07/12/202309:30

GIÁO DỤC ÂM NHẠC TRONG HỌC ĐƯỜNG VÀ VẤN ĐỀ ĐỊNH HÌNH THẨM MỸ ÂM NHẠC CHO GIỚI TRẺ - Phần cuối

2. Những ghi nhận thực tế và phương hướng giải quyết

2. 1 Những ghi nhận thực tế

Tuy nhiên, trong thực tế cũng ghi nhận một số tín hiệu lạc quan từ sự ra đời ngày càng nhiều của các trường, lớp âm nhạc dân lập, tư thục, sự đổi mới phương pháp, hệ thống giảng dạy của các trường âm nhạc công lập. Chính từ những hệ thống đào tạo này mà các em được làm quen với các loại nhạc cụ từ truyền thống đến phương Tây, được thường xuyên nghe và thực hành âm nhạc, ít nhiều gì cũng có ảnh hưởng tích cực nhất định. Nếu đề tài được phát triển rộng hơn thì tôi sẽ làm một cuộc điều tra ở một số trường học để nắm được thông tin một cách rộng rãi và chính xác hơn về giáo dục âm nhạc và thị hiếu âm nhạc của học sinh phổ thông, ở phạm vi một tham luận tôi chỉ xin ghi nhận kết quả qua quá trình hơn 30 năm tham gia giảng dạy âm nhạc của bản thân tại các trường công lập, tư thục và tư gia. Bằng sự theo dõi và đánh giá của tôi đối với các học sinh thì 99% các em được học nhạc cụ thường xuyên ngay từ từ bậc tiểu học với thời gian 5 năm trở lên sẽ tự định hình một thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc khác hẳn, hầu như đa số các em không nghe loại nhạc thị trường, nhạc não tình... hay say mê, thần tượng các ban nhạc, ca sỹ Hàn Quốc một cách thái quá...

Một tiết mục biểu diễn của học sinh trường Suối Nhạc

Ở các nước phát triển khác, các môn nghệ thuật rất được chú trọng ngay từ trong học đường, các em được học rất bài bản và thực tế, hầu như trường nào cũng có các câu lạc bộ, đội, nhóm để cá em sinh hoạt nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng nên hầu như các em đều có kiến thức về âm nhạc kinh điển cũng như âm nhạc truyền thống một cách rất cơ bản, tự xác định được khuynh hướng nghệ thuật đúng đắn cho riêng mình.

Nói đến âm nhạc truyền thống các em thường có ấn tượng đó là thứ âm nhạc buồn bã, cổ lỗ, chỉ thích hợp với người lớn tuổi nhưng nếu như các em và ngay cả người lớn sau khi xem đoạn ghi hình của Lớp tạo nguồn – Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen biểu diễn cách đây ít năm sẽ lập tức thay đổi quan niệm. Nhóm gồm sáu em tuổi từ 11 đến 13 được tuyển chọn và đào tạo từ nhỏ về nghệ thuật dân gian ở Học viện âm nhạc Quảng Tây – Trung Quốc, các em biểu diễn với một phong cách hoàn toàn mới, hết sức sinh động, trẻ trung, khác hẳn với lối trình diễn thụ động, buồn bã xưa nay. Khoan hãy bàn đến việc đào tạo ở đâu nhưng nhìn các em đàn vừa toát lên sự say mê, vừa thể hiện sự hồn nhiên, nhí nhảnh, sôi động, lôi cuốn người xem và cả những cô chú nhạc công trong dàn đệm cũng muốn “bay nhảy” theo. Điều này cho thấy nhạc truyền thống đâu chỉ dành cho những người lớn tuổi, các em nhỏ không thích thể loại này, vấn đề là phải dạy cho các em như thế nào để âm nhạc truyền thống trở nên hấp dẫn, gần gũi với các em.

Lớp tạo nguồn của Nhà hát Ca Múa Nhạc Dâ n tộc Bông Sen

Một số ghi nhận từ thực tế có thể cho ta thấy rõ rằng khi các em được học âm nhạc nói chung và âm nhạc truyền thống nói riêng một cách đầy đủ và nghiêm túc từ bé thì các em tự nhiên sẽ có một thẩm mỹ âm nhạc khác, ứng xử khác. Nhưng rất tiếc đây cũng chỉ là một số ít các em có điều kiện.

2.2 Phương hướng giải quyết

Như đã nêu ở phần mở đầu, hiện tượng lệch lạc trong thưởng thức âm nhạc của giới trẻ ngày nay do nhiều nguyên nhân nên cũng cần nhiều phương án để giải quyết, nhưng ở giới hạn tham luận này chỉ đề cập đến vấn đề giáo dục âm nhạc trong học đường nên tôi cũng chỉ đưa ra một số giải pháp ở lĩnh vực này.

Trước tiên phải cải cách chương trình giảng dạy âm nhạc trong học đường sao cho gần gũi, hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi các em, phải làm sao đúng nghĩa là giáo dục âm nhạc chứ không phải dạy hát. Cần cập nhật cho các em nhiều hơn những kiến thức về âm nhạc kinh điển thế giới và âm nhạc truyền thống Việt Nam. Quan trọng nhất là phải tăng cường phương pháp trực quan: nghe, xem, trực tiếp sử dụng nhạc cụ mới có hiệu quả nhanh và lâu dài.

Nên đưa âm nhạc truyền thống Việt Nam vào giảng dạy trong học đường như một phần bắt buộc của bộ môn âm nhạc và chương trình cũng phải biên soạn sao cho sinh động, gần gũi, hấp dẫn với từng độ tuổi của các em. Có thể từ dễ đến khó, ngắn đến dài, từ những bài dân ca cải biên, lời mới, những ca khúc mang âm hưởng dân ca, những bài nhạc mới diễn tấu bằng nhạc cụ truyền thống để các em dễ cảm nhận, tiếp thu, dần dần mới giới thiệu đến các thể loại, bài bản gần “gốc”, thuần “gốc” hơn. Cũng nên thành lập các câu lạc bộ âm nhạc trong học đường để các em có điều kiện thể hiện khả năng của mình mình, niềm đam mê âm nhạc nói chung và âm nhạc truyền thống nói riêng bằng cách chính mình đàn và hát.

Tóm lại, từ những tìm hiểu, đúc kết qua thực tế tôi xin đưa ra một số giải pháp nêu trên để nhằm góp phần khắc phục tình trạng nhiễu loạn trong thưởng thức nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng hiện nay.

Ths Nguyễn Cẩm Lệ - Sở VHTT TP. HCM