06/07/202309:39

BƯỚC PHÁT TRIỂN VÀ CHUYỂN HÓA CỦA BẢN VỌNG CỔ - PHẦN 3

3. Những hình thức và nội dung tạo nên chuyển hóa của bản Vọng cổ

Từ nhịp 16 trở đi, bản Vọng cổ ngoài yếu tố mở nhịp, pha trộn các hơi-điệu trong câu ca, còn có các hình thức mới lạ mà trước đó ở bản Dạ cổ hoài lang không có. Chính những hình thức mới mẻ này là yếu tố cơ bản tạo nên sự chuyển hóa, biến đổi Vọng cổ thành một dạng bài bản khác. Bên cạnh đó, phần nội dung với những đề tài châm biếm, trào phúng cũng góp phần thay đổi diện mạo của bản Vọng cổ .

Có thể chỉ ra một số nét chính như sau:

3.1. Câu dạo

Từ nhịp tám trở đi đã bắt đầu có câu dạo trước khi vô Vọng cổ [theo lối Tài tử]. Trong quá trình hoàn thiện, tuy có thể khác nhau về cách gài vô nhịp, âm định nhịp nhưng đa phần đều thống nhất khung giai điệu cơ bản là: Liu – Xê – Xề – Hò, với sự độc tấu khởi đầu cho đến nhịp Xề thì vào nhịp và cũng là lúc tất cả nhạc khí hòa theo, nếu có.

3.2. Câu vô Vọng cổ và câu láy Hò 2

Ở nhịp 32, đặc biệt và độc đáo nhất trong lối ca Cải lương là câu “vô” Vọng cổ . Người ca thoải mái sáng tạo nét giai điệu với nhịp điệu tự do trong vòng một hoặc hai hơi ca. Thường có hai nửa câu: ca vô đến cuối nửa đầu tạm treo với âm Liu hoặc Cống, rồi từ từ hướng cho nét nhạc đi xuống đến từ áp chót của nửa sau bằng âm Xang treo lơ lửng, luyến qua Hò và chính thức xuống Hò [n16] để kết thúc câu vô Vọng cổ [khán thính giả vỗ tay…].

Đây được coi là những gì tinh túy nhất của câu vô Vọng cổ 32, là cả một nghệ thuật có giá trị độc lập về mặt sáng tạo mà không mô thức nào của bất cứ loại nhạc nào trên thế giới có.

Với lối ca Cải lương, cũng ở nhịp 32 mới có câu ca Hò 2 [4 nhịp] tiếp theo cho câu vô Hò 1. Ngoài ra khi xuống Hò 1 ở n16, người đờn có thể đờn đủ nhịp [4 phách] hoặc chỉ có 3 phách [bỏ phách 2], thậm chí chỉ còn 2 phách [bỏ phách 2 và 3] để qua nhanh n17.

3.3. Câu thòng

Câu thòng Vọng cổ 32 được phát triển từ câu chầu Vọng cổ 16. Với số khung mở ra 8 đến 12 nhịp, câu thòng được xem là nơi để các nhạc sĩ khẳng định mình qua các ngón đàn điêu luyện và chữ đàn độc đáo. Đây cũng là hình thức mà ở những bài bản Tài tử Cải lương khác không thể có được.

3.4. Rút ngắn số câu Vọng cổ

Nguyên nhân rút ngắn số câu của bài Vọng cổ , ngoài lý do nhịp 32 làm câu ca Vọng cổ trở nên dài khiến số lượng 20 câu người nghe bị “bội thực”, có lẽ còn có lý do về kinh tế mà công lao này thuộc về nhà sản xuất đĩa nhạc và các soạn giả đặt lời ca Vọng cổ lúc bấy giờ.

- 6 câu: Theo VIỄN CHÂU, khi Vọng cổ 32 nổi lên, các hãng đĩa hát như Hồng Hoa, Lam Sơn, Hoành Sơn, Việt Hải…đua nhau khai thác kinh doanh qua các giọng ca tài danh với nhiều nội dung, đề tài khác nhau: luân lý và tình cảm gia đình, xã hội, đạo hạnh, nhân vật lịch sử Việt Nam, nhân vật truyện Trung Quốc, chinh nhân hiệp sĩ, chuyện xưa tích cũ… Lúc bấy giờ, thị trường thường dùng loại đĩa 78 vòng có thời lượng tối đa 7 phút cho hai mặt đĩa (tức chứa khoảng hơn 6 câu Vọng cổ 32 một chút). Muốn thu 20 câu cho một bài Vọng cổ phải sản xuất ba đĩa, vừa tốn kém lại bất tiện cho người nghe. Vậy là, các soạn giả buộc phải đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất, viết một bài Vọng cổ với nội dung chỉ 6 câu thôi.

Các soạn giả đã bàn bạc với các nhạc sĩ và đi đến thống nhất chỉ lấy 6 câu đầu của bản Vọng cổ . Sáu câu này có bậc kết câu mà nếu liên kết lại đã đủ nói lên thang điệu Oán 1 [tuy ẩn bậc II]: Hò, Xang, Xê, Cống, Liu – thang điệu chủ đạo của bài, đó là các câu: 1 = Cống, 2 = Xang+r, 3 = Hò, 4 = Hò, 5 = Xề, 6 = Liu. Phần thừa thời gian của 6 câu trên mặt đĩa được các soạn giả trám vào bằng nói lối, hò, thơ ngắn… gọi là câu “gối đầu” Vọng cổ .

Theo nhạc giới, chỉ cần nắm vững cấu trúc 6 câu này là coi như nắm được tinh hoa của trọn bài 20 câu. Vì vậy, mới có câu nói “rành 6 câu” để chỉ sự thấu đáo, am tường vấn đề.

- 4 hoặc 5 câu: Tùy thuộc hình thức gối đầu dài hay ngắn sẽ quyết định số câu Vọng cổ là 4 câu hay 5 câu. Nếu là 4 câu, thường là theo kết cấu: 1-2&5-6 hoặc 1-2&4-6; nếu là 5 câu: 1-2-3&5-6 hoặc 1-2&4-5-6.

- 3 câu: Gần đây, có xu hướng rút gọn còn 3 câu Vọng cổ theo kết cấu vẫn đang được thử nghiệm: 4-5-6, 1-4-6, 1-5-6, 1-2-6, 1-5&20, 1-2&20…

3.5. Ca suốt và ca cách

- Ca suốt: là lối ca Tài tử, nhạc đờn vô câu dạo trước rồi mới tiếp đến ca và ca liên tục các câu cho đến hết bài.

- Ca cách: là lối ca Cải lương, người ca chủ động vô trước rồi đờn tiếp theo sau.

Bài ca được chia làm hai phần, ví dụ Vọng cổ 6 câu: phần 1 là câu 1-2-3 và phần 2 là câu 4-5-6. Giữa hai phần có một khoảng tạm nghỉ nên gọi là “ca cách”. Đặc biệt với hình thức ca cách, bài ca có hai lần câu vô Vọng cổ : một ở phần 1 [câu 1] và một ở phần 2 [câu 4/câu 5, tùy theo cấu trúc là 4-5-6/5-6].

Cách sáng tạo này đã biến đổi một phần cấu trúc khung của câu được vô Vọng cổ ở phần 2. Khi đó, câu này phải bỏ 3 vế đầu của câu thòng, 2 vế tiếp theo được thay bằng câu vô Vọng cổ để xuống Hò 1 ngay n16 và Hò 2 ở n20, còn lại 3 vế cuối được giữ nguyên theo câu.

3.6. Gối đầu, chen giữa hai câu hoặc lồng vào trong câu Vọng cổ

Gối đầu hoặc chen giữa hai câu Vọng cổ bằng nhiều hình thức khác nhau:

- Bản vắn cổ nhạc

- Câu lối văn xuôi: nói lối hoặc “lối dặm” trên nền nhạc câu thòng (thường áp dụng trong Cải lương để mạch tuồng khỏi bị “nguôi”).

- Câu lối văn vần: lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt, thơ mới…

- Dân ca: ngâm, hò, lý, hát ru…

- Ca khúc tân nhạc.

Lồng vào trong câu Vọng cổ bằng câu thơ, điệu hò hoặc đoạn ca khúc tân nhạc…

Còn tiếp...