27/07/202309:58

VAI TRÒ CỦA CA KHÚC TRONG ĐỜI SỐNG - PHẦN 2

 1.3 VAI TRÒ CỦA CA KHÚC ĐƯƠNG ĐẠI MANG YẾU TỐ TRUYỀN THỐNG HIỆN ĐẠI TRONG ĐỜI SỐNG ÂM NHẠC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NHỮNG NĂM ĐẦU THẾ KỶ XXI

1.3.1 Truyền thống - hiện đại

Đây là một cặp phạm trù vừa mang tính đối lập, vừa mang tính thống nhất. Truyền thống và hiện đại là những yếu tố luôn tồn tại trong mọi mặt, mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, nền tảng của xã hội. Tuy nhiên, truyền thống và hiện đại không bao giờ tồn tại một cách tĩnh tại, tách biệt mà luôn ở trong thế vận động, liên hệ, tác động lẫn nhau, vừa thống nhất vừa mâu thuẫn, làm thành diện mạo của văn hóa nghệ thuật dân tộc. Truyền thống và hiện đại trong sự phát triển có mối quan hệ biện chứng với nhau, tác động qua lại lẫn nhau; đó là sự thống nhất và mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại.

Truyền thống là tập hợp những tư tưởng và tình cảm, những thói quen trong tư duy, lối sống, những giá trị hun đúc trong quá trình lịch sử dân tộc, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên truyền thống cũng có tính kế thừa và canh tân.

Hiện đại, theo khái niệm đã nêu trong 1.1 được hiểu là: những gì thuộc về thời đại hiện nay. Hiện đại gắn liền với phát triển, tạo ra những giá trị mới hơn

Truyền thống là cơ sở, là tiền đề của hiện đại và hiện đại là sự kế thừa, phát triển, nâng cao truyền thống. Truyền thống và hiện đại trong sự phát triển có mối quan hệ biện chứng với nhau, tác động qua lại lẫn nhau, đó là những mâu thuẫn và thống nhất của truyền thống và hiện đại.

Đó là nói chung, trong âm nhạc Việt Nam tính truyền thống và hiện đại là chủ đề rất rộng, liên quan đến mọi lĩnh vực: sáng tác, biểu diễn, đào tạo, lý luận phê bình… Cũng như các lĩnh vực khác, trong âm nhạc của mỗi dân tộc, mỗi thời đại nó cũng là cặp phạm trù luôn tồn tại. Yếu tố truyền thống cũng luôn vận động theo thời gian và được phát triển qua từng giai đoạn, bản thân tính truyền thống cũng bị chi phối bởi những yếu tố hiện đại.

Giữa thời buổi hội nhập ngày nay, mối quan hệ tương tác giữa truyền thống và hiện đại càng có sự cọ sát, ảnh hưởng lẫn nhau mạnh hơn lúc nào hết.

Trong bối cảnh đó, ta cần có những quan điểm đúng đắn về sự kế thừa, phát triển các yếu tố truyền thống trong cuộc sống hiện đại. Nếu coi những bản sắc dân tộc là những yếu tố truyền thống thì đã có những ý kiến như sau: Theo TS Hồ Bá Thâm “Bản sắc dân tộc của văn hóa không chỉ bảo vệ và phát huy mà còn phải đổi mới trong quá trình hội nhập quốc tế” [37, tr.63]. Với PGS - TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm “… Chúng ta không bảo thủ, không thể giữ nguyên xi vốn cổ để cho là có “tính dân tộc” trong những sáng tạo mới. Chúng ta chấp nhận tiếp thu yếu tố bên ngoài trên nền tảng của truyền thống văn hóa bốn ngàn năm.”… “Không nhất thiết đòi hỏi phải là chất liệu dân ca, là âm sắc đàn bầu… mới có thể chuyển tải hoặc chứa đựng tinh thần dân tộc”… [37, tr.103, 104].

Nhìn chung có thể thấy đa phần ủng hộ việc kế thừa có sự đổi mới, chọn lọc, không đi vào hai thái cực kế thừa theo cách “đóng hộp”, cứng nhắc, bảo thủ hoặc mượn danh sự kế thừa làm biến dạng, méo mó các yếu tố truyền thống.

1.3.2 Sự đóng góp của các ca khúc mang yếu tố truyền thống trong đời sống âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh những năm đầu thế kỷ XXI.

Nếu căn cứ trên dữ liệu các chương trình băng đĩa cũng như biểu diễn ca nhạc hàng năm xin phép tại Sở Văn hóa và Thể thao thì mặt bằng âm nhạc của thành phố Hồ Chí Minh hiện nay vẫn là sự thống lĩnh của thể loại ca khúc phổ thông. Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa cùng sự phát triển của nền kinh tế thị trường thì văn hóa nghệ thuật nói chung và âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh cũng đã bị ảnh hưởng đáng kể, gây một số rối loạn trong sáng tác, biểu diễn và thưởng thức âm nhạc. Nhà lý luận phê bình Nguyễn Thị Minh Châu đã phải thốt lên: “Chính thời bình lại là lúc đời sống âm nhạc gặp nhiều sóng gió hơn cả. Liên tiếp những biến động, bắt đầu từ các cơn sốt “nhạc nhẹ”, nhạc tiền chiến, nhạc hải ngoại, rồi đến sự du nhập liên tiếp các loại nhạc giải trí pop, rock, blues, jazz, R&B, rap, hip hop… Nhạc Việt nương theo âm điệu nhạc Tây, rồi lại Hoa, Nhật, Hàn…” [45].

Thật vậy, nếu có sự tiếp cận thường xuyên sẽ thấy đời sống ca nhạc của thành phố chỉ từ cuối những năm 90 đến nay cũng đã trải qua rất nhiều “trào lưu”. Từ những ca khúc nhạc Hoa lời Việt hoặc nhạc Việt mà âm hưởng nhạc Hoa do việc ảnh hưởng làn sóng phim Hồng Kông, Đài Loan còn rơi rớt lại của những năm 80, tiếp đó là những ca khúc “não tình” với những album mà 90% ca khúc trong đó là nội dung than thở vì tình yêu tan vỡ như album “Nếu như em thật lòng” với các ca khúc nghe tên đã thấy não lòng như: “Giọt nước mắt chia đôi” (Minh Khang), “Cho cạn nỗi đau” (Huy Cường), “Thầm trách ta dại khờ”, “Trả lại em lời yêu” (Phạm Khánh Hưng), “Thiên đường hiu quạnh” (Thái Thịnh)…

Sau Tây hóa rồi đến Hàn hóa, Nhật hóa…, các ca khúc V-pop hiện nay nếu đem ra quốc tế khó mà có sự phân biệt vì nó hoàn toàn không có màu sắc riêng. Không những ảnh hưởng trong âm nhạc mà ngay tên tuổi của nhạc sĩ cũng bị “ngoại hóa” với: Only C, Wowy, Hamlet Trương, Lyl Night, MrT, Tiên Cookie… Không thua kém các nhạc sĩ, các ca sĩ cũng phải cũng phải có tên “pha” Hàn, “pha” Nhật: Wanbi Tuấn Anh, Noo Phước Thịnh, Akira Phan, Saka Trương Tuyền…mặc dù sinh ra và lớn lên ở Việt Nam 100%.

Khi người thưởng thức dường như đã bảo hòa với thể loại này, các ca sỹ lại quay ra tìm kiếm những ca khúc tiền chiến, rồi những ca khúc sáng tác ở miền nam Việt Nam trước năm 1975. Từ những ca sỹ dòng nhạc thị trường như Đàm Vĩnh Hưng với một chuỗi album nhạc xưa “Dạ khúc cho tình nhân” đến những ca sỹ thuộc trường phái pop, rock như cựu thành viên của MTV; Phan Đinh Tùng với album “Tình khúc vượt thời gian”. Thậm chí cả những giọng ca thuộc loại “sang” như Lệ Quyên, Thụy Vũ của AC&M cũng chuyển sang theo đuổi những ca khúc xưa với album “Khúc tình xưa”, “Tình khúc tháng sáu”…

Chính trong những bối cảnh đó, từ sự ra đời giải thưởng “Làn sóng xanh” của Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh năm 1997, với một loạt các ca khúc mang ý tưởng kế thừa các yếu tố truyền thống kết hợp với các yếu tố của cuộc sống hiện đại liên tục vào bảng xếp hạng qua nhiều kỳ như: “Chảy đi sông ơi” (Phó Đức Phương), “Chim sáo ngày xưa” (Nhất Sinh), “Cõng mẹ đi chơi” (Trần Quế Sơn), “Ca dao em và tôi” (An Thuyên),… đã làm cho bộ mặt âm nhạc thành phố mang một màu sắc mới, góp phần đầy lùi nạn nhạc Hoa lời Việt, nhạc Việt âm hưởng Trung Hoa trong nhiều năm sau đó. Không những vậy, sức sống của những ca khúc “Làn Sóng Xanh” mang âm hưởng truyền thống còn trường tồn đến ngày hôm nay với tần suất xuất hiện thường xuyên trong các chương trình băng đĩa, công diễn, thậm chí một số bài đã trở thành “ca khúc nghệ thuật” khi được sử dụng trong các cuộc thi ca hát như: “Chảy đi sông ơi”, “Trên đỉnh Phù Vân” (Phó Đức Phương), “Ly cà phê Ban Mê”, “Em muốn sống bên anh trọn đời” (Nguyễn Cường), “Ca dao em và tôi” (An Thuyên)... Tuy những năm gần đây giải thưởng này không còn được giới chuyên môn đánh giá cao, thậm chí Hội Âm Nhạc thành phố Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề vể chất lượng, nội dung và tính định hưởng của giải thưởng này cần phải xem xét, nó đã phần nào lu mờ so với các giải thưởng khác. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò của nó trong giai đoạn cuối thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI, với sức ảnh hưởng như đã nêu trên, vậy nên khi tìm hiểu các ca khúc âm hưởng truyền thống những năm đầu thế kỷ XXI không thể bỏ qua các ca khúc thời kỳ đầu của giải thưởng này.

Tiếp đó là sự ra đời chương trình “Bài Hát Việt” của Đài Truyền hình Việt Nam với rất nhiều ca khúc được bình chọn mang âm hưởng truyền thống hiện đại của các tác giả trẻ sau này như: “Giấc mơ trưa” (Giáng Son), “Hát ru @”, “Bà tôi” (Nguyễn Vĩnh Tiến), “Về ăn cơm” (Sa Huỳnh), “Ting Ning” (Y Jang Tuyn), “Son” (Đức Nghĩa)… đã tạo ra một hẳn một dòng ca khúc được cả người nghe và giới chuyên môn đánh giá cao (mà truyền thông thường hay gọi bằng cụm từ “dân ca đương đại”).

Ngoài ra, còn những ca khúc không tham gia các giải thưởng trên tuy nhiên, qua tần suất xuất hiện trong các cuộc thi ca hát cũng như các chương trình băng đĩa, biểu diễn trong suốt hơn một thập kỷ qua đã chứng minh giá trị nghệ thuật cũng như ứng dụng của mình: “Đá trông chồng”, “Chuồn chuồn ớt” (Lê Minh Sơn), “Nắng có còn xuân” (Đức Trí), “Tình em xứ Quảng” (Trần Ngọc), “Yêu cái mặn mà” (Trần Quế Sơn), “Về quê” (Phó Đức Phương), “Chuyện làm dâu” (Võ Thiện Thanh), “Duyên tình lý ngựa ô” (Trương Quang Tuấn)…

Qua thực tế làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật tôi nhận thấy các ca khúc thuộc dạng trào lưu như: “não tình”, nhạc Việt âm hưởng nhạc Hoa, Hàn… có tuổi thọ không lâu dài, trong khi đó những ca khúc có đầu tư đúng mức, có chất lượng về nghệ thuật, điển hình như một số ca khúc đoạt giải “Làn sóng xanh” từ những năm đầu tiên vẫn được sử dụng cho đến hôm nay.

Từ những ghi nhận trên, cho thấy ca khúc đương đại mang âm hưởng truyền thống đã đóng nhiều vai trò tích cực trong cuộc sống âm nhạc thành phố. Trước tiên, nó đã góp phần đẩy lùi những mảng tiêu cực trong sáng tác ca khúc, làm phong phú, đa dạng và nâng cao thẩm mỹ trong sáng tạo, biểu diễn cũng như thưởng thức nghệ thuật tại thành phố Hồ Chí Minh. Hơn nữa, với những giá trị của mình, những ca khúc này đã đáp ứng được cả nhu cầu “ăn khách” trong nền kinh tế thị trường. Tất nhiên, để đáp ứng được nhu cầu này nó không chỉ mang những giá trị về nghệ thuật mà nó còn mang tính đương đại, phản ánh được hơi thở của cuộc sống bằng các chất liệu âm nhạc truyền thống kết hợp với hiện đại mà chúng ta sẽ xem xét cụ thể trong chương 2.

Còn tiếp...