19/10/202309:03

TINH THẦN YÊU NƯỚC TRONG TÁC PHẨM CỦA CÁC NHẠC SĨ TRẺ

Từ khi hội nhập, “mở cửa”, đất nước đã có một vận hội mới, hòa chung với thế giới để phát triển về nhiều mặt: khoa học kỹ thuật, kinh tế, giáo dục, nghệ thuật… Đời sống người dân đã thay đổi rõ rệt, ngày càng được nâng cao về sinh hoạt vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, song song với việc đón nhận những cái hay, cái mới của thế giới thì giới trẻ hiện nay cũng đang tiếp cận và chịu lực hút từ nhiều phía của văn hóa bên ngoài, đặc biệt là với âm nhạc.

Thời gian gần đây các nhà sư phạm, nhà chuyên môn, các quý vị phụ huynh… lên tiếng khá nhiều về các tác giả trẻ chạy theo thị hiếu dễ dãi của người nghe, chạy theo sức hút của kinh tế nên không đầu tư nhiều trong chuyên môn, các ca khúc thiếu giá trị nghệ thuật mà cũng hời hợt về cảm xúc. Vậy còn hay không tinh thần yêu nước trong các tác giả trẻ?

Tín hiệu đáng mừng là bên cạnh thực trạng trên vẫn có một số lượng đáng kể những tác giả trẻ đi vào các đề tài về tình yêu quê hương đất nước với những ca khúc ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước, con người Việt Nam với phong cách rất mới và cũng được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt. Có thể kể đến như Nguyễn Đức Cường qua các ca khúc: “Nồng nàn Hà Nội” (giải thể nghiệm “Bài hát Việt 2007”) kể về một Hà Nội bình yên cho người già và cũng không kém phần lãng mạn cho các cặp tình nhân. Hay “Em trong mắt tôi” (đạt ba giải thưởng trong chương trình “Bài hát Việt” tháng 11 năm 2008) ca ngợi vẻ đẹp người con gái Việt Nam giản dị, không son phấn, dịu dàng trong tà áo dài.

Hoặc nhóm V Music với bốn chàng trai “hot boy” đã cho ra đời Album “Việt Nam ngày mới” năm 2011 bằng một chùm các ca khúc ca ngợi vẻ đẹp của Việt Nam đổi mới từng ngày trên mọi miền đất nước: “Ngày mới nắng lên”, “Xinh tươi Việt Nam” (Nguyễn Hồng Thuận), “Việt Nam ngày mới” (Nguyễn Văn Chung), “Quê hương tôi” (Khắc Việt), “Màu xanh Việt Nam” (Lương Bằng Quang), “Tôi yêu Việt Nam” (Vy Nhật Tảo), “Hãy đến với con người Việt Nam” (Trung Nghĩa). Album còn có những video clip hết sức công phu, quay những cảnh đẹp quê hương Việt Nam hấp dẫn người xem.

Trường hợp khác là ca khúc “Việt Nam ơi” của tác giả Bùi Quang Minh (Minh Beta). Đây là một tác giả trẻ (sinh 1983), đã từng du học với học bổng toàn phần ở những trường đại học danh tiếng của Mỹ (Fulbright, Harvard), Úc (Sydney University), có thời gian làm việc ở Singapore nhưng rồi anh đã quyết định trở về Việt Nam lập nghiệp. Viết về đề tài lòng yêu nước nhưng với phong cách khá mới mẻ, hiện đại, qua đó tác giả muốn phản ánh tinh thần của thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay năng động, sáng tạo và luôn mang trong mình lòng tự hào dân tộc. Ca khúc này không chỉ lan truyền nhanh trên mạng mà còn xuất hiện nhiều trong các chương trình ca nhạc nhân các dịp lễ lớn của thành phố, đặc biệt nó đã gần như trở thành nhạc hiệu cho các trận bóng của đội tuyển Việt Nam. Vừa nghe lời kêu gọi “Việt Nam hỡi! Việt Nam ơi! Tự hào hát mãi lên Việt Nam ơi!” là thấy hừng hực tinh thần, khí phách Việt Nam.

Nếu những ca khúc yêu nước thời kỳ trước thường hay sử dụng thể loại hành khúc để phù hợp với những cuộc kêu gọi xuống đường, tuần hành thì ở thời kỳ này lại là những nhịp điệu, tiết tấu trẻ trung như pop, dance, rock, rap, R&B…, để phù hợp với phong cách của cuộc sống mới, giới trẻ dễ dàng tiếp nhận và sử dụng.

Đặc biệt, trong thời điểm Trung Quốc đem giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực biển Đông, gần quần đảo Hoàng Sa vào ngày 1 tháng 5 năm 2014 đã dấy lên làn sóng căm phẫn sâu rộng trong đông đảo nhân dân Việt Nam. Các nhạc sĩ trẻ cũng không đứng ngoài cuộc, với những thôi thúc xuất phát từ lòng yêu nước một cách hết sức hồn nhiên, các tác giả này đã cho ra đời một chùm ca khúc chủ đề biển đảo có sức lan tỏa mạnh mẽ trong giới trẻ. Có thể thấy qua ca khúc đầy khí thế tranh đấu “Quyết giữ biển đảo quê hương” của tác giả trẻ Nguyễn Hậu. Âm nhạc hùng tráng, ca từ vừa tha thiết vừa đanh thép:

Hoàng Sa, Trường Sa sẽ mãi mãi là của chúng ta

Dù phải hy sinh nhưng ta quyết giữ gìn biển đảo quê hương

Từ nghìn năm nay đã chiến thắng lũ giặc ngoại xâm

Là người Việt Nam xin ngã xuống vì biển đảo quê hương…”

Một ca khúc khác cũng đầy cảm xúc, không kém phần hào hùng mà vẫn đậm chất Việt với các đường nét luyến láy đặc trưng đó là bài “Hào khí biển Đông” của tác giả Khánh Đơn.

“…Đất nước tôi ơi, đồng bào tôi ơi

Tay nắm tay ta quyết tâm bảo vệ biển Đông

Dù xác thân này, vì biển Đông mà phải ngã xuống cho quê hương ta nào tiếc chi”

Câu trả lời thêm phần mạnh mẽ về sự hoài nghi lòng yêu nước của thế hệ trẻ ngày nay đã có trong một trường hợp thú vị khác là ca khúc “Bay qua biển Đông” của Lê Việt Khánh. Cách đây vài năm, bỗng nhiên trong giới trẻ, từ cô bé sinh viên 9X đến các cậu nhóc ngồi “cày” game online râm ran chia sẻ với nhau đường link một ca khúc mới toanh, nhưng ngay lập tức bài hát trở thành cơn sốt và hiện tượng trong cộng đồng mạng, đó là một ca khúc chất chứa những tình cảm bay qua biển khơi bao la đến với những người chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, với chất rock, ca khúc như có lửa từ trái tim yêu nước nồng nàn.

“… Bao nhiêu tình thương

Bay qua đại dương

Gửi người chiến sĩ biên cương trái tim nồng cháy yêu thương

Cho mỗi tác đất mẹ hiền quê hương dấu yêu

Mãi luôn ngời sáng”.

Lời tâm sự của tác giả Lê Việt Khánh có lẽ cũng thay cho câu trả lời về vấn đề truyền thống yêu nước ngày nay có còn không. “Đâu phải cứ hô hào khẩu hiệu lên mới là yêu nước, mà mình nghĩ lòng yêu nước nó vẫn âm ỉ cháy trong huyết quản mỗi chúng ta, chỉ có điều đến thời điểm nào điều đó mới thể hiện ra bên ngoài. Thời nào chúng ta cũng có lòng yêu nước và tự tôn dân tộc, chỉ có điều cách thể hiện của mỗi thời là không giống nhau”

Còn nhiều nữa các ca khúc về đề tài yêu nước của các tác giả trẻ hiện nay mà trong khuôn khổ một bài tham luận người viết không thể nêu hết được, tuy nhiên, qua đó đã cho thấy quả là lòng yêu nước thời nào cũng có nhưng nó sẽ bộc lộ ở những cách thức khác nhau, từng thời điểm khác nhau. Các tác giả trẻ ngày nay không chỉ sáng tác theo thị hiếu một cách thực dụng mà họ vẫn có trách nhiệm với xã hội, với đất nước, khi đất nước lâm nguy họ đã có những phản ứng rất thật, rất tích cực qua những lời ca, giai điệu hào hùng, tha thiết tình yêu nước không kém thế hệ cha anh. Vấn đề là phải làm thế nào để những tấm lòng, tinh thần yêu nước ấy được tỏa sáng và lan rộng. Thiết nghĩ, thành phố nên có những giải thưởng hàng năm cho các ca khúc về đề tài này và nhất là chú trọng, đánh giá đúng giá trị chức năng xã hội những sáng tác của các tác giả trẻ, vì chính ca khúc của những tác giả này lại có sức lan tỏa rất rộng trong giới trẻ. Với những tác giả được giải cao bên cạnh giải thưởng nên có những chuyến đi thực tế về các địa danh lịch sử, thăm Trường Sa để lòng yêu nước trong họ ngày càng sâu sắc, mạnh mẽ, từ đó đóng góp cho xã hội những sáng tác có giá trị, có ý nghĩa.

Ths Nguyễn Cẩm Lệ