12/10/202310:38

ĐỊNH HƯỚNG NGHỆ THUẬT VÀ VAI TRÒ CỦA CÔNG TÁC LÝ LUẬN PHÊ BÌNH

Mở đầu

Bất cứ loại hình nghệ thuật nào cũng có năm chức năng cơ bản: chức năng giáo dục tình cảm xã hội, chức năng nhận thức, chức năng thẩm mỹ, chức năng thông tin giao tiếp, chức năng giải trí. Để các loại hình nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng phát huy được năm chức năng cơ bản này cần nhiều yếu tố, một trong những yếu tố không thể thiếu là việc định hướng thẩm mỹ thông qua công tác lý luận phê bình.

1.Vai trò của công tác lý luận phê bình

Như các bộ môn nghệ thuật khác, lý luận phê bình cũng có nhiều thể loại với những đặc trưng riêng, đóng vai trò khác nhau và đáp ứng những nhu cầu khác nhau của xã hội. Từ các công trình nghiên cứu khoa học đầy công phu đáp ứng nhu cầu của giới nghiên cứu, học thuật và những người quan tâm như các tác phẩm của các tên tuổi trong giới nghiên cứu như: “Âm nhạc dân gian Thái-Tây Bắc” (Tô Ngọc Thanh), “Âm nhạc Việt Nam truyền thống và hiện đại” (Tô Vũ), “Suy nghĩ về nhạc luật cổ truyền Việt Nam” (Thế Bảo), “Đờn ca Tài tử - Đặc trưng và đóng góp” (Nguyễn Thụy Loan), “Góp phần nghiên cứu Đờn ca Tài tử Nam bộ” (Nguyễn Thị Mỹ Liêm)… Đến những công trình sưu tầm, khảo cứu cũng đồ sộ và công phu không kém như bộ “Dân ca Kiên Giang”, “Dân ca Bến Tre”, “Dân ca Hậu Giang”, “Lý trong dân ca người Việt”, “Hát ru Việt Nam”… của đôi vợ chồng nhạc sĩ – nhà thơ Lư Nhất Vũ – Lê Giang và các cộng sự.

Bên cạnh đó sách giáo khoa cũng là những tác phẩm lý luận phê bình rất quan trọng và cần thiết trong công tác đào tạo tại các trường nghệ thuật cũng như các trường chuyên ngành khác. Sinh viên Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh nhiều thế hệ đều được học tập với các giáo trình Hòa âm, Mỹ học Âm nhạc của cố GS Ca Lê Thuần, giáo trình Phức điệu của cố nhạc sĩ Hoàng Đạm, giáo trình Phối khí của cố GS-TS Nguyễn Văn Nam, Phân tích tác phẩm của TS Đào Trọng Minh…; hay bộ sách “Âm nhạc và phương pháp giảng dạy âm nhạc” của tác giả Ngô Thị Nam rất phổ biến trong các trường, các khoa sư phạm âm nhạc…

Một thể loại khác cũng đóng vai trò quan trọng không kém đó là các bài báo lý luận phê bình âm nhạc. Đây chính là những thể loại có khả năng tiếp cận xã hội nhanh nhất, rộng nhất, góp phần thiết thực nhất trong công tác định hướng thẩm mỹ nghệ thuật nói chung và thẩm mỹ âm nhạc nói riêng cho công chúng, cho xã hội. Về quy mô tuy nó không “đồ sộ” như những công trình nghiên cứu khoa học, sưu tầm khảo cứu hay các bộ sách giáo khoa nhưng để viết được một bài báo có chất lương, có tác động sâu rộng đến người đọc và xã hội người viết cũng phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức, từ việc đọc tài liệu, nghe các tác phẩm, thậm chí cũng phải đi thực tế khảo sát, phỏng vấn… Những năm vừa qua đã có một số bài báo lý luận phê bình thu hút được sự quan tâm của công chúng như: “Âm nhạc và những nỗi lo không của riêng ai” (Nguyễn Thị Minh Châu- trang điện tử Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2012), “Trên cả “thảm họa”!”, “Hay ho gì “Rap bẩn”!” (Lệ Minh - báo Ngưởi Lao Động, 2013), “Loạn nhạc trẻ” (Minh An - báo Sài Gòn Giải Phóng online, 2012). Tác giả Trần Minh Phi được biết đến nhiều như một nhạc sĩ với các ca khúc trữ tình cho tuổi hoa niên trước đây cũng khá sắc sảo trong một số bài báo lý luận phê bình như: “Chuyện lùm xùm trong âm nhạc của Sơn Tùng-MTP: Cần nghiêm khắc với lớp trẻ” (báo Người Lao Động 2014), “Vì sao âm nhạc ngày nay thường vô hồn?” (Báo Người Lao Đông 2016)…

2. Thực trạng công tác lý luận phê bình

2. 1 Thuận lợi

Với những chức năng và tầm quan trọng như đã nêu trên, những năm gần đây, công tác lý luận phê bình văn hóa nghệ thuật nói chung và lý luận phê bình âm nhạc nói riêng đã nhận được sự quan tâm đáng kể của lãnh đạo thành phố cũng như của Hội Âm nhạc. Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thành phố năm năm lần thứ hai vừa qua cũng đã có một số giải thưởng cho các tác phẩm lý luận phê bình (đáng tiếc là không có tác phẩm Lý luận phê bình Âm nhạc nào đoạt giải), Hội Âm nhạc Thành phố cũng đã có kế hoạch đầu tư sáng tác thường niên cho các tác phẩm lý luận phê bình tương đương với các tác phẩm âm nhạc khác.

2.2 Khó khăn tồn tại

Tuy nhiên công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật nói chung, lý luận phê bình âm nhạc nói riêng vẫn còn găp nhiều khó khăn.

Trước tiên là về “đầu ra” của tác phẩm, rất khó để tìm đơn vị đầu tư xuất bản các thể loại sách nghiên cứu, lý luận phê bình, ngoại trừ một số đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, sư phạm hoặc thi thoảng các địa phương tài trợ cho những công trình nghiên cứu văn hóa nghệ thuật của địa phương mình. Nhiều tác phẩm được tác giả đầu tư rất công phu, tâm huyết nhưng không tìm được nhà xuất bản cũng đành nằm trong “kho”. Nếu may mắn tìm được nhà tài trợ hoặc tác giả có khả năng tự xuất bản nhưng hậu xuất bản lại nảy sinh vấn đề là các thể loại sách nghiên cứu, lý luận phê bình rất khó tiếp cận công chúng ngoài thị trường, thường các sách sau khi xuất bản đều được lưu hành nội bộ, biếu, tặng…Thực tế nghịch lý là những người làm công tác nghiên cứu, quan tâm lại rất khó khăn trong việc tìm các sách vở, tài liệu quý như thế. Trong các nhà sách gần như không có, người cần phải lặn lội tìm đến những hiệu sách cũ lục lọi, các thư viện tìm kiếm… trong khi sách quý in ra để trong kho hoặc chờ dịp biếu, tặng!

Với các tác phẩm thuộc thể loại bài báo lý luận phê bình cũng gặp những khó khăn không kém. Trước tiên cũng là vấn đề “đầu ra”, các tờ báo ít mặn mà với thể loại lý luận phê bình nên để bài viết đến được với công chúng cũng là một hành trình khá gian nan! Nếu may mắn bài báo được đăng, nhận được phản hồi tốt từ công chúng thì người viết cũng thấy hạnh phúc vì đã được góp công sức nhỏ bé trong việc tôn vinh các giá trị đích thực trong nghệ thuật, nhưng bên cạnh đó cũng nhận lại không ít “gạch đá”, những ý kiến chỉ trich thậm chí là nặng nề và cả sự hăm dọa của phía “phản biện”. Với các tác phẩm nghiên cứu nếu có gặp phản biện cũng là của giới học thuật nên cũng rất chừng mực, còn các bài báo thì đối tượng độc giả không giới hạn nên sự “phản biện” được nhận lại nhiều khi cũng rất “đa dạng”, nhất là khi đụng chạm đến “Fan” của một thần tượng, một thể loại, trào lưu nào đó. Với các nhạc sĩ khi tác phẩm được công chúng yêu thích thì tác giả sẽ trở nên nổi tiếng, kéo theo là vấn đề lợi nhuận về tài chính khi tiền tác quyền được tăng theo nhu cầu sử dụng. Còn với các nhà lý luận phê bình thì “tiếng” đã ít mà “miếng” cũng không nhiều ngoài tiền nhuận bút ít ỏi cho những bài báo tâm huyết, rút ruột. Chính vì thế cho nên các cây bút lý luận phê bình ngày càng ít viết cho mảng này, tiền không nhiều mà dễ gây đụng chạm, đó làm tâm sự rất thật của một số đồng nghiệp. Khi những nhà lý luận phê bình chuyên nghiệp “ngại” tham gia trong lĩnh vực này thì công tác lý luận phê bình định hướng nghiễm nhiên được giao cho các phóng viên chuyên mục Văn hóa Nghệ thuật của các cơ quan báo chí, từ đó nảy sinh các bài báo viết về nghệ thuật thiếu chiều sâu, thiếu chuyên môn, thiếu khách quan… thậm chí có cả những bài giới thiệu tác phẩm, tác giả, ca sĩ một cách thái quá, lệch lạc (không chỉ báo chữ mà báo hình cũng rất phổ biến tình trạng trên, thậm chí tần suất và mức độ ảnh hưởng còn lớn hơn).

3. Kết luận - Giải pháp đề xuất

Nói tóm lại, lý luận phê bình văn học nghệ thuật nói chung và lý luận phê bình âm nhạc nói riêng là một mảng không thể thiếu trong hoạt động nghệ thuật, nó không chỉ đáp ứng nhu cầu học thuật, nghiên cứu mà còn là phương tiện hữu hiệu trong công tác định hướng thẩm mỹ, các trào lưu nghệ thuật. Nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế, tiếp cận đa chiều, đa dạng các nền văn hóa thì công tác lý luận phê bình càng cần phải phát huy để trở vũ khí sắc bén để chống lại những sản phẩm văn hóa, những trào lưu, xu hướng phi nghệ thuật, mạo danh nghệ thuật, đề cao các tác phẩm nghệ thuật chân chính, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, đi đúng các định hướng của Đảng và Nhà nước. Qua thực trạng trên, để công tác lý luận phê bình được khởi sắc và phát huy chức năng của nó, tôi đề xuất một số giải pháp như sau:

Về các tác phẩm lý luận phê bình thuộc thể loại nghiên cứu cần có sự đầu tư của các cơ quan liên quan, có sự liên kết với cơ quan phát hành để kết nối giữa người có nhu cầu sử dụng và nhà xuất bản.

Cần mở rộng thể loại các tác phẩm lý luận phê bình, chú trọng thể loại viết định hướng trong các cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật hàng năm của Thành phố.

Cần có chế độ đãi ngộ cho các tác giả sáng tác trong lĩnh vực này.

Các cơ quan báo chí (báo chữ, báo hình, báo tiếng) cần có sự liên hệ mật thiết với các cây bút lý luận phê bình, có sự cân đối giữa các bài viết thể loại lý luận phê bình với các bài khác, có thể đặt hàng với các nhà lý luận phê bình khi thấy xuất hiện một tác phẩm, trào lưu mới nhằm sớm có sự định hướng cho công chúng.

Các nhà lý luận phê bình cũng cần mạnh dạn tham gia hoạt động viết bài định hướng, phân tích những cái hay, cái đẹp, cái giá trị trong các tác phẩm, chương trình, xu hướng nghệ thuật chân chính, nghệ sĩ hoạt động chân chính; đồng thời chỉ ra, thậm chí là thẳng thừng lên án những thứ mạo danh nghệ thuật nhưng lại làm ô nhiễm môi trường nghệ thuật, đi ngược lại những chức năng cơ bản của nghệ thuật là: giáo dục tình cảm xã hội, chức năng nhận thức, chức năng thẩm mỹ… góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thành phố Hồ Chí Minh, Tháng 7 năm 2020

Ths Nguyễn Cẩm Lệ - Chi hội Lý luận – Đào tạo