27/04/202310:42

HÁT CŨNG LÀ CHIẾN ĐẤU - PHẦN CUỐI

Từ lời dạy của Bác: "Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận..." nhìn về phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe"

Cuộc đấu tranh bằng tiếng hát đã bắt đầu

Đứng trước mưu đồ thâm độc của Mỹ ngụy, Tổng hội sinh viên Sài Gòn dưới sự lãnh đạo Thành Ủy, Thành Đoàn Thanh niên khu Sài Gòn, Gia Định và Chợ Lớn đã đề ra các chủ trương về văn nghệ, xem văn nghệ cũng là một mặt trận đấu tranh hữu hiệu mà ta đang có thực lực và chiếm ưu thế trong các hoạt động văn nghệ tại các trường Trung học và Đại học. Cuộc “chiến tranh” bằng âm nhạc đã diễn ra giữa một bên là những thanh niên yêu nước, không có phương tiện kỹ thuật truyền thông, không nắm trong tay hệ thống thông tin - truyền thông và một bên có đầy đủ mọi ưu thế cả về vật lực và nhân lực.

Ngày 15 tháng 5 năm 1965 Đoàn Văn Nghệ Sinh viên – học sinh Sài Gòn được thành lập. Các đồng chí Dương Văn Đầy, Trương Thìn, Hồ Hữu Nhựt, Trần Thiện Tứ, Tôn Thất Lập là những người sáng lập và lần lượt phụ trách đoàn.Bên cạnh đó, tại các trường đại học cũng có các nhóm, các đoàn văn nghệ được thành lập như nhóm Bừng Sống của sinh viên trường Đại học Khoa Học và sinh viên trường Đại học Sư Phạm cùngtham gia; Hội quán Văn nghệ sinh viên Văn khoa và sau đó là Đoàn Văn nghệ Sinh viên Văn Khoa;Đoàn Văn nghệ Sinh viên Vạn Hạnh… Giữa lúc phong trào đấu tranh của nhân dân đô thị đang sục sôi, đồng bào Sài Gòn chứng kiến Hòa thượng thích quảng Đức tự thiêu trước tòa Đại sứ Cambodia (quận 3) vì hòa bình, rồi sau đó, cuộc từ thiêu trước chùa Tư Nghiêm (quận 10) của Nhất Chi Mai. Một sinh viên Đại học Sư Phạm từ Huế vào Sài Gòn học, tham gia phong trào: Trần Quang Long đã cho xuất bản Hai tập thơ: tập 1 là tập thơ “ Tiếng hát những người đi tới ” ngày 17 tháng 6 năm 1967 và tập 2 là kịch thơ lịch sử “Tiếng gọi Lam Sơn” xuất bản ngày 15 tháng 10 năm 1967 là hai tác phẩm đầu tiên mang hơi thở của phong trào, thể hiện rõ nét tinh thần đấu tranh, yêu nước, đòi hòa bình, chống Mỹ lúc đó:

… Chị ngã xuống rồi, triệu người u uất

Và rừng rừng dân tộc đứng lên theo…

(“Tưởng nhớ Nhất Chi Mai”, thơ Trần Quang Long)

Mốc quan trọng cho phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” là Đại hội mừngtết Quang Trung được tổ chức tại trường Quốc gia Hành chánh Sài Gòn năm 1967 do các đoàn thể sinh viên học sinh Sài Gòn tổ chức đã lôi cuốn gần vạn người tham dự. Đại hội đánh dấu một bước chuyển biến mới trong phong trào văn nghệ tranh đấu của sinh viên học sinh và quần chúng đô thị.

Đêm 27/9/1968, Tổng hội sinh viên tổ chức Hội thảo về chiến tranh Việt Nam. Lửa rực sáng và những tiếng nói vang lên vạch trần âm mưu chiến tranh diệt chủng và cơ cấu thối nát của chế độ Sài Gòn. Những khẩu hiệu được vang lên và tiếp nối là những bài hát sử ca, kháng chiến ca được vang lên. Cũng vào đêm đó, một bài ca mới xuất hiện, nhẹ nhàng, thấm thía nỗi đau của dân tộc[1]:

Ôi, những viên đoạn đồng, thật tươi thật đỏ hồng,

 

Các nước bạn đồng minh tăng cho dân Việt mình

Dân Việt cần cơm áo, bạn đồng minh hiếu thảo

Tặng viện trợ thật cao, những viên đạn đỏ hồng

 

Ôi, nhân danh hòa bình, ta, nước bạn đồng minh

 

Xin ủng hộ hai miền những viên đạn văn minh…

 

(Trích “Viên đạn đồng” – Miên Đức Thắng)

 

Cùng trong đêm đó, Tôn Thất Lập cùng hát với những người bạn bài hát anh vừa sáng tác:

Hát cho dân tôi nghe, tiếng hát tung cờ ngày nào…

Và tiếp theo là đoạn điệp khúc nghe âm vang như câu hát tiếp nối của bài hát Lên đàng, Diệt phát xít…:

Ngày nao loa vang, dân xóm thôn cũng vừa lên đường

Đời không yên vui nên rừng hoang cũng quen người rồi…

(trích “Hát cho dân tôi nghe” – Tôn Thất Lập)

Như vậy, ngoài những bài sử ca, những bài ca kháng chiến, các anh chị trong Đoàn văn nghệ Tổng hội sinh viên, Hội sinh viên sáng tác – Tổng hội sinh viên… đã có những sáng tác mới để làm nội dung đấu tranh, là “phát ngôn” cho hoạt động ca hát tranh đấu.Và, trong đêm văn nghệ “vì hòa bình”được tổ chức tại trường Đại học Nông Lâm Súc Sài Gòn[2] ngày 27/12/1969 đã chính thức xuất hiện tên gọi phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” và khẳng định rõ mục tiêu phong trào: “ Văn nghệ tự nó mang một chiến đấu tính bởi sống là tranh đấu. Văn nghệ nằm trong vòng vận động sinh tồn nên văn nghệ phải là một phản động lực trước các thế lực đang âm mưu tiêu huỷ sức sống. Từ ngàn xưa nhân dân ta đã liên tục vùng lên chống xâm lăng, giải phóng quê hương, giành lại chủ quyền. Và thi ca đã đóng một vai trò quan trọng… (Lời tựa cho tập bài hát “Hát cho đồng bào tôi nghe” – Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, 1970, do sinh viên Đại học Khoa học Huỳnh Tấn Mẫm, chủ tịch Tổng Hội sinh viên lúc đó viết). 

Đêm văn nghệ trở thành hoạt động giáo dục cách mạng, vận động thanh niên, sinh viên học sinh đấu tranh cho hòa bình, thống nhất đất nước, độc lập dân tộc. Cuộc đấu tranh bằng tiếng hát vang lên từ sân trường với hơn một ngàn sinh viên và đồng bào tham gia mặc dù cảnh sát Ngụy đã bao vây, phong tỏa tất cả các ngả đường. Đêm văn nghệ trở thành cuộc biểu tình thể hiện ý chí của thanh niên, sinh viên, học sinh, của các tầng lớp đồng bào và tiếng hát trở thành vũ khí chiến đấu. Trong đêm đó, Ban chấp hành Tổng hội sinh viên bị bắt, nhưng phong trào vẫn không ngừng phát triển và lan rộng ra khắp các đô thị miền Nam: Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Đà Lạt, Cần Thơ, An Giang,…

Năm 1970, tập bài hát “Hát cho đồng bào tôi nghe” do được xuất bản, tập hợp 32 bài ca đấu tranh do các sinh viên của phong trào sáng tác: Hát cho dân tôi nghe, Đồng lúa reo, Người đợi người (Tôn Thất Lập), Người mẹ Bàn Cờ, Đi về nơi có hoa lục bình (Trần Long Ẩn), Tự nguyện (Trương Quốc Khánh), Tin tưởng ca (Nguyễn Tuấn Kiệt), Dậy mà đi (Nguyễn Xuân Tân), Tình nghĩa Bắc Nam (Nguyễn Văn Sanh ), Nối vòng tay lớn (Trịnh Công Sơn), Không ai ngăn nỗi lời ca (La Hữu Vang), Hát từ đồng hoang (Miên Đức Thắng),…

Zalo

Phong trào càng ngày càng phát triển rộng khắp và luôn được sự ủng hộ mạnh mẽ tại khắp các tỉnh thành Miền Nam như: Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Đà Nẵng, Qui Nhơn, An Giang, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Phan Thiết, Bà Rịa, Vũng Tàu… Một số các nhạc sĩ chủ chốt trong phong trào ở Sài Gòn đã đi Huế phối hợp tổ chức hát tại giảng đường Đại Học Khoa Học Huế đêm 6/8/1970 và sau đó mời các anh Võ Quê, Phan Hữu Lượng, Bửu Chỉ tổ chức các đêm hát tại các giảng đường Đại học Sài Gòn và Đại học xá Minh Mạng… Nhiều chương trình khác đã được tổ chức tại trường Đại học Cần thơ năm 1970, tạichùa Linh Sơn – Đà Lạt và tại trường Trung học Phan Bội Châu – Phan Thiết, năm 1971.

Số thành viên trong Đoàn Văn nghệ Tổng hội sinh viên càng lúc càng tăng mạnh, hàng loạt các ca khúc yêu nước tiếp tục được ra đời: Tiếng gọi sinh viên, Tiếng hát trong tù (Tôn Thất Lập), Người cha bến tàu (Trần Long Ẩn), Dâng hoa cho nước, Chim hòa bình (Trần Xuân Tiến), Dành cho má một ngày (Trương Quốc Khánh), Tổ quốc ơi ta đã nghe (La Hữu Vang)... Những ca khúc ấy không chỉ vang lên trên giảng đường đại học, trong các sinh hoạt thanh niên, được “hát trên đường tranh đấu” màcòn được thường xuyên biểu diễn phục vụ đồng bào nghèo, công nhân lao động, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc,qua đó cổ vũ người dân xuống đường biểu tình đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bọn tay sai.

Từ năm 1970 trở đi, tại các giảng đường của 17 trường Đại học Sài Gòn đều do phong trào “Hát Cho Đồng Bào Tôi Nghe” chiếm lĩnh. Tiếng hát tranh đấu không ngừng vang lên trên giảng đường, sân trường đại học Sư Phạm, Đại học Khoa học, Đại học Vạn Hạnh, Đại học Nông - Lâm - Súc, Đại học Văn khoa, ở các Hội quán sinh viên. Tiếng hát tranh đấu gắn liền các cuộc hội thảo, xuống đường, biểu tình – biểu thị sự chống đối; sinh viên đốt xe tăng Mỹ, tuyệt thực. Trong các cuộc xuống đường, sinh viên sát cánh với đồng bào các giới hát vang những bài Chúng ta đã đứng dậy , Dậy mà đi (Nguyễn Xuân Tân), Tổ Quốc ơi ta đã nghe (La Hữu Vang),… Tiếng hát đã trở thành ngòi lửa châm vào khẩu pháo căm hờn của đồng bào các giới và tuổi trẻ chống lại chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Từ năm 1970 đến năm 1972, phong trào “Hát cho Đồng bào tôi nghe” đã thực sự lớn mạnh, thu hút nhiều nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng tại Sài Gòn tham gia như: Phạm Trọng Cầu, Trịnh Công Sơn, Phạm Thế Mỹ… Mai Thi, một ca sĩ phòng trà cũng tham gia đi ca hát với anh chị em trong phong trào. Những đêm thơ nhạc, những “đêm không ngủ” cùng những đêm văn nghệ mà khán giả không chỉ là sinh viên học sinh, mà còn thu hút cả nhiều người thuộc các giai tầng khác nhau trong xã hội.

Ngoài ca hát, phong trào còn tổ chức các chương trình văn nghệ với những tiết mục múa nổi tiếng như:múa Tiếng trống hào hùng dựa trên nội dung bài hát Hội nghị Diên Hồng của Lưu Hữu Phước; múa Làm thân cỏ cú theo nội dung bài hát cùng tên của Trần Long Ẩn; múa Tự Nguyện theo bài hát Tự Nguyện của Trương Quốc Khánh; múa Rạch Gầm dậy sóng sáng tác theo ca khúc của Lưu Hữu Phước và Nguyễn Mỹ Ca; múa Từ sông Hương nhớ về sông Hát và Tiếng gọi Sinh viên , nhạc của Tôn Thất Lập do biên đạo múa Tùng Linh dàn dựng. Ngoài ra còn có các nhạc cảnh, kịch nói: “Diêm Vương xử án Sáu Thẹo (Nguyễn Văn Thiệu)” của Trương Quốc Khánh và Trương Anh Dũng lên án, kết tội và như một tòa án xử tội thống thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn văn Thiệu. Vở nhạc cảnh – kịchđã biểu diễn công khai tại nhiều trường đại học ở Sài Gòn được học sinh, sinh viên tán thưởng nhiệt liệt.

Càng bị tổn thất nặng nề trên chiến trường, nguỵ quyền Sài Gòn càng đàn áp, đánh phá ác liệt hơn đối với phong trào học sinh, sinh viên. Các nhạc sĩ sinh viên như Tôn Thất Lập, Trương Quốc Khánh, Nguyễn Tuấn Kiệt, Phạm Trọng Cầu… đã bị chúng bắt và đánh đập dã man. Riêng anh Nguyễn Tuấn Kiệt bị chúng đày đi Côn Đảo, đến năm 1973, theo hiệp định Paris mới được trao trả ở Lộc Ninh. Nhưng, phong trào “ H át cho đồng bào tôi nghe ” vẫn lan rộng, phát triển và về sau thu hút sự tham gia của học sinh phổ thông. Nổi bật trong phong trào còn có những anh chị em: Nguyễn Huyên, Nguyễn Nam, Nguyễn Thị Thành, Trần Xuân Tiến, Lê Tiết Hồng Hà…

Tiếng hát trở thành ngọn lửa yêu nước lan rộng, khơi dậy, lôi cuốn những thanh niên trí thức và người Việt ở nước ngoài như Pháp, Tây Đức, Bỉ, Canada, Nhật, Úc và cả ở Mỹ tham gia vào cuộc chiến đấu của dân tộc. Nhiều cuộc vận động, biểu tình của du học sinh tại Tây Đức, Pháp, Canada, Mỹ… Họ biểu tình, tuyệt thực, cắt tay lấy máu để viết tâm thư gửi tổng thống Mỹ phản đối chiến tranh Việt Nam…

Chiến tranh ngày càng ác liệt vào những năm 1972 – 1975, phong trào tranh đấu ca hay còn gọi là phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” ngày càng mạnh mẽ hơn kết hợp với phong trào xuống đường đòi hòa bình, chống đàn áp, đòi Mỹ rút quân, đốt xe Mỹ… Thanh niên, sinh viên học sinh Sài Gòn - Gia Định cũng như tại thanh niên ở các đô thị miền Nam Việt Nam lúc đó đã hát để chiến đấu, họ hát cũng là đang chiến đấu. Họ dùng ca hát để chiến đấu, vừa đấu tranh vừa ca hát: hội thảo, xuống đường luôn có ca hát, có những đêm không ngủ để hát, tuyệt thực cũng ca hát, thậm chí bị bắt vào tù cũng vẫn hát những bài ca tranh đấu.

Tiếng hát của họ đã lôi cuốn hàng vạn người cùng xuống đường, cùng hát và tranh đấu. Tiếng hát của họ xung trận làm đối phương hoảng sợ, làm người còn ngại tranh đấu cùng gia nhập hàng ngũ, làm người u mê tăm tối đang cầm súng bắn vào đồng bào chợt tỉnh ngộ, quay súng bắn lại kẻ thù.

Hàng hàng, lớp lớp tuổi trẻ Sài Gòn và ở khắp mọi vùng đất của miền Nam, nghe tiếng hát đã đáp lời sông núi, dấn thân trong các phong trào đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhiều người bỏ thành phố “thoát ly” vào “R”. Người còn ở lại thành phố tiếp tục hồn nhiên, trong sáng và mạnh mẽ cất cao tiếng hát chiến đấu, thực sự dùng tiếng hát để chiến đấu. Với họ, hát cũng là chiến đấu… 

Tạm kết

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những người anh, người chị của Phong trào tranh đấu ca “Hát cho đồng bào tôi nghe” thời đó nay đã hơn 70 tuổi, có người đã mất… nhưng trong mỗi người luôn tự hào về thời kỳ đó. Những sinh viên năm đó vẫn nhớ như in giọng khỏe to của sinh viên Nguyễn Văn Sanh và Trần Long Ẩn thường song ca trong những đêm không ngủ, những buổi văn nghệ sinh viên; nhớ giọng của Trần Xuân Tiến vang vang trong vở kịch múa Tiếng trống hào hùng :

“ Toàn dân nghe chăng 

Sơn hà nguy biến 

Hận thù đằng đằng…”

Họ đã sống và cống hiến, họ hát cũng là họ chiến đấu, góp phần mình cho thắng lợi cuối cùng của dân tộc: ngày 30 tháng 4 năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 

Merriam, nhà nhân chủng học, Âm nhạc Dân tộc học Mỹ từng đưa ra “10 chức năng của Âm nhạc”[3], nhưng trong đó ông không nêu rõ và cũng chưa từng thấy ca hát – âm nhạc có chức năng chiến đấu ở cả nghĩa bóng và nghĩa đen như ở Việt Nam. Vậy, có thể, nên chăng, thêm vào chức năng chiến đấu cho âm nhạc ở Việt Nam, bởi, như Bác Hồ đã dạy “Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận…”.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Trần Long Ần (2010), Phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe , khóa luận tốt nghiệp đại học Lý luận âm nhạc, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Duy (1966) Dân ca - Folk songs, tuyển tập dân ca Việt Nam và quốc tế do Phạm Duy chọn lọc, Melody Trails-Tro, New york.Merriam, Alan P. (1964), Anthropology of music , Northwestern University Press, USA.Theo Lê Trương (2006), Nhìn lại phong trào văn nghệ thanh niên sinh viên học sinh Sài Gòn thời chống Mỹ cứu nước , tài liệu đánh máy cá nhân

Các tài liệu tham khảo khác:

- Phỏng vấn các cựu lãnh đạo phong trào ca hát đấu tranh của Tổng Hội sinh viên Sài Gòn – Gia Định:Nguyễn Văn Sanh, Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập, Trần Xuân Tiến…

-https://phamduy.com/en/album-mp3/P/33-pham-duy/462-tam-ca, truy cập ngày 26/9/2021.

[1] Theo Lê Trương (2006), Nhìn lại phong trào văn nghệ thanh niên sinh viên học sinh Sài Gòn thời chống Mỹ cứu nước , tài liệu đánh máy cá nhân và Trần Long Ần (2010), Phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe , khóa luận tốt nghiệp đại học Lý luận âm nhạc, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh

[2] Địa chỉ tại số 11 Đinh Tiên Hoàng, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Nay, trường đổi tên là Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh

[3]MERRIAM, ALAN P. “10 Fonctions of music”:

1. Emotional expression - (Chức năng) cảm xúc (từ biểu diễn).

2. Aesthetic enjoyment - (Chức năng) thưởng thức - thẩm mỹ

3. Entertainment - (Chức năng) giải trí.

4. Communication (Chức năng) truyền bá.

5. Symbolic representation (symbols within the text, notation, and cultural meaning of the sounds). (Chức năng) thể hiện biểu tượng.

6. Physical response (dancing and other physical activity). (Chức năng) phản ánh con người.

7. Enforcement of conformity to social norms (instruction through song and rhymes). Chức năng thực thi phù hợp chuẩn mực xã hội hiện tại.

8. Validation of social institutions and religious rituals (use of music in religious services and state occasions) Được sự công nhận của xã hội trong thời đại và trong tín ngưỡng tôn giáo.

9. Contribution to the continuity and stability of culture (music as an expression of cultural values). Sự đóng góp khôngngừng cho sự phát triển của xã hội và gìn giữ văn hóa.

10. Contribution to the integration of society (use of music to bring people together) Đóng góp cho sự thống nhất của mọi tầng lớp, cộng đồng trong xã hội /tính cố kết cộng đồng).