Sau một thời gian dài chạy theo các ca khúc não tình, ca khúc “thị trường” của Việt Nam mà ca từ nhạt nhẽo, rỗng tuếch, âm nhạc lai căng, chắp vá, thời gian qua với sự hội nhập qua Internet, qua các ban nhạc, nghệ sỹ nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn ngày một nhiều hơn, giới trẻ lại bắt đầu chuyển sang xu hướng nghe và thần tượng các nghệ sỹ, ban nhạc nước ngoài. Đã xảy ra những hiện tượng cười ra nước mắt trong giới trẻ mà chúng ta không khỏi giật mình: tình nguyện lặn lội mấy chục cây số để được xem thần tượng, chờ đợi, chen chúc cả chục tiếng đồng hồ dưới trời nắng gay gắt để giành một tấm vé, một chỗ đứng để thấy mặt thần tượng đeán ñoä ngaát xæu. Khi gặp thần tượng rồi thì lại diễn ra những cảnh còn khó coi hơn: gào khóc thảm thiết, hôn ghế thần tượng vừa ngồi… Sau đó còn có rất nhiều bạn trẻ lên tiếng ủng hộ, thậm chí sẵn sàng bỏ thi chỉ vì đề thi đề cập đến vấn đề thần tượng của họ. Bên cạnh đó cũng có nhiều người lên án, chỉ trích những hành động thái quá đó, nhưng phân tích kỹ lỗi không hoàn toàn ở các bạn trẻ mà theo tôi lỗi ở người lớn phần nhiều.
Vì sao giới trẻ không quan tâm đến dòng nhạc nghiêm túc, kinh điển, không say mê những bài dân ca Việt Nam hoặc chí ít là những ca khúc đương đại mang âm hưởng dân ca Việt Nam? Tại sao thần tượng không phải là những ca sỹ, ban nhạc Việt Nam? Phải chăng nhạc cổ điển thì “nặng nề” còn nhạc truyền thống thì “già nua”…? Rất nhiều câu hỏi cần sự giải đáp để giải quyết vấn đề. Là một người vừa tham gia giảng dạy lại đồng thời là một phụ huynh tôi không khỏi trăn trở, bức xúc về những vấn đề trên. Để dẫn đến những hiện tượng này xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân: sự cổ vũ một cách thiếu định hướng của các phương tiện truyền thông qua các “bảng xếp hạng”, các chương trình V- pop, K- pop được phát thanh, phát sóng ra rả 24/24, sự bình chọn theo thị hiếu của các trang mạng, việc thiếu quan tâm định hướng của phụ huynh, quaûn lyù thieáu ñoàng boä cuûa nhaø nöôùc v.v...và một trong những nguyên nhân đó chính là sự giảng dạy âm nhạc nói chung và âm nhạc truyền thống nói riêng trong học đường.
Ở môi trường mầm non âm nhạc gần như một môn học chính, các bé thường xuyên được hát, múa, chơi các nhạc cụ đơn giản (các nhạc cụ bộ gõ để làm quen với tiết tấu), được nghe, xem qua băng, đĩa và trực tiếp là các cô giáo nên phải nói ở lứa tuổi mầm non âm nhạc là thứ các cháu tiếp thu được nhiều nhất và nhanh nhất so với các môn khác. Vậy nhưng đa số chỉ là các ca khúc thiếu nhi, rất thiếu sót khi trong toàn bộ chương trình mầm non không hề đưa vào giới thiệu các tác phẩm âm nhạc cổ điển vừa định hình thẩm mỹ âm nhạc ngay từ tuổi mầm non vừa phát triển trí thông minh cho trẻ. Theo rất nhiều nghiên cứu thì từ khi còn là bào thai 2-3 tháng tuổi em bé đã biết nghe nhạc và người ta còn khuyên cho bé nghe nhạc cổ điển, nhất là các tác phẩm của Mozart để phát triển trí thông minh thì không có lý gì khi ra đời, đi học các bé lại không được tiếp tục quá trình giáo dục này, các nhà giáo dục sợ các bé không hiểu được nhạc cổ điển ở lứa tuổi này chăng?
Giáo dục âm nhạc truyền thống ở tuổi mầm non cũng có đưa vào chương trình một số bài dân ca ngắn nhưng tỷ lệ rất thật khiêm tốn. Ở phần dành cho các bé chỉ có 2/73 bài là dân ca, ở phần cô hát bé nghe trong tài liệu đưa vào được 22/49 bài là dân ca nhưng phần này chủ yếu là để các cô tham khảo chứ chắc cũng chẳng cô nào hát cho các cháu nghe được nửa số bài trong đó. Còn việc được làm quen với các nhạc cụ truyền thống (chỉ cần qua việc nghe, nhìn), các làn điệu dân ca gần gũi với tuổi thơ như ru, lý, đồng dao thì gần như thiếu vắng. Như vậy, ngay ở lứa tuổi mầm non, lứa tuổi đầu tiên để định hình những thẩm mỹ nghệ thuật nói chung và âm nhạc truyền thống nói riêng, chương trình giảng dạy đã khuyết hẳn mảng âm nhạc kinh điển bác học thế giới và âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Sang đến lứa tuổi tiểu học, trẻ em bắt đầu hoàn thiện hơn về ngôn ngữ, nhận thức, tư duy…nhưng chương trình giảng dạy âm nhạc ở bậc tiểu học cũng đa số là học hát các ca khúc thiếu nhi nho nhỏ, rất nhiều bài trong đó các em đã được học ở bậc mầm non (“Quả” -Xanh Xanh, “Sắp đến tết rồi” - Hoàng Vân, “Năm ngón tay ngoan” - Trần Văn Thụ…).
Về nhạc lý, đến lớp 3 mới bắt đầu tập kẻ khuông nhạc, viết khóa xon, viết nốt nhạc và tập làm quen, nhận biết 7 nốt trong dòng, các hình nốt cơ bản, lớp 4 mới bắt đầu tập xướng âm (mà SGK Âm nhạc gọi bằng tên rất không chính xác là BÀI TẬP ĐỌC NHẠC).
Phần âm nhạc kinh điển thế giới đến lớp 2 mới đưa vào ở dạng kể chuyện về thần đồng âm nhạc Mozart, mà cũng chỉ có duy nhất một lần trong suốt năm học. Toàn bộ chương trình âm nhạc lớp 3 và 4 đều không giới thiệu thêm một thông tin nào về âm nhạc kinh điển thế giới. Đến lớp 5 các em có 3 tiết để giới thiệu về một số nhạc cụ phương Tây: saxophone, flute, trompet, clarinet qua tranh ảnh (nếu thầy cô nào chịu khó thì sưu tầm một số băng đĩa, phim ảnh trên mạng internet thì các em mới được nghe âm sắc các nhạc cụ này), giới thiệu về thời niên thiếu của nhạc sỹ Chopin đồng thời được giới thiệu về NSND Đặng Thái Sơn và nghe một số bản nhạc độc tấu piano.
Về mảng âm nhạc truyền thống thì có “ưu ái” hơn, rải đều trong các cấp lớp có sử dụng và giới thiệu về âm nhạc truyền thống nhưng tỷ lệ cũng rất ít, ở lớp 1 các em được giới thiệu 2 ca khúc dân ca trên 13 bài hát được sử dụng trong chương trình là bài “Lý cây xanh” và bài dân ca Nùng đặt lời mới, lớp 2 tỷ lệ là 1/10, lớp 3 là 2/11 (trong đó bài “Gà gáy” dân ca Cống Khao, lời mới Huy Trân đã được học ở bậc mầm non), lớp 4 là 4/11, lớp 5 là 3/14. Ngoài ra cũng có một số tiết các em được giới thiệu sơ qua về các điệu lý, một số nhạc cụ truyền thống: đàn nhị, tam, tứ, tì bà, nghe giới thiệu về soạn giả Cao Văn Lầu và bản “Dạ cổ hoài lang” nhưng cũng chỉ là cưỡi ngựa xem hoa khi trong suốt 5 năm tiểu học học các em chỉ có 3 tiết được giới thiệu về âm nhạc truyền thống (không hiểu vì sao lớp 2, 3 lại bỏ trống phần này?).
Như vậy trong suốt 5 năm tiểu học, ở lứa tuổi dễ tiếp thu và có nhiều thời gian để thực hành âm nhạc nhất thì chúng ta có thể thấy chương trình giảng dạy âm nhạc rất hời hợt, chỉ gần như học hát là chính (mà nhiều ca khúc được chọn vào SGK cũng không đặc sắc nên học xong là các em quên hết), rất ít khi được nghe các tác phẩm âm nhạc kinh điển và âm nhạc truyền thống Việt Nam. Việc thực hành lại càng hiếm, một số trường cũng có phòng âm nhạc và đa số trang bị nhạc cụ điện tử (organ) và chương trình giảng dạy cũng chủ yếu để lấp giờ bán trú. Trang bị và dạy các nhạc cụ truyền thống ở trường tiểu học lại càng ít hơn, cách đây vài năm trường tiểu học Trần Hưng Đạo Q.1 và Phan Đình Phùng Q.3 cũng có câu lạc bộ nhạc truyền thống, dạy đàn tranh cho các bé nhưng đến nay cũng chỉ còn CLB đàn tranh của trường tiểu học Phan Đình Phùng được sự hỗ trợ của CLB Tiếng Hát Quê Hương của NS Thúy Loan – Hải Phượng là còn hoạt động.
Còn tiếp...