18/01/202409:52

ĐƯA ÂM NHẠC CỔ ĐIỂN - THÍNH PHÒNG ĐẾN GẦN VỚI CÔNG CHÚNG

Kính thưa các nhạc sĩ lão thành cùng toàn thể các nhạc sĩ đồng nghiệp yêu quý. Thấm thoát Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh đã trải qua 42 năm từ ngày thành lập Hội đến nay, với bao công sức và tâm huyết của những nhạc sĩ lão thành, đã vun đắp xây dựng Hội từ con số không đi lên, để Hội ta được vững mạnh như ngày hôm nay. Ta phải nhớ đến công lao những nhạc sĩ tiền bối như: Xuân Hồng, Hoàng Hiệp, Ca Lê Thuần, Phạm Trọng Cầu, Diệp Minh Tuyền, Phan Huỳnh Điểu, Phan Nhân, Tô Vũ, Nguyễn Văn Tý, Tô Hải, Ngô Huỳnh, Trương Quang Lục và các nhạc sĩ đàn anh như: Tôn Thất Lập, Phạm Minh Tuấn, Trần Long Ẩn, Vũ Thành, v..v…

Nhớ lại những ngày đầu mới tiếp quản Sài Gòn, giới nhạc sĩ chúng tôi chỉ biết lo lắng cho công việc ở Đài Phát thanh, Truyền hình, Nhạc viện Thành phố và các đơn vị nghệ thuật khác, công việc âm nhạc mạnh ai nấy làm, chưa có Hội Âm nhạc để sinh hoạt nghề nghiệp gì cả, cũng không có cơ hội để gặp gỡ, trao đổi với nhau, chỉ lâu lâu ghé 81 Nguyễn Văn Trỗi (sau này là 81 Trần Quốc Thảo) uống ly bia hoặc chén trà, nói dăm ba câu chuyện vui vẻ.

Nhận thấy đội ngũ các nghệ sĩ ở thành phố ngày càng đông đảo, một số ở ngoài Bắc vào, một số ở chiến khu ra và rất nhiều ca nhạc sĩ ở Sài Gòn còn ở lại cùng với những ca nhạc sĩ trẻ mới lên, nên Thành phố đã quyết định thành lập Hội Âm nhạc Thành phố từ năm 1981, để các nghệ sĩ có nơi sinh hoạt nghề nghiệp, nhằm nâng cao trình độ, nhận thức và trách nhiệm âm nhạc với đời sống nghệ thuật của nhân dân Thành phố. Cũng từ đây, Hội ta đã từng bước đi lên và ngày càng vững mạnh với những thành tựu Âm nhạc thật đáng tự hào.

Sau nhiều năm, một điều đáng mừng trong lĩnh vực sáng tác, đã có rất nhiều tác phẩm âm nhạc ra đời, nhưng chủ yếu vẫn là những ca khúc, mỗi năm có thể nói có hàng ngàn bài hát xuất hiện, đủ mọi thể loại: nhạc phục vụ chính trị, đời sống, nhạc phong cách dân gian, nhạc phong cách bình dân và rất nhiều nhạc trẻ trung. Có rất nhiều bài hát đã đáp ứng được thị hiếu của quần chúng, nhất là lớp trẻ, có những bài hát phục vụ đời sống sinh hoạt tinh thần của đa số quần chúng, nhưng phải nói là số lượng những bài hát có chất lượng nghệ thuật cao chưa phải là nhiều!

Để đánh giá nền Âm nhạc của một quốc gia, không thể chỉ nhìn vào số lượng những ca khúc, mà phải nhìn toàn diện các mặt của Âm nhạc nước nhà, như: phát huy âm nhạc truyền thống dân gian, lĩnh vực âm nhạc thính phòng cổ điển (đây là tài sản chung vô cùng quý giá của nhân loại) thể loại âm nhạc đại chúng với những ca khúc nghệ thuật và cả lĩnhvực đào tạo, biểu diễn nữa.

Ở đây, tôi chỉ xin bàn về lĩnh vực âm nhạc cổ điển, thính phòng, một lĩnh vực về sáng tác lẫn biểu diễn còn yếu, cả về số lượng và chất lượng.

Sáng tác một tác phẩm thính phòng đòi hỏi người nhạc sĩ phải học qua trường lớp, nắm chắc bài bản kỹ thuật, không thể chỉ dựa vào cảm hứng. Ngoài ra phải mất rất nhiều thời gian, công sức mới có thể hoàn thành tác phẩm, nhưng khi viết xong, tìm người thực hiện khó vô cùng! Riêng tôi vẫn còn nhớ, một Sonate viết cho Violon và Piano tôi sáng tác, phải hơn 30 năm sau mới được thực hiện, và phải nhờ đến con trai và con dâu tác phẩm mới được dàn dựng và thu hình!May mắn nếu có điều kiện thực hiện tác phẩm của mình thì ai sẽ nghe đây? Biểu diễn ở đâu? Sân khấu hay nhà hát nào chấp nhận biểu diễn? Đài Phát thanh hay Truyền hình có mấy chương trình? Sau khi được thu thì, giờ phát sóng không phải giờ vàng có mấy ai nghe? Hay đành phải post lên mạng vậy. Tiền bản quyền của những bài hát thuộc dạng Hit vô cùng cao, còn những tác phẩm thính phòng hầu như là con số không tròn trĩnh!

Nhạc viện TP.HCM là nơi đào tạo đội ngũ những ca sĩ hát thính phòng tốt nhất, nhưng có mấy ca sĩ được đầu quân về Nhà hát Giao hưởng, mà chủ yếu là chuyển qua hát dòng nhạc nhẹ hoặc dân gian để kiếm sống. Còn đào tạo một nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ đòi hỏi thời gian ít nhất là 10 năm, công sức bỏ ra và kể cả tiền bạc rất nhiều nữa nếu du học ở nước ngoài.

Tại sao cũng là Châu Á, nhưng tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, nền âm nhạc cổ điển của họ lại phát triển cao như vậy? Một yếu tố vô cùng quan trọng là kinh tế, một nền kinh tế phát triển kéo theo nhiều thuận lợi cho văn hóa đi lên, dân trí sẽ ngày một nâng cao. Có điều kiện tiếp cận với văn hóa chung của thế giới.

Ngày nay ở nước ta, kinh tế đang phát triển, đời sống người dân cũng khá lên nhiều, điều kiện vật chất được nâng cao kéo theo đời sống tinh thần được cải thiện từng bước, bây giờ hầu như gia đình nào cũng có Tivi, máy nghe nhạc, ai cũng có điện thoại thông minh, kết nối internet dễ dàng, muốn nghe bản nhạc nào cũng có, vậy tại sao âm nhạc cổ điển, thính phòng ở nước ta nói chung và tại Tp Hồ Chí Minh nói riêng vẫn không phát triển mạnh, lượng người yêu thích nhạc thính phòng vẫn hạn chế? Theo tôi, nguyên nhân chính vẫn là yếu tố giáo dục! Cái gì cũng phải học, âm nhạc cũng vậy, nhất là âm nhạc cổ điển thính phòng, phải được học tập và tiếp xúc từ nhỏ, có thể từ trong bụng mẹ, sau đó từ nhà trẻ, mẫu giáo và từ cấp một trở đi.

Nhớ lại thời của tôi, năm 1954, khi miền Bắc mới lập lại hòa bình, đời sống và kinh tế còn rất khó khăn, điều kiện tiếp xúc với văn hóa của thế giới rất hạn hẹp, Hà Nội chỉ có một hiệu sách ngoại văn, để kiếm được một cuốn sách nhạc, hay đĩa hát là hiếm có, chứ chưa nói tới việc được xem trực tiếp nghệ sĩ nước ngoài biểu diễn! Thế nhưng nhà nước đã chú ý đến việc phát triển văn hóa trong đó có âm nhạc. Năm 1956, Trường Âm nhạc Việt nam ra đời, đã đào tạo được bao nghệ sĩ, nhạc sĩ, đóng góp cho sự nghiệp phát triển âm nhạc nước nhà. Năm 1959 dàn nhạc Giao hưởng, hợp xướng được thành lập, đã có chương trình giao hưởng biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Sau đó rất nhiều học sinh được gửi đi tu nghiệp ở nước ngoài, xây dựng được đội ngũ sáng tác, biểu diễn xuất sắc, đào tạo biết bao nghệ sĩ kế nghiệp sau này. Qua đó thấy được vai trò của việc giáo dục và học tập âm nhạc từ rất sớm là quan trọng nhường nào.

Kể từ ngày miền Bắc hòa bình lập lại đã 70 năm, cả nước thống nhất được gần 50 năm, về âm nhạc cổ điển thính phòng đã gặt hái được một số thành công. Lĩnh vực sáng tác: đã có một số bản Giao hưởng ra đời, đầu tiên là bản Giao hưởng“Quê hương” của Ns Hoàng Việt, một số tác phẩm thính phòng của Ns Đàm Linh, Nguyễn Văn Nam, Hoàng Đạm, Hoàng Vân, Huy Du…Lĩnh vực biểu diễn có Đặng Thái Sơn, giải nhất Concours Chopin tại Ba Lan…nhưng như vậy là quá ít, so với các nước xung quanh, nhân tài vẫn có thể đếm trên đầu ngón tay! Một số nghệ sĩ tài năng sau khi đi du học nước ngoài, họ không trở về Việt Nam, vì nghĩ rằng trở về sẽ không có điều kiện phát huy tài năng và không có đất sống ở Việt Nam, đây là một thực tế đáng buồn khiến ta phải suy gẫm!

Trong hội thảo lần này, tôi chỉ xin đưa ra một vài ý kiến đóng góp, nhằm có thể tìm ra giải pháp để Hội ta góp phần đưa âm nhạc cổ điển thính phòng đến gần với công chúng, để có nhiều người yêu thích thể loại âm nhạc này, vì đây là kho tàng âm nhạc vô cùng quý báu của nhân loại mà ta không biết khai thác, sử dụng và tận hưởng sẽ vô cùng lãng phí!

Thứ nhất: Tạo điều kiện được nghe tác phẩm cổ điển thính phòng từ nhỏ, trong trường mẫu giáo, cấp một. Với đối tượng lứa tuổi lớn hơn, khi nghe có phân tích để hiểu và tạo sự yêu thích.Thứ hai: Mở những lớp bồi dưỡng âm nhạc nói chung và nhạc cổ điển thính phòng đối với đội ngũ giáo viên âm nhạc tại các trường phổ thông.Thứ ba: Chi hội biểu diễn tổ chức các buổi diễn tại các trường phổ thông và đại học, hay tại các nhà máy, xí nghiệp cho học sinh, sinh viên và công nhân, để họ có dịp thưởng thức nhạc thính phòng cổ điển.Thứ tư: Ưu tiên đầu tư kinh phí cho những ca khúc thiếu nhi và các tác phẩm thính phòng, phối hợp với Chi hội biểu diễn hỗ trợ dàn dựng tác phẩm thính phòng.Thứ năm: Phối hợp chặt chẽ với Đài Phát thanh, Đài Truyền hình Thành phố, Nhà hát Giao hưởng, Nhạc viện Thành phốHồ Chí Minh, nhằm giới thiệu và quảng bá những tác phẩm thính phòng của các nhạc sĩ thành viên Hội ta.

Trên đây chỉ là những gợi ý, đóng góp với Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh, với mong muốn âm nhạc cổ điển thính phòng đến gần hơn với công chúng yêu âm nhạc, để nền âm nhạc nói chung của đất nước và phong trào âm nhạc nói riêng của Thành phố ngày càng phát triển, vững bước đi lên, sánh tầm với khu vực, với Châu Á và với cả Thế giới.

Sau 42 năm thành lập, Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh đã quy tụ được rất nhiều thế hệ nghệ sĩ, đã đóng góp được bao công sức và đạt được những thành quả đáng tự hào, trong tất cả các lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, đào tạo và quảng bá âm nhạc trong cộng đồng.

Xin chúc Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phát triển vững mạnh đi lên, là mái nhà chung của tất cả anh em nghệ sĩ của thành phố, là chỗ dựa nghề nghiệp vững chắc và là niềm tự hào của tất cả chúng ta.

Xin chúc hội thảo thành công tốt đẹp, thu được những kết quả khả quan, chúc sức khỏe anh em nghệ sĩ luôn dồi dào, để có nhiều sáng tạo trong nghệ thuật.

Nhạc sĩ Trần Hữu Bích

Nguyên Phó Trưởng Ban Ca nhạc Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh