28/09/202311:02

ĐÀO TẠO NGHỆ THUẬT THỜI CÔNG NGHỆ CAO

Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh với bề dày hình thành gần 60 năm, trường đã đào tạo biết bao thế hệ học sinh, sinh viên, sau này là cả những học viên cao học và nghiên cứu sinh, đáp ứng được nhiều nhu cầu của xã hội, từ giảng dạy, biểu diễn, nghiên cứu, quản lý văn hóa... Rất nhiều sinh viên học sinh của trường đã đoạt được nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi âm nhạc quốc tế như Lê Hồ Hải, Tăng Thành Nam, Hoàng Tuấn Cương, Hoàng Linh Chi, Trần Hoàng Lê My…, nhiều thế hệ giáo viên và học sinh của trường đã được tặng các giải thưởng cao quý như: Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú. Không chỉ trong lĩnh vực nhạc hàn lâm (academy music) mà cả trong thể loại nhạc phổ thông (popular music) một số học sinh của trường đã trở thành những ca sĩ nổi tiếng, được đông đảo quần chúng mến mộ (Tạ Minh Tâm, Anh Bằng,Mỹ Tâm, Hiền Thục, Đoan Trang, Vân Khánh, Võ Hạ Trâm…), các nhạc sỹ sáng tác, phối khí có tên tuổi trong làng âm nhạc Việt Nam như Hoài Sa, Đức Trí, Võ Thiện Thanh… Trong các lĩnh vực khác như quản lý văn hóa, báo chí, biên tập cho các đài phát thanh, truyền hình, các công ty tổ chức biểu diễn… đều thấy sự có mặt của các cựu sinh viên Nhạc viện, thậm chí còn nắm giữ những vị trí chủ chốt. Biết bao thế hệ học sinh sinh viên của trường đã tỏa đi khắp nơi, đóng góp rất nhiều vào công cuộc định hướng, phát triển văn hóa nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng của cả nước và thậm chí là quốc tế.

Tuy nhiên, từ khi hội nhập, “mở cửa”, đất nước đã có một vận hội mới, hòa chung với thế giới để phát triển về nhiều mặt: khoa học kỹ thuật, kinh tế, giáo dục, nghệ thuật… Đời sống người dân đã thay đổi rõ rệt, ngày càng được nâng cao về sinh hoạt vật chất lẫn tinh thần. Song song với việc đón nhận những cái hay, cái mới của thế giới thì giới trẻ hiện nay cũng đang bị ảnh hưởng nhiều từ văn hóa bên ngoài, từ lối sống đến cảm thụ nghệ thuật… tạo nên những giá trị ảo trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là với âm nhạc.

Bản thân tôi với quá trình công tác nhiều năm trong lĩnh vực quản lý văn hóa mà cụ thể là âm nhạc tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhận thấy một số thực trạng như sau.

Ngày nay, các phương tiện công nghệ đã trở thành “hội đồng nghệ thuật” trong một số kiểu, dạng bình chọn cho ca khúc, ca sĩ. Nếu để ý ta có thể nhận thấy gần đây giá trị của một tác phẩm, một ca khúc, một giọng hát chủ yếu phụ thuộc vào các phương tiện, máy móc hiện đại, thể hiện qua cách thức của rất nhiều cuộc thi là: nhắn tin bình chọn. Một hình thức nữa là các trang mạng  bình chọn, xếp hạng với các danh hiệu bài “top”, “hit”… thông qua số lượng truy cập. Vậy là “giá trị nghệ thuật” của các ca khúc, giọng hát xếp hạng theo dạng này được đánh giá theo số lượng tin nhắn của người bình chọn, số lượng truy cập của người nghe online, người tải về, trong khi không phải bất cứ người nào nhắn tin bình chọn cũng vì yêu thích một cách khách quan, không phải người nghe nào cũng vì cái hay, vì giá trị nghệ thuật của một ca khúc, một giọng ca mà có những người nghe vì tò mò, vì công việc đòi hỏi, vì thấy tựa bài, ca từ giật gân… từ đó gây nên sự nhiễu loạn về nhiều phương diện.

Từ thực tế này nảy sinh tình trạng “nhà nhà làm nhạc sĩ – người người thành ca sĩ”, trong lịch sử âm nhạc nước nhà thì có lẽ đây là thời điểm nở rộ “nhạc sĩ”, “ca sĩ” nhất. “Nhạc sĩ” thì mù nhạc, không biết ký âm, xướng âm chính tác phẩm của mình, ca sĩ thì cho khán giả “xem nhạc” là chính chứ không phải nghe nhạc, thậm chí dùng chiêu trò, tạo các scandal để được mọi người biết đến đang gần như là một công thức của các “ca sĩ”. Thêm vào đó là “công nghệ lăng xê” của các công ty giải trí, được tiếp tay bởi các phương tiện truyền thông khiến các giá trị bị đảo lộn, những người được đào tạo bài bản, có nghề thì chật vật, những người được gọi là “ca sĩ”, “nhạc sĩ”, sao nọ sao kia lại chẳng học hành đến nơi đến chốn, nên mới có những chuyện bi hài là “ca sĩ” không biết  đọc nốt nhạc, “nhạc sĩ” không thể xướng âm chính “tác phẩm” của mình. Một nhạc sĩ, ca sĩ được đào tạo chính quy phải qua quá trình học tập, rèn luyện tối thiểu bốn năm trời với rất nhiều môn học chuyên ngành để đáp ứng yêu cầu của một nhạc sĩ, ca sĩ chuyên nghiệp: kỹ thuật thanh nhạc, lịch sử âm nhạc, ký xướng âm, hòa âm, phối khí, mỹ học âm nhạc và âm nhạc truyền thống Việt Nam… Nhưng các ca sĩ, nhạc sĩ ngày nay hầu như không được đào tạo một cách bài bản, hoặc có người muốn học thì cũng bị cuốn bởi vòng xoáy của các lịch diễn kín mít. Không những thế sự hiểu biết của họ về văn hóa xã hội nói chung cũng hạn hẹp cho nên cả ca sĩ lẫn nhạc sĩ hầu như không có phong cách riêng, đa số bắt chước từ các nước như Nhật, Hoa, Hàn, Âu – Mỹ cả về âm nhạc lẫn  hình thức biểu diễn.

Trước thực trạng này, nảy sinh nhiều vấn đề đặt ra cho các ban ngành, bộ phận liên quan, nhưng với Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh câu hỏi đặt ra là đào tạo có bắt kịp đòi hỏi của xã hội hay không, có thể tham gia vào sự định hướng, khắc phục những lệch lạc trong chuẩn mực nghệ thuật hiện nay hay không? Tôi nghĩ với uy tín, bề dày lịch sử đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, giáo sư… nếu có những sáng tạo, linh động trong đào tạo, Nhạc viện Tp. Hồ Chí Minh sẽ góp phần đáng kể để hạn chế, khắc phục những hiện tượng trên, đáp ứng được những nhu cầu của xã hội. Tôi xin đóng góp một số gợi ý như sau:

  • Chương trình đào tạo: 

Về chương trình cần đa dạng, linh động với nhiều hình thức để có thể phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của nhiều người. 

Có thể cùng chương trình chính quy nhưng với những người không có điều kiện để học liên tục theo thời gian quy định của Bộ Giáo Dục sẽ học theo tín chỉ của trường, đủ tín chỉ các môn học, đủ điểm thi tốt nghiệp sẽ được cấp giấy chứng nhận của trường cho khóa đào tạo, thời gian đào tạo có thể sẽ linh hoạt hơn. Đây là cách thức mà một số trường âm nhạc tư thục đã áp dụng, nếu Nhạc viện TP.HCM có chương trình đào tạo theo dạng này sẽ mở đường ra cho rất nhiều người không có điều kiện về thời gian để theo học một cách liên tục. Dù là chứng chỉ thì của Nhạc viện TPHCM cấp cũng có giá trị hơn nhiều so với các trường âm nhạc tư thục khác.

Bên cạnh đó có thể tổ chức thêm các khóa đào tạo ngắn ngày theo chuyên đề như: một số kỹ năng trong kỹ thuật biểu diễn, sáng tác, hòa âm… mở rộng với nhiều đối tượng trong và ngoài Nhạc viện, có thu phí và cấp giấy chứng nhận để bất cứ ai quan tâm có thể tham dự.

Ngoài ra, Nhạc viện còn có thể liên kết với các đơn vị liên quan đến các nhạc sĩ, ca sĩ như Hội Âm nhạc, Sở Văn hóa và Thể thao để mở các lớp đào tạo ngắn ngày, bổ sung các kiến thức về âm nhạc học, mỹ học âm nhạc cho một số đối tượng nhằm ngày càng nâng cao chất lượng chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp cho các ca sĩ, nhạc sĩ trẻ hiện nay. 

Trung tâm Bồi dưỡng Năng khiếu Âm nhạc thuộc Nhạc viện TPHCM thời gian vừa qua cũng đã có rất nhiều sáng tạo, đổi mới trong đào tạo để đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhiều đối tượng, tuy nhiên cũng cần linh động hơn trong việc cấp giấy chứng nhận. Ngoài định kỳ vào tháng 3, tháng 9 hàng năm, trung tâm có thể tổ chức các đợt thi vào thời điểm khác, khi tập trung được một lượng thí sinh theo yêu cầu. Bằng cách này Trung tâm Bồi dưỡng Năng khiếu Âm nhạc có thể thu hút được những đối tượng có thời gian không cố định và thậm chí là những du học sinh, người nước ngoài muốn học, lấy chứng chỉ trong thời gian nghỉ ngơi, công tác tại thành phố.

Về các chuyên ngành đào tạo cũng cần đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu thay đổi không ngừng của xã hội như: biểu diễn, sáng tác, hòa âm nhạc nhẹ, nhạc jazz, kỹ thuật thu âm, sản xuất âm nhạc, quản lý nghệ thuật… 

Những năm gần đây Nhạc viện đã mở thêm khoa Nhạc nhẹ và Âm nhạc Công nghệ, giảng dạy chuyên ngành các thể loại nhạc nhẹ nhưng xem ra vẫn chưa đáp ứng đúng và đủ nhu cầu của xã hội, việc đào tạo chuyên ngành biểu diễn thanh nhạc nhạc nhẹ chưa được chú trọng, trong khi đây là một bộ môn mà xã hội đòi hỏi nhiều nhất. Có một thực trạng là nhiều sinh viên khoa thanh nhạc của Nhạc viện Tp. Hồ Chí Minh đào tạo rất khó có chỗ đứng trong thị trường âm nhạc, thậm chí xin vào giảng dạy tại các trường nghệ thuật công lập cũng bị từ chối với lý do: “chỉ cần giáo viên thanh nhạc nhạc nhẹ”. Một số sinh viên để làm nghề được phải tự học, tìm tòi các kỹ thuật biểu diễn nhạc nhẹ ở bên ngoài. Các trường âm nhạc dân lập đã rất nhạy bén, mở các lớp thanh nhạc nhạc nhẹ và mời các ca sĩ có uy tín trong lĩnh vực này giảng dạy.

  • Giáo viên

Đội ngũ giáo viên cũng cần luôn trau dồi chuyên môn, cập nhật những kiến thức mới. Ngoài những giáo viên hiện công tác tại trường, có thể mời thêm các giáo viên là các nghệ sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước, đặc biệt là các cựu học sinh viên của trường. Những đối tượng này vừa có sức hút vừa là bằng chứng kết quả đào tạo của trường.

  1. Giáo trình

Giáo trình giảng dạy cũng cần luôn đổi mới, cập nhật những giáo trình, hay, mới trong và ngoài nước. Một số trường âm nhạc tư thục đã làm rất tốt vấn đề này, ví dụ như trường MPU của nhạc sỹ Đức Trí (cũng là cựu sinh viên Nhạc viện TPHCM). Với kiến thức vững vàng về âm nhạc, bề dày kinh nghiệm và sự đam mê, nhạc sỹ Đức Trí đã luôn tìm tòi, cập nhật các tài liệu âm nhạc, nhất là các tài liệu về hòa âm hiện đại của nước ngoài để các bài giảng luôn mới mẻ.

  • Phương pháp

Phương pháp giảng dạy cũng là vấn đề cần quan tâm, về lý luận dạy học có ba nhóm phương pháp cơ bản: 

- Nhóm dùng lời và chữ: thuộc kiểu phương pháp thầy thông báo, trò tái hiện.

- Nhóm trực quan: thuộc kiểu phương pháp thầy giải thích, trò tìm kiếm bộ phận.

- Nhóm hành động thực tiễn: thuộc kiểu phương pháp thầy nêu vấn đề, trò nghiên cứu.

Trong ba phương pháp nêu trên thì phương pháp trực quan và hành động thực tiễn nhiều ưu điểm hơn, thích hợp với thời đại khoa học – công nghệ, những phương pháp này phát huy cao độ tính tích cực, độc lập, sáng tạo của người học, nhất là với chuyên ngành nghệ thuật thì hai phương pháp này càng cần phải chú trọng, đề cao.

Ngoài những phương pháp cơ bản trên hiện nay còn rất nhiều phương pháp khác như phương pháp tích hợp, phương pháp đóng vai, phương pháp lấy người học làm trung tâm… mà người hướng dẫn cần tìm tòi để áp dụng theo từng đối tượng, từng yêu cầu, mục đích cuối cùng là đầu ra phải đạt chất lượng.

  • Quảng bá

Thời gian gần đây trước nhu cầu của xã hội, rất nhiều trường nghệ thuật tư nhân được thành lập. Về cơ sở vật chất, bề dày uy tín, kinh nghiệm đào tạo… chắc chắn không bằng Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh nhưng họ lại rất năng động, sáng tạo trong việc quảng bá thương hiệu, phong phú đa dạng trong chương trình đào tạo, tài liệu giảng dạy… đó là những điều mà Nhạc viện cần học tập. Họ không chỉ giới thiệu trên website riêng, trên các trang mạng xã hội mà còn đưa thông tin đến những khu vực đông dân cư bằng các poster quảng cáo, tờ rơi…, thậm chí là liên kết với các trường mầm non, trường phổ thông để mở thêm những cơ sở mới. Một số trường gắn với tên tuổi của những ca sỹ, nhạc sỹ nổi tiếng thì mỗi sự kiện của trường hoặc liên quan đến trường đều được giới truyền thông đưa tin như trường MPU của nhạc sĩ Đức Trí, trường “Soul Academic” của nhạc sĩ Thanh Bùi. Học phí của các trường âm nhạc tư thục này không hề rẻ tuy nhiên với cách quảng cáo rất hấp dẫn nên vẫn thu hút người học, ví dụ như “Soul Acdemic” đưa ra thông tin là trường duy nhất tại Việt Nam tổ chức thi lấy bằng âm nhạc quốc tế “Trinity College London”, gây sự chú ý của nhiều người. Trong khi đó các thông tin về đào tạo của Nhạc viện hầu như chỉ đưa lên trên website của Nhạc viện, thậm chí có những lớp, những chuyên đề chỉ dán thông báo trong khuôn viên trường. Chỉ khi những sự kiện lớn mới treo quảng cáo trước cổng trường và đưa tin trên báo chí. Trong khi đó, với lực lượng cựu sinh viên, học viên của trường hiện đang công tác tại rất nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của thành phố, nếu biết tận dụng, khả năng quảng bá về đào tạo của trường có thể còn rộng lớn hơn.

Tóm lại, trong bối cảnh xã hội còn nhiều sự nhiễu loạn, nhiểu giá trị bị đảo lộn nhưng Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh với bề dày lịch sử đào tạo, cơ sở vật chất, uy tín, kinh nghiệm… nếu có sự năng động, sáng tạo, đa dạng trong đào tạo, sẽ vừa góp phần khắc phục những tồn tại của âm nhạc thành phố, vừa tạo thêm nguồn kinh phí cho trường và việc làm cho các sinh viên sau khi tốt nghiệp, đáp ứng được tiêu chí: “Nếu đào tạo có định hướng thì kết quả sẽ mang tính ứng dụng cao, đáp ứng được mọi nhu cầu trong xã hội, góp phần nâng cao thẩm mỹ âm nhạc trong công chúng”.

Ths Nguyễn Cẩm Lệ - Chuyên viên Sở VHTT- Hội viên Hội Âm nhạc TP.HCM