24/08/202310:09

VAI TRÒ CỦA CA KHÚC TRONG ĐỜI SỐNG - PHẦN 5

CHƯƠNG 2

VẬN DỤNG CÁC YẾU TỐ TRUYỀN THỐNG TRONG NHỮNG CA KHÚC ĐƯƠNG ĐẠI

2.1 Giới thiệu một số ca khúc âm hưởng truyền thống tiêu biểu qua các thời kỳ.

Tìm hiểu các ca khúc mang âm hưởng truyền thống mà không đề cập đến các ca khúc nổi tiếng, đã đi vào lịch sử, vào lòng người suốt mấy chục năm qua, từ những ngày mới hình thành nền tân nhạc Việt Nam quả là một thiếu sót. Đã xuất hiện rất nhiều dòng ca khúc từ bấy đến nay như: ca khúc lãng mạn, dòng ca khúc cách mạng trước năm 1945, ca khúc cách mạng sau 1945, dòng nhạc “sến”, nhạc “vàng” trước 1975, ca khúc chính trị… mỗi dòng nhạc đều có những ca khúc mang âm hưởng dân ca và nhạc cổ truyền đi vào lòng người và vượt thời gian, tồn tại qua mấy chục thập kỷ. Phần tiếp theo tôi sẽ giới thiệu một số tác phẩm tiêu biểu của những thời kỳ này và cách thức vận dụng những yếu tố đặc trưng trong âm nhạc truyền thống Việt Nam như thế nào để làm nên những nhạc phẩm bất hủ.

Từ khi người Pháp xuất hiện ở Việt Nam cũng là lúc xuất hiện văn hóa nghệ thuật Pháp nói riêng và châu Âu nói chung ở mảnh đất này. Ngoài xu hướng đón nhận nền văn hóa nói chung và trong đó có cả âm nhạc của châu Âu, các nhạc sỹ vẫn đề cao âm nhạc dân tộc, sáng tác các ca khúc theo hệ thống lý thuyết châu Âu nhưng mang tính dân tộc như các sáng tác của các tác giả dòng nhạc lãng mạn tiền chiến như Văn Cao (“ Thiên Thai ”, “ Trương Chi ”…), Lê Thương (“ Thằng Cuội”, “Hòn vọng phu ”…), Nguyễn Xuân Khoát (“ Con voi ”, “ Con cò mày đi ăn đêm ”…), Nguyễn Đình Phúc (“ Cô lái đò ”), Canh Thân (“ Cô hàng cà phê ”)…

Hai trong nhiều ca khúc âm hưởng truyền thống thành công thời ấy mà tôi giới thiệu ở đây là ca khúc “ Thiên thai ” của nhạc sỹ Văn Cao và “ Cô lái đò ” của Nguyễn Đình Phúc.

“ Cô lái đò ” là một bài tình ca được nhạc sỹ Nguyễn Đình Phúc phổ gần như nguyên si bài thơ cùng tên của thi sỹ Nguyễn Bính. Với ý tưởng này, nhạc sỹ đã sử dụng loại nhịp điệu ngâm ngợi rất gần với lối ngâm bồng mạc, sa mạc…trong dân ca người Việt ở đồng bằng Bắc bộ để thể hiện tâm sự của cô lái đò đem lòng thương nhớ người khách đã biền biệt không về. Bên cạnh đó, trong ca khúc này tác giả còn sử dụng những âm hình thêu quãng 4, rất đặc trưng trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Kết hợp những yếu tố này cùng với những hình ảnh đậm chất “làng quê” của Nguyễn Bính làm cho ca khúc này trở thành một trong những thànhh công hiếm hoi của sự kết hợp giữa “tân nhạc” và “cổ nhạc” trước 1945.

(Xem phụ lục trang 22)

“ Thiên thai ” của nhạc sỹ Văn Cao lại dùng hình tượng từ một câu truyện cổ dân gian người Việt “ Lưu Nguyễn nhập Thiên thai ”. Để diễn tả một câu truyện dân gian tác giả đã sử dụng nhiều đặc điểm trong âm nhạc truyền thống như tiết tấu lưu không trong Chèo, những đường nét nhảy quãng trong Hát Văn, những nốt láy đặc trưng cho thanh điệu người Việt cùng với sự kết hợp của những nốt biến âm tạo nên một câu chuyện vừa trữ tình vừa đậm chất dân gian.

(Xem phụ lục trang 77)

Hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ là thời kỳ nở rộ, hưng thịnh nhất của ca khúc mang âm hưởng truyền thống. Dù nó mang tính chất hành khúc hay trữ tình thì cũng là những ca khúc hết sức đặc sắc, không những có giá trị về mặt nghệ thuật mà còn có giá trị tinh thần rất lớn khi nó đã góp phần khích lệ, động viên tinh thần quân và dân để làm nên những chiến thắng lịch sử. Các ca khúc thời kỳ này vô cùng phong phú về màu sắc, hầu như tất cả các âm hưởng truyền thống từ Nam chí Bắc, từ xuôi đến ngược đều xuất hiện trong các bài hát lúc bấy giờ.

Điệu thức Bắc thường thấy trong những bài hát tính chất hùng tráng, khỏe khoắn, những bài trữ tình thường dùng các điệu thức Nam, nhưng đặc biệt có một ca khúc sử dụng điệu thức dạng này nhưng vẫn toát lên sự mạnh mẽ, hùng tráng đó là bài “ 5 anh em trên một chiếc xe tăng ” (nhạc Doãn Nho, lời: Hữu Thỉnh). Trước tiên, có thể thấy ở đây rất nhiều nét luyến láy quãng 4 đi lên ở các thanh điệu, rất đặc trưng trong ngữ điệu miền Trung, tiếp đó là những đường nét thêu quãng 4 thường gặp trong dân ca người Việt. Bên cạnh đó tác giả còn sử dụng điệu thức Ai (G.B.C.D.Eb) kết hợp với thang 7 âm (g moll). “Với một ngữ điệu phát âm theo tiếng Nghệ Tĩnh (từ “chiếc” ) xuất hiện trong giai điệu câu đầu, kết hợp với tính chu kỳ của nhịp điệu bài hát làm cho tác phẩm này rất gần với phong cách Hát Dặm Nghệ Tĩnh” [17, tr.359].

(Xem phụ lục trang 59)

Một bản hành khúc khác tuy đầy khí thế hào hùng nhưng cũng rất giàu màu sắc dân tộc khi kết hợp rất nhiều yếu tố đặc trưng của âm nhạc truyền thống Việt Nam đó là bài “ Chiến thắng Điện Biên ” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, ở đây, lần đầu tiên hành khúc Việt Nam đã kết hợp hai ngôn ngữ âm nhạc truyền thống trong cùng một tác phẩm: làn điệu Chèo của người Kinh đồng bằng Bắc bộ và dân ca Thái Tây Bắc. Lần đầu tiên chất “kèn đồng” của đoạn nhạc dạo được xây dựng trên điệu thức Ai (D.E.G.A.C ), kết hợp cùng âm hình tiết tấu hò khoan khỏe khoắn chứ không phải sử dụng những giai điệu kiểu Fanfare truyền thống châu Âu. Ngoài ra, xuyên suốt tác phẩm tác giả đã dùng nhiều đường nét luyến láy rất đặc trưng của Chèo lẫn dân ca Thái Tây Bắc tạo nên ca khúc vừa mạnh mẽ nhưng cũng không kém phần duyên dáng.

(Xem phụ lục trang 12)

Không chỉ có hành khúc mà lúc bấy giờ còn rất nhiều ca khúc trữ tình phản ánh hiện thực cách mạng và tình cảm của nhân dân. Dù đề tài đấu tranh thống nhất đất nước, ca ngợi quê hương hay những con người anh hùng của thời đại… thì những ca khúc trữ tình cách mạng vẫn đầy chất lạc quan, tin tưởng vào ngày mai tươi sáng.

Một trong những ca khúc trữ tình cách mạng tiêu biểu và cũng là một trong những ca khúc hay nhất về Bác Hồ cho đến nay đó là bài “ Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người ” của nhạc sĩ Trần Kiết Tường. Nội dung của bài hát dựa trên câu ca dao phổ biến ở Nam bộ những năm kháng chiến chống Pháp:

“Tháp Mười đẹp nhất bông sen

Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”

Dùng những hình ảnh rất “dân gian”, gần gũi như: cánh đồng, dòng sông nhưng được bổ sung những hình ảnh hiện thực của đất nước đang bị chia cắt lúc bấy giờ cùng với tình cảm của người dân miền Nam với Bác được tác giả kết hợp một cách hết sức khéo léo với ngôn ngữ âm nhạc. Rất nhiều yếu tố đặc trưng của âm nhạc Nam bộ đã được tác giả sử dụng trong ca khúc này, ngay từ đầu đã là một câu hò Cần Thơ mênh mang, tiếp theo, xuyên suốt nhạc phẩm tác giả đã sử dụng nhiều đường nét, luyến láy cùng với những nốt biến âm của gam si thứ hòa âm làm cho bài hát càng thêm tha thiết, đi vào lòng người như nói lên tình yêu và sự kính trọng của người dân Nam bộ dành cho Người.

(Xem phụ lục trang 41)

Không chỉ âm hưởng dân ca ba miền mà các nhạc sĩ thời bấy giờ còn khai thác cả những yếu tố dân ca dân tộc ít người từ Tây Bắc đến Tây Nguyên như: “ Địu con đi nhà trẻ ” (Đào Ngọc Dung), “ Tình ca Tây Bắc ” (nhạc Bùi Đức Hạnh, thơ: Cẩm Giang), “ Trước ngày hội bắn ” (Trịnh Quý), “ Em là hoa Pơlang ” (Đức Minh), “ Cô gái vót chông ” (nhạc Hoàng Hiệp, phổ thơ: Môloyclavy)….

Phần trên đã giới thiệu ca khúc “ Chiến thắng Điện Biên ” âm hưởng dân ca Tây Bắc, ở đây tôi muốn giới thiệu một ca khúc trữ tình âm hưởng dân ca Tây Nguyên không những nổi tiếng lúc bấy giờ mà cho đến nay vẫn thường xuất hiện trong các cuộc thi ca hát, được sử dụng trong chương trình giảng dạy thanh nhạc ở các trường nghệ thuật, đó là bài “ Bóng cây Kơ nia ” của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu (thơ dân tộc H’rê, Ngọc Anh dịch). Ca khúc này được tác giả kết hợp rất nhiều yếu tố dân gian, từ việc sử dụng hình tượng cây Kơ nia, là một loại cây mang biểu trưng tâm linh rất lớn của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đến sử dụng thang 7 âm phương Tây (A dur) kết hợp khéo léo với thang 5 âm Tây Nguyên (A.C#.D.E.G#), các âm hình luyến láy đặc trưng ngữ điệu người Việt. Nhịp điệu tùy ý sử dụng trong phần mở đầu và kết thúc cũng là loại nhịp điệu rất phổ biến trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam, tất cả đã tạo nên một ca khúc trữ tình theo phong cách nghệ thuật mang màu sắc dân tộc Tây Nguyên rất độc đáo.

(Xem phụ lục trang 5)

Một tên tuổi của nền âm nhạc miền Nam Việt Nam trước năm 1975 mà không thể không nhắc đến đó là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Âm nhạc của ông nổi bật lên như một phong cách riêng trong hàng ngàn bản tình ca ở Sài Gòn thời đó, như nhạc sĩ Văn Cao đã nhận xét: “Với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ, hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi, Trịnh Công Sơn đã chinh phục hàng triệu con tim, không chỉ ở trong nước, mà cả ở bên ngoài biên giới nữa. Và nếu không lầm thì dấu ấn của Sơn đã ít nhiều in trên tác phẩm của một số nhạc sỹ thời kỳ sau 1975” [21, tr.278]. Thật vậy, ca từ của ông giàu chất thơ nên âm nhạc cũng sử dụng nhiều loại nhịp điệu, tiết tấu trong thơ ca người Việt, bên cạnh đó là việc kết hợp thang 7 âm phương Tây với những thang 5 âm Việt Nam và đặc biệt trong một vài ca khúc ông còn hay sử dụng thang 4 âm (dạng 4Đ- 2T-2T) và các yếu tố đặc trưng khác, điển hình như bài “ Ở trọ ”.

Phần lời của ca khúc này như một bài thơ lục bát:

“ Con chim ở đậu cành tre

Con cá ở trọ trong khe nước nguồn…

Tôi nay ở trọ trần gian

Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời... ”

Sử dụng nhịp điệu biến thể của thơ lục bát với những tiếng đệm rất đặc trưng của dân ca đồng bằng Bắc bộ ( í a, i à…) để mở rộng giai điệu thành một ca khúc. Bên cạnh đó, trong bài hát này còn có kết hợp thang 7 âm phương tây (A dur) cùng với thang 4 âm (E.A.B.C) và những nét luyến láy cũng rất “Bắc bộ” tạo nên một âm hưởng rất mộc mạc, hồn nhiên, đơn giản cũng như cái sự “ở trọ” trong trần gian của vạn vật vậy.

(Xem phụ lục trang 71)

Một tác giả có cuộc đời và sự nghiệp sáng tác khá đặc biệt, tác phẩm của ông nổi tiếng và được ưa chuộng cả ở miền Bắc thời kỳ trước hai cuộc kháng chiến lẫn ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 mà dù thế nào đi nữa không thể không nhắc đến, đó là Nhạc sĩ Phạm Duy. Không bàn đến vấn đề lý lịch, quan điểm tư tưởng, cuộc đời…, chỉ xét về mặt nghệ thuật thì không thể loại bỏ “gia tài” đồ sộ của ông là các ca khúc đủ thể loại, từ hành khúc đến tình ca, trường ca… Hầu như tất cả các nhạc phẩm của ông đều kết hợp những yếu tố của âm nhạc cổ truyền Việt Namvới các trào lưu, phong cách mới, tạo nên nhiều tác phẩm có tính đột phá, giàu ảnh hưởng đối với các nhạc sĩ thuộc nhiều thế hệ như: “ Tiếng hát trên sông Lô ” , “ Nương chiều ”, “Tình hoài hương”, “Tình ca”, “Bà mẹ quê”, “Em bé quê”, “Vợ chồng quê”…

“Tiếng hát trên Sông Lô” là một ca khúc kết hợp nhiều yếu tố rất độc đáo để diễn tả nội dung tư tưởng. Sau đoạn mở đầu âm nhạc nhịp nhàng êm ái là đoạn ngâm, nhịp điệu tự do lấy từ những nhịp điệu tùy ý thường thấy trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam, đoạn cuối lại chuyển sang tiết tấu hò khoan khỏe khoắn. Những hình ảnh làng quê gần gũi như dòng sông con thuyền được hỗ trợ thêm với những ca từ thể hiện việc chèo chống trên sông nước của người dân thuyền chài “ rằng khoan hỡi hò khoan ”. Bên cạnh đó, tác giả đã kết hợp một cách khéo léo giữa thang 7 âm (D dur, d moll) và điệu thức Ai (D.F.G.A.C), cùng những đường nét, luyến láy đặc trưng trong âm nhạc cổ truyền người Việt. Đặc biệt, ở ca khúc này tác giả còn sử dụng kỹ thuật vuốt âm, một trong những nhân tố tạo nên điệu thức thường được dùng trong diễn tấu khí nhạc nhiều hơn. Tất cả những yếu tố trên đã được kết hợp một cách tinh tế để tạo nên một ca khúc đặc sắc vừa mang tính dân gian vừa gần với thể loại ca khúc nghệ thuật.

(Xem phụ lục trang 83)

Đến thời bình, xây dựng đất nước chúng ta có thể nghe khắp nơi, trên các chương trình phát thanh, truyền hình những ca khúc mang đậm âm hưởng dân ca của mọi miền đất nước như: “ Người đi xây hồ kẻ gỗ ”, “ Dáng đứng Bến Tre ” (Nguyễn Văn Tý), “ Trên những tuyến đường Quan Họ ” (Nguyễn Thiện Trúc), “ Tình ca Tây Nguyên ” (Hoàng Vân), “ Tình đất đỏ miền Đông ” (Trần Long Ẩn ), “ Hát từ biển khơi ” (Vy Nhật Tảo)…

“Người đi xây Hồ Kẻ Gỗ” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý là một trong những ca khúc âm hưởng trung bộ điển hình. Trong bài hát này tác giả đã kết hợp các yếu tố truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế một cách khéo léo, từ những hình ảnh kênh mương, sông núi quen thuộc với người nông dân Việt Nam nhưng thêm những hình ảnh của cuộc sống mới: đắp hồ xây đập, xe ủi…, đến việc kết hợp điệu thức Xuân (C.D.F.G.B) với điệu thức pha trưởng Tây phương, bên cạnh đó là những đường nét âm hình vận động hai chiều đặc trưng trong dân ca người Việt.

Tuy nhiên, yếu tố làm rõ âm hưởng dân ca Trung bộ của ca khúc này là những nét luyến láy quãng 4 thể hiện thanh điệu đặc trưng và nhịp điệu chu kỳ phân hóa làm cho ca khúc này rất gần gũi với những làn điệu hát Dặm Nghệ Tĩnh.

(Xem phụ lục trang 66)

Một ca khúc âm hưởng dân ca Tây Nguyên rất được phổ biến và yêu thích trong giai đoạn này là “ Tình ca Tây Nguyên ” của nhạc sĩ Hoàng Vân. Ca khúc này được kết hợp những yếu tố dân ca người Kinh và dân ca Tây Nguyên. Ngay từ đoạn dạo nhạc đã là một giai điệu với tiết tấu rộn ràng và những bán cung rất đặc trưng của dân ca Tây Nguyên, những hình ảnh cao nguyên với “hồ trong nước xanh”, “ngút ngàn cây xanh”…được “làm mới” với những hình ảnh của công cuộc xây dựng đất nước lúc bấy giờ: “công trường tấp nập” được diễn tả bằng thang 5 âm bán cung đặc trưng của Tây Nguyên (D.F#.G.A.C#), những đường nét giai điệu thêu nhắc lại âm lấy đà đặc trưng trong dân ca người Việt cùng những luyến láy thanh điệu, những ca từ đặc trưng vùng cao nguyên như: Hê…ê…làm cho bài hát vẫn chuyển tải được những hình ảnh của cuộc sống mới lúc bấy giờ mà vẫn mang màu sắc âm nhạc vùng cao nguyên.

(Xem phụ lục trang 89)

Đến những năm 80, thời kỳ vàng son của các nhóm ca khúc chính trị thì chúng ta lại thấy các ca khúc: “ Tùy hứng Lý Ngựa ô”, “Ngẫu hứng sông Hồng”, “Tiếng trống Baranưng”, “Giấc mơ Chapi ”… của nhạc sĩ Trần Tiến làm mưa làm gió. Tuy mang âm hưởng dân ca nhưng các ca khúc của ông vẫn đầy chất trẻ trung, “quyến rũ”, đủ làm nóng các sân khấu nhạc trẻ lúc bấy giờ.

Những ca khúc của ông không chỉ sử dụng chất liệu dân ca Bắc bộ, Nam bộ mà còn cả dân ca những dân tộc ít người như dân ca Tây Nguyên, Chăm, thậm chí là kết hợp nhiều chất liệu trong một ca khúc như: “ Ngẫu hứng Sông Hồng ” (kết hợp dân ca Bắc bộ và Nam bộ), “ Mưa bay tháp cổ ” sử dụng hình tượng “tháp cổ”, “cong cong năm ngón”, nữ thần Apsara quen thuộc trong tín ngưỡng người Chăm Bình Thuận kết hợp với điệu thức Bắc (C.D.F.G.A) và những đường nét, tiết tấu, ca từ rất thường sử dụng trong hát Chầu Văn của người Kinh đồng bằng Bắc bộ.

“ Tiếng trống Paranưng ” lại là một sự kết hợp độc đáo khác, những ca từ thể hiện những hình ảnh rất nên thơ của người Chăm Bình Thuận như: “ khăn Ma-tơ-ra”, “tiếng ca Atida ”, tiếng trống “Paranưng” cùng với những âm hình luyến láy đặc trưng của người Chăm (láy lên quãng 2, thêu lên, xuống quãng 2) kết hợp cùng những nốt biến âm trong âm nhạc phương Tây, làm cho giai điệu man mác âm nhạc phương Đông, nhưng khi ca từ diễn tả: “ nắng buông trên dòng Tiền Giang, gió reo trên đồng Hậu Giang ” điệu thức Oán biến thể (D.F.G.A.H) xuất hiện làm cho ca khúc trở nên đa dạng về màu sắc, chất liệu.

Ví dụ 12

Còn tiếp...