05/10/202310:27

CA KHÚC MANG ÂM HƯỞNG TRUYỀN THỐNG (*) TRONG ĐỜI SỐNG ÂM NHẠC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH THỜI HỘI NHẬP

(*) Cụm từ “Truyền thống” ở đây mang ý nghĩa: Điều truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác (NGUYỄN LÂN (k.n), Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh) chứ không mang ý nghĩa “truyền thống cách mạng”.

Thực trạng ca nhạc thành phố Hồ Chí Minh thời hội nhập

Bất cứ loại hình nghệ thuật nào cũng có năm chức năng cơ bản: chức năng giáo dục tình cảm xã hội, chức năng nhận thức, chức năng thẩm mỹ, chức năng thông tin giao tiếp, chức năng giải trí. Riêng với âm nhạc nói chung và ca khúc nói riêng, chức năng xã hội của nó mạnh mẽ nhất, lan tỏa nhất, những ca khúc cộng đồng có thể lôi kéo hàng trăm, hàng nghìn người cùng hưởng ứng, những nhạc phẩm hay có sức sống vượt thời gian và không gian. Chức năng này chúng ta có thể thấy rõ nhất qua các ca khúc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Có thể nói chính những ca khúc hào hùng ấy đã thổi bùng ngọn lửa, khí thế cách mạng góp phần vào chiến thắng của dân tộc. Nhưng cũng chính với chức năng này, nếu âm nhạc không có được sự định hướng thẩm mỹ thì sự lan tỏa của nó sẽ trở thành “thảm họa”.

Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa cùng sự phát triển của nền kinh tế thị trường thì văn hóa nghệ thuật nói chung và âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cũng đã bị ảnh hưởng đáng kể, gây một số rối loạn trong sáng tác, biểu diễn và thưởng thức âm nhạc. Nhà lý luận phê bình Nguyễn Thị Minh Châu đã phải thốt lên: “Chính thời bình lại là lúc đời sống âm nhạc gặp nhiều sóng gió hơn cả. Liên tiếp những biến động, bắt đầu từ các cơn sốt “nhạc nhẹ”, nhạc tiền chiến, nhạc hải ngoại, rồi đến sự du nhập liên tiếp các loại nhạc giải trí pop, rock, blues, jazz, R&B, rap, hip hop… Nhạc Việt nương theo âm điệu nhạc Tây, rồi lại Hoa, Nhật, Hàn…”.

Thật vậy, nếu có sự tiếp cận thường xuyên sẽ thấy đời sống ca nhạc của thành phố chỉ từ cuối những năm 90 đến nay cũng đã trải qua rất nhiều “trào lưu”. Từ những ca khúc nhạc Hoa lời Việt hoặc nhạc Việt mà âm hưởng nhạc Hoa do việc ảnh hưởng làn sóng phim Hồng Kông, Đài Loan còn rơi rớt lại của những năm 80, tiếp đó là những ca khúc “não tình” với những album mà 90% ca khúc trong đó là nội dung than thở vì tình yêu tan vỡ như album “Nếu như em thật lòng” với các ca khúc nghe tên đã thấy não lòng như: “Giọt nước mắt chia đôi” (Minh Khang), “Cho cạn nỗi đau” (Huy Cường), “Thầm trách ta dại khờ”, “Trả lại em lời yêu” (Phạm Khánh Hưng), “Thiên đường hiu quạnh” (Thái Thịnh)…

Sau Tây hóa, Trung hóa rồi đến Hàn hóa, Nhật hóa…, các ca khúc V-pop hiện nay nếu đem ra quốc tế khó mà có sự phân biệt vì nó hoàn toàn không có màu sắc riêng. Không những âm nhạc mà ca từ cũng thường chen vào những câu chữ tiếng nước ngoài như: “You say you come to me nên anh rã rời” (“Ngọt ngào”- Lương Bằng Quang)... Không những chen tiếng Anh, tiếng Hoa mà giờ còn chen cả tiếng Hàn: “Sarang hayo, đó chính là lời yêu anh trao” (“Lời yêu đó” - HKT)... Hoặc có những ca khúc viết hoàn toàn bằng tiếng Việt nhưng tựa bài cũng phải bằng tiếng Anh: “Fell your love”, “Illution” (Hoàng Tôn), “Show me” (Lưu Thiên Hương)... Không những ảnh hưởng trong âm nhạc mà ngay tên tuổi của nhạc sĩ cũng bị “ngoại hóa” với: Only C, Wowy, Hamlet Trương, Addy Trần, Lyl Night, MrT, Tiên Cookie… Không thua kém các nhạc sĩ, các ca sĩ cũng phải cũng phải có tên “pha” Hàn, “pha” Nhật: Noo Phước Thịnh, Akira Phan, Saka Trương Tuyền… mặc dù sinh ra và lớn lên ở Việt Nam 100%.

Khi người thưởng thức dường như đã bảo hòa với thể loại này, các ca sĩ lại quay ra tìm kiếm những ca khúc tiền chiến, rồi những ca khúc sáng tác ở miền nam Việt Nam trước năm 1975. Từ những ca sĩ dòng nhạc thị trường như Đàm Vĩnh Hưng với một chuỗi album nhạc xưa “Dạ khúc cho tình nhân” đến những ca sĩ thuộc trường phái pop, rock như cựu thành viên của MTV; Phan Đinh Tùng với album “Tình khúc vượt thời gian”. Thậm chí cả những giọng ca thuộc loại “sang” như Lệ Quyên, Thụy Vũ của AC&M cũng chuyển sang theo đuổi những ca khúc xưa với album “Khúc tình xưa”, “Tình khúc tháng sáu”…

Ngoài ra, ở thời công nghệ cao nên các ca khúc còn được phổ biến bằng cách tác giả, ca sĩ tự đăng trên các trang mạng nên thực trạng âm nhạc thành phố phức tạp hơn nhiều với những ca khúc nghe tên đã thấy giật mình “Yêu không nghỉ phép” (Nguyễn Phúc Thiện), “Hai sim, hai máy, yêu hai người” (Yuki Huy Nam), “Không phải dạng vừa đâu” (Sơn Tùng MTP)…

Vai trò của các ca khúc âm hưởng tryền thống

Chính trong những bối cảnh đó, từ sự ra đời giải thưởng “Làn sóng xanh” của Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh năm 1997, với một loạt các ca khúc kế thừa các yếu tố truyền thống kết hợp với các yếu tố của cuộc sống hiện đại liên tục vào bảng xếp hạng qua nhiều kỳ như: “Chảy đi sông ơi” (Phó Đức Phương), “Chim sáo ngày xưa” (Nhất Sinh), “Cõng mẹ đi chơi” (Trần Quế Sơn), “Ca dao em và tôi” (An Thuyên)… đã làm cho bộ mặt âm nhạc thành phố mang một màu sắc mới, góp phần đầy lùi nạn nhạc Hoa lời Việt, nhạc Việt âm hưởng Trung Hoa của những năm cuối thế kỷ XX. Không những vậy, sức sống của những ca khúc “Làn Sóng Xanh” mang âm hưởng truyền thống vẫn còn sức sống đến ngày hôm nay với tần suất sử dụng thường xuyên trong các chương trình băng đĩa, công diễn, thậm chí một số bài đã trở thành “ca khúc nghệ thuật” khi được sử dụng trong các cuộc thi ca hát như: “Chảy đi sông ơi”, “Trên đỉnh Phù Vân” (Phó Đức Phương), “Ly cà phê Ban Mê”, “Em muốn sống bên anh trọn đời” (Nguyễn Cường), “Ca dao em và tôi” (An Thuyên)... Tuy những năm gần đây giải thưởng này không còn được giới chuyên môn đánh giá cao, thậm chí Hội Âm Nhạc thành phố Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề vể chất lượng, nội dung và tính định hướng của giải thưởng này, nhưng không thể phủ nhận vai trò của nó trong giai đoạn cuối thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI.

Tiếp đó là sự ra đời chương trình “Bài Hát Việt” của Đài Truyền hình Việt Nam với rất nhiều ca khúc được bình chọn mang âm hưởng truyền thống hiện đại của các tác giả trẻ sau này như: “Giấc mơ trưa” (Giáng Son), “Hát ru @”, “Bà tôi” (Nguyễn Vĩnh Tiến), “Về ăn cơm” (Sa Huỳnh), “Ting Ning” (Y Jang Tuyn), “Son” (Đức Nghĩa)… đã tạo ra một hẳn một dòng ca khúc được cả người nghe và giới chuyên môn đánh giá cao (mà truyền thông thường hay gọi bằng cụm từ “dân ca đương đại”).

Ngoài ra, còn những ca khúc không tham gia các giải thưởng trên tuy nhiên, qua tần suất sử dụng trong các cuộc thi ca hát cũng như các chương trình băng đĩa, biểu diễn trong suốt hơn một thập kỷ qua đã chứng minh giá trị nghệ thuật cũng như ứng dụng của mình: “Đá trông chồng”, “Chuồn chuồn ớt” (Lê Minh Sơn), “Nắng có còn xuân” (Đức Trí), “Tình em xứ Quảng” (Trần Ngọc), “Yêu cái mặn mà” (Trần Quế Sơn), “Về quê” (Phó Đức Phương), “Chuyện làm dâu” (Võ Thiện Thanh), “Duyên tình lý ngựa ô” (Trương Quang Tuấn)…

Qua thực tế làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật tôi nhận thấy các ca khúc thuộc dạng trào lưu như: “não tình”, nhạc Việt âm hưởng nhạc Hoa, Hàn… có tuổi thọ không dài, trong khi đó những ca khúc có đầu tư đúng mức, có chất lượng về nghệ thuật, điển hình như một số ca khúc đoạt giải “Làn sóng xanh” từ những năm đầu tiên vẫn được sử dụng cho đến hôm nay.

Với những giá trị của mình, những ca khúc này đã đáp ứng được cả nhu cầu “ăn khách” trong nền kinh tế thị trường. Tất nhiên, để đáp ứng được nhu cầu này nó không chỉ mang những giá trị về nghệ thuật mà nó còn mang tính đương đại, phản ánh được hơi thở của cuộc sống. Ngoài việc thường thấy nhất là kết hợp các thang âm điệu thức 5 âm Việt Nam và 7 âm phương Tây mà còn có sự kết hợp các yếu tố truyền thống với tiết tấu, nhịp điệu hiện đại (rock, symphonie rock, pop rock hoặc hip hop) tạo nên những ca khúc sôi động, thích hợp với tuổi trẻ: “Về ăn cơm” (Sa Huỳnh), “Cõng mẹ đi chơi”, “Thưa các em miền Nam” (Trần Quê Sơn), “Em muốn sống bên anh trọn đời”, “Ly cà phê Ban Mê” (Nguyễn Cường)… Kết hợp giữa các hình tượng hiện đại và dân gian tạo sự ví von, tương phản rất thú vị: taxi - tơ nhện, đèn đường - ông trăng, tiếng rao - tiếng ru, đại lộ - đồng rộng, cá vàng - cua đi ngập càng… trong “Hát ru @” của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến…

Từ những ghi nhận trên, cho thấy ca khúc mang âm hưởng truyền thống đã đóng góp nhiều vai trò tích cực trong cuộc sống âm nhạc thành phố. Trước tiên, nó đã góp phần đẩy lùi những mảng tiêu cực trong sáng tác ca khúc, làm phong phú, đa dạng và nâng cao thẩm mỹ trong sáng tạo, biểu diễn cũng như thưởng thức nghệ thuật tại thành phố Hồ Chí Minh, làm cho ca khúc Việt Nam có một màu sắc riêng, đặc trưng khi ra hòa nhập với âm nhạc thế giới, góp phần định hướng, nâng cao thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng.

Ths Nguyễn Cẩm Lệ

_____________________

(*) Cụm từ “Truyền thống” ở đây mang ý nghĩa: Điều truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác (NGUYỄN LÂN (k.n), Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh) chứ không mang ý nghĩa “truyền thống cách mạng”.