11/01/202411:13

ĐỘI NGŨ HỘI VIÊN NGÀY CÀNG LỚN MẠNH

          Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh nơi đất lành chim đậu, nơi hội tụ tài năng của nhiều nhạc sĩ ở khắp các miền đất nước. So với nhiều tỉnh thành khác, số lượng các nhạc sĩ sáng tác lý luận, đào tạo, biểu diễn ngay từ những ngày đầu Thống nhất đất nước đã rất đông đảo. Đó là các nhạc sĩ ở đoàn văn công quân Giái phóng, đoàn ca múa Trung ương cục, tiểu ban Văn nghệ Trung ương cục từ chiến khu về trở thành nòng cốt của Viện âm nhạc, Đài phát thanh, Đoàn văn công Quân Khu 7 và đoàn Ca múa nhạc Bông Sen. Một lực lượng hùng hậu khác là từ miền Bắc gồm các nhạc sĩ tập kết và cán bộ chi viện cho trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ (nay là Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh), Sở Văn hoá Thông tin và các cơ quan khác… Sẽ không thể không nhắc đến các nhạc sĩ trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”, các nhạc sĩ phản chiến và yêu nước đã góp sức xây dựng phong trào âm nhạc TP. HCM lớn mạnh.

          Thời gian đó các nhạc sĩ dưới sự lãnh đạo của tiểu Ban âm nhạc trực thuộc Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật TP. HCM có công lớn trong phong trào “Âm nhạc xây dựng đời sống mới và chống bành trướng ở chiến tranh biên giới”.

          Đến năm 1981, do yêu cầu cuộc sống thực tế, những nhiệm vụ mới đặt ra cho các nhạc sĩ đã chín muồi cho việc thành lập Hội Âm nhạc TP. HCM. Có thể xem như là một Hội dành riêng cho các nhạc sĩ đầu tiên trong cả nước chỉ sau Hội nhạc sĩ Việt Nam.

          Ngay từ khi mới thành lập, Hội đã rất quan tâm đến việc kết nạp hội viên mới. Tuy vậy, các hội viên mới trước đây là những nhạc sĩ trưởng thành từ các cơ quan chuyên môn, các Trung tâm văn hóa, Nhà văn hóa Thanh niên, các Nhà văn hóa Quận Huyện, tổ chức Thanh niên xung phong…

          Thời đó, địa điểm và kinh phí còn hạn hẹp nên Ban Chấp hành của các nhiệm kỳ 1, 2, 3, 4 phải bằng cách liên kết cử các nhạc sĩ uy tín như Phạm Trọng Cầu, Trương Quang Lục, Thế Bảo, Trần Anh,… về Nhà văn hóa Thanh niên, Trung tâm văn hóa Lao động, Trung tâm văn hóa TP cùng các Trung tâm văn hóa Quận Huyện như Quận 3, Quận Tân Bình, Quận 1, Quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận,… mở lớp sáng tác để tạo nguồn kết nạp hội viên mới. Nhờ thế, từ số hội viên khoảng 100 đã tăng thêm lên con số hơn 600 hội viên.

          Đến Đại hội V (2005-2010) Ban Chấp hành Hội đã có sáng kiến chia ra nhiều chi hội theo địa bàn và theo ngành nghề gồm: 06 Chi hội Sáng tác (từ Chi hội 01 đến Chi hội 06), Chi hội Lý luận, Phê bình và Đào tạo, Chi hội Biểu diễn Thanh nhạc và Hợp Xướng, Chi hội Biểu diễn Khí nhạc. Nhờ vậy các Chi hội có điều kiện theo dõi tham gia giới thiệu phát hiện kết nạp hội viên mới.

          Đến Đại hội VI (2010-2015) với sự quan tâm và mong muốn đẩy mạnh phát huy giá trị của Âm nhạc dân tộc nên đã thành lập Chi hội Biểu diễn Khí nhạc Dân tộc, tổng cộng là 10 Chi hội, cũng như, Hội luôn quan tâm phát triển nguồn nhân lực nên hàng năm đều tổ chức được các lớp ngắn hạn truyền đạt những kiến thức căn bản về sáng tác, biểu diễn… đã thu hút nhiều hội viên trẻ. Số lượng đã tăng lên hơn 600 hội viên.

          Thành công đó là nhờ Hội đã có nhiều sáng kiến tổ chức kết nạp hội viên mới với các chuyến đi về nguồn nơi có các di tích lịch sử Cách Mạng thuộc các địa phương. Các nhạc sĩ trẻ hết sức hứng thú về điều đó, các hội viên được thăm di tích Cách Mạng tỉnh Long An và vinh dự được kết nạp thêm hội viên mới bên tượng đài Long An anh hùng hoặc khi ở Đài Chiến thắng Bình Phước hay lúc đến Côn Đảo - nơi giam giữ các chiến sĩ Cách Mạng, Nhà lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tỉnh Bạc Liêu… Không chỉ di tích lịch sử, các hội viên mới còn được kết nạp vào hội tại các nơi có danh lam thắng cảnh như Châu Đốc, rừng Trà Sư, biên giới Việt Nam - Campuchia…

          Trước đây, do chưa đủ điều kiện, khi báo cáo các tác phẩm mới của các hội viên, ca sĩ cầm giấy hát nên ít hiệu quả. Từ nhiệm kỳ VI trở đi, Hội đã có sáng kiến kết hợp với Đài truyền hình, Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM, Đài phát thanh, truyền hình Bình Dương, Bình Phước, Vĩnh Long… Các Trung tâm văn hóa Quận 1, 5, 7, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Nhà Văn hóa Thanh niên… để có chương trình “Âm nhạc tỏa sáng” tổ chức hằng tháng, dàn dựng công phu nên gây tiếng vang lớn trong công chúng yêu nhạc, hấp dẫn nhạc sĩ trẻ có hứng thú sáng tạo những tác phẩm chất lượng…

            Từ nhiệm kỳ VII đến nay Hội đã phát huy thêm nhiều hình thức giới thiệu tác phẩm mới qua các trang mạng xã hội và tự sản xuất chương trình, đặc biệt là đã thực hiện Thư viện âm nhạc Thiếu nhi gần 400 bài hát thiếu nhi có cả nhạc nền mà hàng năm Hội đầu tư và trao Giải thưởng, để phục vụ công chúng miễn phí. Đây là một nét mới và hết sức thiết thực để đẩy mạnh việc quảng bá tác phẩm của hội viên đến gần hơn với công chúng.

          Đến nay, nhìn lại hơn 40 năm qua, Hội âm nhạc TP. HCM đã có bước tiến dài trong công tác kết nạp hội viên mới thêm nhiều hội viên trẻ. Và chính họ là lực lượng đóng góp về số lượng cũng như chất lượng trong các chuyến đi thực tế sáng tác về cuộc sống mới, về biển đảo, biên phòng cùng các đề tài thành phố đổi mới, đề tài về Bác Hồ kính yêu, Đảng quang vinh…

          Tre già măng mọc, thế hệ nhạc sĩ trẻ tiếp bước theo sau có nhiều sự sáng tạo và tiếp thu công nghệ nên âm nhạc cũng có nhiều chuyển biến mới. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến các nhạc sĩ như: Thế hệ 7x: nhạc sĩ Hoài An, Quốc An, Nguyễn Quang Vinh, Đinh Quang Minh, Bảo Huy, Yên Lam, Vũ Quốc Việt, Vũ Công Minh… Thế hệ tiếp theo 8x thì có nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung,  Nguyễn Hồng Thuận, Lê Anh Tú, Đinh Hoàng Vũ, Xa Doãn Hồng Lợi, Phạm Phương Duy, Ngô Duy Thanh, Hải Quân, Lê Đức Pháp… và lớp nhỏ nhất của Hội sau này là 9x có nhạc sĩ Hoàng Luân, Anh Thư, Hà Anna, Thùy Dương… Vẫn còn nhiều nhạc sĩ trẻ là hội viên Hội Âm nhạc tạo được một đội ngũ kế thừa, sáng tác hay, biểu diễn giỏi được nhiều giải thưởng Trung ương, Thành phố và các Tỉnh thành bạn. Luôn tự hào tiếp bước thế hệ nhạc sĩ cha anh đi trước và phát huy tinh thần sáng tạo, năng động để cùng xây dựng Hội ngày càng uy tín.

            Hội Âm nhạc TP.HCM với thế hệ trẻ hiện nay luôn có những sáng tạo mới được thể hiện qua các chương trình được áp dụng công nghệ số vào công tác quảng bá tác phẩm, không những thế Hội còn tạo điều kiện hỗ trợ thực hiện audio (hòa âm, ca sĩ, phòng thu, quay hình…) cho các nhạc sĩ chưa có điều kiện kinh phí thực hiện tác phẩm của mình, nhằm mục đích đưa tác phẩm của hội viên đến gần hơn công chúng. Hàng năm mỗi khi xuân về là chương trình “Uống nước nhớ nguồn” mang đậm tính nhân văn, tôn sư trọng đạo mà Hội phát động nhằm chăm lo cho thế hệ đi trước đã làm ấm lòng và thấm thêm nghĩa tình của các thế hệ trong mái nhà chung Hội Âm nhạc TP.HCM

                                                        Thế Bảo

                        (Hội viên sáng lập và Ủy viên từ 1985-2001)