16/11/202310:18

THỰC TRẠNG, GIẢI PHÁP PHÁT HUY VAI TRÒ TÍCH CỰC CỦA ÂM NHẠC ĐỂ GIỮ GÌN BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC VÀ TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM - Phần 2

3. Các ca khúc về tinh thần yêu nước

Tín hiệu đáng mừng bên cạnh thực trạng trên vẫn có một số lượng đáng kể những tác giả trẻ đi vào các đề tài về tình yêu quê hương đất nước, trong thời bình nên tình yêu nước thể hiện trong các ca khúc này thường là ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước, con người Việt Nam và đáng mừng không kém là những ca khúc này được giới trẻ đón nhận rất nồng nhiệt. Có thể kể đến các tác giả như: Nguyễn Đức Cường qua các ca khúc như: “Nồng nàn Hà Nội” (được giải thể nghiệm “Bài hát Việt 2007”) kể về một Hà Nội bình yên cho người già và cũng không kém phần lãng mạn cho các cặp tình nhân.

“… Đưa em đi qua thăng trầm bao tháng năm đã úa màu

Gọi tên từng phố cổ

Chiều nhạt nhòa Hồ Gươm lung linh, ngọt ngào hoa sữa thơm

Gọi mùa thu về thật lâu để ta biết nồng nàn”.

Hay “Em trong mắt tôi” (đạt ba giải thưởng trong chương trình “Bài hát Việt” tháng 11 năm 2008) ca ngợi vẻ đẹp người con gái Việt Nam giản dị, không son phấn, dịu dàng trong tà áo dài.

“Em đẹp không cần son phấn

Xinh thật xinh thật xinh rất hiền

Không quần jean giày cao gót

Em chọn riêng mình em áo dài duyên dáng…”

Trường hợp khác là ca khúc “Việt Nam ơi” của tác giả Bùi Quang Minh (Minh Beta). Đây là một tác giả trẻ (sinh 1983), đã từng du học với học bổng toàn phần ở những trường đại học danh tiếng của Mỹ (Fulbright, Harvard), Úc (Sydney University), có thời gian làm việc ở Singapore nhưng rồi anh đã quyết định trở về Việt Nam lập nghiệp. Viết về đề tài lòng yêu nước nhưng với một phong cách mới mẻ, hiện đại, qua đó tác giả muốn phản ánh tinh thần của thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay năng động, sáng tạo và luôn mang trong mình lòng tự hào dân tộc.

“… Bao la đất trời, quê hương xanh ngời

Xòe tay đón nắng mai cười trong mắt

Bao nhiêu con người, chung tay xây đời

Niềm tin nơi một Việt Nam sáng tươi

Việt Nam hỡi, Việt Nam ơi, tự hào hát mãi lên Việt Nam ơi”.

Nhìn chung, những ca khúc yêu nước thời kỳ trước thường hay sử dụng thể loại hành khúc để phù hợp với những cuộc kêu gọi xuống đường, tuần hành thì ở thời kỳ này lại là những nhịp điệu, tiết tấu trẻ trung như pop, dance, rock, rap, R&B…, để phù hợp với phong cách của cuộc sống mới, giới trẻ dễ dàng tiếp nhận và sử dụng.

Đặc biệt, trong thời điểm Trung Quốc đem giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực biển Đông, gần quần đảo Hoàng Sa vào ngày 1 tháng 5 năm 2014 đã dấy lên làn sóng căm phẫn sâu rộng trong đông đảo nhân dân Việt Nam nói chung và các nhạc sĩ nói riêng. Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh đã phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về biển đảo, thu hút rất nhiều hội viên tham gia, cho ra đời nhiều ca khúc về biển đảo rất hay, có ý nghĩa như: “Tiếng hát nơi đảo xa” (Thanh Bình), “Vì Trường Sa – Hoàng Sa” (Hoài An), “Bâng khuâng Trường Sa” (Lê Đức Hùng), “Biển đảo quê hương” (Phạm Đăng Khương)… Tuy nhiên, điều thú vị là đối tượng các nhạc sĩ trẻ tự do (không là thành viên của Hội Âm nhạc tp.HCM), từ trước tới nay thường sáng tác các ca khúc thể loại “thị trường” cũng không đứng ngoài cuộc, với những thôi thúc xuất phát từ lòng yêu nước một cách hết sức hồn nhiên, các tác giả này đã cho ra đời một chùm ca khúc chủ đề biển đảo có sức lan tỏa mạnh mẽ trong giới trẻ. Có thể thấy qua ca khúc đầy khí thế tranh đấu “Quyết giữ biển đảo quê hương” của tác giả trẻ Nguyễn Hậu. Âm nhạc hùng tráng, ca từ vừa tha thiết vừa đanh thép:

“Vừa nghe được tin biển đảo Việt Nam yêu dấu

Trước những xâm lăng gian quân phương xa muốn chia cách rời

Từ ngày leo thang khi chiến tranh biển đảo quê hương không ngủ yên

Quặn lòng cơn đau dân nước Nam dõi theo mỗi ngày…

………………………………………………………

Hoàng Sa, Trường Sa sẽ mãi mãi là của chúng ta

Dù phải hy sinh nhưng ta quyết giữ gìn biển đảo quê hương

Từ nghìn năm nay đã chiến thắng lũ giặc ngoại xâm

Là người Việt Nam xin ngã xuống vì biển đảo quê hương…”

Một ca khúc khác cũng đầy cảm xúc, không kém phần hào hùng mà vẫn mang âm hưởng truyền thống Việt Nam qua các đường nét luyến láy đó là bài “Hào khí biển Đông” của tác giả Khánh Đơn.

“…Đất nước tôi ơi, đồng bào tôi ơi

Tay nắm tay ta quyết tâm bảo vệ biển Đông

Dù xác thân này, vì biển Đông mà phải ngã xuống cho quê hương ta nào tiếc chi”

Câu trả lời cho sự hoài nghi về lòng yêu nước của thế hệ trẻ ngày nay thêm phần mạnh mẽ qua trường hợp thú vị khác là ca khúc “Bay qua biển Đông” của Lê Việt Khánh. Bài hát như gửi gắm cả nỗi niềm chất chứa bay qua nghìn con sóng vỗ, bay qua biển khơi bao la đến với những người chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, với chất rock, ca khúc như có lửa từ trái tim yêu nước nồng nàn.

“… Bao nhiêu tình thương

Bay qua đại dương

Gửi người chiến sĩ biên cương trái tim nồng cháy yêu thương

Cho mỗi tác đất mẹ hiền quê hương dấu yêu

Mãi luôn ngời sáng”.

Lời tâm sự của tác giả Lê Việt Khánh có lẽ cũng thay cho câu trả lời về vấn đề truyền thống yêu nước ngày nay có còn không. “Đâu phải cứ hô hào khẩu hiệu lên mới là yêu nước, mà mình nghĩ lòng yêu nước nó vẫn âm ỉ cháy trong huyết quản mỗi chúng ta, chỉ có điều đến thời điểm nào điều đó mới thể hiện ra bên ngoài. Thời nào chúng ta cũng có lòng yêu nước và tự tôn dân tộc, chỉ có điều cách thể hiện của mỗi thời là không giống nhau” (VTO News, 07/7/2011).

4. Giải pháp

Với thực trạng ca nhạc thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian vừa qua như đã nêu trong phần 1, một trong những cách đẩy lùi những yếu tố tiêu cực là nhân rộng những yếu tố tích cực mà ở đây là các ca khúc âm hưởng truyền thống và các ca khúc ca ngợi quê hương đất nước, thể hiện tinh thần yêu nước. Để làm được điều này cần nhiều giải pháp, kết hợp với nhiều đơn vị có chức năng, tuy nhiên trong khuôn khổ tham luận tại Hội thảo này tôi xin nêu một số giải pháp sau:

Giải pháp cho đối tượng thụ hưởng nghệ thuật:

- Có kế hoạch giáo dục thẩm mỹ nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng cho đối tượng hưởng thụ từ sớm, đặc biệt trong môi trường giáo dục từ các cấp học mầm non đến tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông bằng các biện pháp như: thay đổi chương trình giảng dạy môn âm nhạc sao cho hiệu quả, tăng cường việc giảng dạy trực quan thay vì lý thuyết suông nặng nề; thực hiện thương xuyên, có chất lượng các chương trình đưa nghệ thuật truyền thống đến học đường, lồng ghép các vở diễn có đề tài lịch sử để giáo dục lòng yêu nước trong học đường một cách sinh động; duy trì và nhân rộng mô hình các câu lạc bộ âm nhạc truyền thống trong học đường…Qua những hoạt động đó góp phần hình thành một thế hệ hưởng thụ nghệ thuật có chọn lọc, có trình độ hiểu biết nghệ thuật nói chung và nghệ thuật truyền thống nói riêng, có tinh thần yêu nước. Khi thẩm mỹ nghệ thuật của đối tượng hưởng thụ được nâng cao, có kiến thức và yêu thích nghệ thuật truyền thống thì các tác phẩm ở thể loại này có nhiều điều kiện để tiếp cận rộng rãi đến công chúng.

Giải pháp cho nghệ sĩ và người sáng tạo:

Nghệ sĩ biểu diễn cũng như các tác giả cần thường xuyên tự trau dồi kiến thức chuyên môn cũng như xã hội, tư tưởng đạo đức để có một thẩm mĩ nghệ thuật lành mạnh, được tu dưỡng để có “chiều cao tư tưởng”, “chiều rộng thẩm mỹ” và “chiều sâu” cảm xúc từ đó đóng góp cho xã hội các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng với đủ “ba chiều”.

Giải pháp cho Hội Âm nhạc Thành phố:

- Cần thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng kiến thức sáng tác cũng như âm nhạc truyền thống, đặc biệt chú ý các ca sĩ, nhạc sĩ không được đào tạo qua trường lớp.

- Tổ chức các chuyến đi điền dã cho các hội viên để nghiên cứu về âm nhạc các vùng miền, nếu là những chuyến đi xa, dài ngày thì có thể theo phương án “xã hội hóa”. Bên cạnh đó, Hội Âm nhạc cũng cần hỗ trợ kinh phí cho các đề tài nghiên cứu mang tính ứng dụng, có biện pháp phổ biến để qua đó các nhạc sĩ có thể tham khảo, vận dụng trong các sáng tác của mình.

Giải pháp về quản lý:

- Thành phố cần có các quy định về việc cân đối thời lượng, thời gian phát sóng giữa các chương trình của các kênh truyền thông sao cho các chương trình nghệ thuật truyền thống được tiếp cận với khán thính giả thường xuyên và thuận tiện nhất.

- Có giải pháp hỗ trợ các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống cũng như thực hiện các chương trình nghệ thuật truyền thống phục vụ cộng đồng.

- Duy trì các chương trình nghệ thuật truyền thống phục vụ cộng đồng miễn phí nhằm quảng bá và phát huy nghệ thuật truyền thống như đã làm tại sân khấu Sen Hồng – Công viên 23/9 nhiều năm qua.

- Khuyến khích, đẩy mạnh công tác lý luận phê bình nghệ thuật để góp phần định hướng thẩm mỹ nghệ thuật nói chung và nghệ thuật truyền thống nói riêng cho công chúng. Không chỉ là các công trình lý luận phê bình lớn mà các bài báo tham gia định hướng thẩm mỹ nghệ thuật trước một hiện tượng, một trào lưu nghệ thuật mới phát sinh nào đó cũng rất cần thiết, góp phần chỉ ra cái hay để người sáng tạo phát huy, người hưởng thụ tiếp cận và cái dở để người sáng tạo khắc phục, người hưởng thụ chọn lọc.

- Ngoài các giải thưởng cho các thể loại âm nhạc không lời, Thành phố cần có thêm những giải thưởng để vinh danh các ca sĩ, nhạc sĩ làm nghệ thuật nghiêm túc cả ở lĩnh vực ca khúc phổ thông, nhất là các ca khúc mang yếu tố âm nhạc truyền thống và viết về đề tài yêu nước, tham khảo thêm sự đón nhận của công chúng, chú trọng, đánh giá đúng giá trị chức năng xã hội những ca khúc về đề tài yêu nước của các tác giả trẻ, vì chính ca khúc của những tác giả này lại có sức lan tỏa rất rộng trong giới trẻ. Thực tế từ nhiều năm qua những ca khúc, những tác giải được giải thưởng của Hội âm nhạc lại thường ít được công chúng biết đến. Bên cạnh giải thưởng nên có những chuyến đi thực tế về các địa danh lịch sử, thăm Trường Sa để lòng yêu nước trong họ ngày càng sâu sắc, mạnh mẽ, từ đó đóng góp cho xã hội những sáng tác có giá trị, có ý nghĩa.

Ths Nguyễn Cẩm Lệ - CV phòng Nghệ thuật Sở VHTT TP. Hồ Chí Minh