14/09/202310:02

VAI TRÒ CỦA CA KHÚC TRONG ĐỜI SỐNG - PHẦN 8

 2.3.4 Tiết tấu, nhịp điệu

Nhìn chung về nhịp điệu tiết tấu không có những đặc điểm tạo sự khác biệt nổi bật giữa các vùng miền nhưng nó lại là yếu tố quan trọng không thể thiếu để tạo nên những âm hình, đường nét giai điệu.

Những thể loại thanh nhạc trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam đa phần dựa trên lời thơ mà thơ ca người Việt lại rất phong phú về thể loại như thơ lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt, thất ngôn, vè…

Tất cả những tiết tấu, nhịp điệu của các thể loại thơ ca này đều ảnh hưởng đến tiết tấu nhịp điệu trong âm nhạc. Một trong những loại nhịp điệu ảnh hưởng từ tiết tấu thơ ca là nhịp điệu chu kì.

Nhịp điệu chu kì là loại nhịp bắt gặp nhiều nhất trong các ca khúc đương đại âm hưởng truyền thống. Với tính chất lặp lại đều đặn một hoặc một vài âm hình tiết tấu theo chu kì, nhịp này rất gần gũi với thơ ca.

Những ca khúc sử dụng loại nhịp này phần lớn cũng rất giàu chất thơ hoặc chừng mực nào đó cũng mang chất thơ ca trong lời hát, nhất là với loại nhịp chu kì hoàn toàn. Tuy là một ca khúc nhưng khi tách phần giai điệu, lời hát đứng độc lập cũng như một câu thơ:

“ Nhà tôi trên bến sông có chiếc cầu nhỏ cong cong

Hàng cau trong nắng trong lá trầu không

Chị tôi trông dễ thương bán rau chợ Cầu Đông

Chị tôi chưa có chồng”

(“ Chị tôi ” - Trần Tiến)

Hoặc:

“Đêm trắng qua sông dài

Chợt nghe tiếng quốc dưới trăng

Chim hỡi chim kêu bầy

Mà như chim hót nhớ ai”

(“ Tiếng quốc đêm trăng ” - Vũ Đức Sao Biển)

Và còn:

“Hãy đợi anh về ơi lý ngựa ô

Lốc cốc đường xa quanh co nhịp xe thồ

Tưởng là cưỡi ngựa về thăm nhỏ

Lá dặm bông sen cán roi đẹp thấy mồ”

(“ Duyên tình lý ngựa ô ” - Trương Quang Tuấn, thơ: Kim Tuấn)

Hoặc có khi là một ca khúc thoạt nghe qua không thấy có gì liên quan đến thơ ca nhưng khi phân tích kỹ, tách phần giai điệu thì lời hát cũng gần với thể loại vè dân gian, tạo cho ca khúc tính chất vừa dí dỏm, vừa mộc mạc gần gũi:

“Anh đi cà phê sao đầu hôm tối om mò về

Sao không ngồi luôn anh về chi mới hai giờ sáng

Anh vô cà phê anh ngồi coi có hai tờ báo

Anh quên mất rồi đâu hay tới giờ về nhà thăm em”

( “ Cà phê miệt vườn ” - Minh Vy)

Ngoài nhịp chu kì thì có những ca khúc đã sử dụng hẳn những tiết tấu thơ ca như thơ lục bát: “ Trăng ngọc ” - Hồng Xương Long, “Tình ta lý qua cầu” – Trương Quang Tuấn, thơ bốn chữ: “Hát ru @” - Nguyễn Vĩnh Tiến.

Trong âm nhạc cổ truyền Việt nam còn một loại nhịp điệu cũng rất phổ biến là nhịp điệu túy ý, thích ứng với các bài hát có tính chất ngâm ngợi, kể lể. Với tính chất dàn trải, linh động, co giãn thất thường của loại nhịp điệu này mà các tác giả đương đại thường sử dụng nó trong các ca khúc có tính chất trữ tình, tự sự. (Xem cụ thể trong ca khúc “Đá trông chồng” ví dụ 15, trang 49 và tham khảo thêm các bài hát: “Không thể và có thể”, “Trên đỉnh phù vân” - Phó Đức Phương, “Chiều Phủ Tây Hồ” - Phú Quang, thơ: Thái Thăng Long, “Ơi M’Đrak” - Nguyễn Cường… ).

Về tiết tấu thì tiết tấu nhịp ngoại trong hát Chầu Văn và lưu không trong Chèo được sử dụng rộng rãi nhất, trong cả các ca khúc trữ tình lẫn tươi vui như trong các ca khúc: “Giấc mơ trưa” (Giáng Son), “Chuồn chuồn ớt” (Lê Minh Sơn), “Mái đình làng biển” (Nguyễn Cường, xem ví dụ 19, trang 55), “Nắng có còn xuân” (Đức Trí, xem ví dụ 14, trang 48), “Son” (Đức Nghĩa), “Thưa các em gái miền Nam” (Trần Quế Sơn), “Vợ thằng Đậu” (Võ Thiện Thanh, xem ví dụ 17, trang 52)…

Bên cạnh đó, một loại tiết tấu cũng thường được sử dụng trong các ca khúc đương đại là tiết tấu trường canh. Đây là loại nhịp tiết tấu đều đặn, thường thấy thể loại đồng dao và một số bài hát lao động của dân ca Việt Nam như trong chương 1 đã giới thiệu.

Trong các ca khúc đương đại các tác giả lại thường dùng loại nhịp này trong những bài có tính chất mạnh mẽ, dí dỏm, ví von theo chất “đồng dao” như trong ca khúc: “Giăng tơ” (Lưu Hà An), “Bà tôi” (Nguyễn Vĩnh Tiến), “Cà phê miệt vườn” - (Minh Vy).

Ví dụ 36: vận dụng tiết tấu trường canh trong bài “Giăng tơ” (Lưu Hà An)

Ngoài ra một số tiết tấu hò khoan và biến thể cũng được sử dụng như trong một số ca khúc đương đại như: “Giăng tơ” (Lưu Hà An, xem ví dụ 23, trang 60), “Đau xót lý con cua ” (Minh Vy)…

Ví dụ 37: biến thể tiết tấu hò khoan trong ca khúc “Đau xót lý con cua” (Minh Vy).

Tiết tấu hò khoan

2.3.5 Hình tượng và ca từ

Hình tượng, ca từ có lẽ là một trong những yếu tố thường được các tác giả ngày nay sử dụng nhiều nhất để thể hiện một ca khúc mang âm hưởng âm nhạc truyền thống Việt Nam.

2.3.5.1 Hình tượng

Về những hình tượng gợi sự liên tưởng, gần gũi với những gì truyền thống của người Việt có một số hình tượng được thấy rất phổ biến, chung cho các vùng miền như: làng xóm, mái tranh, khói bếp, hàng tre, đồng lúa, dòng sông, cánh cò…tuy nhiên ở mỗi vùng miền lại có những hình tượng rất đặc trưng.

Ở đồng bằng Bắc bộ về hình tượng thiên nhiên thì có thêm hình ảnh “hoa cải”, về giao duyên có: áo the, guốc mộc, nón quai thao, chiếc kiệu …và cả những ý tứ lấy trong ca dao: “Trúc xinh trúc mọc đầu đình, em xinh em đứng một mình cũng xinh ” trong các ca khúc như: “ Son ”- Đức Nghĩa, “ Chuồn chuồn ớt ” (Lê Minh Sơn). Một số hình tượng những con vật gần gũi với cuộc sống của người nông dân cũng như thường thấy trong thơ ca dân gian bắc bộ: cánh cò, tơ nhện, cá bơi, cua đi ngập càng, ngựa tía, chuồn chuồn, chăn trâu, bắt cua đồng… (“ Giăng tơ ” - Lưu Hà An, “Về ăn cơm” - Sa Huỳnh, “Hát ru @” - Nguyễn Vĩnh Tiến, “Chuồn chuồn ớt” - Lê Minh Sơn). Những hình tượng thể hiện lễ nghi phong tục có: thiền tự, mái đình vút cong, phượng long uốn lượn, phủ, hạc trắng, cõi Phật, chùa, âm dương ngũ hành, bát quái, khói hương, hóa vàng… (“ Trên đỉnh Phù Vân ” - Phó Đức Phương, “Mái đình làng biển” - Nguyễn Cường, “Giăng tơ ” - Lưu Hà An, “Chiều phủ Tây Hồ” - Phú Quang…). Về địa danh có: Phù Vân, Yên Tử, rừng trúc mai, sông Cầu, hội Lim, Trà Cổ, phủ Tây Hồ, chợ Cầu Đông. Những nhân vật dân gian, lịch sử thì thường thấy: cô Tấm, Hằng Nga, Cuội, Rồng Tiên, vọng phu, mẹ Âu Cơ, Lạc Long Quân (“Cô Tấm ngày nay” - Ngọc Châu, “Trăng ngọc” - Hồng Xương Long, “Đất nước lời ru” - Văn Thành Nho)...

Ngoài ra, trong các ca khúc đương đại còn sử dụng một số hình tượng về ẩm thực đặc trưng cho làng quê Bắc bộ rất thú vị như: bánh đa, bánh đúc, nắm xôi, hũ rượu (“Về quê ” - Phó Đức Phương, “Giăng tơ” - Lưu Hà An).

Khi vào đến khu vực Trung bộ với những bờ biển, cát trắng trải dài, cái nắng cái nóng gay gắt thì những hình tượng thiên nhiên bắt đầu xuất hiện thêm: rừng thông xanh, biển, cát, gió nóng, nắng chang chang, tháp đền…Về giao duyên có: mái chèo lướt sóng, nón bài thơ, áo tím, ý tứ “hết giận rồi thương” trong “Ví dặm ”...(“Ca dao em và tôi”, “Huế thương ” - An Thuyên). Về địa danh lập tức xuất hiện những tên gọi rất ấn tượng: xứ Quảng, phố Hội, sông Thu Bồn, chùa Cầu, cửa Đại, Hàn Giang, Ngũ Hành Sơn, Hội An, Hòa Vang, thánh địa Mỹ Sơn, Ô Lý, đỉnh Hải Vân, Huế, sông Hương…(“ Tình em xứ Quảng ” - Trần Ngọc, “ Yêu cái mặn mà ” - Trần Quế Sơn, “Huế thương” - An Thuyên). Về đề tài lao động có: chèo thuyền, vượt núi băng rừng, vỡ nương hoang, khai phá …(“Bài ca dựng đất” - Vũ Đức Sao Biển). Về ẩm thực có: “cái nồng cay” rất ấn tượng (“Yêu cái mặn mà” - Trần Quế Sơn)…

Đến khu vực Nam bộ với đặc trưng là hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt thì hình tượng thiên nhiên có thêm những hình ảnh rất đặc trưng cho vùng này như: hàng dừa, hoa bí vàng, nhánh mù u, nước lũ, cầu ván rung rinh, cầu tre lắt lẻo. Ở vùng sông nước nên lại có những hình tượng liên quan đến những công việc trên sông nước như: thăm nước ruộng, giăng câu, thả mồi, chèo xuồng, chèo ghe, đưa đò, thuyền ra khơi… Ngoài ra, cách xưng hô đặc trưng của vùng miền cũng được các nhạc sĩ đưa vào các ca khúc làm cho ca khúc trở nên mộc mạc, gần gũi với “miệt” Nam bộ như: con Út, thằng Hai, chú Tư (“ Vợ thằng Đậu ” - Võ Thiện Thanh, “ Cà phê miệt vườn ” - Minh Vy). Cả ẩm thực vùng đất Nam bộ cũng được các tác giả khai thác một cách rất duyên: canh chua, cá kèo, bánh lá dừa, bống kho, canh cá: (“ Vợ thằng Đậu ”- Võ Thiện Thanh, “ Thím Hai Lúa ” - Minh Vy, “ Nội tôi ” - Đình Văn…).

Ở nhóm các ca khúc âm hưởng dân ca các dân tộc thiểu số, ở đây đa số là Tây Nguyên thì lại thấy xuất hiện các hình ảnh của cao nguyên đại ngàn: buôn làng, mùa trăng, mùa rẫy, mặt trời, ngọn núi, xanh ngàn lá rừng, cao nguyên, hàng thông, ngọn lửa, gió, sương, thảo nguyên, đàn bò, khèn Đinh Năm, đàn Ting Ning, nhịp chiêng, kể khan Đam San, tiếng trống già làng…Về địa danh: núi Chư Pông, dòng Krong na, Ban mê, Pleiku, Biển Hồ, dòng Xê Xan, M’Đrak, Trường Sơn... Về ẩm thực đặc trưng của vùng đất này là hai thứ cà phê và rượu cần cũng thường xuyên được xuất hiện. Một hình tượng rất độc đáo, đặc biệt xuất hiện gần như hầu hết trong các ca khúc âm hưởng dân ca Tây Nguyên là đôi mắt, có lẽ đôi mắt thăm thẳm của những con người vùng đại ngàn này đã gây những ấn tượng rất sâu sắc với nhạc sĩ (“Đôi mắt Pleiku”, “Ly cà phê Ban Mê”, “Ơi, M’Đrak ” - Nguyễn Cường).

2.3.5.2 Ca từ

Ở khu vực đồng bằng Bắc bộ những ca từ các nhạc sĩ đương đại thường sử dụng cũng nằm trong các thể loại âm nhạc ca hát của vùng miền này như: ố mấy tang tình tang, người ở đừng về (Quan Họ) trong “ Tơ hồng ” - Nhất Sinh , ư hự (Ca Trù) trong “ Đá trông chồng ” - Lê Minh Sơn, “ Không thể và có thể ” (Phó Đức Phương), “ Mái đình làng biển ” - Nguyễn Cường, cái chi chi (xẩm), í a , tình cốp (Chèo) trong “ Son ” - Đức Nghĩa, í mà, tỉ tơi(“Nắng có còn xuân” - Đức Trí), hò lơ hó lơ, à ơi, ru hời …chung cho các thể loại: “ Giăng tơ ” - Lưu Hà An, “Trăng ngọc” (Hồng Xương Long), “Hát ru @” (Nguyễn Vĩnh Tiến), “Hồn Việt” - Minh Châu...

Qua khu vực miền Trung trong các ca khúc lại xuất hiện những ca từ rất đặc trưng cho thổ ngữ vùng này: đi mô, chi, răng, rứa, hỉ, bên ni, bên tê, chu choa, hung hè (“ Yêu cái mặn mà”, “Thưa các em miền Nam” - Trần Quế Sơn), ba lý tích tang (“ Bài ca dựng đất ” - Vũ Đức Sao Biển), chừ, nam ai nam bình(“Huế thương ” - An Thuyên)…

Vào đến vùng đất Nam bộ lại thấy những ca từ thể hiện “phong cách” riêng của vùng này rất thú vị trong các ca khúc như: má nó, ba nó, biểu, trưa trầy trưa trật, lẹ, hổng (“Vợ thằng Đậu ” - Võ Thiện Thanh), mình ên (“Thương lắm mình ơi” - Vũ Quốc Việt), ầu ơ (“Tiếng hát chim đa đa ” - Võ Đông Điền), mần ăn, thiệt đẹp, miệt vườn (“Cà phê miệt vườn ” - Minh Vy), vô, heo, quá trời, cái buồn hiu, rưng rức, chữ xề (“Bẽ bàng bướm đậu mù u” - Trương Quang Tuấn), bỏ bạn/ con bạn tình chung, ơi con bạn tình ơi (“Tiếng quốc đêm trăng” - Vũ Đức Sao Biển), ừa, tía, dìa (“Duyên tình lý ngựa ô ” - Trương Quang Tuấn)…

Với những ca khúc mang chất liệu dân ca Tây Nguyên chủ yếu là những hư từ: hê, hế … (“ Ting ning” - Yjang Tuyn).

2.3.6 Những yếu tố khác

Ngoài những yếu tố về thang âm, luyến láy, đường nét âm điệu, nhịp điệu tiết tấu, hình tượng ca từ như đã nêu ở phần trên thì các yếu tố rung, nhấn, diễn xướng những “nốt non nốt già” cũng là những yếu tố hết sức độc đáo và tinh tế trong âm nhạc truyền thống Việt Nam. Tuy nhiên trong các ca khúc đương đại thường không thể hiện những yếu tố này vì nhiều lý do: trình độ hạn chế của người sáng tác, trình độ diễn xướng và hiểu biết hạn chế của ca sĩ, các nhạc khí trong dàn nhạc điện tử khó thể hiện các yếu tố này…

Bên cạnh đó vẫn có một số nhạc sĩ đưa những yếu tố trên vào trong một số ca khúc như “ Không thể và có thể” - Phó Đức Phương, “Son” - Đức Nghĩa , “Cõng mẹ đi chơi” - Trần Quế Sơn, “Ơi M’Đrak”, “Ly cà phê ban mê ” - Nguyễn Cường như trong “Đất nước lời ru ” - Văn Thành Nho... tạo cho ca khúc sự tinh tế gần gũi hơn với truyền thống. Nó được một số ca sĩ thể hiện rất tốt như Thanh Lam, Mỹ Linh, Trang Nhung, Y Moan… và đã trở thành những ca khúc được yêu thích, xuất hiện nhiều trong các cuộc thi ca hát suốt nhiều năm qua.

Ngoài ra, một số nhạc sĩ còn có sự sáng tạo không kém phần độc đáo là biến chính ngữ điệu ít thanh dấu của người dân tộc thành một giai điệu vận động quanh một thang 3 âm liền bậc, tạo âm hưởng rất gần gũi với ngữ điệu và dân ca Tây Nguyên như trong ca khúc “ Ơi, M’Đrak” của nhạc sĩ Nguyễn Cường (G-A-H).

Như đã nêu trong phần 2.1, với âm nhạc nói chung và ca khúc nói riêng, ngoài các yếu tố thuộc về kỹ thuật sáng tác thì các yếu tố thuộc về biểu diễn, hòa âm phối khí cũng là những hình thức thể hiện nội dung.

Vai trò của người biểu diễn rất quan trọng, qua sự thể hiện, sáng tạo lần hai của họ mà một ca khúc có thể mang nhiều màu sắc cảm nhận khác nhau, có thể gần hơn với những khái niệm truyền thống (như cách thể hiện của nhóm “Mặt Trời Đỏ”, “Mặt Trời Mới”…) và cũng có thể gần hơn với hơi thở hiện đại (như cách thể hiện của Tùng Dương, Anh Khang...). Nhưng với cách thức nào đi nữa thì nó cũng phải phù hợp với nội dung chủ yếu mà tác phẩm muốn thể hiện, không thể mượn danh sáng tạo để làm méo mó nội dung.

Tương tự như vậy, phần hòa âm phối khí cho một ca khúc cũng rất quan trọng trong việc thể hiện nội dung một ca khúc. Đôi khi một bài hát với bản ký âm rất đơn giản nhưng với phần hòa âm phối khí đầy sáng tạo đã thổi cho nó một màu sắc, âm hưởng mới rất đặc sắc. Có khi nó làm tăng thêm màu sắc truyền thống cho một ca khúc, cũng có khi nó được “hiện đại hóa” với một ý đồ nhất định. Tuy nhiên, cũng như yếu tố biểu diễn, hòa âm phối khí dù sáng tạo thế nào cũng không thể trở thành lạ lẫm, sai lệch với nội dung chính mà nó phải chuyển tải, một ca khúc mang âm hưởng dân ca Việt Nam không thể làm cho nó trở thành âm hưởng Trung Hoa hay dân tộc nào khác, đây là vấn đề mà một số nhạc sỹ ít chịu nghiên cứu thường mắc phải.

Nói tóm lại, nội dung và hình thức là một cặp phạm trù biện chứng vừa thống nhất, vừa mâu thuẫn. Hình thức tồn tại chỉ khi có nội dung và nội dung tồn tại trong hình thức, nội dung nào có hình thức đó. Hình thức và nội dung không thể tách rời.

Qua phần tìm hiểu cách thức vận dụng các yếu tố truyền thống trong các ca khúc đương đại ở trên chúng ta có thể thấy rằng sở dĩ những ca khúc này thành công vì đã biết cách sử dụng các hình thức thích hợp để thể hiện các nội dung cần chuyển tải. Tất cả các yếu tố thang âm điệu thức, luyến láy, đường nét âm điệu, nhịp điệu tiết tấu, hình tượng và ca từ đều được lựa chọn để thể hiện từng nội dung, đề tài phù hợp như đã phân tích, giới thiệu ở trên. Nhờ đó đã làm cho các ca khúc mang hơi thở của cuộc sống hiện đại nhưng vẫn có gì rất gần gũi với người Việt Nam. Có lẽ đó cũng chính là nguyên nhân khiến chúng được yêu thích, có “sức bền”, đáp ứng được cả nhu cầu thị hiếu lẫn nghệ thuật như vậy. Bên cạnh đó, nó còn đóng vai trò định hướng thẩm mỹ, góp phần đẩy lùi những mảng tiêu cực trong hoạt động sáng tác, biểu diễn và thưởng thức nghệ thuật ở thành phố Hồ Chí Minh.

Còn tiếp...