam Nông, Tân Hồng, Hồng Ngự, Châu Thành, Lai Vung và Thạnh Hưng. Đồng Tháp là một trong những nơi có một trữ lượng dân ca – ca dao hết sức dồi dào, phong phú và đa dạng.

Khoảng tháng 5 năm 1992, chúng tôi về huyện Tháp Mười, bắt đầu thực hiện dự án công trình sưu tầm Dân ca Đồng Tháp. Nhạc sĩ Phạm Khiêm thay mặt Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp đưa chúng tôi về xã Tân Kiều, nơi đây có những giọng “hò chiến” trong các vạn cấy ngày xưa. Ngồi vỏ lãi phóng “nước kiệu”, dưới nắng chói chang, mồ hôi nhễ nhại, mọi người đều uể oải. Có một chiếc vỏ lãi đang chạy ngược chiều. Khi hai chiếc vỏ lãi lướt qua, bỗng Phạm Khiêm vọt đứng lên, kêu lớn: “Chú Bảy ơi, Chú Bảy… cháu là thằng Khiêm đi kiếm chú đây nè!”. Thật là may mắn! Sau khi nghe chúng tôi năn nỉ, ông Bảy Ngô Trung Trực (73 tuổi) và bà Lê Thị Luân (62 tuổi), hoãn chuyến đi dự đám cưới, rồi cho vỏ lãi quay đầu, đưa Đoàn sưu tầm về nhà của hai ông bà.

Còn tiếp...