31/08/202310:04

VAI TRÒ CỦA CA KHÚC TRONG ĐỜI SỐNG - PHẦN 6

2.3 Vận dụng các yếu tố truyền thống trong một số ca khúc đương đại đầu thế kỷ XXI.

Như trên đã nói, vào cuối những năm 80 do ảnh hưởng từ làn sóng phim Đài Loan, Hồng Kông nên ca khúc Việt nam thời kỳ này, một bộ phận không nhỏ đã ảnh hưởng rất nhiều từ nhạc Hoa. Năm 1997, với sự ra đời chương trình “Làn sóng xanh” của Đài tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo ra một trào lưu nhạc Việt đang dần định hình từ các năm cuối thập niên 1990. Cũng từ giải thưởng này, hàng loạt các ca khúc mang âm hưởng dân ca và nhạc cổ truyền Bắc bộ như: “ Đất nước lời ru ” (Văn Thành Nho), “Trên đỉnh phù vân”, “Chảy đi sông ơi”, “Một thoáng Tây Hồ”, “Về quê” (Phó Đức Phương), “Mái đình làng biển” (Nguyễn Cường), Trung bộ: “Ca dao em và tôi”, “Neo đậu bến quê” ( An Thuyên), Tây Nguyên: “Ly Cà phê Ban Mê”, “Đôi mắt Pleiku” (Nguyễn Cường)… lên ngôi, thậm chí còn trở thành những “ca khúc nghệ thuật” xuất hiện nhiều trong các cuộc thi ca hát. Những năm gần đây giải thưởng này cũng có một số điều cần bàn nhưng dù sao cũng không thể phủ nhận nó đã góp phần đẩy lùi nạn nhạc Hoa lời Việt, lời Việt nhưng nhạc âm hưởng Trung Hoa. Vì giải thưởng này ra đời vào cuối thập niên 90 và có sức ảnh hưởng đến đời sống âm nhạc của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cũng như cả nước nói chung vào nhiều năm sau đó nên tôi xin xếp những ca khúc của chương trình này vào nhóm những ca khúc đương đại thế kỷ XXI để tìm hiểu.

Gần đây, một số nhạc sỹ đầu tư khá nghiêm túc trong việc sáng tác và sử dụng chất liệu dân ca, tạo nên một số ca khúc độc đáo về màu sắc, có giá trị nghệ thuật được công chúng yêu thích, xuất hiện thường xuyên trong các cuộc thi, các chương trình ca nhạc cũng như trên sóng phát thanh và mạng internet như: “Chuồn chuồn ớt”, “Đá trông chồng”, “Ôi quê tôi” ( Lê Minh Sơn ), “Ông tôi”,“Bà tôi” Nguyễn Vĩnh Tiến, “Nắng có còn xuân” (Đức Trí)… là các ca khúc theo dòng ca khúc âm hưởng truyền thống Bắc bộ. Dòng Nam bộ có “Cà phê miệt vườn”, “Thím Hai Lúa” (Minh Vy), “Thương lắm mình ơi”, “Bà Năm” (Vũ Quốc Việt), “Sớm chồng”, “Vợ thằng Đậu” (Trần Thiện Thanh) …. Âm hưởng trung bộ thì ít hơn với “ Cõng mẹ đi chơi”, “Yêu cái mặn mà ” (Trần Quế Sơn), “Tình em xứ Quảng ” (Trần Ngọc)... Đó là nét son rất đáng ghi nhận và nhân rộng trong tình hình âm nhạc hiện nay, muốn vậy chúng ta phải đi sâu vào phân tích tìm hiểu những ca khúc này đã sử dụng những hình thức, phương tiện gì của âm nhạc truyền thống để chuyển tải những nội dung, tư tưởng của cuộc sống hiện đại ngày hôm nay. Từ đó thấy được giá trị nghệ thuật cũng như thực tiễn của các ca khúc trên và đồng thời đúc kết được một số đặc điểm điển hình cho các nhạc sĩ trẻ khác học tập.

Có rất nhiều hình thức để thể hiện nội dung, ý tưởng của một tác phẩm âm nhạc nói chung và ca khúc nói riêng, theo khía cạnh Mỹ học âm nhạc nó có thể gồm nhiều yếu tố như: giai điệu, tiết tấu, khúc thức, hòa âm phối khí, biểu diễn… Ở phần này sẽ nghiên cứu dựa trên các yếu tố cơ bản đã trình bày ở phần 1.4.

2.3.1 Thang âm điệu thức

Là một trong những yếu tố thường được các nhạc sĩ thường sử dụng nhiều nhất để thể hiện chủ đề, ý tưởng về âm nhạc truyền thống trong các ca khúc đương đại. Đi vào chi tiết, mỗi nội dung lại có cách sử dụng các cách thức thể hiện khác nhau.

Nếu xét về khía cạnh màu sắc thì điệu thức Bắc thường được sử dụng trong các ca khúc có tính chất mạnh mẽ, vui tươi, dí dỏm như: “ Giấc mơ trưa” (Giáng Son - E.F#.A.H.C#), “Hát ru @” (Nguyễn Vĩnh Tiến - D.E.G.A.H), “ Cà phê miệt vườn” (Minh Vy - D.E.G.A.H).

Ví dụ 13

(Những bài còn lại xem phụ lục trang 40, 9)

Điệu Xuân với tính chất trong sáng, bình yên có khi nó được kết hợp với điệu thức trưởng 7 âm (E.F#.A.H.D + A dur) trong một ca khúc trong trẻo, tươi sáng: “Cô Tấm ngày nay” (Ngọc Châu), lúc lại kết hợp với điệu thức Ai (D.E.G.A.C + D.F.G.A.C) trong một ca khúc đầy chất huyền hoặc, tôn giáo, mang màu sắc Ca Trù: “Chiều phủ Tây Hồ” (Phú Quang), hoặc xuất hiện trong phần kết đầy tươi sáng của ca khúc rất đặc sắc, mang âm hưởng của các thể loại nhạc truyền thống bắc bộ “Nắng có còn xuân” (Đức Trí).

Ví dụ 14

(Những bài còn lại xem phụ lục các trang: 24, 14 hoặc thứ tự bảng chữ cái)

Điệu Ai (Nam) thường được sử dụng trong các ca khúc mang tính chất trữ tình, da diết: “Đá trông chồng” (Lê Minh Sơn - E.G.A.H.D), “Chuyến đò quê hương” (Vy Nhật Tảo - D.F.G.A.C). Hoặc đoạn trữ tình, trong một ca khúc: “Hồn Việt” (Minh Châu - D.E.G.A.C), “Giăng tơ” (Lưu Hà An -F.Ab.B.C.Eb), “Mái đình làng biển” (Nguyễn Cường - A.C.D.E.G)…

Ví dụ 15

(Những bài còn lại xem phụ lục trang 19, 36, 53 hoặc thứ tự bảng chữ cái)

Tuy nhiên, còn tùy ý đồ của tác giả và việc sử dụng những yếu tố khác như hình tượng ca từ, tiết tấu nhịp điệu, luyến láy… mà có thể có những sáng tạo khác. Vẫn có một số ca khúc sử dụng điệu Bắc nhưng vẫn trữ tình như: “Chị tôi” (Trần Tiến), “Chim sáo ngày xưa” (Nhất Sinh), “Tiếng hát chim đa đa” (Võ Đông Điền), hoặc những bài sử dụng điệu Ai (Nam) nhưng vẫn tươi vui, sáng sủa: “Chuồn chuồn ớt” (Lê Minh Sơn), “Son” (Đức Nghĩa)…

Trong các điệu thức năm âm trên thì có hai dạng điệu thức có màu sắc đặc biệt là điệu thức Oán có quãng bốn tăng, và Oán biến thể. Dạng biến thể thường gặp nhất trong các ca khúc đương đại là sự biến đổi âm 2 (lên ½ c) và âm 5 (xuống ½ c), tạo thành hai cặp bán cung, màu sắc cũng rất đặc trưng. Nhìn chung, hai dạng thang âm này cho âm hưởng buồn thương, ai oán và nó thường chỉ xuất hiện trong các ca khúc mang âm hưởng dân ca Trung bộ và Nam bộ, cho nên nó cũng gần như là thang âm đặc trưng của dân ca hai vùng này.

Trong ca khúc “ Màu hoa bí” (Võ Đông Điền) tác giả đã kết hợp giữa điệu thức la thứ bảy âm với điệu Oán nguyên thể (A.C.D.E.F#) để tạo nên một âm hưởng rất da diết, bâng khuâng.

Ví dụ 16

Hay trong ca khúc “Thương lắm mình ơi” (Vũ Quốc Việt) tác giả đã dùng điệu thức này (D.E.G.A.H) kết hợp với rê thứ bảy âm để diễn tả tâm trạng tha thiết, nhớ thương người vợ nơi quê nhà.

(Xem phụ lục trang 81)

Tuy nhiên cũng có một số ca khúc tác giả sử dụng điệu Oán nhưng kết hợp với những yếu tố ca từ, luyến láy và đặc biệt là tiết tấu mới, tạo nên một ca khúc hài hước, mộc mạc đầy chất Nam bộ như trong ca khúc “Vợ thằng Đậu” (Võ Thiện Thanh - D.F.G.A.H).

Ví dụ 17

Như tên gọi, thang âm Tây Nguyên đặc trưng cho những ca khúc mang âm hưởng các dân tộc vùng này, thang âm này có hai cặp bán cung tạo màu sắc rất đặc trưng. Tuy nhiên, khi sáng tác các tác giả thường kết hợp cùng với các thang 7 âm:

Thang âm Tây Nguyên (G.H.C.D.F#) kết hợp với thang 7 âm (G dur) trong ca khúc “Đôi mắt Pleiku” của nhạc sĩ Nguyễn Cường.

Ví dụ 18

(Tham khảo thêm “Em muốn sống bên anh trọn đời”, “Ting ning” (Yjang Tuyn… trong phụ lục trang 34, 87).

Ngoài ra một số tác giả còn kết hợp nhiều thang âm trong cùng một ca khúc tạo nên sự phong phú về màu sắc cũng như cảm xúc cho người nghe: như trong “Không thể và có thể” (Phó Đức Phương) kết hợp giữa rê thứ và rê Ai (D.F.G.A.C), “Yêu cái mặn mà” (Trần Quế Sơn) kết hợp giữa Bắc (D.E.G.A.H) và Ai (A.C.D.E.G), rê Oán (D.F.G.A.H) và rê thứ trong “Đêm giao thừa nghe một khúc dân ca” (Võ Đông Điền), “Trên đỉnh Phù Vân” (Phó Đức Phương) kết hợp giữa điệu Bắc (D.E.G.A.H)và mi thứ bảy âm, “Thím Hai Lúa” (Minh Vy) kết hợp giữa điệu Nam Ai (A.C.D.E.G) và Bắc (G.A.C.D.E) …

(Xem phụ lục các trang: 49, 59, 31, 96, 79 hoặc theothứ tự bảng chữ cái).

Như đã nêu trên, thang âm người Việt không chỉ có 5 âm mà còn có cả thang 3 âm, 4 âm, 6 âm, nhưng các ca khúc đương đại thường sử dụng nhiều thang 5 âm nên ở đây tôi đề cập đến thang 5 âm là chủ yếu. Cũng có một vài ca khúc sử dụng các thang âm khác như: 3 âm kết hợp 7 âm (“ Ơi M’Đrak ”/ Nguyễn Cường) và trong ca khúc của các nhạc sĩ thế hệ trước còn sử dụng cả thang 4 âm (một số ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã giới thiệu trong phần 2.2).

Trên đây là những cách vận dụng các dạng thang âm điệu thức để thể hiện từng nội dung, chủ đề trong các ca khúc đương đại, và tất nhiên nó cũng có những biến dịch nhất định chứ không hoàn toàn theo các khuôn mẫu của khái niệm thang âm điệu thức trong âm nhạc truyền thống.

Còn tiếp...