02/11/202311:01

THẨM MỸ CỦA NHẠC SĨ, CA SĨ, CÔNG CHÚNG THỜI CÔNG NGHỆ

Để có được một tác phẩm có chất lượng về nghệ thuật, có chiều sâu về nội dung, người sáng tác, biểu diễn lẫn thưởng thức cần phải có thẩm mỹ nghệ thuật tốt, để có thẩm mỹ nghệ thuật chúng ta lại phải trau dồi để có được chiều rộng của sự hiểu biết, chiều cao tư tưởng và chiều sâu của cảm xúc.

Thẩm mỹ của nhạc sỹ

Thời gian gần đây, nếu để ý ta có thể nhận thấy giá trị của một tác phẩm, một ca khúc chủ yếu phụ thuộc vào các phương tiện công nghệ, thể hiện qua cách thức của rất nhiều cuộc thi: nhắn tin bình chọn qua mạng di động. Sự chính xác của các tin nhắn kiểu này không có gì đảm bảo về số lượng, chưa nói đến chất lượng. Thêm vào đó là bình chọn của các trang mạng với các danh hiệu: “bài Hot”, “nhạc top”… Mức độ “hot” của các ca khúc được xếp hạng trên mạng được đánh giá theo số lượng người nghe online, người tải về, trong khi không phải bất cứ người nào nghe cũng vì thích mà có thể vì nhiều lý do khác. Từ đó gây nên sự nhiễu loạn về nhiều phương diện.

Một nhạc sỹ được đào tạo chính quy phải qua quá trình học tập, rèn luyện tối thiểu bốn năm với rất nhiều môn học chuyên ngành: lịch sử âm nhạc, ký xướng âm, hòa âm, phối khí, âm nhạc Việt Nam… và cả môn mỹ học âm nhạc. Nhưng các nhạc sỹ trẻ hiện nay hoặc không thèm học, không được học, hoặc có thì cũng qua loa nên mới có hiện tượng nhạc sĩ nhưng không thể ký âm hoặc xướng âm “tác phẩm” của chính mình.

Đã không rèn luyện “chiều cao” về tư tưởng mà “chiều rộng” của sự hiểu biết cũng hạn hẹp cho nên các ca khúc của họ cứ nhàn nhạt, không có phong cách riêng, bài này giống giống bài kia, người này giống giống người nọ, một chút giống Hoa, giống Hàn, giống Âu- Mỹ…, phổ biến được vài tháng rồi công chúng cũng quên ngay. Với hiện trạng này, đòi hỏi sáng tác của họ phải “đậm đà bản sắc dân tộc” gần như là điều không tưởng.

Còn chiều sâu cảm xúc thì sao? Ba chiều của thị hiếu thẩm mỹ có sự gắn kết rất chặt chẽ với nhau, nếu không có chiều cao tư tưởng, chiều rộng về hiểu biết thì cảm xúc cũng chỉ dừng lại ở những đề tài tình yêu vô thưởng vô phạt như: “Chuyện tình cây lá và gió” (tác giả: Nguyễn Hồng Thuận), “Hoàng tử và công chúa” (Nhất Trung), “Công chúa bong bóng” (Bảo Thy)…Tựa bài khi thì giật gân: “Không đau vì quá đau” (Quang Huy), “Trong hai phải chọn một” (Đăng Khoa), khi thì như một thực đơn món ăn vậy: “Trà sữa” (Nguyễn Hoàng Duy), “Kem dâu tình yêu” (Nguyễn Hồng Thuận), “Tiệm bánh dâu tây” (Thảo Châu- Gia Đoàn), “Thanh sô cô la ghép đôi” (Hoàng Linh)….

Bên cạnh đó là một bộ phận nhạc sĩ sáng tác rất nghiêm túc, có đầu tư về tư tưởng lẫn những kiến thức chuyên môn, xã hội, những ca khúc của họ có chiều sâu về ca từ, có chất lượng về chuyên môn, xa hơn nữa họ đã sử dụng chất liệu dân ca, tạo nên một số ca khúc độc đáo về màu sắc, có giá trị nghệ thuật như: “Chuồn chuồn ớt”, “Đá trông chồng”, “Ôi quê tôi” (Lê Minh Sơn), “Ông tôi”, “Bà tôi” Nguyễn Vĩnh Tiến, “Nắng có còn xuân” (Đức Trí)… là các ca khúc theo dòng dân gian đương đại Bắc bộ. Dòng Nam bộ có “Cà phê miệt vườn”, “Thím Hai Lúa” (Minh Vy)…. Âm hưởng Trung bộ thì ít hơn với “Cõng mẹ đi chơi”… (Trần Quế Sơn). Các nhạc sĩ này đa số được đào tạo, học hành bài bản, nghiêm túc.

Thẩm mỹ của nghệ sĩ

Nếu như ở phần trên đã đề cập đến hiện tượng “người người làm nhạc sĩ” thì ở đây cũng không thể không nói đến việc “nhà nhà làm ca sĩ”. Đây là đối tượng thứ hai bị nhiễu loạn từ những phương tiện công nghệ gây nên như đã nói đến ở phần trên, nó làm cho một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay đau đáu ước mơ trở thành người nổi tiếng. Thử tính xem một năm chúng ta có biết bao nhiêu cuộc thi để gieo những hy vọng, ước mơ thành “sao” cho công chúng mọi lứa tuổi: “Tiếng hát truyền hình”, “Sao mai điểm hẹn”, “Vietnam Idol”, “The voice”, “The Voice kid”, “Vietnam got talent”, “Tiếng hát mãi xanh”… Các ca sĩ hiện nay hầu như không cần qua đào tạo trường lớp 5-10 năm khổ luyện, thậm chí “nhắm mắt mở mắt” một “người mẫu”, một “diễn viên điện ảnh” cũng thành ca sĩ. Về điều này, nhạc sĩ Ngọc Đại đã nhận xét: “Trong khi các sinh viên trường nhạc phải mất hàng chục năm mới thành “sao” thì ở những chương trình âm nhạc thực tế họ chỉ mất vài tháng đến một năm. Như vậy là cái gốc, cái căn bản họ không được trang bị. Nếu hội đồng giám khảo chỉ chăm chăm tưới tắm cho thí sinh giành chiến thắng mà không chú ý đến thẩm mỹ âm nhạc là làm hại họ”.

Vì họ không được trang bị những kiến thức để có một thẩm mĩ nghệ thuật lành mạnh, không được tu dưỡng “chiều cao tư tưởng”, cũng không được đầu tư kiến thức để có một “chiều rộng” thẩm mỹ, chiều sâu cảm xúc nên mới có hiện tượng hát nhép, hát quên lời, những chuyện dở khóc dở cười về trang phục phản cảm, những “scandal” gây sốc để được nổi tiếng của một số ca sĩ, đó là chưa nói đến văn hóa ứng xử của một bộ phận trong họ.

Song song đó cũng không ít các ca sĩ thành công do chính những nỗ lực của mình, với sự tu dưỡng, rèn luyện bản thân về chuyên môn cũng như các kiến kiến thức xã hội để có chỗ đứng trong lòng khán giả mà không cần đến “scandal”, chiêu trò, điển hình chúng ta có thể thấy như: Mỹ Linh, Hồng Nhung, Tùng Dương, Đức Tuấn, Mỹ Tâm, Đan Trường, nhóm “Năm dòng kẻ”, “MTV”…Đa số họ đều được đào tạo rất bài bản, lao động nghệ thuật rất nghiêm túc. Những ca khúc được họ chọn để thể hiện thường là những ca khúc được đầu tư, có chất lượng cao về nghệ thuật và cả những ca khúc đương đại mang âm hưởng dân ca (Khánh Linh, Bích Hồng (Hà Nội), Vân Khánh, Cẩm Ly, Quốc Đại, Trung Hậu….)

Thẩm mĩ công chúng

Cũng tương tự như nhạc sĩ và nghệ sĩ, công chúng cũng chia hai khuynh hướng thị hiếu tùy theo trình độ thẩm mỹ.

Khuynh hướng thứ nhất tập trung vào số đông khán giả trẻ, nhất là tuổi “teen”, chưa được giáo dục đầy đủ về thẩm mỹ nghệ thuật. Họ chưa đủ kiến thức để xác định cho mình một thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh nên đa số bị ảnh hưởng bởi “hiệu ứng đám đông”, thấy các bạn nghe mình cũng nghe, thấy người ta hát mình cũng hát để chứng tỏ mình cũng “sành điệu”.

Bên cạnh đó là sự ảnh hưởng từ những chương trình V-Pop, K- Pop phát ra rả trên sóng phát thanh, truyền hình, những bảng xếp hạng “ảo” trên internet, trước làn sóng du nhập văn hóa đa quốc gia của thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin… nên họ bị lệch lạc trong thị hiếu nghệ thuật: hoặc nghe và cổ vũ cho dòng nhạc V-pop “thị trường”, dễ dãi, hoặc “say mê” một cách khó hiểu K-Pop và các ngôi sao Hàn Quốc. Đỉnh điểm là hình ảnh những fan Việt phát cuồng, chen chúc, la khóc, ngất xỉu khi gặp thần tượng, thậm chí là hôn ghế thần tượng vừa ngồi, hoặc bỏ thi khi đề thi đề cập đến vấn đề thần tượng của họ. Đây quả là những điều đáng suy nghĩ.

Bên cạnh đó là một bộ phận công chúng khác có thị hiếu nghệ thuật cao hơn, họ nghe nhạc có chọn lựa và đòi hỏi cao ở nhạc sĩ cũng như người biểu diễn, nhưng cũng tập trung đa phần ở những người lớn tuổi và một bộ phận giới trẻ được giáo dục căn bản về nghệ thuật, thẩm mĩ. Trong một cuộc thăm dò nho nhỏ với các đối tượng từ học sinh Trung học Cơ sở đến sinh viên Đại học cho thấy 97% người được giáo dục âm nhạc nghiêm túc từ nhỏ đều không chọn nghe V-pop hoặc K-Pop.

Điều đó cho thấy để định hướng giới trẻ có một thẩm mỹ nghệ thuậttốt, lành mạnh cần có nhiều giải pháp nhưng căn cơ nhất vẫn là giáo dục. Hệ thống giáo dục của chúng ta cần thay đổi, cần có một nền giáo dục thực tế và toàn diện chứ không phải lối dạy và học nặng về nhồi nhét lý thuyết. Trẻ em cần được trực tiếp học, chơi nhạc cụ, được nghe thường xuyên các tác phẩm âm nhạc kinh điển thế giới, các thể loại âm nhạc truyền thống (traditional) Việt Nam từ lứa tuổi mầm non để từ đó định hình được một thẩm mĩ nghệ thuật lành mạnh, cảm nhận được cái đẹp của nghệ thuật truyền thống Việt Nam cũng như tinh hoa âm nhạc thế giới.

Ths Nguyễn Cẩm Lệ

Tham luận tham gia hội thảo “xu hướng vận động của VHNT tại TP Hồ Chí Minh hiện nay và định hướng phát triển”