14/04/202312:19

ROCK VÀ PHẬT GIÁO - PHẦN CUỐI

2.4 MÂU THUẪN VÀ THỐNG NHẤT 

Qua toàn bộ phần trình bày trên cho thấy giữa Phật giáo và nhạc Rock ở một số đặc điểm tưởng chừng “mâu thuẫn” nhưng lại rất “thống nhất” ở một số khía cạnh khác.

Nghĩ đến tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng người ta thường nghĩ đến những gì “tĩnh”, “lặng”, nhưng Rock lại “động”, “ồn ào”. Nói đến Phật giáo người ta thường nghĩ ngay đến cái gì đó “truyền thống” và có phần “già nua” nhưng Rock lại rất trẻ trung và thời đại. Vậy nhưng xem xét ở một số góc độ, Rock và Phật giáo lại có những điểm “thống nhất”.

Về hình thức

Nếu tôn giáo là một cái gì đó tạo cảm hứng cho con người hướng tới một cuộc sống tốt đẹp nhất, cao cả nhất, thúc đẩy con người tự hoàn thiện mình bằng một nỗ lực đạo đức không ngừng thì ở đây, Rock và Phật giáo đã có điểm chung. 

Nhạc Rock với khả năng truyền tải mạnh mẽ, nó không còn đơn thuần là lĩnh vực giải trí mà trở thành giá trị về tinh thần. Mục đích cuối cùng của nó là hướng đến Chân – Thiện – Mỹ trong nghệ thuật cũng như đời sống tinh thần.

“Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”, chừng mực nào đó Rock cũng gần như vậy. Về hình thức thì những rocker thường xuất hiện trong vẻ xù xì, bụi bặm, không giống ai. Âm nhạc ồn ào, nội dung ca từ của Rock lại hay nói thẳng vào những sự thật, những vấn đề gai góc của con người, của xã hội nên không phải là một thể loại nghệ thuật dễ tiếp cận. Tuy nhiên, khi người nghe cảm nhận được những thông điệp đầy tính nhân bản trong Rock họ sẽ được giải tỏa về tâm lý, tiếp cận được những bài học về đạo đức một cách “nhẹ nhành” (so với các bài kinh kệ), sẽ tự mình tu sửa bản thân để ngày càng hoàn thiện hơn, xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Công chúng của các thể loại nhạc khác có thể  hôm này người ta nghe dòng nhạc này nhưng mai đã chuyển sang dòng nhạc khác, nhưng những “tín đồ” của Rock khi đã “ngộ” ra những giá trị của Rock họ sẽ theo Rock suốt cuộc đời.

Nếu nhìn tôn giáo với góc độ như trên thì Phật giáo và Rock đều là những “tôn giáo” vô thần, không có một quy chế về đấng thần linh hay thượng đế tối thượng, các “tín đồ” đến với Rock và Phật giáo đều trên tinh thần tự nguyện khi đã hiểu những giá trị về tinh thần mà Phật pháp và nghệ thuật mang lại.

Một điểm thống nhất thú vị khác có thể nhận thấy về mặt hình thức; Rock là một thể loại âm nhạc mà trong một buổi hòa nhạc, cả người nghệ sỹ lẫn khán giả đều ở trong một trạng thái “nhiếp tâm” cao nhất, điều này rất dễ nhận thấy trong các đêm nhạc Rock.

 

Về nội dung

Cả Phật giáo và Rock đều hướng con người đến những giá trị của Chân – Thiện – Mỹ. Những tinh thần của Phật giáo đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống cũng như văn học, nghệ thuật Việt Nam mà đặc biệt là thể loại nhạc Rock như đã phân tích ở trên. Vẻ đẹp uyên thâm của hệ thống triết lý Phật giáo đã đưa con người đi tìm những chân lý của cuộc sống, từ đó tìm ra những giải pháp nhằm đem lại cuộc sống tỉnh thức, tinh tấn, an lạc. Với Rock, bằng những ca khúc của mình đã dẫn dắt người nghe đến thực tại của cuộc sống, soi rọi vào những góc khuất để từ đó mọi người thức tỉnh và tự hoàn thiện mình, góp phần tạo dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

Như đã phân tích ở phần 2.3, rất nhiều nội dung, tinh thần Phật pháp đã được các rocker đưa vào tác phẩm của mình. Bằng ngôn ngữ Rock, họ cũng đã đề cập đến vô thường – vô ngã, từ bi, thuyết tái sinh, tinh thần tinh tấn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống… một cách gần gũi hơn để nhiều người, nhất là giới trẻ dễ tiếp cận và thực hành nhằm mang lại một đời sống an lạc cho từng cá nhân và xã hội.

Không chỉ ca từ mà ngay cả hòa âm phối khí cũng đã có ban nhạc đưa những chất liệu Phật giáo vào trong tác phẩm. Atmosphere khi sáng tác “Những điều vô nghĩa” chẳng những dựa trên ý tứ, nội dung mà lấy cả một motif trong bài kinh “Sám hồng danh” để phát triển, và cuối cùng bài kinh này được lồng vào đoạn kết hoàn toàn ăn khớp trên nền nhạc Rock mà không có sự “chênh/ phô”[4], diễn tả một cách hết sức khéo léo, tinh tế sự “thống nhất” giữa những điều “mâu thuẫn”.

         

KẾT LUẬN

Qua những phân tích ở trên, có thể nhìn thấy giữa Rock và Phật giáo, hai lĩnh vực tưởng chừng không có gì liên quan, không thể “thống nhất”. Một bên là những gì tĩnh lặng, điềm đạm, giáo điều, khuôn phép; một bên là sự ồn ào, nồng nhiệt, nổi loạn nhưng ẩn sâu trong đó lại có những yếu tố hết sức tương đồng.

Nghệ thuật chân chính nói chung, nhạc Rock nói riêng bao giờ cũng hướng con người đến Chân – Thiện – Mỹ. Phật giáo cũng vậy, tất cả những giáo lý, triết lý và hệ thống đạo đức của tôn giáo này đều nhằm mục đích dẫn dắt con người đến Chân – Thiện – Mỹ. Phật giáo hướng dẫn “tín đồ” bằng những kinh điển, phật pháp thì âm nhạc nói chung và nhạc Rock nói riêng hướng dẫn “tín đồ” bằng âm nhạc, lời ca. 

Ngoài ra, cách thức tiếp cận, mục đích của việc “hành đạo” giữa hai “tôn giáo” này cũng có nhiều điểm tương đồng.

Xét về xuất phát điểm, Rock không có chủ trương gì với Phật giáo, nhưng vì sao những nội dung mà Rock Việt chuyển tải hiện nay ngày càng gần với những tư tưởng Phật giáo, phải chăng “Phật giáo là một văn minh, văn hóa, là một nếp sống của chính con người (way of life)” [5] Phật giáo không sử dụng hệ thống trung ương tập quyền, nhưng “tự nhiên cái đạo từ bi ấy sẽ lan tỏa khắp nơi, không phải bằng sức mạnh  của quyền lực thế gian mà bằng chính cái ý nghĩa cao siêu, thâm thúy và vi diệu của nền Phật học”[6] và đã lan tỏa đến cả Rock?

Nếu vậy thì sự “lan tỏa” này quả là một tín hiệu đang mừng cho Phật giáo. Với những đặc thù riêng của thể loại Rock: tính chất thu hút đám đông cả về số lượng lẫn chất lượng, nhất là những người trẻ tuổi; khả năng truyền tải mạnh mẽ; nếu khéo lồng ghép, có những kế hoạch để duy trì và phát triển chúng ta sẽ có những ca khúc, những chương trình nhạc Rock mang đầy ý nghĩa nhân văn, có giá trị rất thiết thực trong việc giáo dục tư tưởng, đạo đức và định hướng cho giới trẻ trong thời kỳ “Thế giới phẳng” đầy những phức tạp, thử thách như hiện nay.