13/07/202314:38

BƯỚC PHÁT TRIỂN VÀ CHUYỂN HÓA CỦA BẢN VỌNG CỔ - PHẦN CUỐI

3.7. Tân cổ giao duyên

Khoảng năm 1964-65, soạn giả thường gối đầu Vọng cổ bằng các ca khúc tân nhạc, như: Hòn vọng phu, Phiên gác đêm xuân, Ngày tạm biệt, Đêm cuối cùng, Nhớ một chiều xuân, Mấy dặm sơn khê, Lẻ bóng, Tôi viết tên anh, Mưa rừng, Anh cho em mùa xuân, Quán nửa khuya, Đò chiều, Lá thư không gởi, Chiều mưa biên giới [1]…

Theo nhiều nghệ nhân, nhạc sĩ, nghệ sĩ, người khởi xướng và thực hiện hình thức này tức “tân-cổ giao duyên” là soạn giả VIỄN CHÂU. Bài tân-cổ đầu tiên được ông viết vào năm 1964 có tên Chàng là ai , tân nhạc NGUYỄN HỮU THIẾT (viết đầu Xuân năm 1963)[2], do LỆ THỦY ca, đĩa hát Hồng Hoa (theo hình thức: tân nhạc-câu 1, 2 / nói lối-câu 5, tân nhạc-câu 6).

Trích cầu đầu[3] (KIỀU TẤN ký âm):

Tân nhạc:

Zalo

Vọng cổ:

Chàng là ai từ hậu phương đồng chua nước mặn hay nơi chốn biên cương gió núi lộng mây…

1. 4/4 (c= 120) …ngàn(16). (17Chàng(18) đến nơi đây khi(19) áo lấm bụi đàng(20).

Chàng đã đi(21) trên nẻo đường đất nước(22), bước độc hành(23) một nắng mười sương(24).

Khóe mắt đầu môi(25) của ai là cả một(26) trời tình, chàng (27) từ đâu quá bước đến(28) nơi đây mà(29) trên lớp chiến(30) y còn (31) vương mùi khói súng(32).

 

Hình thức kết hợp giữa ca khúc tân nhạc và Vọng cổ ban đầu bị phản ứng dữ dội nhưng càng về sau được đông đảo giới mộ điệu hưởng ứng và thừa nhận cho đến nay.

Các ca khúc tân nhạc vào thời kỳ này phần lớn có tiết tấu vừa phải, êm dịu và mang âm hưởng dân tộc, nhạc sĩ thường sáng tác câu nhạc cân đối, mỗi đoạn 8 nhịp/16 nhịp 4/4 theo hình thức aa’-b-a’ nên soạn giả rất dễ đưa đoạn nhạc vào các câu/gối đầu bài Vọng cổ . Với hình thức và chất liệu âm nhạc đó, tiết điệu Boléro (nhóm Rumba-Boléro) tỏ ra rất phù hợp với tính chất trữ tình và tự sự của bài Vọng cổ 32 (cùng một tiết nhịp 4/4). Đây chính là bí quyết khi lựa chọn ca khúc kết hợp tạo nên sự thành công trong thể nghiệm tân-cổ giao duyên của soạn giả Viễn Châu.

Ở tân-cổ giao duyên có hai hình thức: 

- Hình thức gối đầu: dùng vào đầu lớp I (như ví dụ trên), có khi cả đầu lớp II.

- Hình thức lồng vào câu Vọng cổ : có thể ở nửa đầu/nửa cuối/giữa các câu. Điển hình như bài Sầu vương ý nhạc của soạn giả Viễn Châu[4]: nửa cuối câu 1 tám nhịp đoạn a bài Mưa rừng (HUỲNH ANH), nửa cuối câu 2 tám nhịp đoạn a’ bài Gạo trắng trăng thanh (HOÀNG THI THƠ), giữa câu 5 tám nhịp đoạn b bài Hòn vọng phu 1 (LÊ THƯƠNG) và nửa cuối câu 6 cũng lại dùng tám nhịp lời đoạn a [nhưng nhạc a’] bài Mưa rừng .

Về sau này khi đàn organ phát triển, với sự hỗ trợ của dàn nhạc tân các soạn giả đã khai thác tối đa các hình thức kết cấu/loại nhịp/thể điệu ca khúc áp dụng gối đầu vào bản Vọng cổ . Từ đó, hầu như không còn sự giới hạn của thể loại ca khúc: nhiều âm điệu/khúc thức âm nhạc khác nhau, đủ loại nhịp phổ thông và có tiết nhịp lẻ/tiết tấu sôi động như Valse, Fox, Pasadoble, Marche, Tango, Chachacha, Surf, Soul… Tuy nhiên, với cách làm này có vẻ như không thích hợp (ngoại trừ điệu Ballade, Slow, Slow rock) và không được nhiều người hưởng ứng, bởi nó tạo sự tương phản rõ rệt giữa hai nội dung âm nhạc tân và cổ, không còn mang ý nghĩa “giao duyên” nữa mà có người cho là tân-cổ “vô duyên”! 

3.8. Vọng cổ hài

Khoảng thập niên 1960, các soạn giả hay viết đề tài này, như: VIỄN CHÂU, QUY SẮC, YÊN SƠN… nổi bật qua các bài ca: Tư Ếch đi Sài Gòn, Ba Râu đi Chợ Lớn, Năm con vợ, Ba chàng rể quý, Pháp sư giải nghệ …thể hiện qua giọng ca trào phúng tài danh HỀ MINH, VĂN HƯỜNG và sau này là HỀ SA, THANH NAM…

Việc thực hiện này tuy có những mặt tích cực của nó là đưa nội dung châm biếm, phê phán những thói hư tật xấu, đả phá tệ nạn xã hội… dưới hình thức nghệ thuật trào lộng, hấp dẫn người nghe nhưng có phần làm mất đi tính mềm mại, trữ tình vốn có của bài nguyên thủy Dạ cổ hoài lang . 

Vì vậy, thể loại Vọng cổ hài nổi lên một thời gian đến sau năm 1975 thì dần trôi vào quên lãng vì nhiều lý do, trong đó có sự không đồng tình của cha đẻ bản Vọng cổ [5].

Một vài ví dụ bài Vọng cổ 32 có hình thức kết cấu và gối đầu tiêu biểu:

Tình anh bán chiếu

Soạn giả: VIỄN CHÂU, ÚT TRÀ ÔN ca[6] 

(Ca cách, 6 câu: 1-2-3&4-5-6 / Gối đầu: Hò, nói lối / Chen giữa câu: thơ)

PHẦN 1

(Hò – Ad lib .): Hò ớ ơ ơ…

Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm

Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu

Chiếu này tôi chẳng bán đâu

Tìm cô không gặp ờ…

Hò ớ…ơ ơ…tôi gối đầu mỗi… đêm.

1. + vô Vọng cổ: ( Ad lib.) Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra… chào (16).

__ __ Cửa vườn cô đã khóa kín tự năm nào (20).

__ Tôi vác đôi chiếu bông từ dưới ghe lên xóm rẫy __ chiếc áo nhuộm bùn đã lấm (24)

tấm giọt mồ hôi. Nhà của  sau trước vắng tanh, gió lạnh chiều đông bỗng  (28)

ai dạo tiếng nguyệt cầm như gieo vào lòng tôi một nỗi buồn thê thảm (32).

 

2. (câu thòng 1) __ __ __ (4) __ __ __ (8) __ __ __ Cô đã đặt đôi (12) chiếu bông bề dài hai thước  lẽ để điểm  ở chốn loan phòng (16).

 

__ Hôm nay cô đã quên tôi để cất bước theo chồng (20).

Cô ơi, đôi chiếu này __ tự tay tôi dệt lấy __ tôi đã lựa từng cọng lác, sợi gai(24).

Nhưng khi tôi đến nơi thì  đã rời bỏ quê nhà sang qua xứ khác (28).

Tôi đứng trước cổng vườn xưa, nỗi buồn man mác, còn đôi chiếu này tôi biết tặng cho ai (32).

3. (câu thòng 2) __ __ __ (4) __ __ Nhớ năm ngoái __ khi ghe vừa tới vàm sông (8) Ngã Bảy, cô đã tươi cười dẫn tôi đến tận nhà cô, cô đưa tôi vào chốn phòng riêng để đo (12)

ni chiếc giường gõ đỏ __ và cô đặt làm đôi chiếu. Cô hỏi qua giá cả, tôi trả lời lấy giá (16)

rẻ làm quen. __ Năm hôm sau, khi tôi sắp sửa lui ghe, cô còn đứng trên bến dặn  (20)

kỹ lưỡng. Sau khi __ cô đà quay gót, chiếc áo bông hường cũng khuất dạng sau mấy lùm tre (24).

 có biết đâu tôi đã lấy nón lá che ngang __ để dấu đôi dòng nước mắt (28), vì không muốn bàng quang thiên hạ họ cười tôi là một kẻ si tình (32).

PHẦN 2

(Nói lối – Ad.lib.): Khi hỏi lại xóm riềng tôi mới biết

Cô theo chồng đã được bốn trăng qua

Mình dám đâu sai hẹn với người ta

Mà họ đành đoạn bỏ nhà đi xứ khác.

4. Tôi vác đôi chiếu bông mà cõi lòng tan nát, bước chân đi như thể xác không... hồn (16).

__ Nước mắt tuôn rơi __ như lá rụng trên đường (20).

Gió đông vụt vù thổi mạnh , lạnh đất trời, lạnh đến cả tâm can (24).

(thơ Vân Tiên) __ Người ta đã có đôi rồi

Chiếu chăn __ đâu ấm bằng người (28) tình chung

Để mình vác cặp chiếu bông 

Chờ đợi chi nữa, uổng công đợi chờ (32).

5. (câu thòng 4) __ __ __ (4) __ __ __ (8) __ __ __ Khuya đêm nay (12) ngồi chờ nước lớn, nỗi buồn đau cứ __ canh cánh bên lòng (16).

__ Tôi thấy đời tôi sao __ lạnh lẽo khôn cùng (20)

Còn chi buồn hơn __ nghề bán chiếu để tô điểm loan phòng __ cho những gái còn xuân (24)

__ Đến khi họ cất bước sang ngang lại không một lời hỏi han từ giã, cho đến đôi chiếu bông (28)

tôi đã bỏ công ngồi dệt mấy ngày đêm ròng rã mà nay vẫn còn nằm trơ ở dưới khoang thuyền (32).

6. (câu thòng 5) __ __ __ Ngọn gió (4) đêm đông đừng __ thổi nữa

Lòng tôi lạnh lắm gió đông ơi! (8)

__ Tôi nhổ sào cho ghe chiếu trôi xuôi, lòng nặng trĩu một nỗi sầu (12)

tê tái __ Tôi ngồi yên sau lái, đôi mắt vẫn hướng về nẻo cũ vườn xưa (16)

Hỡi ơi, con sông Phụng Hiệp __ chảy ra bảy ngã (20)

thì __ lệ của tôi sao nó cũng lai láng muông dòng (24).

Có ai biết được tấm lòng của tọi với  gái mỹ miều trên kinh (28) Ngã Bảy?

(thơ): Sông sâu bên lở bên bồi

Tình anh bán chiếu trọn đời không phai (32).

Trên đây là hình thức 6 câu rất phổ biến vào thời kỳ đầu Vọng cổ 32, theo lối ca cách: 1-2-3&4-5-6. Theo đó, bài ca được chia hai phần: phần I gồm 3 câu 1, 2, 3 và phần II gồm 3 câu 4, 5, 6, giữa mỗi phần có một khoảng ngưng nghỉ toàn bộ. Bài này có gối đầu câu 1 bằng câu hò và câu 4 bằng nói lối; ngoài ra, còn lồng vào trong cuối câu 4 thơ Vân Tiên và câu 6 thơ lục bát.

Có một nơi mẹ về

Nhạc: KIỀU TẤN, thơ: HỒ ĐẮC THIẾU ANH, Vọng cổ : HOÀNG SONG VIỆT, THANH NGÂN & KIỀU TẤN[7] ca

(Kết cấu 3 câu: 1-2&20 / Gối đầu: tân nhạc / Chen giữa câu: Lý Ba Tri)

Phần 1

Zalo

1. Vọng cổ: ( Ad lib.) Ơi,những giọt mưa qua bao cuộc ruổi dong ra biển về sông suốt chặng hành trình theo bàn chân mẹ bước, giọt ngắn trên vai giọt dài trên má có nhìn thấy ngày xuân của mẹ úa phai… dần (16).

__ Có nghe tiếng thời gian lắng đọng trên đôi tay của mẹ chai sần (20).

Có đếm được bao lần vai mẹ thay mảnh vá, khi mưa tầm tả  cảm nhận từng cơn run rẩy (24)

trên thân mẹ gầy khô. Hay chỉ  con đường làng mới hay đôi chân mẹ thêm nặng nề, thêm chậm bước (28).

Rồi một ngày mặt nước bến sông quê, gợn nét ngỡ ngàng __ soi mái đầu bạc trắng (32).

2. (câu thòng 1) __ __ __ (4)

(Lý Ba Tri): Đêm vắng, đêm như mênh mông

Xa xót trong lòng lời ru man mác ớ ơ…

Lời ru như thuở ngây thơ

Cánh võng mơ màng giấc mộng thần tiên

Con lớn khôn giữa đời tiếng ru hời chơi vơi

Lời ru chơi vơi nghẹn ngào trong nỗi nhớ hay con chơi vơi __ khi vắng mẹ trong đời (16).

__ Nói sao cho xứng cho vừa ơn __ nghĩa mẹ, mẹ ơi (20).

Công danh này thành đạt ấy, tương lai có rỡ ràng nhưng vẫn thấy chông chênh khi con không còn mẹ (24)

nữa. Khi nợ áo cơm, nợ lời ru, giọt sữa __ con chưa đền, chưa trả được mảy may. Ầu... __ (28)

...ơ... __ Con tôi khát sữa bú tay

Ai cho bú thép __ ngày rày mang ơn (32).

Phần 2

Zalo 

20. Vọng cổ: ( Ad lib.) Mẹ có bình yên bên khoảng trời riêng ấy hay vẫn nặng lòng lo khi các con không còn mẹ bên… đời (8)

__ Cuộc đời lắm gai chông và giông gió tơi bời (12)

Nhân hậu, thủy __ chung, bao dung, bác ái là cả gia tài __ mẹ để lại cho con (16)

Là nồng nàn __ hơi ấm của từ thân, __ là sức mạnh __ đưa con qua chập chùng gian __ (20)

khó. Hát về về mẹ con sẽ là cơn gió, __ câu hát ngân nga __ tình mẹ đó cao vời (24).

Đêm nay con nhớ quá, mẹ ơi __ Nhớ chén cơm vơi, bởi mẹ nhường con no dạ __ (28).

Nhớ cội bàng xưa thu tàn, cây đổ . Nhớ bóng mẹ về __ tầm tả dưới cơn mưa (32).

Hình thức trên là mới nhất gần đây với kết cấu tân-cổ 3 câu: 1-2&20. Với kết cấu này, bài Vọng cổ theo lối ca cách và ở phần 2 chỉ có một câu. Riêng câu 20, cũng có câu vô Vọng cổ theo cấu trúc tương tự câu 4, câu 5 của phần 1 trước đây nhưng vận dụng số nhịp có khác hơn. Tức là bỏ vế đầu câu thòng, 2 vế tiếp theo được thay bằng câu vô Vọng cổ để xuống Hò 1 ngay n8 và Hò 2 ở n12, còn lại 5 vế sau là của câu 20 [cũng là của câu 6]. Bài ca trên được gối đầu bằng ca khúc tân nhạc, với đoạn A ở đầu câu 1 và đoạn B ở đầu câu 20; ngoài ra còn chen vào giữa hai câu 1-2 điệu Lý Ba Tri và lồng vào trong cuối câu 2 điệu hát ru.

*

* *

Lâu nay, nhiều người cho rằng bản Vọng cổ là do sự phát triển của bản Dạ cổ hoài lang nhịp hai của nhạc sĩ CAO VĂN LẦU. Qua những dẫn chứng và phân tích của bài viết, cho thấy điều này chỉ đúng một phần tức bài Dạ cổ hoài lang có sự phát triển nhịp lên đến nhịp tám như truyền thống mở nhịp của bài bản nhạc Tài tử, còn từ nhịp 16 trở lên bản nhạc đã có sự chuyển hóa.

Bản Vọng cổ nhịp 16, nhất là ở nhịp 32 không còn là tác phẩm riêng của nhạc sĩ CAO VĂN LẦU mà là công trình của cả một tập thể, có sự đóng góp to lớn của các soạn giả, nhạc sĩ và ca sĩ Tài tử-Cải lương. Họ đã tìm tòi, sáng tạo dựa trên sự kế thừa âm nhạc truyền thống kết hợp với tinh hoa hiện đại vẽ nên vóc dáng kỳ vĩ cho một điệu nhạc dân tộc bất hủ của thời đại.

Đây chỉ là bước đầu nghiên cứu. Hy vọng bài viết giúp chúng ta có cái nhìn rõ ràng và khách quan hơn về tiến trình phát triển của bài Dạ cổ hoài lang và sự chuyển hóa của bản Vọng cổ .

Kiều Tấn

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Vũy Chỗ, Gisa Jaehnichen, Kiều Tấn (1998/99), Music of the talented Nhạc tài tử Nam Bộ, Hồ Chí Minh City & Berlin.

2. Nguyễn Hồng Dung (2010), “Sự kỳ diệu của bản Dạ cổ hoài lang biến thành Vọng cổ”, 90 năm - bản Dạ cổ hoài lang , Sở VHTT&DL Bạc Liêu.

3. Trần Văn Khải (1970), Nghệ thuật sân khấu Việt Nam , nhà sách Khai trí, Sài Gòn.

4. Vương Hồng Sển (1968), Hồi ký 50 năm mê hát , cơ sở Phạm Quang Khai, Sài Gòn.

5. Kiều Tấn (1997), Cây đàn ghi ta phím lõm (Untersuchungen zur ghi ta phím lõm), Deutsch-Vietnamesische Gesellschaft e.V. Berlin, 92 trang.

6. Sỹ Tiến (1984), Bước đầu tìm hiểu sân khấu Cải lương, nxb Thành phố Hồ Chí Minh.

7. Trương Bỉnh Tòng (1997), Nghệ thuật cải lương những trang sử , Viện Sân khấu.

8. Trịnh Thiên Tư (1962), Ca nhạc cổ điển điệu Bạc Liêu, nxb Quốc hoa Bạc Liêu.

9. Đinh Công Thanh (2003), Xung quanh về bản Vọng cổ nhịp 8 đầu tiên ở Nam Bộ , Văn hóa Xưa & Nay, Hội Sử học Việt Nam, số 154 tháng 12-2003.

10. Trần Phước Thuận (2014), Tìm hiểu cổ nhạc Bạc Liêu, nxb Âm nhạc Liên hiệp Hội VHNT tỉnh Bạc Liêu.

11. Hoàng Sơn Việt (1966)

-Ai đưa Vọng cổ từ nhịp tư đến nhịp 16? tuần báo Buổi sáng, ngày 06 và 13-02-1966;

-Động cơ nào thúc đẩy từ nhịp 16 đến 32, 64, 128?, tuần báo Buổi sáng, ngày 20-2-1966.

12. Tô Vũ (2002), Âm nhạc Việt Nam - truyền thống & hiện đại , Viện Âm nhạc, Hà Nội.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

1. https://vi.wikipedia.org/wiki/Cao_V%C4%83n_L%E1%BA%A7u https://tranquanghai.info/v1/p1853-trinh-thien-tu-%3A-tieu-su-bai-vong-co.html

2. https://tranquanghai.info/v1/p1853-trinh-thien-tu-%3A-tieu-su-bai-vong-co.html

BĂNG ĐĨA

Tư liệu cá nhân:

Năm Nghĩa (1938), Văng vẳng tiếng chuông chùa , Vọng cổ nhịp 8.

Tư Sạng (1938), Tình mẫu tử , Vọng cổ nhịp 16. 

Út Trà Ôn (1947), Tôn Tẩn giả điên , Vọng cổ nhịp 16.

Út Trà Ôn (khoảng 1952), Sầu vương biên ải , Vọng cổ nhịp 32.

Hữu Phước (khoảng 1955-58), Đội gạo đường xa, Vọng cổ nhịp 32.

Văn Hường (thập niên 1960), Khổ thân già , Vọng cổ 64.

Cao Văn Lầu (1963), Phỏng vấn - đờn cò bản Hoài lang .

Lệ Thủy (1964), Chàng là ai , tân cổ giao duyên 32.

Ba Xây (1981), Tiếng nhạn kêu sương , Vọng cổ nhịp tư.

Kim Cúc (1981), Gỡ ách Tô Châu , Vọng cổ nhịp 8.

Tấn Đạt (1992), Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê , Vọng cổ nhịp 32.

[1] Theo TRẦN VĂN KHẢI (1970, tr. 138, 167).

[2] Một số bài viết cho rằng bài này được phổ biến từ năm 1958. Điều này vô lý, vì nhạc phẩm được NGUYỄN HỮU THIẾT sáng tác vào đầu năm 1963

[3] Tư liệu cá nhân (1964).

[4] Xem Trần Văn Khải (1970, tr. 136-138).

[5] Trong đoạn băng phỏng vấn Cao Văn Lầu (1963), tác giả phát biểu: “ Không nên kéo dài nó ra nhịp 64 và 128, rời rạc nghe không được. Bản Vọng cổ là bản u buồn, chứ không phải đem những hài hước, cờ bạc trong trỏng để làm mất chất nguyên thủy của nó đi ”.

[6] Ghi và phân nhịp theo giọng ca ÚT TRÀ ÔN trong đĩa Asia,

[7] Tiết mục trong chương trình TTTH Vầng trăng cổ nhạc , số cuối tháng 7-20114, Đài Truyền hình TPHCM.