20/04/202309:52

HÁT CŨNG LÀ CHIẾN ĐẤU - PHẦN ĐẦU

TỪ LỜI DẠY CỦA BÁC: “VĂN HÓA NGHỆ THUẬT LÀ MỘT MẶT TRẬN…” NHÌN VỀ PHONG TRÀO “HÁT CHO ĐỒNG BÀO TÔI NGHE”

Năm 1965, cục diện chiến tranh Việt Nam đột ngột thay đổi. Lính Mỹ và chư hầu đổ bộ vào miền Nam Việt Nam, máy bay Mỹ ném bom miền Bắc… Giữa lúc đó, tại các đô thị miền Nam, nhiều phong trào ca hát, văn nghệ xuất hiện, lôi cuốn giới trí thức, sinh viên, học sinh, từ trẻ đến già, có đạo (Phật Giáo, công giáo) và cả những người không theo đạo… Đâu đâu cũng thấy người ta hát “Tâm ca”, “Da vàng ca”, rồi trở thành phong trào. “Dân ca” cũng thành xu hướng, thành phong trào rồi dẫn đến “tranh đấu ca” do sinh viên, học sinh tổ chức bằng các phong trào “Hát sử ca” và “Kháng chiến ca” để rồi đỉnh điểm là phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”. 

Có thể, quay lại tìm hiểu một phong trào ca hát đã trở thành niềm tự hào của nhiều thế hệ sinh viên, học sinh Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh cũng có thể làm cho nhiều người cho rằng đã qua hơn nửa thế kỷ, đã xưa cũ. Nhưng càng tìm, càng hiểu ra nhiều điều, rõ ràng nhất là: hát cũng là chiến đấu. Từ lời dạy của Bác Hồ: “Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận, văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trần ấy” để nhìn về một phong trào ca hát tranh đấu ở các đô thị miền Nam, thấy được ca hát là một vũ khí đấu tranh thực sự, vô cùng mạnh mẽ, đã góp phần không nhỏ vào cuộc chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc...

Bắt đầu từ tiếng hát… 

Ở các đô thị miền Nam lúc đó, sau năm 1954, mọi người say mê những bài “Tâm ca” do Phạm Duy sáng tác. Người người hát những bài “Tâm ca” như một cách để thể hiện khát vọng hòa bình chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước… Ban đầu, Tâm ca được người dân tại các đô thị miền Nam lúc đó hát như một cách biểu lộ thái độ phản chiến, chống đối lại cuộc chiến tranh bẩn thỉu mà kẻ thù đang tiến hành trên đất nước ta.

Cũng khoảng năm 1965, giới thanh niên, sinh viên Sài gòn phát động phong trào hát dân ca. Tất cả các buổi sinh hoạt, các tổ chức có thành phần thanh niên như: tổ chức Hướng đạo sinh, Hội sinh viên một số trường Đại học như Đại học Khoa học Sài Gòn, Đại học Phật học Vạn Hạnh v.v… đều hát dân ca. Người dân Sài Gòn cũng hưởng ứng bởi họ cảm thấy dân ca là những bài hát Việt Nam thuần túy, không thể lẫn với những bài nhạc Mỹ hay nhạc Việt lai căng, những điệu nhạc Pop, Rock, Twist hay những bài nhạc boléro ẻo lả, èo uột đang bắt đầu lan tràn khắp thôn cùng ngõ xóm miền Nam lúc đó. Bản thân Phạm Duy cũng bắt theo xu hướng này, ông tham gia phong trào hát dân ca của giới thanh niên bằng những bài dân ca “cải biên” như: Qua cầu gió bay, Hát hội trăng rằm, Trống cơm v.v… mà ông biên soạn lại từ những làn điệu dân ca Quan họ; hoặc biên soạn những bài dân ca các dân tộc như “Ngày mùa” (dân tộc Thái) và cho xuất bản tập Dân ca Phạm Duy (!). Phạm Duy đã “ca khúc hóa” dân ca và hòa chung những bài hát này với những điệu Lý ngựa ô, Lý con sáo, Lý tình tang v.v… là những bài dân ca thực sự do nhạc sư Nguyễn Hữu Ba ký âm. Người dân hát dân ca, tìm hiểu dân ca, xuất bản và tìm hiểu những công trình văn hóa, văn học dân gian, dân tộc như một cách tạo cho mình một lá chắn văn hóa trước sự xâm lăng ồ ạt của văn hóa phương Tây, văn hóa Mỹ vào miền Nam Việt Nam lúc đó. Điển hình của phong trào này là những bài giảng về dân ca ở trường Trung học Pétrus Ký và giới thiệu dân ca ba miền của nhạc sư Nguyễn Hữu Ba ở Đại học Khoa học Sài Gòn; những tuyển tập âm nhạc, sách sử, những tác phẩm, sách cổ văn… được xuất bản.

Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy thành phố Sài Gòn - Gia Định, Ban thường vụ Thành Đoàn Sài Gòn - Gia Định, Đảng ủy thanh vận chỉ đạo cho Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn hướng về những bài ca kháng chiến, về lịch sử tự hào của dân tộc để giáo dục thanh niên, sinh viên học sinh, cụ thể là tìm hiểu và… hát. Đó là phong trào “Hát sử ca” và “Kháng chiến ca” mà nòng cốt là các Đoàn Văn nghệ Tổng hội Sinh viên ở các trường Đại học.

Trong một giai đoạn mà người dân không được nói lên cảm nghĩ hoặc không thể tỏ được thái độ của mình thì họ tìm cách nói gián tiếp bằng âm nhạc mà khi nghe, ai cũng có thể dễ dàng hiểu được mong muốn của họ. Đó là sự xuất hiện của những ca khúc Hội nghị Diên Hồng, Bạch Đằng giang của Lưu Hữu Phước, Thăng long hành khúc, Gò Đống Đa của Văn Cao, Khúc khải hoàn củaPhạm Tuyên, v.v…, những bài hát kháng chiến như Lên đàng – Lưu Hữu Phước, Du kích sông Thao, Tiếng hát sông Lô, An Phú Đông – Lê Bình v.v… vang lên oai hùng trong các buổi sinh hoạt thanh thiếu niên, tại các lớp học, trên giảng đường đại học. Sinh viên mở rộng thành những chương trình văn nghệ với nhiều thể loại khác nhau: nhạc cảnh Việt Nam Gấm vóc (với những bài hát được sử dụng trong nhạc cảnh: Giòng sông Hát, Hồ Lãng Bạc củaXuân Oanh, Du kích sông Thao của Đỗ Nhuận, Chiều Yên Thế của Việt Lang, Bạch Đằng Giang của Lưu Hữu Phước, Gò Đống Đa của Văn Cao, Tiếng sông Hương của Phạm Đình Chương, Tiếng hát sông Lô, Cửu Long giang của Phạm Duy, Khúc khải hoàn của Phạm Tuyên…); nhạc cảnh Xuân Việt Nam (vẽ mùa xuân dân tộc có hội chùa, cây trái nẩy lộc đơm hoa và mùa cuân đại thắng quân Thanh… với những ca khúc: Chùa Hương – Nguyễn Nhược Pháp, Xuân và tuổi trẻ - La Hối, Thúc quân (Hồn quân reo) – Văn Giảng, Thăng Long hành khúc – Văn Cao…); nhạc kịch Sơn Tinh – Thủy Tinh v.v… hoặc các vở kịch Hàm Tử Quan, Tiếng trống Hà Hồi v.v… Những chương trình văn nghệ sinh viên liên tục được tổ chức công khai ở hội trường rồi ra đến sân trường vào tất cả các dịp có thể: mừng xuân, mừng tết, mừng khai giảng, mừng “Noel” (giáng sinh) v.v… Sử ca, kháng chiến ca trở thành một phong trào văn nghệ phản ánh cảm nghĩ của quần chúng nhân dân đô thị, của sinh viên, học sinh về lòng yêu nước, về việc phải tỉnh táo trước thực tại bị chia cắt của đất nước lúc bấy giờ, phải hướng nhân dân đến việc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước ngay trong lòng kẻ thù.

Nhận thấy những bất lợi về chính trị do phong trào hát sử ca, kháng chiến ca, chính quyền Sài Gòn đã tìm cách triệt hạ phong trào bằng cách bắt đầu chiến dịch trên hệ thống truyền thông: họ ca ngợi, cho phép hát những bài hát kháng chiến, những bài sử ca nhưng họ cho thay lời, làm đổi nghĩa, “đánh lận con đen” bằng những từ ngữ chung chung… mà điển hình là sử dụng bài Thanh niên hành khúc của Lưu Hữu Phước làm quốc ca của “nước” Việt Nam Cộng hòa của chính quyền Sài Gòn cũ. 

Phong trào hát dân ca, hát sử ca, hát những bài ca kháng chiến trong lòng các đô thị miền Nam càng lên cao, tiếng nói phản chiến, mong muốn hòa bình càng vang lên mạnh mẽ. Không chỉ trong nước mà còn được người Việt ở nước ngoài, làm cho người nước ngoài càng hiểu hơn về cuộc chiến tranh đang xảy ra ở Việt Nam. Ngay chính trong lòng nước Mỹ, giáo sư đại học Norman Morrison tự thiêu trước tòa nhà Bộ quốc phòng Mỹ để đòi chấm dứt chiến tranh và đòi hòa bình cho Việt Nam tháng 11 năm 1965. Cả thế giới lắng nghe tiếng hát đấu tranh từ miền Nam Việt Nam.

Những tiếng hát ca ngợi lịch sử hào hùng của dân tộc, những bài ca kháng chiến đã nhắc nhở người dân tỉnh táo trước âm mưu chia cắt đất nước lâu dài của kẻ thù, hãy nêu cao lòng yêu nước, phát huy truyền thống, kêu gọi chống Mỹ… Do đó, những người làm chính trị Mỹ lập tức tìm cách “hóa giải” phong trào. Mỹ – Ngụy cho thành lập các đoàn văn nghệ như “Xây dựng nông thôn”, “Nguồn sống”, “Tiên rồng”, phong trào “Du ca” với các loại nhạc “Tâm ca” và thêm vào các bài “Đạo ca”, “Tục ca” cũng do Phạm Duy sáng tác. Người Mỹ mời Phạm Duy sang Mỹ để hát Tâm ca, hát những bài ca kháng chiến với tâm thế của “một người bạn của đồng minh” theo cách hiểu: chính phủ Mỹ thực hiện cuộc chiến tranh Việt Nam không ngoài ước vọng tự do, hòa bình cho người Việt Nam; cùng “chống” thực dân, cùng yêu kháng chiến. Họ mời Phạm Duy sang Mỹ là cách đánh vào tâm lý người Việt lúc đó: nếu người Mỹ thích Tâm ca, phổ biến sử ca, kháng chiến ca theo một cách nào đó thì người Việt từ tâm thế phản kháng, sẽ hoặc không thích hát nữa, người Mỹ sẽ nhanh chóng dập tắt được phong trào hát sử ca hay hát những bài ca kháng chiến. Mặt khác, chính quyền Sài Gòn còn cho sửa lời, đổi nghĩa, những bài sử ca, kháng chiến ca. Người dân tiếp cận những bài sử ca, bài ca kháng chiến đã bị sửa lời, đổi nghĩa sẽ hát, sẽ hiểu sử ca, những bài ca kháng chiến một cách méo mó, sai lệch theo kiểu mập mờ về mục đích/ lý tưởng của thanh niên, lẫn lộn về mục đích của cuộc chiến tranh, đẩy đưa ý thức hệ tư sản vào trong giới thanh niên... Cùng với thủ đoạn này, người Mỹ và chính quyền Sài Gòn tiếp tục đưa vào đời sống tinh thần của đồng bào miền Nam những sản phẩm văn hoá âm nhạc chống cộng, chống cách mạng, đề cao chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, ca ngợi cuộc sống phồn vinh giả tạo, ca ngợi “chính nghĩa quốc gia”, ca ngợi “thế giới tự do”…

_________________________________

[1] 10 bài Tâm ca được đánh số từ 1 đến 10, mỗi bài có tên riêng: (1) tôi ước mơ (Thơ Nhất Hạnh), (2) Tiếng hát to, (3) Ngồi gần nhau, (4) Giọt mưa tên lá, (5) Để lại cho em, (6) Một cành củi khô, (7) Kẻ thù ta (theo ý thơ của Nhất Hạnh và Trụ Vũ), (8) Ru người hấp hối, (9) Tôi bảo Tôi mãi mà Tôi không nghe và (10) Hát với tôi. https://phamduy.com/en/album-mp3/P/33-pham-duy/462-tam-ca, truy cập ngày 26/9/2021.

[2] Lê Trương (2006) Nhìn lại phong tào văn nghệ thanh niên sinh viên học sinh Sài Gòn thời chống Mỹ cứu nước, tài liệu đánh máy cá nhân.

[3] Phạm Duy (1966) Dân ca - Folk songs, tuyển tập dân ca Việt Nam và quốc tế do Phạm Duy chọn lọc, Melody Trails-Tro, New York.

[4] Nay là trường phổ thông trung học chuyên Lê Hồng Phong 

[5] Nay là Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh.