20/07/202313:24

VAI TRÒ CỦA CA KHÚC TRONG ĐỜI SỐNG - PHẦN ĐẦU

MỞ ĐẦU

Ca khúc là một trong những thể loại âm nhạc quan trọng, chiếm một số lượng lớn trong các tác phẩm âm nhạc ở nước ta. Với nội dung phản ánh cuộc sống, tâm tư tình cảm một cách cụ thể, chân thật, gần gũi, âm nhạc thường ngắn gọn, đơn giản nên ca khúc rất gắn bó và dễ thưởng thức với đại đa số quần chúng. Từ nhiều năm qua, không những ca khúc đóng góp vào nền nghệ thuật mà cả trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Từ những ca khúc cách mạng trước và sau năm 1954 với rất nhiều những nhạc phẩm hừng hực khí thế nhưng vẫn mang âm hưởng truyền thống như: “Chiến thắng Điện Biên” (Đỗ Nhuận), “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” (Doãn Nho, lời: Hữu Thỉnh)… đến các ca khúc của phong trào sinh viên yêu nước ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 như “Đồng lúa reo” (Tôn Thất Lập)... như tiếp thêm lửa, thêm sức mạnh tinh thần cho quân và dân ta trong suốt hai cuộc kháng chiến. Cũng đã có rất nhiều những ca khúc cách mạng trữ tình âm hưởng truyền thống đi vào lòng người và sống mãi như: “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” (nhạc: Hoàng Hiệp, thơ: Phạm Tiến Duật), “Anh ở đầu sông em cuối sông” (nhạc: Phan Huỳnh Điểu, thơ: Hoài Vũ), “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người” (Trần Kiết Tường). Trong thời kỳ xây dựng đất nước thì có: “Người đi xây hồ kẻ gỗ”, “Dáng đứng Bến Tre” (Nguyễn Văn Tý), “Trên những tuyến đường Quan Họ” (Nguyễn Thiện Trúc), “Tình ca Tây Nguyên” (Hoàng Vân), “Tình đất đỏ miền Đông” (Trần Long Ẩn ), “Hát từ biển khơi” (Vy Nhật Tảo)… đã góp phần khích lệ tinh thần toàn dân trong công cuộc xây dựng lại đất nước trong những năm đầu hòa bình.

Cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế đòi hỏi phải mở cửa giao lưu văn hóa, thiết lập quan hệ song phương, đa phương trên mọi lĩnh vực xã hội. Giao lưu văn hóa mang tính quy luật này khiến mọi quốc gia phải tuân thủ và cũng chính nhờ đó mà các quốc gia được tiếp cận nhanh với các thành tựu khoa học kỹ thuật, văn hóa… của các quốc gia khác. Thực tiễn cho thấy quốc gia nào biết cách học hỏi những thành tựu của thế giới thì quốc gia đó nhanh chóng phát triển về cả kinh tế, khoa học kỹ thuật cũng như văn hóa nghệ thuật.

Tuy nhiên, sự giao lưu hội nhập không chỉ mang đến những mặt tích cực mà nó cũng gây nên một số tiêu cực nhất định. Đó là nguy cơ lai căng, đánh mất bản sắc dân tộc, coi thường và làm lu mờ truyền thống dân tộc.

Không những thế, trong thời buổi kinh tế thị trường, văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng đều bị ảnh hưởng bởi những yếu tố lợi nhuận, thị hiếu đám đông.

Đã có rất nhiều bài viết lên tiếng về vấn đề này như: “Loạn nhạc trẻ” của tác giả Minh An đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng, “Âm nhạc và những nỗi lo không của riêng ai” của tác giả Minh Châu đăng trên trang web của Hội Nhạc sỹ Việt Nam, “Giáo dục thẩm mỹ âm nhạc cho giới trẻ” của tác giả Nguyễn Thu Hiền trên báo Nhân Dân online…

Vậy nên, trong bối cảnh trên, việc định hình một khuynh hướng bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc trong nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng là rất cần thiết. Không cực đoan theo kiểu bảo tồn “khung kính” vì “…giới trẻ tuy có thán phục nhưng vẫn quay lưng với âm nhạc truyền thống vì họ cho rằng loại nhạc này của thế hệ cha ông…” [37, tr.188]. Cũng không mượn danh nghĩa “hòa nhập”, “hiện đại” để tạo ra những sản phẩm nghệ thuật hoàn toàn xa lạ với bản sắc dân tộc.

Trong tình hình đó, một số nhạc sỹ cũng đã tìm tòi, sáng tác những ca khúc có giá trị kết hợp giữa những yếu tố truyền thống và hiện đại, thu hút được sự chú ý của đông đảo người nghe. Không những thế, những ca khúc này còn được bình chọn trong một số giải thưởng tương đối uy tín như “Làn sóng xanh”những năm trước như: và gần đây là “Bài hát Việt”, xuất hiện thường xuyên trong các cuộc thi ca hát và các chương trình băng đĩa cũng như biểu diễn trong suốt nhiều năm qua như các ca khúc: “Không thể và có thể”, “Chảy đi sông ơi” (Phó Đức Phương), “Chị tôi” (Trọng Đài, thơ: Đoàn Thị Tảo), “Ông tôi”, “Bà tôi”, “Hát ru @” (Nguyễn Vĩnh Tiến), “Giăng tơ” (Lưu Hà An), “Nắng có còn xuân” (Đức Trí)…

Vì sao các ca khúc này lại thành công như vậy? Nó đã vận dụng những yếu tố truyền thống như thế nào? Các yếu tố đặc trưng của âm nhạc truyền thống là gì? Nó đã đóng vai trò ra sao trong nền âm nhạc Việt nam hiện đại? Tìm hiểu, trả lời cho những câu hỏi trên không chỉ để thấy được giá trị của dòng ca khúc này mà qua đó giúp các nhạc sĩ trẻ, mới vào nghề có thể có được một số kiến thức, nhận định để vận dụng, tham khảo khi sáng tác.

Nói về các ca khúc âm hưởng truyền thống trong âm nhạc Việt nam thì rất nhiều và rộng, từ các ca khúc tiền chiến, nhạc “vàng” trước 1975, nhạc “sến”, nhạc cách mạng… đều có rất nhiều ca khúc hay mang âm hưởng dân ca và nhạc cổ truyền. Tuy nhiên với mục đích định hướng trong việc sáng tác ca khúc cho các tác giả trẻ bằng cách tìm hiểu sự thành công về nhiều mặt trong những ca khúc đương đại nên trong đề tài này tôi chỉ xin giới hạn nghiên cứu trong phạm vi các ca khúc mang âm hưởng truyền thống hiện đại được sáng tác hoặc phổ biến trong khoảng thời gian đầu thế kỷ XXI đến nay. Trong số các ca khúc thời kỳ này tôi cũng chỉ chọn các ca khúc nằm trong đề cử, bảng xếp hạng của giải thưởng như “Làn Sóng Xanh”, “Bài Hát Việt” và tần suất xin cấp phép trong các chương trình băng đĩa cũng như ca múa nhạc theo dữ liệu của Sở Văn Hóa - Thể thao thành phố Hồ Chí Minh, nơi có hoạt động ca nhạc sôi động nhất cả nước để đánh giá mức độ thành công mà thôi.

Thêm vào đó, quyển sách này cố gắng đúc kết, đưa ra được những yếu tố góp phần biểu hiện bản sắc âm nhạc truyền thống: thang âm điệu thức, nhịp điệu tiết tấu, luyến láy, đường nét âm điệu, hình tượng và ca từ, rút ra được một số hình thái vận dụng các yếu tố truyền thống trong các ca khúc đương đại để từ đó các nhạc sĩ có thể tham khảo hoặc đi sâu vào tìm hiểu trong quá trình sáng tác.Qua đó, thấy được những vấn đề tồn tại và phát huy.

CHƯƠNG 1

VAI TRÒ CỦA CA KHÚC TRONG ĐỜI SỐNG VÀ NHỮNG YẾU TỐ TRUYỀN THỐNG TRONG CÁC CA KHÚC ĐƯƠNG ĐẠI

1.1 MỘT SỐ KHÁI NIỆM

 

Trước khi đi vào nội dung chính, tôi xin đề cập đến một số khái niệm sử dụng trong quyển sách này.

Theo “Từ điển Từ và Ngữ” của Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM do GS Nguyễn Lân biên soạn thì:

Bản sắc dt(H. bản: của mình; sắc: dung mạo) Tính chất đặc biệt vốn có, tạo thành phẩm cách riêng: Giúp sức chu toàn bản sắc dân tộc (TrVGiàu).

Đương đạitt (H. đương: hiện tại; đại: đời) Hiện nay: Văn học đương đại.

Hiện đạitt (H. đại: đời) Thuộc về thời đại hiện nay: Toán học vốn là nền tảng của khoa học và công nghệ hiện đại (HgTụy)

Truyền thống dt (H. thống: nối nhau không dứt) Điều truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác: Nhân dân Việt- Nam có truyền thống yêu nước nồng nàn (HCM).[10, tr.63, 698, 832,1938]

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia tiếng Anh thì những khái niệm về ca khúc, ca khúc nghệ thuật, ca khúc phổ thông, dân ca, nhạc đương đại được định nghĩa như sau:

Ca khúc: là một tác phẩm âm nhạc viết cho một hoặc nhiều giọng hát, có hoặc không có phần đệm, lời của ca khúc có vần, điệu như là một thể loại thơ. Ca khúc có thể được phân loại theo mục đích (đạo ca, tục ca…), phong cách (dance, ballad…), theo thời gian (phục hưng, đương đại…)…Một trong những cách phân loại được các nhà chuyên môn thường sử dụng là: ca khúc nghệ thuật, ca khúc phổ thông và dân ca.

Ca khúc nghệ thuật (art song): là những ca khúc có soạn phần đệm cho một hay nhiều nhạc cụ, phần đệm này không chỉ đóng vai trò bè đệm mà còn là một bộ phận của tác phẩm, góp phần cho sự hoàn thiện của tác phẩm.

Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động ca nhạc ở Việt Nam, một số ca khúc tuy không có phần đệm nhưng với những kỹ thuật sáng tác, ngôn ngữ âm nhạc, độ khó về xử lý kỹ thuật cũng như sắc thái tình cảm mà nó có phần gần với các ca khúc thuộc dòng nhạc kinh điển. Nhiều ca khúc dạng này đã thường xuyên được sử dụng không chỉ trong các cuộc thi ca hát đại chúng mà còn trở thành những tác phẩm bắt buộc, được đưa vào giảng dạy ở các trường nghệ thuật như các ca khúc: “Bóng cây K’nia” (Phan Huỳnh Điểu, phổ thơ dân tộc H’rê, Ngọc Anh dịch), “Áo mùa đông” (Đỗ Nhuận), “Lời ru trên nương” (Trần Hoàn, thơ: Nguyễn Khoa Điềm), “Địu con đi nhà trẻ” (Đào Ngọc Dung)… [39]. Vậy nên, trong thực tế khái niệm ca khúc nghệ thuật ở Việt Nam còn bao gồm cả các ca khúc không có phần đệm nhưng có kỹ thuật sáng tác, biểu diễn mang nhiều yếu tố nghệ thuật.

Ca khúc phổ thông (popular song): là một thể loại ca khúc dành cho mọi lứa tuổi, đáp ứng thị hiếu đông đảo quần chúng, dành cho số đông khán giả. Trái ngược với ca khúc nghệ thuật, chỉ dành cho một số ít người nghe và dân ca thường phổ biến trong địa phương nào đó.

Dân ca (folksong): là những bài ca được truyền miệng, phát triển qua một thời gian dài, không rõ tác giả, trình diễn theo phong cách truyền thống. [48]

Còn theo quyển “Bước đầu tìm hiểu âm nhạc” của tác giả Nguyễn Lang thì ca khúc (thường còn gọi là bài hát) chỉ một thể loại thanh nhạc rất quen thuộc và phổ cập, mang nhiều dạng khác nhau. Từ những bài hát do nhân dân sáng tác (còn gọi là dân ca) cho đến ca khúc của những nhạc sỹ chuyên nghiệp, những tác phẩm này tùy theo tính chất mà gọi là “ca khúc quần chúng”, “ca khúc trữ tình”, “ca khúc nhạc nhẹ”… Trong các vở Opera cũng có một số ca khúc là những điệu hát quen thuộc của các nhân vật (Aria).

Theo các khái niệm trên, quyển sách này sẽ giới hạn một số vấn đề sau:

- Các ca khúc sử dụng để phân tích trong chương 2 là các ca khúc phổ thông (popular song) và một số ca khúc nghệ thuật không phần đệm.

- Trong quyển sách này sử dụng khái niệm “đương đại” để giới hạn các ca khúc nghiên cứu trong phần 2.3 là các ca khúc Việt Nam sáng tác hoặc được phổ biến trong khoảng thời gian đầu thế kỷ XXI đến nay mà thôi.

1.2 VAI TRÒ CỦA CA KHÚC TRONG ĐỜI SỐNG

Ca khúc có lẽ là thể loại âm nhạc xuất hiện sớm nhất của con người, gần như từ khi có tiếng nói cũng là lúc xuất hiện những bài hát đơn giản phản ánh, đáp ứng những nhu cầu của cuộc sống. Cả lịch sử âm nhạc Việt Nam lẫn âm nhạc thế giới đều ghi nhận từ thời xa xưa đã có những bài hát lao động (đuổi thú, săn bắt, chèo thuyền…), hát ru, hội hè… rất đơn giản, chỉ gồm hai đến ba âm. Theo quá trình phát triển, thể loại này ngày càng hoàn chỉnh hơn, trở thành những ca khúc có cấu trúc hình thức từ đơn giản đến phức tạp hơn (1 đoạn, 2 đoạn, 3 đoạn), ca khúc nghệ thuật có biên soạn phần đệm như một thành phần của ca khúc, thậm chí nó còn được nâng cao thành một thể loại khí nhạc như những ca khúc không lời viết cho piano của Mendelssohn. 

Tuy nhiên, chiếm số lượng lớn nhất có lẽ là các ca khúc phổ thông vì nó đáp ứng và phản ánh cuộc sống một cách cụ thể nhất, thiết thực nhất. Từ xa xưa đã thấy trong lao động có các bài hát không những mang nội dung, hình tượng mà nhịp điệu của nó cũng hỗ trợ rất nhiều vào quá trình lao động như hệ thống các bài Hò Sông Mã trong dân ca Việt Nam... Trong các dịp tế lễ, thờ cúng theo phong tục tập quán thì có những bài Lined Hymn, Spiritual của người châu Âu, châu Mỹ, Chầu Văn, Thơ Nhang; Đóng Đám trong hát Xoan của người Việt … Để thể hiện tâm tư tình cảm thì có những ca khúc trữ tình như các Romance của âm nhạc phương Tây, các thể loại ca hát giao duyên của Việt Nam… Ngoài ra, những tâm tư tình cảm còn được thể hiện trong thể loại hát ru của người Việt bên cạnh chức năng ru trẻ. Trong sinh hoạt, hội hè lại có những ca khúc cộng đồng, hay những thể loại như hò đối đáp, hát Quan Họ của người Việt… Từ đó đến nay, ngày càng ra đời nhiều thể loại ca khúc để đáp ứng nhu cầu đa dạng của cuộc sống như: tình ca, đạo ca, hành khúc, ca khúc cộng đồng…

Bất cứ loại hình nghệ thuật nào cũng có năm chức năng cơ bản: chức năng giáo dục tình cảm xã hội, chức năng nhận thức, chức năng thẩm mỹ, chức năng thông tin giao tiếp, chức năng giải trí. Riêng với âm nhạc nói chung và ca khúc nói riêng, chức năng xã hội của nó mạnh mẽ nhất, lan tỏa nhất, những ca khúc cộng đồng có thể lôi kéo hàng trăm, hàng nghìn người cùng hưởng ứng, những nhạc phẩm hay có sức sống vượt thời gian và không gian. Chức năng này chúng ta có thể thấy rõ nhất qua các ca khúc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Có thể nói chính những ca khúc hào hùng ấy đã thổi bùng ngọn lửa, khí thế cách mạng, góp phần vào chiến thắng của dân tộc. Nhưng cũng chính với chức năng này nếu âm nhạc không có được sự định hướng thẩm mỹ thì sự lan tỏa của nó sẽ trở thành “thảm họa”.

Còn tiếp...