29/06/202311:06

BƯỚC PHÁT TRIỂN VÀ CHUYỂN HÓA CỦA BẢN VỌNG CỔ - PHẦN 2

2. Bước chuyển hóa của bản Vọng cổ

2.1. Vọng cổ nhịp 16 (1938-1945)

#1. Theo HOÀNG SƠN VIỆT, Vọng cổ 8 mở thành nhịp 16 vẫn do công của nhóm nhạc sĩ đoàn TRẦN ĐẮC và soạn giả của một bài ca có câu vô đầu “ Ngàn dặm xa xăm cánh nhạn xòe” , khoảng 1935-1936[1]. Theo TRẦN PHƯỚC THUẬN[2] công này là của MỘNG VÂN, tuy nhiên tác giả không nêu dẫn chứng cụ thể.

Từ thông tin trên cho thấy, Vọng cổ 16 có thể đã xuất hiện trong khoảng 1935-1936 tức không lâu sau khi phát triển lên nhịp tám. Tuy nhiên cũng không loại trừ đó là bài ca mang nhịp 8 láy 16, vì không có bằng chứng cụ thể nào về văn bản hay âm nhạc.

Theo KIỀU TẤN[3], lúc này trong giới nhạc sĩ cổ truyền xuất hiện nhiều danh cầm được nhiều người biết đến, như: ARMAND THIỀU, CHÍN HÒA, BA KÉO, BA CẬY, HAI NÉN, HAI NHÀNH (Sài Gòn), GIÁO TIÊN (Rạch Giá)… đã từng bước thể nghiệm đưa ghita phím lõm đờn độc chiếc hoặc hòa đàn cùng violon , tạo nên âm sắc mới, thêm chất trữ tình, du dương cho bài ca Vọng cổ . Đồng thời, các nhạc sĩ cũng cố gắng tìm tòi, sáng tạo chữ đờn Vọng cổ cho nữ ca trên cung bậc phù hợp với giọng của mình. Điều này kích thích các soạn giả đặt bài ca Vọng cổ nhắm tới danh ca được yêu thích với các đề tài phù hợp cho nam/nữ. Từ đó, nổi lên các tài tử ca lừng danh như: TƯ SẠNG, TƯ BÉ, HAI ĐÁ, NĂM NGHĨA, TÁM THƯA, TÁM BẰNG… với những bài ca nổi tiếng: Khóc mồ bạn, Sao hôm lốm đốm điểm thưa rồi, Thức trót canh gà, Đêm khuya trông chồng, Tình mẫu tử … thông qua đĩa hát của các hãng Pathé, Béka, Odéon, Asia đã đưa Vọng cổ 16 đến với nhiều người hâm mộ.

Chi tiết trên đã được BẢY HÀM lúc sinh thời xác nhận: ông đàn guitar phím lõm , THỌ đàn cò , cô TƯ SẠNG ca bài Vọng cổ 16 Tình mẫu tử , đĩa Asia, năm 1938.

Trích câu đầu[4] (KIỀU TẤN ký âm):

Như vậy, có thể tin rằng Vọng cổ 16 được mở nhịp chính thức từ năm 1938.

#2. Ở nhịp 16, nhạc đờn và giai điệu lời ca Vọng cổ đã có thể tách rời một cách độc lập về mặt ngữ điệu. Chính nhờ vậy mà vào năm 1947, ÚT TRÀ ÔN qua bài Tôn Tẩn giả điên của vị YẾT-MA (tu sĩ Phật giáo), nhịp 16 thúc, với làn hơi thiên phú, giọng ca tượng hình và đa dạng về màu sắc, kết hợp lối buông nhịp mới mẻ và sáng tạo kiểu nói trong ca [thơ Vân Tiên, hò với nhiều hơi nhạc…] đưa vào trong lòng câu, đã mở ra kỷ nguyên mới cho bản Vọng cổ .

Trích 2 câu đầu[5] (KIỀU TẤN ký âm):

 

Với cấu trúc mô hình, khung giai điệu Vọng cổ 16 chủ yếu vẫn ở các nhịp chẵn, còn các nhịp lẻ được linh hoạt. Riêng câu 1, câu dạo được bắt đầu n5 và kết thúc ở n8, và Hò 2 là n10. Mỗi câu có hai nhịp song lang vào n12 và n16. Sau dứt mỗi câu có câu “chầu” hay “thòng” cho nhạc đờn, chiếm từ bốn đến sáu nhịp.

Khoảng đầu thập niên 1950, qua đĩa hát đã thấy xuất hiện các bài ca Vọng cổ 16 có câu vô giống như hiện nay và câu Hò 2 vẫn bỏ trống lời ca.

Một trong những bài ca Vọng cổ 16 rất phổ biến vào thời ấy là Sầu vương biên ải của THÁI THỤY PHONG, do ÚT TRÀ ÔN ca, đĩa Hoành Sơn, 1952 có hình thức này.

Trích câu đầu[6] (KIỀU TẤN ký âm):

Nói lối:

Khi nhìn trời hiu quạnh

Rừng đêm sương gió lạnh

Hướng quê nhà lòng thêm chạnh tủi niềm riêng

Em ơi, muôn dặm xa xôi

Xin em giữ vẹn hương nguyền

Để cho người cô lữ khỏi nặng mang điều tủi hận.

(*) Ở nhịp này, người đờn có thể vào Hò ngay láy tức bỏ qua phách 1, 2 [theo nhạc lý phổ thông] nên nhịp chỉ còn 2 phách cuối.

Khi nghe Vọng cổ 16, nếu không biết trước, thật khó có thể nói đó là thoát thai từ bài Dạ cổ hoài lang . Bởi lúc này khung nhịp được mở rộng khá lớn, cách biệt so với nhịp gốc đến tám lần và phát triển với nhiều mốc nhịp mới, các câu dạo, câu chầu, nhịp song lang cùng trộn lẫn nhiều nét mới lạ trong bài ca… Có thể nói, đây là bước chuyển hóa của bài Dạ cổ hoài lang sang một dạng bài bản khác, kết quả từ “mối quan hệ phái sinh – Vọng cổ sinh ra từ Dạ cổ hoài lang , chứ không còn là mối quan hệ phát triển – Dạ cổ hoài lang lớn lên thành Vọng cổ ”[7] nữa. Có lẽ cũng vì đó, đối với giới tinh hoa nhạc Tài tử, một thời đã không xem Vọng cổ từ nhịp 16 trở đi thuộc dòng nhạc Tài tử mà thuộc về Cải lương.

2.2. Vọng cổ nhịp 32 (1945 – nay )

1. Theo HOÀNG SƠN VIỆT[8], động cơ thúc đẩy tăng nhịp từ 16 lên 32 là do các nhạc sĩ thích đờn “gút mắc”, muốn “kình nghề” với nhau khiến các danh ca lúc bấy giờ như: SÁU VỊ, BA TÚY, NĂM NGHĨA, BẢY CAO, BẢY KIÊN, ÚT TRÀ ÔN… phải tìm cách đáp ứng, thủ thế. Đây là cách thường hay thấy trong sinh hoạt đờn ca tài tử thời bấy giờ, tức người đờn chơi với lối đờn “mắc mỏ”, tài tình, gây khó khăn cho người ca để thử xem tài nghệ đối phương cỡ nào. Những nhạc sĩ cổ nhạc theo khuynh hướng này ở rải rác khắp nơi, điển hình như: ÚT BÚNG, MỘT, CHÍN HÒA (Sài Gòn)…, MƯỜI KHÓI (Bạc Liêu)… Chính các nhóm nhạc sĩ này đã tạo ra hiệu ứng “chẻ” nhịp 16 ra làm đôi, thúc nhịp ngoại gần như trọn vẹn câu đờn, để rồi hình thành Vọng cổ 32 lúc nào không hay. Điều này cho thấy ở nhịp 32, vai trò nhạc sĩ góp công rất lớn trong sự chuyển hóa của bản Vọng cổ . Tiếc là tác giả bài viết không xác định người khởi xướng cũng như năm xảy ra sự kiện.

Theo TRẦN PHƯỚC THUẬN[9], NĂM NHỎ tức TRẦN TẤN HƯNG là người đầu tiên thực hiện việc chuyển đổi Vọng cổ từ nhịp 16 thành 32 và từ 20 câu rút lại còn 6 câu (?). Sự việc này được NĂM NHỎ độc tấu ghita phím lõm năm 1941 tại Bạc Liêu và có bản đờn lập thành [bản đờn kìm ] in trong cuốn Ca nhạc cổ điển điệu Bạc Liêu [10]. Tuy nhiên, TRẦN PHƯỚC THUẬN cũng không đưa ra được những chứng cứ thuyết phục cho thông tin này.

Vọng cổ 32 cứ thế diễn ra mà không có sự kiện bài ca – ca sĩ nổi trội nào đánh dấu như trường hợp của Văng vẳng tiếng chuông chùa – NĂM NGHĨA và Tôn Tẩn giả điên – ÚT TRÀ ÔN.

Liên hệ với nguyên nhân và sự kiện ra đời dây Lai của ghita phím lõm [11], vào khoảng 1948-1949, các nhạc sĩ ghita phím lõm đã sáng tạo ra dây Lai nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển trở giọng Hò của nam/nữ [trong nghề gọi là “lật” dây] trên cùng một hệ thống dây. Chính nhờ có sự lật dây này, theo NGUYỄN HỒNG DUNG[12], mà từ đó các nhạc sĩ tích cực mở nhịp với nhiều chữ đờn tinh tế hơn, soạn giả có điều kiện phóng bút “gài” câu ca cho ca sĩ hát thoải mái hơn và vận dụng đưa vào trong tình huống có sự giao lưu nam/nữ đắt giá hơn. Vọng cổ bước sang nhịp 32 trong sự sáng tạo ấy của các bậc tiền bối.

Chi tiết của HOÀNG SƠN VIỆT, thời điểm ra đời của dây Lai và ý kiến của NGUYỄN HỒNG DUNG phù hợp với nhận định của nhiều nghệ nhân, nhạc sĩ mà chúng tôi tìm hiểu – cho rằng khoảng cuối thập niên 1940 mới có Vọng cổ 32. Tuy nhiên, trong cuốn Ca nhạc cổ điển điệu Bạc Liêu của TRỊNH THIÊN TƯ, tác giả có bài Vua thoái vị đi tu , ghi là Vọng cổ (nhịp 64 hay 32 lơi) và cuối bài ghi sáng tác năm 1946. Trích câu đầu[13]:

Mặc dầu ngày nay trẫm kế nghiệp tiên vương lên ngôi nhứt thống sơn...

Trên văn bản, tuy phân nhịp 64 nhưng căn bản cũng chỉ là nhịp 32 (có lẽ phân nhịp với mục đích tập ca cho dễ hoặc là một dạng quá độ nhịp 32 lên 64). Bài này cho thấy, từ năm 1946 đã có Vọng cổ nhịp 32 nhưng ít được ai biết đến.

Qua các dẫn chứng trên cho thấy, Vọng cổ 32 có thể đã khởi phát từ trước bài Vua thoái vị đi tu – 1946, tạm ước khoảng năm 1945 và sau đó được phổ biến rộng rãi vào khoảng những năm cuối thập niên 1940.

Vào thời này, câu vô Vọng cổ với lối ca Tài tử vẫn là phổ biến, như trong bài Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê , TẤN ĐẠT ca sau đây.

Trích câu đầu[14] (KIỀU TẤN ký âm):

Sau đó, ở lối ca Cải lương bắt đầu hình thành câu vô Vọng cổ hoàn chỉnh giống như hiện nay tuy có ngắn hơn và soạn giả mới viết lời thêm cho “láy” Hò 2.

Đại diện cho Vọng cổ 32 thuộc loại này vào thời bấy giờ (khoảng 1955-58), theo TRẦN VĂN KHẢI[15], là bài Đội gạo đường xa của KIÊN GIANG, HỮU PHƯỚC ca, đĩa Lam Sơn.

Trích câu đầu[16] (KIỀU TẤN ký âm):

Nói lối:

Thầy Tử Lộ vào chầu Khổng Tử

Gục đầu nức nở khóc như mưa

Nhớ những ngày rau cháo muối dưa

Con đội gạo đường xa nuôi mẹ.

Với cấu trúc mô hình, khung giai điệu Vọng cổ 32 vẫn ở nhịp chẵn nhưng vào các nhịp số 4, 8, 12, 16, 20, 24, 28 và 32 tức có 8 vế, mỗi vế[17] có 4 nhịp. Sau dứt mỗi câu có câu “thòng” [gồm 2 vế đầu] dành cho nhạc đàn và có thể nhiều hơn một vế tiếp theo [vế 3] – gọi là câu “lợi”. Mỗi câu có hai nhịp song lang vào n24 và n32.

Riêng câu 1, với Vọng cổ Tài tử, câu dạo được bắt nhịp lấy đà từ n11 qua n12 và kết thúc ở n16, kế tiếp là câu vô đến n20; còn với Vọng cổ Cải lương , câu dạo được thay bằng câu vô và có thêm láy Hò 2.

Hệ thống cấu trúc bản Vọng cổ từ nhịp tám đến nhịp 32[18]

*) Ghi chú: câu 3 = câu 11/15/19; câu 4 = câu 12; câu 8 = câu 10/14; câu 16 = câu 20.

2.3. Vọng cổ nhịp 64 (thập niên 1960)

Cũng theo HOÀNG SƠN VIỆT[19], tiếp theo khi một số nhạc sĩ “phá” ca sĩ bằng lối đờn chẻ nhịp 16 lên gấp đôi tức nhịp 32 thì, sau đó một số ca sĩ tài danh mà nổi bật là danh ca Sáu Vị, đã tìm cách thủ thế bằng lối ca chẻ nhịp 16 lên gấp bốn tức nhịp 64. Và một thời gian sau, để đối phó, số nhạc sĩ này đờn theo cách phân nhịp ra thành 128!

Thực ra, gọi là “nhịp 64”, “nhịp 128” nhưng nó không có ý nghĩa về mặt mở nhịp. Đây chỉ là cách “ni” [nhịp] thêm “láy” và nhấn thêm trọng âm, cơ bản vẫn là nhịp 32. Tức là với tốc độ thích hợp, khi nhịp theo trường canh (measure) nó là nhịp 32, nhịp theo 2/2 [nhịp chính bằng chân phải, nhịp láy bằng chân trái] nó là nhịp 64 và nhịp theo 1/4 nó là nhịp 128. Các bài Vọng cổ 32 đặt nhiều ca từ thường được ca sĩ vận dụng với nhịp 64, còn người đờn hòa theo cũng với nhịp 64 hoặc 128 cho dễ kiểm soát nhịp.

Một trong số bài Vọng cổ 64 được nhiều người biết đến là Khổ thân già của soạn giả QUY SẮC, do VĂN HƯỜNG ca vào khoảng thập niên 1960.

Trích câu đầu[20] (KIỀU TẤN ký âm):

Vợ một thì nằm giường lèo

Vợ hai co rút chèo queo một mình.

Không phải tôi chỉ trích những vị nào lỡ đẹp trai nên bị nhầm hai vợ, tôi thuật chuyện này để quý ngài nghe mà sợ. Sợ để đừng sán vào cái cảnh hai vợ mà khổ cái thân…

[1] HOÀNG SƠN VIỆT (13-02-1966): Bài viết kể lại giai thoại nhóm tài tử Bến Tre đờn cho cô BA GÕ ca bài này (tạm dấu tên soạn giả), Vọng cổ nhịp 16, có từ trên ba mươi năm trước (tức khoảng 1935-1936).

[2] TRẦN PHƯỚC THUẬN (2014, tr. 77).

[3] https://www.asian-european-music-research-ej.com/

[4] Tư liệu cá nhân (1938).

[5] Tư liệu cá nhân (1947).

[6] Tư liệu cá nhân (khoảng năm 1952).

[7] Xem TÔ VŨ (2002, tr. 138).

[8] HOÀNG SƠN VIỆT (20-2-1966).

[9] TRẦN PHƯỚC THUẬN (2014, tr. 109-110).

[10] Xem TRỊNH THIÊN TƯ (1962, tr. 182-187).

[11] Xem KIỀU TẤN (1997, tr.67-69).

[12] NGUYỄN HỒNG DUNG (2010, tr 101).

[13] TRỊNH THIÊN TƯ (1962, tr. 202).

[14] Tư liệu cá nhân (1992).

[15] TRẦN VĂN KHẢI (1970, tr. 124-125).

[16] Tư liệu cá nhân (khoảng 1955-58).

[17] Có nơi gọi mỗi vế này là “tầm-bo”/ “lái” (không phải “láy”).

[18] Vọng cổ 32 theo giáo trình của Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TPHCM.

[19] Xem HOÀNG SƠN VIỆT (20-2-1966).

[20] Tư liệu cá nhân (thập niên 1960).

Còn tiếp...