06/04/202309:11

ROCK VÀ PHẬT GIÁO - PHẦN 5

2.3 ROCK VIỆT VÀ MỘT SỐ TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO 

Một số tư tưởng Phật giáo đã ảnh hưởng vào nhạc rock, thường được đề cập đến trong nội dung ca từ mà chúng ta có thể bắt gặp như: thuyết tái sinh, luân hồi, vô thường vô ngã, từ bi, nhân bản, tinh tấn… Qua những tư tưởng này, các rocker muốn truyền tải thông điệp về các giá trị đạo đức, những bài học về cuộc sống đầy tính nhân văn.

2.3.1 Về thuyết tái sinh- luân hồi

Trong tư tưởng Phật Giáo, luân hồi – tái sinh không chỉ để giải thích vòng sinh tử mà qua tìm hiểu về luân hồi con người có thể sống an nhiên, tự tại và chết cũng được an nhiên, tự tại, thực tập buông bỏ tâm lý tham muốn, nắm giữ, sống từ bi, hòa ái.

Những tư tưởng này được thể hiện trong ca khúc “Vòng tròn” của nhóm Asmosphere nêu ra: “hôm qua đã chết cho ngày hôm nay, hôm nay phải chết theo luật trả vay”. Vòng đời là “trả vay”, sinh tử nên nếu không nhận ra được thì ta cứ mãi chạy theo những đố kỵ, gièm pha, những nghi ngờ toan tính làm cho “lòng tin sẽ chết… hạnh phúc sẽ chết…”.

Trích đoạn ca khúc “Vòng tròn”: 

“ Trí khôn sẽ chết theo toan tính thường ngày

Cảm xúc sẽ chết theo vòng đời quẩn quay

Tình yêu sẽ chết theo mơ ước vĩnh hằng

………………………………………….

Lòng tin sẽ chết theo đố kỵ gièm pha

Hạnh phúc  sẽ chết nếu nghi ngờ lo xa

Hôm qua đã chết cho ngày hôm nay

Hôm nay phải chết theo luật trả vay….”

 

Ca khúc “Tái sinh” của nhóm Unlimeted lại mượn thuyết tái sinh của đạo Phật để kêu gọi mọi người hãy bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường.

TÁI SINH

“ Tiếng thét đại ngàn cánh rừng hoang kêu cứu

Ngàn cây xanh cứ ngã xuống

Ai nói hết đớn đau

Mong được thấy rừng xanh thắm

Nơi bầy chim trú

Bây giờ là nơi đâu

Nơi rừng kia, cây chết, khô héo

Tái sinh” .  

Bài “Linh hồn vẫn tồn tại” (nhóm Unlimited) phản ánh rất rõ tinh thần của thuyết luân hồi khi diễn tả hình ảnh một linh hồn khắc khoải không biết diễn tả như thế nào cho những người thương yêu biết mình vẫn tồn tại, rằng cuộc sống này đầy rẫy những chuyện bất an và cũng chỉ là cõi tạm.

 

Ai cầu nguyện cho sự TÁI SINH của tôi???
Làm sao để em biết tôi vẫn tôi vẫn tồn tại
Làm sao để em biết thế giới này không tốt
Làm sao để em biết nơi đây chỉ là nơi bắt đầu
Làm sao để em biết TÔI VẪN YÊU EM!”

 

Một ca khúc Rock khác hết sức xúc động “Mẹ ơi, cho đến bao giờ” của nhóm Unlimited cũng mượn thuyết luân hồi để nói lên tiếng nói của linh hồn những thai nhi bị phá bỏ, tha thiết, khắc khoải đến nao lòng.

 

“Cơn mưa qua đường khuya giờ quá xa lạ

Đôi chân tôi thao thức mong nhớ

Bao nhiêu đêm ngồi buồn trông mong từng ngày

Biết ai bỏ lại mình tôi đứng đây

Chờ từng ngày qua mong ai đưa rước tôi về

Mặt trời lại lên long lanh như đôi mắt chúng tôi

Từng bầy trẻ thơ rong chơi trên bãi đất hoang

 

Và câu hỏi được lặp đi lặp lại như xoáy vào tim người:

“Từng ngày chờ mong, mẹ ơi, cho đến bao giờ?

Vòng tay yêu thương bao năm mong ước một lần.

Một ngày giông tố, thân tôi đưa đến nơi này

Ngày dài trôi mãi, mẹ ơi cho đến bao giờ?

 

2.3.2 Về thuyết vô thường - vô ngã

Như đã nêu trong mục 1.2, vô thường - vô ngã là một trong ba tam pháp ấn đặc biệt quan trọng của giáo lý đạo phật, nhận thức rõ được những đặc tính này của sự vật, sự việc, con người sẽ không còn sự buộc ràng, bám chấp, là cánh cửa đưa ta tới một cuộc sống giải thoát, an lạc, vị tha và nhân ái.

          Ca khúc “Chớp mắt” (nhóm Deep Blue Sea) lại nhắc nhở mọi người cuộc đời chỉ như “chớp mắt”, còn đó mất đó, vậy thì hãy biết trân trọng những gì mình có hôm nay, có thể đó là một tình bạn, một tình yêu, một con phố, một hàng cây….

 

Trích đoạn ca khúc “CHỚP MẮT”:

……………………….

Chỉ qua một đêm nát tan hết rồi

Từng con phố ngập tràn nỗi đau

Người có thấy trên cao vời vợi

Người có thấy chẳng còn gì nữa

Khát khao được sống, khát khao đất trời

Giọt nước mắt không là nỗi đau

Người đã khác khi xưa rất nhiều

Sỏi đá khác trong chớp mắt….”

 

          Với cách sử dụng ca từ đầy ẩn ý thường thấy trong nhạc rock, bài “Dấu vết thời gian” (nhóm Deep Blue Sea) diễn tả dòng đời cứ trôi không thể trở lại, bon chen trong dòng đời rồi “ta” cũng trở lại “ta”, trở lại là hư vô cát bụi, và tự vấn “…bụi đường rơi, ngàn dặm xa đi nữa hay thôi?”.

Trích ca khúc “Dấu vết thời gian 

…. “Ngày qua mất rồi không thể trở lại

Ngửa mặt lên giữa trời thấy ta còn nguyên

Bàn tay đã hằn dấu vết thời gian

Bụi đường rơi, ngàn dặm xa, đi nữa thôi”.

 

Ca khúc “Những điều vô nghĩa” (nhóm Atmosphere) được chính tác giả chia sẻ rằng đã mượn ý tứ từ bài kinh “Sám Hồng danh” nên tuy sử dụng lối tiến hành ca từ của Rock có phần trần trụi nhưng về mặt tư tưởng thể hiện rõ nhất những quan điểm đạo đức cũng như triết lý Phật giáo: vì vô minh nên người ta cứ mải miết chạy theo danh sắc tài mà dẫm đạp lên nhau, nhưng rồi khi vô thường đến thì ai cũng như ai, tất cả đều là “những điều vô nghĩa”, cái còn lại chỉ là “vết nhơ cho kẻ đi sau” (nghiệp).

Đặc biệt trong ca khúc này còn dùng chất liệu hòa âm từ một đoạn bài kinh “Sám hồng danh” để phát triển và ở câu kết, chen trong nền nhạc rock là âm điệu trầm bổng, tiếng chuông mõ của bài tụng kinh, rất độc đáo và sáng tạo.

 

NHỮNG ĐIỀU VÔ NGHĨA

(ATMosphere ) 

Ver 1

Danh vọng khiến các ngươi trở thành mù quáng

Tiền tài biến các người hóa thành yêu ma

Đã làm người sao lại thích quỳ gối

Sống trên đời sao không tự bước đi?

Dục vọng biến các người trở thành cầm thú

Vật chất khiến các ngươi dẫm đạp lẫn nhau

Đã làm người sao lại thích quỳ gối

Sống trên đời sao không tự bước đi?

...những điều vô nghĩa...

 

Chorus :

 

Các ngươi sinh ra chỉ để chờ lúc chết

Đứng trước cái chết chúng ta đều như nhau

Trước khi ra đi còn gì đâu, sau khi xuôi tay được gì đâu

Chỉ còn vết nhơ cho kẻ đi sau

 

Ver 2

Các người, nhìn đời bằng những con mắt bệnh hoạn

Và các ngươi toàn nghe những lời thối tha

Ảo giác đem đến muôn vàn dối trá, biến các ngươi thành một lũ ngu si ảo vọng, 

Tự cho mình đã trở thành lớn lao.

Muốn nhìn, phải tập cách nhìn cho rõ

Muốn nghe phải học để hiểu mà nghe…

Nhưng tiếc thay…tất cả chỉ là vô nghĩa

 

Chorus :

Các ngươi sinh ra chỉ để chờ lúc chết

Đứng trước cái chết chúng ta đều như nhau

Trước khi ra đi còn gì đâu, sau khi xuôi tay được gì đâu

Chỉ còn vết nhơ cho kẻ đi sau

Nhắm mắt lại mà nhìn... Bịt tai lại mà nghe

 

Ver 3 :

Các ngươi, một lũ hám danh hám lợi

Và các ngươi, sống bầy đàn ngu dốt với nhau

Bán rẻ tất cả để mơ tiếng tăm lừng lẫy

Đạp đổ tất cả rồi rồi gắn hai chữ đam mê….

Nhưng tiếc thay……

Tất cả cũng chỉ là vô nghĩa…

 

2.3.3 Tinh thần nhân bản – tinh tấn

Một số ý kiến sai lầm khi cho rằng đạo Phật tiêu cực, yếm thế nhưng nếu hiểu về bát chánh đạo sẽ thấy đạo Phật rất tích cực trong việc khuyên răn chúng sinh luôn phải tự nỗ lực vươn lên, đấu tranh với chính mình mà thể hiện rõ nhất qua tứ diệu đế và bát chánh đạo. Đức Phật đã chỉ ra đau khổ và con đường diệt khổ từ hàng ngàn năm trước để rồi sau đó Karl Marx khẳng định lại trong lời dạy con gái: “hạnh phúc là đấu tranh”, từ việc đấu tranh với chính bản thân mình để vượt qua những tập khí chấp thủ, tham ái nhằm có đời sống an lạc đến việc đấu tranh với những cái xấu, cái ác ngoài xã hội để đem đến cho con người một cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.

Đạo Phật luôn đề cao sự nỗ lực vươn lên của bản thân, không lệ thuộc vào một thế lực thần thánh nào, đề cao sự siêng năng, tinh tấn để “chuyển nghiệp” và “làm chủ vận mệnh” của bản thân, những ý tứ này được thể hiện trong nhiều ca khúc như bài “Con đường ánh sáng” của nhóm Unlimited. 

……………………….

“Bước chân chững lại mỗi khi ta vấp ngã

Sức cùng cạn kiệt sau bao nhiêu chặng đường dài

Bàn tay vùng vẫy và tìm cho mình một điểm tựa

Nhưng xung quanh chả có ai”

Và rồi:

“Có một con đường cho riêng mình

Tương lai vẫn chờ, tương lai ấp ủ”.

 

Trong ca khúc “Sấm nửa đêm” (nhóm Deap Blue Sea) diễn tả một người trong thời gian dài đã chìm vào u mê, tăm tối, nhưng sau đó đã tự tìm ra lối thoát để vượt qua bóng đêm, tự tìm lại chính mình.

 

Trích ca khúc “SẤM NỬA ĐÊM”  

 

“….Thoát ra những giấc mơ tăm tối

Để đôi mắt vẫn luôn trong sáng

Để thấy nắng mai hồng ấm

Gượng đau thoát cõi mê này

Để trở lại chính tôi….”

 

Ngoài ra, ca khúc “Linh hồn vẫn tồn tại” của Unlimited cũng đề cập tới tinh thần tinh tấn, tỉnh thức khi khuyên mọi người cố gắng sống sao để khi nằm xuống có thể tự hào với những tháng ngày được sống.

 

“…Khi tôi mất đi tất cả, 

chỉ còn lại một chút ánh sáng với linh hồn và niềm tự hào vẫn còn đó…”

 

2.3.4 Về lòng từ bi

Tình yêu thương trong đạo Phật không chỉ giới hạn ở những tình cảm thông thường giữa những người thân bằng quyến thuộc mà nó còn mở rộng với khắp chúng sinh, không có sự phân biệt tôn giáo, dân tộc, thân sơ…

Ca khúc “Vòng tròn” (nhóm Deap Blue Sea) kêu gọi mọi người hãy nắm tay nhau, đến với nhau bằng lòng từ ái, yêu thương, để đem đến cho nhau những nụ cười.

 

VÒNG TRÒN

 

Trái đất quay nghe tiếng cười, nghe tiếng khóc chào đời

Những ước mơ, những khát khao, ơi đôi mắt tròn xoe

Buộc dây tự trói mình

Chỉ mong được lung linh vào điệu hát ầu ơ ngày nào

Làn nước thật mát trong

Oằn bao chuyện long đong

Người đi hái nụ cười

Giờ con biết khóc rồi

Chỉ cần thế thôi

Sống như là người

Có trái tim và tấm lòng

Ngọn nến cháy hết rồi

Chẳng còn nuối tiếc

Khoác lên vòng tròn

Tay nắm tay”.

 

Không những thế, lòng từ bi trong đạo Phật còn trải khắp đến cả vạn vật hữu tình và vô tình, cây cỏ, muôn loài. Chính trong ca khúc “Tái sinh” của nhóm Unlimited đã nêu trên cũng đồng thời phản ánh tình thương yêu của con người với thiên nhiên, rừng núi.

Ngoài những đề tài thường gặp như trên thì một số tư tưởng khác của Phật giáo cũng được phản ánh trong các ca khúc Rock hiện nay. Tam độc (tham, sân si) là một trong những “bài học nằm lòng” của những người con Phật, chủ đề này cũng thường gặp trong các nhạc phẩm Rock, điển hình là “Túi 9 gang” của Trần Toàn K300 trong Album Funk Rok vol.3. Sau những lời lên án về lòng tham lam: 

………………

 “Túi ba gang đựng ngàn châu báu

Túi nào đầy vừa lòng tham đây

Cây khế kia lẻ loi góc vườn

Một ngày hóa thước đo lòng”

…………………….. 

Là những câu hỏi lập đi lập lại, quay quắt, vừa như lời chất vấn, vừa như lời kêu gọi thức tỉnh lòng người.

…………….

“Giọt máu đào may túi mấy gang?

Giọt máu đào may túi mấy gang?

Túi mấy gang?

Túi mấy gang?”

Trong thực tế có lẽ còn nhiều hơn các đề tài, tư tưởng Phật giáo mà nhạc Rock đề cập đến, nhưng trong phạm vi quyển sách này tôi chỉ xin giới thiệu một số nội dung và ca khúc như trên để qua đó, tìm thấy những điểm “gặp nhau”, thống nhất giữa Rock và Phật giáo.

Ban nhạc Rock Unlimited

Còn tiếp...